Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền:

Phải tự lấp những khoảng trống trong tâm hồn mình

Thứ Sáu, 26/02/2016, 06:05
Tôi gặp anh lần đầu tiên khi vô tình ngồi cùng anh ở hội đồng bình luận trong chương trình “Giai điệu tự hào” của VTV, và ngay từ lần đầu tiên ấy tôi đã đoán chắc rằng cái gã này ngang tàng, góc cạnh lắm đây! Sau này, đọc anh, nghe anh nhiều hơn, tôi hiểu thêm rằng, đấy là một  sự ngang tàng, góc cạnh đầy thú vị. 

Ngày đầu năm, bên chén rượu tân xuân tôi ngồi với anh để nói về một công việc mà với nó và vì nó trong hơn 1 năm qua, anh đã gần như kiệt sức - nghiên cứu âm luật nhạc Ả đào. Anh bảo, mình thực hiện công việc này giống như người xưa “xuất quân qua sông đốt lương chặt cầu”, và tự nhủ nếu không xong việc, quyết không quay về “bến sông” này nữa!

Có một ả đào tủi phận

- Nhà báo Phan Đăng: Anh Hiền này, trong khoảng 2 năm trở lại đây vì sao anh lại đắm say, sống chết với công việc này đến thế?

- Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Tôi đã nghiên cứu cổ nhạc hơn 20 năm qua, bản thân nắm khá vững về quy luật âm điệu của các thể loại tài tử - cải lương, chèo, tuồng, xẩm, quan họ, hát văn..., nhưng riêng mảng ả đào (tức ca trù) thì mới chỉ dừng ở các nghiên cứu lịch sử văn hóa. 

Sau liên hoan ca trù toàn quốc cuối năm 2014, ngồi chấm thi cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn lão thành cuối cùng của thế kỷ XX, tôi lắng nghe cụ, quan sát cụ và bỗng thấy... giật mình! Đào kép trong liên hoan đàn hát sai nhiều quá, và nói thật, có nhiều cái mà trước đây mình chấp nhận được, nghĩ là đúng nhưng giờ nghe cụ Đẹ phân tích mới biết hoá ra là sai. Sau đó tôi về mất ngủ tới một tuần, rồi bàn với vợ, và quyết định tạm dừng mọi việc mưu sinh, lên đường về nhà cụ, bắt đầu một chuyến phiêu lưu điền dã để tìm hiểu lại mọi thứ cho ngọn ngành, chính xác. Cụ Đẹ là nhân chứng nhà nghề cuối cùng đã ở cái tuổi ngoài 90, tôi không thể để thời gian phí hoài thêm nữa!

- Và từ cụ Đẹ, chắc chắn cả một chân trời mới được khai mở trong anh?

- Thật may mắn, ngay trong những ngày đầu nghiên cứu, tôi rất bất ngờ vì cụ Đẹ còn nhớ gần như đầy đủ toàn bộ thể thức hát cửa đình của người Việt, một giá trị cổ điển mà các nguồn sử liệu từng nhắc đến. Bạn nên nhớ, ngày xưa ca trù chính là hát cửa đình, chuyên phục vụ nghi thức thờ thần ở đình, đền làng Việt. Hội làng nào cũng phải mời giáo phường ca trù đến hát, và thời ấy người ta trả tiền công đào kép theo thẻ thưởng. Nghĩa là quan viên làng sở tại xem hát thờ, cứ đoạn nào thấy hay thì ném 1 chiếc thẻ tre vào chậu đồng để thưởng cho đào kép. 

Đến sáng, hết một chầu hát, người ta đếm số thẻ rồi quy ra tiền mặt hay vật phẩm. Tùy theo lệ mỗi vùng mà giá trị thẻ thưởng tương đương với vài đồng bạc, thêm chút hoa quả, lạng thịt lợn..., cũng có nơi trả công toàn bằng bánh dày. Tất cả được đôi bên thống nhất ghi trong văn bản gọi là “khế ước”, thậm chí đục vào bia đá. Hiện ở Tiên Du - Bắc Ninh vẫn còn tấm bia khắc ghi những điều khoản này. Có thể thấy đó là nguồn thu nhập cơ bản của đào kép giáo phường. Cũng nói thêm, trong tiếng Hán, “trù” nghĩa là “thẻ”, và vì thế “ca trù” (tức hát thẻ) là tên có ý nghĩa thương mại. Còn danh xưng cổ xưa, cũng là tên gọi phổ biến nhất là ả đào. Tương truyền, ả đào có từ đời Lý và đến đời Lê đã rất thịnh hành.

- Còn một tên nữa là “hát cô đầu”?

- Đến khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều giáo phường đã ra thành phố mở nhà hát, thuần túy phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, gọi là nhà hát cô đầu. Đây là danh xưng diễn nôm, “ả” đổi thành “cô”, “đào” đọc trại thành “đầu”, “ả đào” thành “cô đầu” là vậy!

- Trở lại với cụ Nguyễn Phú Đẹ, sau khi gặp gỡ cụ, tầm sư học đạo từ cụ thì điều tiếp theo anh làm gì ạ?

- Sau khi gặp cụ, và nói theo cách của bạn là được cụ khai mở cho cả một chân trời mới thì vợ chồng tôi lại phi xe máy về Hải Phòng tiếp tục phỏng vấn nghệ nhân Nguyễn Thị Chín, cũng là đào nương lão thành cuối cùng của thế kỷ XX. Nhân tiện gặp chị Đỗ Quyên - chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng, tôi thuyết phục chị đưa đào kép về học cụ Đẹ, phục dựng lại một chầu hát cửa đình. Đầu tiên chị Quyên nói không có kinh phí, tôi bảo: “Chị phải vay tiền làm bằng được, vì cụ Đẹ đã 90 tuổi rồi, bây giờ mà không làm gấp thì không biết bao giờ mới làm được, và nhỡ có chuyện gì thì...”. 

Sau một đêm trằn trọc, chị Quyên gọi lại cho tôi và bảo: “Nghe em nói làm chị như phát điên, thôi chị nhờ em về qua nói với cụ tuần sau Ca trù Hải Phòng sẽ về sửa lễ thụ giáo...”. Mừng quýnh, tôi quay lại nhà cụ Đẹ ở Hải Dương, chốt lịch với cụ và từ đó một tuần hai buổi, đào kép Hải Phòng thuê ôtô về nhà cụ học đàn học hát. Sau 2 tháng ròng rã, họ tổ chức một lễ báo cáo ở nhà cụ để cụ duyệt. Sau 4 tháng, khi cụ hài lòng, gật đầu, vào ngày 14/1/2015, Câu lạc bộ đã tổ chức lễ phục dựng chầu hát cửa đình đầu tiên tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng). 

- Theo như anh nói thì ca trù khởi nguyên là hát ở đình, nghĩa là gắn liền với các hình thức tế lễ, lễ hội, vậy khi nó ra thành phố, trở thành nhà hát cô đầu thì chắc chắn cũng có những thay đổi nhiều lắm?

- Hát cửa đình là hình thức hát thờ cổ điển, có hệ thống bài bản riêng, gắn bó với nghi lễ tín ngưỡng. Nhưng sau khi ra ca quán, chuyển thành hình thức hát chơi thì thể loại có thay đổi cơ bản, bỏ hẳn các tiết mục múa cùng nhiều thể cách hát thờ, nhưng bên cạnh đó đào kép cũng sáng tạo/ du nhập thêm nhiều thể cách mới có giá trị nghệ thuật cao.

- Thậm chí hát cô đầu có lúc lại được hiểu là gắn liền với những tệ nạn này nọ...

- Nếu đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, bạn sẽ biết chuyện các văn sĩ của mình thời ấy thường xuyên đến nghe các cô đầu phố Khâm Thiên hát, thậm chí còn ăn nhờ ở đậu tại đấy. Vũ Bằng kể với chúng ta rằng, có khi cuối tháng, đến kỳ phát lương thì tòa soạn lại cho người mang tiền đến trả nợ các nhà hát. Vậy bạn thử hình dung vai trò của những đào nương chủ nhà hát, họ vừa phải quản lý các đào kép, coi sóc việc thuế má, làm ăn khách khứa, lại vừa phải chăm sóc cơm ăn nước uống, bầu bạn với cả khối văn sĩ nổi tiếng đất Hà Thành, rõ là một mô hình nghệ thuật chuyên nghiệp đấy chứ! Còn việc các ca nương có tài, có sắc, họ yêu ai, có chịu lấy chồng, sinh con hay không là chuyện riêng của họ. Tại sao lại bắt mọi người phụ nữ phải có chồng con thì mới là bình thường, là có đạo đức? Còn tệ nạn hay không là quan niệm của từng thời kỳ lịch sử, tùy theo nhu cầu thụ hưởng xã hội. Nhưng nhất quyết không thể gán các hiện tượng sinh hoạt bên lề để “chụp mũ” cho một thể loại cổ nhạc nghìn năm tuổi như ả đào!

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng trong cuộc trò chuyện.

- Số lượng đào nương của Hà Nội thời đó nhiều không, thưa anh? Và số phận đào nương  sau này bấp bênh, trắc trở lắm thì phải?

- Theo nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì khi toàn quốc kháng chiến năm 1946, chuyến tàu cuối cùng ở ga Hàng Cỏ đã đưa khoảng 300 đào nương lên chiến khu làm dân công. Con số ấy cho thấy số lượng ả đào ở Hà Nội còn nhiều hơn cả những nghệ sĩ tuồng, chèo, và có thể xác định nó là dòng nghệ thuật chính thống, chủ lưu của một thời. Hiện rất ít người biết rằng ở nửa đầu thế kỷ XX, trong khi cải lương Bắc tiến thì ả đào lại Nam tiến, nhiều đào kép đã vào Sài Gòn mở nhà hát kiếm sống, đó là hiện tượng kỳ thú của dòng chảy lịch sử nhạc dân tộc. Nhưng sang nửa cuối thế kỷ XX, ở cả hai đầu đất nước, do quan niệm xấu về những sinh hoạt xã hội đi kèm, người ta đã đồng loạt cấm cửa các nhà hát. Nhiều người buộc phải bỏ nghề, thậm chí có người còn không dám nhận mình từng là đào kép. Cũng có những người như cụ Quách Thị Hồ với nghệ danh Hồ Vạn Thái nức tiếng một thời đã không ngại thừa nhận mình từng hát ả đào. Có thể nói, ả đào là một thể loại âm nhạc cực kỳ tủi phận!

- Cũng chính vì sự cấm đoán, tủi phận ấy mà công cuộc đi tìm hồn cốt đúng nghĩa của ả đào cực kỳ vất vả, khó khăn?

 - Đúng vậy, sau quãng 60 năm vắng bóng, việc truy tìm tư liệu vàng của những danh ca, danh cầm xưa là cả một quá trình gian nan, nhiều khi như mò kim đáy bể, bởi ngay cả nghệ nhân lão thành như cụ Đẹ cũng không thể biết hết, nhớ hết toàn bộ hệ giá trị. Nhưng bằng nhiều kênh khác nhau, hiện tại tôi đã sưu tầm được những băng đĩa thu âm những giọng hát của các ả đào nức tiếng một thời. Trong đó có cả giọng ca của các ả đào Khâm Thiên những năm 1930 được phục chế qua đĩa than 78 vòng; những tư liệu quý hiếm thu thanh năm 1959, 1963; hay đĩa nhựa 33 vòng người Mỹ thu thanh năm 1971 tiếng hát những đào nương di cư năm 1954, trong đó đặc biệt quý giá là giọng ca vàng Đinh Thị Bản, chị ruột của danh cầm Đinh Khắc Ban ở Hà Nội. Bà được xem như lớp kế cận thế hệ các danh ca Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc. 

Năm 1979, Viện Âm nhạc từng mời bà Bản ra Hà Nội thu thanh, sau đó dăm năm thì bà qua đời... Đại thể hiện nay tôi đã sưu tầm/ phục chế gần như toàn bộ những tư liệu quý hiếm nhất của người xưa, cái thì được bạn bè trong và ngoài nước trao tặng, cái thì bỏ tiền mua... Suốt hơn 1 năm qua, cả khối tư liệu đó được bóc tách ký âm để phân tích, “mổ xẻ” đo đạc đến từng chi tiết, thâu đêm suốt sáng. Rồi cứ mỗi lần nảy ra vài ba câu hỏi mới là lập tức xách balô, máy móc lên đường về Hải Dương gặp cụ Đẹ... Do thức đêm liên tục 7- 8 tháng ròng, cuối năm 2015, tôi đã bị xuất huyết dạ dày cấp tính, tí thì toi cơm, đành phải tạm dừng toàn bộ công việc để dưỡng thương, đến nay mới bắt đầu khởi động trở lại.

- Đấy là công việc được Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật quốc gia giao phó?

- Không! Chẳng có viện nào giao phó. Đấy là công việc, là đam mê tôi tự tạo cho cá nhân mình, để lấp bằng cho được những khoảng trống trong tâm hồn mình thôi.

- Và khi những khoảng trống dần dần được lấp thì đến một lúc nào đó tâm hồn ấy sẽ bừng sáng, sẽ đốn ngộ. Không biết là đến thời điểm này nó đang sáng, đang ngộ tới cỡ nào, thưa anh?

- Từ xưa đến nay chúng ta chỉ quen nghe những bài ca quán, chứ chưa nghe những bài hát cửa đình với nhiều âm điệu khác biệt. Làm việc với cụ Đẹ, cùng với những tư liệu quý hiếm, tôi đã được học và nắm vững những bài ca này. Điều thú vị, có những làn điệu tưởng như mất rồi, nhưng hóa ra cụ Đẹ vẫn còn nhớ; hay có những làn điệu vốn chỉ có tiếng vang mà không biết tên gì thì khi mở cho cụ nghe, cụ nói vanh vách về nó, phải nói là cực kỳ thoả mãn! Tìm hiểu hệ thống làn điệu ả đào, sau khi phân tích tôi rất choáng váng bởi nhìn thấy mối liên hệ giữa nó với chèo, với chầu văn, tuồng... và thậm chí với cả nhạc cung đình - thính phòng Huế và nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ. Qua đó, bước đầu có thể phác họa sơ đồ quan hệ âm điệu, những hình dung về cuộc di cư lịch sử văn hoá nghệ thuật của người Việt từ Bắc vào Nam.

 - Anh có thể nói cụ thể xem giữa ca trù đậm chất Bắc với đờn ca tài tử đậm chất Nam thì có liên hệ, gốc gác gì được không?

- Tôi đã vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ một sư phụ về đờn ca tài tử nghe những bài hát cửa đình, nghe xong ông thốt lên: “Trời ơi, ngày xưa ông bà tôi đàn nhạc lễ Nam Bộ lối âm điệu mộc mạc, cũng y chang thế này”. Còn những phát hiện cụ thể, xin được tạm gác, không thể tiết lộ, bởi tôi còn phải kiểm chứng thêm, sẽ công bố trong những chuyên luận riêng.

- Anh Hiền này, bây giờ thì ca trù đã được nhìn nhận và ứng xử đúng với những gì nó đáng được như thế. Anh nhận xét như thế nào về điều này, và theo anh việc bảo giữ, phát triển nó đang diễn ra như thế nào?

- Hiện nay về mặt số lượng, tiếng tăm thì ca trù phần nào đã được xã hội biết đến và công nhận. Đang có hàng chục câu lạc bộ ca trù hoạt động nhưng theo tôi thì chất lượng phần lớn đều chưa ổn. Bây giờ người ta hát sai lạc âm điệu rất nhiều. Như tôi đã nói từ đầu đấy, ngay trong liên hoan ca trù năm ngoái, chúng tôi cũng thấy tình trạng hát sai, đàn sai quá nhiều, kể cả những đào kép trẻ đã nổi danh. Điều nguy hiểm là cái sai đó mặc nhiên được xã hội công nhận như sự kế thừa, không mấy ai có đủ khả năng/ điều kiện thẩm định.

Rồi họ lại mang cái sai đó đi truyền dạy cho người khác. Bởi vậy, việc bảo tồn nhạc Ả đào còn có quá nhiều việc phải làm. Bạn nên biết rằng, ngày xưa, để được ra nghề, đào kép thường phải rèn luyện từ tấm bé trong giáo phường tới chục năm trời. Trong 10 năm ấy tự bản thân đào nương vừa trải qua quá trình rèn luyện kỹ năng, vừa ngấm được tinh thần, nội dung thơ văn của từng bài hát... Cho nên ngày xưa đào nương có tài có danh được trọng vọng vô cùng.

Xưa nhiều làng quê thường mở cuộc thi hát ả đào, các giáo phường trong vùng hay tin sẽ gửi đào kép đến thi. Cuộc thi thường diễn ra ba vòng: vòng thứ nhất tìm những người hát hay nhất, vòng thứ hai tìm những người xinh nhất, duyên nhất, và cuối cùng là tìm người có phong thái đức hạnh, nết na nhất. Người đoạt giải cao được làng xếp ngồi ở mâm cỗ ba tầng... Giải thưởng chính là niềm vinh hạnh cho giáo phường chứ không phải giá trị vật chất.

- Với việc bảo tồn ca trù hiện nay, có bao giờ anh mơ ước có được một nhà hát ca trù chuyên nghiệp nào đó được tạo dựng hay không?

- Những người nghiên cứu chúng tôi đã mơ ước, đã đề xuất một nhà hát cho ca trù từ khi các nghệ nhân ca trù đúng nghĩa còn sống, còn có sức khoẻ. Nhưng bây giờ thì mơ ước gì nữa, vì ngay cả khi có nhà hát thì lấy ai mà dạy nữa? Ngoại trừ cụ Đẹ đã ngoài 90 tuổi, các nghệ nhân cuối cùng người thì sức khỏe quá yếu, còn thì đều đã ra đi cả rồi.

Nếu chúng ta không hiểu về ông cha mình

- Từ nãy đến giờ chúng ta đã nói rất nhiều đến sức sống của ca trù trong xã hội xưa, vậy nếu lấy giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX làm hệ quy chiếu thì ngoài ca trù, sức sống của các loại hình âm nhạc, nghệ thuật khác như thế nào thưa anh?

- Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, có thể nói Hà Nội là một giao lộ Đông - Tây về nghệ thuật, một mặt là sự xuất hiện của phong trào tân nhạc với những bài hát nổi tiếng như Giọt mưa thu, Con thuyền không bến... nhưng một mặt các nhà hát cô đầu vẫn hoạt động sôi nổi ở Khâm Thiên, Vạn Thái,  Hàng Giấy, Ngã Tư Sở... Bên cạnh đó, những gánh tuồng, chèo, cải lương cũng đua chen mở nhà hát sân khấu 3 mặt, hoạt động rất nhộn nhịp. Thời điểm những năm 20 thế kỷ trước, ở vườn hoa Con Cóc, người ta vẫn còn tổ chức thi hát trống quân mỗi dịp Trung thu. Có thể nói, văn hoá nghệ thuật Hà Nội thời ấy rất phong phú, hoạt động theo cơ chế thị trường và rất đông khán giả.

- Yếu tố có khán giả rất quan trọng...

- Bạn tin không, thời ấy có cả những vở tuồng mà người ta gọi là tuồng pho, nghĩa là bạn phải mua vé đi xem cả tháng thì mới xem hết, vì một vở được chia thành nhiều hồi, nhiều chương, diễn dần trong mỗi tối.

- Tiếc thay, những loại hình nghệ thuật truyền thống này ngày càng mất khán giả. Người ta đã nói đến điều này nhiều lắm rồi, nhưng tôi vẫn muốn hỏi anh xem trong con mắt của riêng anh thì sự mất mát này rồi sẽ dẫn đến điều gì?

- Bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là âm nhạc, nghệ thuật dân tộc giống như nguồn sữa mẹ. Bạn phải trân trọng, phải hiểu nó thì mới có thể nói được với bạn bè quốc tế xem mình là ai, mình như thế nào. Thời gian tôi dạy những người bạn Mỹ, giúp họ nghiên cứu, tìm hiểu âm nhạc cổ truyền Việt Nam tôi thấm thía điều này ghê gớm. Họ, những người nước ngoài ấy kính trọng mình vì đơn giản là mình biết nhiều về ông cha mình. Chứ đến ông cha mình mà còn không biết, không hiểu nữa thì...

- Những người Mỹ mà anh tiếp xúc và dạy học ấy, họ thực sự nghĩ gì, cảm nhận gì về những giá trị âm nhạc truyền thống của ông cha người Việt chúng ta?

- Có thể nói ngay là họ cực kỳ thích thú, bởi thứ nhất là sự khác biệt rõ rệt giữa nhạc của ta so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, và thứ hai là tính ngẫu hứng của những loại hình này, vì đất ngẫu hứng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam khá rộng. Cùng một làn điệu, một cung bậc, nhưng mỗi người đàn có thể mang phong thái khác nhau. Năm 1993, tôi từng hướng dẫn cho một nghiên cứu sinh người Mỹ, và sau này cô ấy đã chỉ ra một điều ít người Việt Nam biết đó là sự khác biệt giữa nhạc dân tộc cổ truyền đúng nghĩa và nhạc dân tộc cải biên. Tại một cuộc hội thảo âm nhạc khi ấy, khi một vị chuyên gia người Việt nói về sáo Mèo thì cô ấy từng đứng dậy phản biện rằng, đấy là sáo cải tiến, chứ không phải sáo Mèo, vì người Mèo có một hệ thống thanh âm khác. Khi một diễn giả khác nói về quan họ thì cô ấy cũng phản biện rất thuyết phục rằng đó là quan họ cải biên đệm nhạc xập xình, chứ không phải quan họ gốc. Đây là một câu chuyện chấn động, gây xôn xao giới nghiên cứu khi ấy. Cho đến nay, đã có nhiều người nước ngoài đến nghiên cứu, để thấy được cổ nhạc Việt Nam hẫp dẫn như thế nào!

- Liệu anh có hơi bay, hơi quá lời không ạ?

- Không chỉ tôi đâu, ngay cả Giáo sư Trần Văn Khê cũng có suy nghĩ rằng nếu so sánh đại thể kỹ thuật, âm nhạc cổ truyền của chúng ta ở tầng bậc cao hơn hẳn so với nhiều nước châu Á khác. Bác Khê cho rằng, nếu có chăng, có lẽ chỉ có nhạc Ấn Độ mới so sánh được về độ phức hợp. Tôi từng cảm thấy điều này một cách rõ ràng khi chứng kiến đoàn kinh kịch Bắc Kinh (Trung Quốc) diễn xuất bên Nhà hát Tuồng Trung ương và Nhà hát Chèo Việt Nam tại một buổi giao lưu nghệ thuật. Âm nhạc trong kinh kịch giản dị, còn âm nhạc trong tuồng, chèo thì rất đa dạng, kỹ thuật phong phú lắm.

- Nhưng xưa nay nhiều người vẫn bảo tuồng có gốc gác từ kinh kịch, hí kịch, thưa anh?

 - Xuất xứ tuồng của ta có thể ảnh hưởng từ hí kịch Trung Quốc, nhưng sau này, thực tế nhạc cụ và làn điệu thì giữa hai loại hình lại khác nhau rất nhiều. Tôi khẳng định chắc chắn với bạn như thế đấy!

- Ở nhiều nước, từ rất lâu rồi, người ta bảo tồn và khuếch tán âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền của họ ghê gớm lắm anh nhỉ?

- Âm nhạc giao hưởng, cổ điển châu Âu thực chất chính là âm nhạc cổ truyền của họ. Bạn hình dung thế này, thế kỷ XVIII - XIX, khi những tác phẩm của Beethoven, Chopin... nổi danh thì ở ta những vở tuồng, chèo cùng nhạc ả đào cũng đang cực kỳ thịnh hành. Ở cố đô Huế khi ấy từng có chuyện những gánh tuồng hoạt động và cạnh tranh khán giả với nhau một cách rôm rả.

- Cá nhân tôi nghĩ một trong những lý do quan trọng khiến âm nhạc truyền thống châu Âu được bảo tồn, phát triển rồi chinh phục nhân loại vì nó đã được lý thuyết hoá, lý luận hoá từ rất sớm. Còn ở một xã hội không nặng về yếu tố duy lý như xã hội phương Đông chúng ta thì những yếu tố này là cực kỳ mờ nhạt. Và chính vì thế việc bảo tồn, phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống của ta cần phải đi theo một con đường khác, một phương thức khác?

- Đồng ý. Nên những việc chúng tôi đang làm là cố gắng giải mã cổ nhạc Việt Nam một cách cao nhất để sau này ta có thể lưu giữ, hướng tới sự đồng bộ giữa lý thuyết và thực hành. Còn nói về việc bảo tồn thì tôi xin lấy ví dụ về cách người Nhật bảo tồn kịch nô của mình. 

Ở Nhật, người ta tạo ra thói quen, rồi dần dần hình thành một thú chơi thời thượng là đi nghe kịch nô, ví dụ như 2 doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng xong phải đi xem kịch nô mới là sành điệu. Do ý thức rất rõ về việc tạo ra thói quen, tạo ra một môi trường thưởng thức như vậy mà kịch nô - một loại hình nghệ thuật cổ điển của họ đã sống được và sống khoẻ trong thời hiện đại. Tôi từng nghĩ, nếu chúng ta cũng tạo ra được những môi trường, những thói quen như thế, chẳng hạn sau một ký kết quan trọng, hai doanh nghiệp của ta sẽ mời nhau đi nghe Ả đào ca quán thì sẽ như thế nào nhỉ? Bảo tồn nghệ thuật truyền thống là phải bảo tồn môi trường thưởng thức của nó.

- Câu hỏi cuối, hơi riêng tư một chút: Anh đã có con chưa nhỉ? Con anh có thích nghe ca trù như bố hay không?

- Tôi long đong lận đận, mới có một cậu con trai với người vợ trước. Cháu ngay từ bé đã có bản năng về nhạc cổ truyền. Khi biết bò, thấy tôi cầm 2 cái dùi gõ phách hát văn thì cậu lần đến, cầm cái dùi thứ 3 nhét thêm vào tay tôi, bởi cu cậu biết hát văn phải đánh phách bằng bộ 3 dùi. Khi cháu biết nói thì bi bô một mình diễn cả mấy vai Lưu Bình -  Dương Lễ, bởi tôi thường hát hoặc mở băng cho con nghe từ lúc mới sinh. Hay xẩm Theo Đảng trọn đời là bài chuyên dùng để ru cậu ngủ, nên khi biết nói đã thuộc làu làu. Cháu năm nay sang tuổi 12, sống với mẹ và được cho học piano. Tôi cứ để cháu phát triển tự nhiên thôi.

- Thưa anh, ngày đầu năm chúng ta nói về những loại hình âm nhạc cổ truyền cũng là để ôn lại một chút những giá trị văn hoá của ông cha mình. Tôi rất tâm đắc với một ý mà anh chia sẻ, rằng chúng ta phải hiểu ông cha chúng ta thì người nước ngoài mới tôn trọng chúng ta. Và quá trình tìm hiểu ấy cũng là quá trình lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn chúng ta. Vậy thì ngày đầu năm, có lẽ cùng hy vọng và cầu chúc mỗi người chúng ta đều ý thức được những khoảng trống cần lấp đầy như thế. Rất cảm ơn anh và chúc anh có thể “quay về bến sông” sau 2 năm sống chết với ca trù.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.