Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Giác ngộ cá nhân là điều quan trọng hơn tất cả

Thứ Hai, 12/08/2019, 17:04


- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, ở kỳ trước chúng ta đã nói rằng đặt trong sự so sánh với các Nho sĩ Đông Phương thì tinh thần võ sĩ của đội ngũ tinh hoa trí thức Nhật Bản có rất nhiều khác biệt. Chính nhờ cái tinh thần ấy mà đội ngũ tinh hoa trí thức Nhật Bản có tính dấn thân cao và dễ dàng mở cửa, hòa nhập ứng dụng với cái mới. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, chính cái tinh thần võ sĩ khi bị phát triển đến mức cực đoan thì lại dẫn đến chủ nghĩa phát xít. Chắc là anh không phủ nhận điều này?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Tác giả cuốn sách Võ sĩ đạo, linh hồn Nhật Bản nói rất rõ đến việc võ sĩ là những người khắc kỷ, có khả năng chịu đựng phi thường và không sợ cái chết. Tác giả Nitobe Inazo cho rằng trong các kiểu tự sát thì tự sát bằng cách mổ bụng là cách tự sát duy nhất mà trong quá trình tự sát người ta hoàn toàn tỉnh táo về mặt tinh thần. Họ thấy đau đớn nhưng họ hoàn toàn  chịu đựng và làm chủ được hành động của mình. 

Những điều này tạo nên nét tính cách can đảm, chịu đựng rất mạnh mẽ ở người Nhật. Tuy nhiên, đúng như anh nói, khi quyền lực tập trung tuyệt đối và nhà nước lợi dụng điều này thì tư tưởng đó lại là trụ đỡ chủ nghĩa phát xít. 

Trước kia võ sĩ đạo chết cho lãnh chúa, sau này thì chết cho Thiên hoàng và lý tưởng “hoàng quốc”. Sinh mệnh của họ không quan trọng bằng danh dự và lý tưởng của Thiên hoàng và vì cái danh dự đó mà thanh niên Nhật chết vô ích trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Cho nên sau này, khi tư tưởng dân chủ và cái quyền được sống, được phát triển của cá nhân được phổ rộng thì có một khoảng thời gian rất dài người ta đã rất cảnh giác với tinh thần võ sĩ đạo. Tuy nhiên, đến bây giờ, khi chiến tranh đã đi qua, có một độ lùi lịch sử nhất định, cũng là khi mà đạo đức xã hội có nhiều biến động thì người Nhật hiện nay lại nhìn thấy ở đây những giá trị có ý nghĩa. 

Vì như tôi nói, tinh thần võ sĩ đạo đề cao sự khắc kỷ, khả năng xả thân cho những thứ giá trị mà mình coi là chính nghĩa và người ta nghĩ rằng tinh thần ấy giúp mình có thể sống hài hòa trong một xã hội mà chủ nghĩa vật chất ngày càng tăng cao.

- Nghĩa là người ta không ngừng trăn trở, lật đi lật lại những giá trị truyền thống của dân tộc mình và luôn tìm cách vận dụng các giá trị ấy một cách đích đáng nhất vào đời sống hiện tại.

- Vì các giá trị luôn biến thiên theo thời gian và con người luôn tìm cách đem lại cho nó những giá trị mới. Nếu không làm được điều này, con người xét cho cùng mãi mãi chỉ là "tù nhân của lịch sử" như nhận định của một sử gia nổi tiếng.  

- Với tinh thần thực tế của võ sĩ đạo và với những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý như chúng ta đã phân tích ở kỳ 1 thì người Nhật đã sớm hợp tác với phương Tây, học văn minh phương Tây để rồi sau này nói chuyện sòng phẳng với người phương Tây. Nhưng nói gì thì nói, để hợp tác với kẻ chĩa mũi súng vào lãnh thổ của mình cũng là điều không đơn giản. Thậm chí theo tôi, để đi đến quyết định hợp tác cuối cùng thì trong lòng một dân tộc cũng phải diễn ra những cuộc tranh cãi nảy lửa. Anh có thể phân tích về quá trình này được không?

- Khi bị sức ép phải ký những hiệp ước bất lợi từ Đô đốc Perry - người phương Tây đầu tiên chĩa mũi súng xâm lược vào Nhật Bản thì trong chính quyền Mạc Phủ cũng có 2 quan điểm khác nhau. Một phái cho rằng phải dùng bạo lực với phương Tây, một phái cho rằng phải học phương Tây và hai phái này cứ va chạm với nhau không ngừng. Các lãnh chúa khác ở các địa phương cũng chia 2 phe phái như thế. 

Sau đó phái cải cách đã sử dụng quân bài "Thiên hoàng" lúc đó vốn đang ở tình trạng bù nhìn, để lật đổ Mạc Phủ. Tức là họ ép Mạc Phủ phải trả quyền lực cho Thiên hoàng, và dùng con bài Thiên hoàng để phục vụ ý đồ cải cách. Cuộc cải cách vì thế có va chạm, có đổ máu nhưng không dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực.

Về phía người dân, ngay cả khi chính quyền Minh Trị thiết lập và thực hiện cải cách quy mô, lúc đầu chính người dân cũng không ủng hộ cải cách đâu. Con cái họ trước kia đi làm cho gia đình, giờ phải đi học, thành ra mất đi một nguồn lao động gia đình. 

Trường học cận đại kiểu phương Tây khác xa với trường tư của các ông đồ hay trường học trong chùa là thực thể xa lạ với người dân. Thế là chính phủ phải sử dụng song song 2 biện pháp, vừa cưỡng chế, vừa khuyến khích đối với người dân, cuối cùng sau khoảng 10-15 năm thì tư tưởng cải cách mới thắng thế. 

Bản thân học giả Fukuzawa, một trong những nhà cải cách tiêu biểu cũng suýt bị em họ mình chém chết vì người em họ yêu nước kiểu cũ và yêu kiểu mù quáng nên cho rằng Fukuzawa chơi với phương Tây, truyền bá giá trị phương Tây thì không khác gì "bán nước". Chuyện này chính Fukuzawa Yukichi đã kể lại trong cuốn hồi kí nổi tiếng của mình là Phúc ông tự truyện.

- Sau khi thực hiện cải cách, đẩy nội lực quốc gia lên cao thì người Nhật nói chuyện với phương Tây để xóa những hiệp ước bất lợi thời Mạc Phủ như thế nào?

- Người Nhật đã thuê chuyên gia nước ngoài đến tư vấn, thực hiện cải cách toàn diện về  kinh tế, giáo dục, xã hội. Và sau khi mạnh lên thì họ phái các sứ đoàn ngoại giao đi du hành châu Âu, vừa để học hỏi, vừa để sửa các điều kiện bất lợi mà Mạc Phủ đã ký. 

Nhưng không phải là nói chuyện suông theo kiểu: anh phải sửa điều này điều kia, phải trả lại đất này đất kia cho tôi. Nói suông như vậy không ai nghe cả. Muốn làm được điều ấy thì lúc ấy nhất định họ phải làm quân đội của mình mạnh lên nữa và lại phải thử cái mạnh ấy ra xung quanh.

Năm 1894-1895, họ thử thách đế quốc Thanh (Trung Quốc) bằng việc tranh chấp tầm ảnh hưởng trên Bán đảo Triều Tiên. Khi hai bên đánh nhau trên biển và khu vực Triều Tiên, trong khi quân đội nhà Thanh vẫn tổ chức theo kiểu cổ truyền thì quân đội Nhật được tổ chức rất hiện đại và đã giành chiến thắng toàn diện. 

Tiếp đó, khi họ đấu với hạm đội Baltic của Nga trên biển trong chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) thì cũng giành chiến thắng tuyệt đối. Lúc đó uy thế của họ lên, họ liền đẩy mạnh ngoại giao. Họ cho người khác thấy rằng, nếu anh chơi với tôi một cách ngang bằng thì hai bên cùng có lợi, còn nếu chơi với tôi theo kiểu bắt nạt, ương ngạnh thì cái giá phải trả là không nhỏ. 

Bằng cách như vậy, họ dần dần xóa được những hiệp ước thất thế đã ký từ thời Mạc Phủ và đến khoảng năm 1911-1912 thì xóa sạch. Nước Nhật hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào ai nữa.

- Đến lúc này thì họ lại phát triển thành chủ nghĩa phát xít, gieo rắc chiến tranh cho các dân tộc châu Á xung quanh mình?

- Lúc đó có câu chuyện là khi phái đoàn do Iwakura Tomomi đi châu Âu trở về nước thì trong lòng nước Nhật nổ ra 2 trường phái xây dựng đất nước. 

Một phái chủ trương con đường tiểu quốc giống các nước Bắc Âu: nước nhỏ, dân ít nhưng văn minh. Hai là con đường đế quốc giống Đức, Mỹ, Pháp. Khi hai phái đang còn cãi nhau thì phái quân sự dùng bạo lực để lan truyền, áp đặt tư tưởng chính của mình và đến những năm 1930, dưới thời cháu nội của Minh Trị thì họ thiết lập bộ máy chiến tranh, phát triển thành chủ nghĩa phát xít.

- (Cười) Minh Trị là biểu tượng của cải cách, còn cháu đích tôn của Minh Trị là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc?

- Đấy chính là bài học về việc tổ chức quyền lực trong lịch sử. Để quyền lực  không rơi vào vùng nguy hiểm thì thứ nhất là phải phân quyền, thứ hai là phải có đối trọng để kiểm soát và cân bằng quyền lực. 

Từ bài học này mà Hiến pháp năm 1946 của nước Nhật có một sự tương phản hoàn toàn so với Hiến pháp 1889, dưới thời Minh Trị. Bởi Điều 1 Hiến pháp năm 1889 nói rằng Thiên hoàng là thần thánh bất khả xâm phạm, đồng nghĩa với việc chỉ cần xúc phạm tới danh dự của Thiên hoàng là mất mạng. 

Thời Minh Trị xảy ra nhiều vụ án đàn áp trí thức, xét xử những người giảng dạy một môn khoa học nào đó khiến người học hiểu sai về nguồn gốc của Thiên hoàng. 

Chẳng hạn, giảng dạy về tôn giáo mà bảo là trên đời này không có thần thánh nào cả, thần thánh chỉ là sự tưởng tượng của con người thì chết ngay. Vì tư tưởng chính thống lúc ấy đều cho rằng Thiên hoàng là con cháu của thần mặt trời. Nhưng đến Hiến pháp 1946 thì thay đổi hẳn, Điều 1 hiến pháp này nói: Thiên hoàng là biểu tượng quốc gia, chủ quyền thuộc về quốc dân. Tức là quyền tối cao thuộc về người dân, thông qua Quốc hội.

- Phân tích mãi về chính trị, kinh tế, văn hóa Nhật Bản rốt cuộc cũng là để trả lời một câu hỏi mà người Việt Nam lâu nay vẫn hỏi: Chúng ta có thể học hỏi người Nhật và coi đấy như một mô hình đáng tham khảo cho mình được không?

- Chúng ta sẽ học được với 2 điều kiện. Một là những người lãnh đạo của đất nước hay một tổ chức, một công ty, một gia đình... thiết kế được một môi trường mà các giá trị chuẩn mực được tôn vinh. 

Ở Nhật, nếu bạn rơi tiền thì khả năng nó bị mất là rất thấp. Cái này được cả thế giới chứng minh rồi và nó cho thấy ở đây sự trung thực được tôn trọng. Muốn như vậy thì họ phải tổ chức một hệ thống luật pháp rất nghiêm minh, ví dụ như nhặt được đồ đánh rơi mà không trình báo thì sẽ bị khép luôn vào tội ăn cắp và thứ hai là trong giáo dục, ngay từ mầm non, những đứa trẻ đã được dạy rất kỹ về sở hữu cá nhân, tức là trẻ con ý thức rõ cái nào là của mình, cái nào nhất định không phải của mình. 

Con tôi học mầm non ở Nhật, tôi thấm thía điều này cực rõ. Thế nên mới từng có câu chuyện khá nổi tiếng cách đây mấy năm,  ở một trường học của Nhật, một du học sinh Việt Nam ra khỏi lớp, thấy trời mưa liền tiện tay lấy luôn một cái ô. Lúc đó chắc nghĩ đơn giản là chỉ mượn tạm, mai sẽ đem trả lại. Ai ngờ cái ô ấy là của một giáo viên người Nhật biết tiếng Việt. 

Thế là ông giáo viên viết một mẩu giấy bằng tiếng Việt, rồi chụp lại đưa lên mạng: "Cháu nào lấy ô của bác Kitagawa thì trả lại bác ngay. Bác rất không hài lòng". 

Khi ấy có người bảo rằng, ông thầy Nhật kẹt xỉ quá, có cái ô mà cứ làm quá lên. Nói thế là không hiểu tâm lý của người Nhật, với người Nhật, của tôi là của tôi, của anh là của anh, mọi thứ phải hết sức chuẩn mực, rõ ràng.

Thứ hai là sự giác ngộ của mỗi cá nhân, mỗi con người. Nếu giác ngộ tốt thì ngay cả trong hiện trạng Việt Nam mình cũng làm được những điều chẳng kém gì người Nhật. Khi từng cá nhân giác ngộ, họ có khả năng thay đổi hiện trạng xung quanh. 

Sự thức tỉnh và giác ngộ của cá nhân trong mối quan hệ cộng hưởng kì diệu sẽ tạo ra động lực để đổi thay hoàn cảnh. Đấy là một quy luật lịch sử.

- Tôi nghĩ đôi khi chúng ta cứ đổ tại cho hoàn cảnh, cho thời cuộc để buông lơi cái phần giác ngộ cá nhân này. Ví dụ như người Nhật, anh thấy là có những giai đoạn nào mà hoàn cảnh và thời cuộc của họ không như ý nhưng mỗi cá nhân vẫn giác ngộ góp phần vào sự phát triển của xã hội hay không?  

- Anh có biết vị bác sĩ Nhật đầu tiên nghĩ ra thuốc mê và đã thử nghiệm thuốc mê trên cơ thể ai không? Thử trên động vật rồi, giờ phải thử trên người, vậy người nào đây? Cuối cùng, ông ta thử trên chính vợ của mình. Người vợ ấy đồng ý dùng thuốc mê để chồng mổ cơ thể mình, sau đó khâu lại, câu chuyện có thật 100%. 

Rồi ở Nhật từng có ông 3-4 lần nhảy xuống biển hướng về phía tàu Mỹ và hét lên: "Hãy mang tôi đi học". Đơn giản là ông ta muốn tới Mỹ để học, cho dù điều đó bị chính quyền Mạc Phủ cấm tiệt. Ông ta bị chính quyền Mạc Phủ bắt 2-3 lần nhưng vẫn không từ bỏ khát vọng được thỏa mãn việc học. 

Và cuối cùng ông ta bị chém ngang lưng. Đấy là những con người đầy tính giác ngộ. Họ khao khát học, khao khát biết. Họ làm tất cả để thỏa mãn cái biết chứ không phải thỏa mãn giấc mộng làm quan hay sở thích kiếm tiền.

- Cho dù kiếm tiền một cách chân chính cũng chẳng có gì là xấu, anh nhỉ!

- Không xấu! Nhưng nếu không có một lực lượng rộng khắp những con người xả thân để thỏa mãn cái biết thì một dân tộc không cất cánh được. 

Cái này ông Fukuzawa Yukichi trong các tác phẩm được dịch ra tiếng Việt như Khuyến học, Bàn về văn minh đã viết rằng chuyện một người sinh ra, nỗ lực học rồi nỗ lực kiếm tiền, xây nhà, mang của cải về cho vợ con là chuyện rất bình thường, rất đáng trân trọng. Nhưng, nếu như cả đất nước mà ai cũng chỉ giản đơn làm điều đó kể cả những người giỏi nhất, có học vấn tốt nhất thì đấy là cái họa diệt vong.

Mối quan hệ giữa tầng lớp tinh hoa, những vĩ nhân với sự trưởng thành của đại chúng là mối quan hệ hữu cơ. Không có một vĩ nhân nào lại trưởng thành trong một nền văn hóa nhỏ yếu cả. Việt Nam chưa có nhà khoa học đoạt giải Nobel là vì ở Việt Nam, số lượng người đọc sách còn quá ít. 

Bao giờ ở Việt Nam có khoảng 50% dân số có thói quen đọc sách hằng ngày thì may ra trên cái nền cơ bản đó mới có cơ hội xuất hiện các vĩ nhân học thuật. Hiện nay, trung bình người Việt Nam mỗi năm chỉ đọc 0,8 quyển sách, còn ở Nhật, người ta tính rằng, trước khi biết chữ, trẻ em Nhật được bố mẹ đọc cho  nghe từ 1.000- 2.000 cuốn sách.

- Anh không nói quá chứ?

- Chính xác đấy! Vì họ có một truyền thống về học thuật, mặc dù chữ của họ học rất khó, phải học hết lớp 12 mới có thể đọc thông sách báo, còn chữ của mình thì rất dễ học, chỉ học vài năm đã có thể đọc thông viết thạo rồi. 

Nhưng cái dễ này dễ tạo ra ảo tưởng. Nhiều người cứ nghĩ mình có thể đọc được chữ, tức là có thể đánh vần và đọc lên thành âm thế là biết đọc. Về chuyện này tôi muốn nói rằng người Việt đã bỏ lỡ 2 cơ hội đối với cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ để khai sáng dân tộc mình.

Với chữ Hán, chúng ta chỉ học những cái chúng ta muốn dùng nó để tiến thân trong chốn quan trường, tức là những cái học để thi hoặc để hành nghề bói toán, phong thủy... Những người học  rộng, học sâu và giàu suy tưởng, luôn lật đi lật lại vấn đề không ngừng và cả những thứ không có ích cho chốn quan trường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn... là quá ít. 

Những người “đi trật đường ray chính thống” như thế chỉ lóe lên rồi tắt lịm như ngôi sao băng trên bầu trời học thuật nước Việt. Tôi đã đọc được câu chuyện rằng có một người học trò lớn của Vương Dương Minh - một học giả nổi tiếng thời Minh (Trung Quốc) chạy loạn sang Hội An và ở lại. 

Khi các nhà Nho Việt Nam biết đấy là học trò của Vương Dương Minh liền lũ lượt kéo nhau đến tầm sư học đạo. Tuy nhiên, phần lớn các nhà Nho đến đấy chỉ để hỏi về chuyện bói toán, phong thủy, trong khi cái mà ông ấy muốn chia sẻ là học thuyết Vương Dương Minh thì gần như chẳng ai hỏi cả. Cuối cùng, ông ấy chán quá, treo một tấm biển ở cửa nhà với nội dung không tiếp những người đến hỏi về bói toán.

Còn với chữ Quốc ngữ, cụ Phạm Quỳnh, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã từng trình bày ý tưởng rằng muốn dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá văn minh thì phải Quốc ngữ hóa toàn bộ khái niệm và nội dung văn minh, dùng nó làm công cụ để khai sáng đại chúng, thúc đẩy học thuật nói chung. Nhưng trong những cơn chuyển vần của lịch sử, lực lượng làm dịch thuật và giải thích khoa học của chúng ta quá yếu.

Chỉ có vài người, ví dụ điển hình như cụ Phạm Quỳnh, cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Nguyễn Triệu Luật ở đầu thế kỷ 20 nhưng những người này đều có số phận quá éo le. Có thể nói không quá, họ đã gánh chịu rủi ro của lịch sử dân tộc. Cho nên, đến tận bây giờ chúng ta vẫn có thói quen học mót, học tắt, học thực dụng, học để kiếm ăn, kiếm tiền. Đấy là một vòng quay mòn mỏi và vô vọng.

Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.

- Xin được hỏi hơi riêng tư một chút, anh đã nói rất nhiều đến ý tưởng giác ngộ cá nhân từ văn hóa Nhật, vậy sau khi tiếp xúc với nền văn hóa này, anh thấy bản thân anh đã thay đổi như thế nào? Nói cách khác, anh đã giác ngộ như thế nào?

- Trước kia tôi là người rất nóng tính, có lẽ là do ảnh hưởng từ bố tôi - một người lính - nhưng sau một thời gian dài học và làm việc cùng người Nhật, ít nhiều tôi trở nên điềm đạm hơn và bình thản trước nhiều khó khăn, cám dỗ, kể cả bình thản trước những hiểu lầm hay sự xúc phạm của những người khác trong môi trường mình tiếp xúc hay bị đặt vào. 

Tôi cũng học được ở người Nhật cách tư duy tích cực “khi phát hiện thấy vấn đề thì phải tìm hiểu nó và tìm cách giải quyết nó” thay vì chỉ than vãn hay trông chờ ai đó làm hộ mình. Một mình mình không làm được thì hợp tác với người khác. 

Nhìn một cách tổng thể, tôi đã nhận ra giá trị của chính bản thân mình và tìm được lẽ sống riêng của mình - thứ đem lại cho mình niềm vui trong hoàn cảnh không phải là hoàn toàn thoải mái.

Có lẽ điểm khác của tôi so với nhiều du học sinh khác là tôi đi du học nhưng môi trường hoạt động không thuần túy ở trường học, tôi làm nhiều nghề khác nhau, tiếp xúc với nhiều người Nhật ở nhiều giới, nhà tù, trại giam của Nhật tôi cũng vào khi đi làm phiên dịch cho luật sư người Nhật, tôi đã từng đi làm phiên dịch ở nhiều nhà máy đủ loại của Nhật. Có lẽ điều đó cũng giúp tôi “giác ngộ” ít nhiều trong cả cuộc sống riêng tư và suy nghĩ về công việc.

- Từ bỏ hết các công việc trong cơ quan nhà nước, chấp nhận là một người bán sách rong, đấy có phải là một biểu hiện của giác ngộ không?

- Làm việc cho nhà nước, làm công chức, viên chức không phải là điều xấu nếu làm hết phận sự của mình và không trái với lương tâm. Nếu nhà nước không có người giỏi, tận tâm, sớm hay muộn nhà nước đó sẽ suy yếu và không thể phục vụ tốt người dân. Tuy nhiên, một nhà nước văn minh chỉ nên có một bộ máy đơn giản tối đa, biên chế tối thiểu để dễ vận hành và giảm gánh nặng ngân sách. 

Trong suốt quá trình đi học, nhận thức tôi thay đổi liên tục và dần dần tôi khám phá ra bản ngã của mình. Ý nghĩ muốn trở thành một người “tự do” có một cuộc sống tự chủ về thời gian, công việc... đã xuất hiện trong tôi. 

Nhiều người sẽ nghĩ chuyện đi làm ở ngoài, làm tự do là “dũng cảm”, “dấn thân”... nhưng tôi thấy chuyện đó cũng bình thường như các lựa chọn khác. Tôi lựa chọn mà không có sự vương vấn nào cả. Đấy cũng có thể gọi là “giác ngộ” chăng? 

Cũng không rõ nữa. Nhưng, quả thực, khi ra bên ngoài tôi có cảm giác sống hạnh phúc hơn, được là chính mình hơn và cảm thấy những cái mình học được ứng dụng rộng rãi, linh hoạt và hữu ích hơn cho cả cá nhân và xã hội.

Tôi không còn phải mất thời gian vô bổ cho họp hành buồn chán, cho các mối quan hệ gượng ép hay phải tiếp xúc với những người mà đúng ra tôi không có nhu cầu tiếp xúc. Tôi cũng không phải làm các công việc được giao trong khi biết chắc các công việc đó chỉ cốt “lấy tiền ngân sách”, “giải ngân” mà không đem lại kết quả gì có ích cho xã hội...

Làm nghề viết sách, biên tập, dịch sách và bán sách thực ra là sự trở lại sở thích tuổi thơ của chính mình. Từ nhỏ tôi đã sống trong thế giới của sách và say mê đọc sách. 

Như anh thấy, càng trưởng thành người ta càng nhớ tha thiết những kí ức của tuổi thơ, càng luyến tiếc những giấc mộng đẹp của thời thơ ấu. Người Nhật có nói rằng, một trong những cách để tìm kiếm tài năng của bản thân hay tìm nghề phụ hợp là biến thú vui thời thơ ấu thành nghề. 

Có lẽ ở đây, tôi đã làm được hay đúng hơn đã lựa chọn điều ấy. Nghề bán sách rong cho tôi cơ hội thả ý nghĩ đi đến nhiều điều, nhiều lĩnh vực, tiếp xúc với nhiều người và chia sẻ với họ những suy tưởng, mơ ước về cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tôi, như thế là hạnh phúc. Có lẽ đấy cũng là sự giác ngộ của tôi về hạnh phúc.

- Khi nói với nhau những điều có thể coi là chưa hoàn thiện của chúng ta, đặt trong sự so sánh với người Nhật cũng là khi chúng ta ý thức về việc phải thay đổi. Nói theo cách của chính anh thì nó phải bắt đầu từ những thay đổi mang tính giác ngộ của mỗi cá nhân trong cộng đồng, chứ không phải là cứ ngồi đó trông đợi những thay đổi mang tính vĩ mô nào đó. Và chúng ta hãy cùng hy vọng là những thay đổi này sẽ sớm diễn ra trên diện rộng. Cảm ơn anh với những chia sẻ nhiệt thành và sâu sắc! 

Phan Đăng (thực hiện)
.
.