Nhà báo Lê Quốc Vinh: Khi chính quyền không hành động, tôi phải làm kẻ “to mồm”

Thứ Tư, 16/09/2015, 11:20
Vừa là nhà báo, vừa là doanh nhân (Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros), vừa là người đứng sau thành công của Đẹp - một trong những tờ tạp chí lâu đời và mạnh nhất Việt Nam hiện nay, Lê Quốc Vinh thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội, trên các diễn đàn báo chí, rất nhiệt tình, rất hăng hái, không hề mệt mỏi, để bảo vệ từng bài báo của Đẹp bị ăn cắp bản quyền. Nhiều người nói, Lê Quốc Vinh đang làm chuyện vụn vặt, nhưng anh không nghĩ thế…

- Phóng viên: Cuối tháng 8, khi mà truyền thông và mạng xã hội bàn tán xôn xao về vấn đề bản quyền của bài “Tiến quân ca” - Quốc ca của Việt Nam, cũng là lúc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sau hàng chục năm “xài chùa” với đủ các lý do, đã lần đầu tiên chấp nhận trả bản quyền cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm in trong chương trình sách giáo khoa. Thưa nhà báo Lê Quốc Vinh, trong giới doanh nhân và báo chí, anh là một trong những người quyết liệt nhất về vấn đề bản quyền, anh nghĩ gì về hai câu chuyện đó?

- Nhà báo Lê Quốc Vinh: Thú thật, tôi rất ngạc nhiên khi biết đây là lần đầu tiên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thanh toán tiền tác quyền cho các nhà văn nhà thơ, và ngạc nhiên hơn cả là tại sao bao năm qua, những nhà văn, nhà thơ Việt Nam lại chấp nhận việc đó. Có lẽ vì chúng ta đã quen sống trong thế giới không có khái niệm về bản quyền. Mọi người đều mặc định được quyền sử dụng tài sản của người khác mà không phải trả tiền đã quá lâu, nên giờ chúng ta ngỡ ngàng và thấy rất khó chấp nhận khi phải trả tiền cho những thứ đó.

Trên diễn đàn Vietnamjournalism, tôi để ý có một người thường xuyên kêu cứu về việc một đài truyền hình lớn thường xuyên dùng những clip của anh ta mà không trả tiền bản quyền, cũng không xin phép trước, và khi bị tố cáo cũng không có một lời xin lỗi. Một cơ quan báo chí lớn như trên mà hành xử như thế, thì chuyện vi phạm bản quyền diễn ra đâu đó trong các lĩnh vực cũng là điều dễ giải thích.

Nhưng lỗi lớn nhất trong chuyện này không phải thuộc về đài truyền hình kia hay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mà là thuộc về các cơ quan nhà nước. Chúng ta tham gia Công ước Berne mấy chục năm nay. Chúng ta có một bộ luật đầy đủ về sở hữu trí tuệ. Nhưng chúng ta đã không làm bất cứ điều gì để bộ luật này trở nên có ích với đời sống xã hội, cả việc truyền thông cho nó và áp dụng nó vào từng vụ vi phạm bản quyền cụ thể. Thế nên, khi mà trên thế giới, ngành công nghiệp sáng tạo chiếm đến 10% GDP toàn cầu - một con số cực kỳ lớn, thì ở Việt Nam, dù chưa bao giờ có con số chính thức, nhưng tôi tin chắc với những thiệt hại mà ngành công nghiệp sáng tạo đang phải hứng chịu do công tác bảo hộ bản quyền quá kém cỏi đã khiến giá trị của nó giảm đi rất nhiều so với những gì mà lẽ ra nó sẽ có.

- Với những sản phẩm sáng tạo mà anh đang sở hữu, anh có tính được mức độ thiệt hại khi bản quyền không được tôn trọng?

- Tôi chỉ nói rất đơn giản thế này. Với một bài báo mà chúng tôi sản xuất, và sau đó xuất bản trên Đẹp.com.vn, traffic càng lớn thì quảng cáo càng nhiều, doanh thu càng cao. Nhưng khi các báo khác lấy lại, người đọc không cần vào website của chúng tôi nữa, lượng traffic chạy sang các trang báo mạng khác, giá trị quảng cáo của họ gia tăng, và phần thiệt hại thuộc về chúng tôi. Nếu cầu kỳ mất thời gian ngồi tính, có lẽ cũng sẽ ra được thiệt hại đó. Nhưng đó là loại thiệt hại lũy kế mà chúng ta không thể chỉ tính một cộng một bằng hai là xong.

- Tôi thường thấy anh xuất hiện trên mạng xã hội, trên các diễn đàn báo chí ca thán về chuyện sản phẩm của anh bị ăn cắp. Và tôi luôn không tránh khỏi cảm giác rằng, anh rất đơn độc trong cuộc đấu tranh bản quyền mà anh theo đuổi suốt mấy năm qua?

- Tôi là một trong những người khởi xướng ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Mà công nghiệp sáng tạo thì không thể sống được nếu không có ai mua nó. Nên với tôi, lúc nào, bản quyền cũng là chuyện sống còn. Thật ra không chỉ một mình tôi, mà một số báo như VietnamPlus, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi trẻ đã từng lên tiếng. Thậm chí một số tờ báo lớn từng định bắt tay nhau để cùng cam kết về vấn đề bản quyền. Nhưng cuối cùng việc quyền lợi giữa các bên không thể thống nhất đã khiến kế hoạch đó phá sản.

Sau chuyện đó, chúng tôi không có cách nào khác ngoài cách đơn phương tuyên bố: Tôi không lấy sản phẩm báo chí của bất cứ tờ báo nào và cũng không cho phép báo nào lấy của chúng tôi. Và nếu tất cả các cơ quan báo chí đều làm thế thì sẽ chẳng có gì để nói. Tôi giữ đúng cam kết của mình, và phạt phóng viên của mình rất nặng nếu phát hiện ra họ sao chép tác phẩm của các báo khác in lại trên tạp chí Đẹp. Nhưng thi thoảng, tôi lại phải gửi công văn đi các cơ quan báo chí khác, để yêu cầu họ gỡ những bài báo của Đẹp mà họ đã dẫn đăng lại.

Một số đại diện các hãng thông tấn lớn trên thế giới cũng than phiền rằng họ rất đau đầu với việc một số nhà báo Việt Nam cứ thản nhiên dịch bài của họ và mặc nhiên coi đó là của mình mà không hay biết rằng trong luật bản quyền quốc tế, ngay cả việc dịch bài cũng phải trả tiền.

- Mỗi lần Tạp chí Đẹp của anh bị đồng nghiệp ăn cắp bản quyền, anh chọn mạng xã hội để đấu tranh, thay vì kiện lên toà án hay tố cáo lên bất cứ cơ quan chức năng nào, tại sao lại thế?

- Luật sư của tôi vẫn khuyên tôi đi kiện, nhưng tôi không làm. Thú thật, với tình hình hiện nay, tôi chọn cách la làng. Vì sao? Vì với cơ chế này, kiện tụng là vô vọng và phí công, khi mà tòa án chưa đứng về phía người bị xâm hại bản quyền. Còn kiện hành chính thì chính tôi cũng không biết kiện đi đâu.

Ở Mỹ, khi có một vụ kiện bản quyền, bất luận có chuyện gì, người ta luôn đứng về phía người có tác quyền trước đã. Họ yêu cầu người bị tố cáo vi phạm bản quyền phải chứng minh mình không ăn cắp. Còn ở Việt Nam, chúng ta làm ngược lại. Chủ sở hữu sản phẩm phải chứng minh trí tuệ của mình bị ăn cắp.

Cách đây một thời gian, Nhà sách Trí Việt phát hiện ra một xưởng in in lậu sách của họ. Nhưng khi ra toà, Trí Việt thua kiện, vì xưởng in đó đưa ra lý do họ chỉ làm thuê theo hợp đồng. Nếu ở Mỹ, xưởng in đó sẽ bị coi là đồng phạm và thua kiện. Với những “tấm gương” không lấy gì làm vui vẻ như thế, tôi đành chọn cách “to mồm” trên mạng xã hội và thấy đó là cách hữu hiệu nhất trong bối cảnh này. Việc đó có tác dụng với một số tờ báo lớn, khi họ cần giữ danh dự của mình. Nhưng với những trang thông tin điện tử thì tôi bất lực, vì tôi thậm chí không biết họ là ai. Mà ở Việt Nam bây giờ có khoảng 1.500 trang thông tin điện tử kiểu đó. Biết là khó, nhưng tôi chẳng có nhiều lựa chọn!

- Trong những vụ việc vi phạm bản quyền, lúc nào anh cũng là nạn nhân, hay cũng có lúc chính anh là “thủ phạm”?

- Năm 1993 tôi quen một anh làm IT người Mỹ. Khi tôi đề nghị anh ta copy cho tôi phần mềm mà tôi muốn vào laptop của mình, anh ta trố mắt nhìn tôi: “Cái này không copy được vì nó có bản quyền. Chúng tôi phải bỏ tiền mua bản quyền. Anh muốn có nó cũng phải bỏ tiền giống chúng tôi”. Lần khác ở Nhật, tôi gặp một anh thanh niên Nhật rất trẻ. Tôi có một tài liệu rất hay và sẵn sàng chia sẻ với anh ấy. Nhưng anh ấy kiên quyết từ chối, vì không muốn copy, không muốn biến mình thành kẻ ăn cắp bản quyền. Bởi vì sao họ hành động như thế? Ý thức về việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác đã ngấm vào máu họ. Và trong xã hội mà họ đang sống, thì về bản chất, việc một tên trộm nhảy vào nhà của ca sĩ Mỹ Linh ăn trộm, cũng không khác gì việc anh vào một trang web của ai đó lấy bài của anh ta. Đó là bài học đầu tiên của tôi về bản quyền.

Khi tôi bắt đầu làm Tạp chí Đẹp cách đây 16 năm, chúng tôi cũng từng là những “kẻ cắp” hồn nhiên, vẫn dịch và lấy ảnh trên báo nước ngoài về đăng lại trên Đẹp mà không ý thức được việc mình làm là sai trái. Nhưng khi chúng tôi tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo, bắt đầu mở rộng việc làm ăn với nhiều đối tác nước ngoài và mua bản quyền của họ, tôi đã học được bài học về bản quyền. Tôi hiểu và trân trọng giá trị sức lao động của người khác. Nhờ đó, tôi học được cách ứng xử chuyên nghiệp hơn, văn minh hơn. Tôi rèn cho mình nguyên tắc này có lẽ được 6 năm nay. Giờ khi muốn sử dụng ảnh, bài ở các tạp chí nước ngoài, tôi phải mua bài, mua ảnh, thậm chí mua cả font chữ của họ.

Có nhiều người nói tôi đang làm những thứ vô ích. Bởi khi mà tôi đơn thương độc mã, chỉ một mình tôi không ăn cắp của người ta, và chỉ một mình tôi ngồi khư khư giữ tài sản của mình ngăn người ta ăn cắp, thì đó là việc vô cùng khó làm. Nhưng tôi vẫn nghĩ mình không thể không làm, ngay cả khi mình là người duy nhất. Bởi suy cho cùng, phải có ai đó bắt đầu câu chuyện này chứ?

- Và sau 5-6 năm dài không mệt mỏi “la làng”, anh có thấy sự đấu tranh của mình đem lại hiệu quả?

- Khi những người đồng tình với tôi ngày càng nhiều, thì tôi tin việc mình làm đã có tác dụng, không ít thì nhiều. Dĩ nhiên, đây là cách đấu tranh “thủ công” nhất, chậm chạp nhất, rất mất thời gian, rất mệt mỏi, rất vụn vặt. Tôi hiểu, chừng nào mà nhà nước chưa mạnh tay, thì chừng đó câu chuyện bản quyền ở nước ta sẽ còn tụt hậu rất xa so với thế giới. Một vụ kiện bản quyền với một tác phẩm ở nước ngoài, như Mỹ chẳng hạn, nhờ hệ thống tự động kiểm tra của họ, có thể chỉ cần 5 phút để giải quyết. Ở Việt Nam, có khi vài năm trời cũng không xong.

Con trai tôi học phổ thông trung học tại Australia. Khi mà cậu ấy viết bài luận và gửi e-mail cho cô giáo, việc đầu tiên cô giáo của con tôi làm sẽ là đưa bài luận đó vào hệ thống đã được lập trình sẵn, để kiểm tra và chắc chắn rằng bài luận đó không phải là một sản phẩm ăn cắp. Họ minh bạch đến từng chuyện nhỏ như thế và họ dạy cho con người trong xã hội họ sự minh bạch từ khi còn là một đứa trẻ. Nếu thế giới đã ứng dụng phần mềm đó đến vài chục năm nay, thì chúng ta không thể nói đó là việc khó với Việt Nam, là việc chúng ta không làm được và không có điều kiện để làm.

Tôi từng đề nghị với Cục Báo chí rằng, các anh phải làm ra một công cụ để giúp các cơ quan báo chí bảo vệ tác quyền, nó đơn giản như google search. Đến video khó như thế, mà youtube còn phát hiện ra những trường hợp sai phạm. Vậy thì chẳng có gì khó đến mức không thể kiểm tra được, trong thời đại công nghệ hiện nay. Chúng ta cần có một công cụ như thế, một cơ quan trọng tài để đứng ra bảo vệ sự công bằng, và một mức phạt đủ răn đe để họ không dám vi phạm nữa. Nhưng tôi đợi mãi mà vẫn chưa thấy một cơ quan nào đứng ra làm việc này!

- Năm 1997, nhạc sĩ Lê Vinh (tác giả bài hát “Hà Nội và Tôi”) từng kiện Hãng phim Trẻ vì vi phạm bản quyền. Sau 4 năm kiện tụng, Lê Vinh thắng kiện, nhưng đổi lại ông đã bị các trung tâm băng đĩa nhạc trong cả nước tẩy chay một cách công khai trên truyền thông. Các ca sĩ cũng không hát nhạc của ông ấy. Sự nghiệp của Lê Vinh bị huỷ hoại, chỉ bởi ông đã đòi công lý cho mình. Khi mà cả xã hội đều thờ ơ với chuyện bảo vệ bản quyền, thì anh có lo một người đơn độc như anh sẽ phải chịu thiệt thòi như thế?

- Đó là lúc chúng ta đang ở thời kỳ mông muội, nên có khi việc một người như nhạc sĩ Lê Vinh bị tẩy chay còn được cả xã hội vỗ tay. Còn bây giờ, tôi tin mọi chuyện đang tốt hơn rất nhiều. Một ai đó chỉ cần tuyên bố tẩy chay tôi vì tôi bảo vệ tác quyền chính đáng cho sản phẩm của mình, thì tôi chắc chắn sẽ có nhiều người quay lại tẩy chay chính cá nhân đó.

- Mối quan hệ của anh với các cơ quan báo chí và các đồng nghiệp ra sao khi cứ thi thoảng anh lại “đấu tố” họ trên mạng xã hội?

- Có lần, lãnh đạo báo điện tử Vietnamnet đã cử một đoàn sang làm việc với tôi, đề nghị lấy những bài báo của Đẹp về đăng lại trên Vietnamnet. Tôi trả lời rất sòng phẳng: “Báo các ông là báo lớn. Nếu các ông muốn đăng những bài báo của chúng tôi, các ông hãy mua nó. Chúng tôi rất sẵn sàng. Còn nếu lấy không thôi thì đừng lấy. Vì nó không có lợi gì cho chúng tôi cả. Các ông phải giúp cho những tờ báo nhỏ như chúng tôi sống bằng năng lực của mình chứ”. Và ông trợ lý tổng biên tập của Vietnamnet đã phải thừa nhận là tôi nói đúng. Họ ra về và từ bỏ ý định ban đầu.

Nhiều tờ báo lớn vẫn mặc định rằng, khi họ dẫn bài của những tờ báo nhỏ và dẫn nguồn, thì họ cho rằng họ đã quảng cáo cho tờ báo đó, và họ coi đó là một ân huệ với các tờ báo nhỏ. Nhưng thực chất các tờ báo nhỏ đâu cần cái đó. Báo nhỏ cần traffic. Traffic đó tạo ra quảng cáo. Quảng cáo tạo ra lợi nhuận. Thực tế thì bây giờ tôi nhận được sự đồng tình của rất nhiều lãnh đạo các tờ báo lớn. Bởi bản thân những cơ quan báo chí lớn phải để ý đến uy tín của mình. Nhưng cá biệt vẫn còn vài trường hợp, như câu chuyện truyền hình vi phạm bản quyền mà tôi có kể ở trên.

Dĩ nhiên những ngày đầu thì không đơn giản thế. Nhiều người cho rằng tôi hợm hĩnh, hống hách. Nhiều cuộc tranh cãi trên các diễn đàn từng nổ ra về chuyện tôi đúng hay sai, cái mà tôi nói là sự vi phạm liệu có thực sự là vi phạm? Thậm chí có người nói: “Làm thế là tốt cho anh, anh còn đòi gì nữa”. Giờ thì tốt hơn rồi, nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh, chừng nào các cơ quan nhà nước chưa can thiệp vào một cách nghiêm túc, chừng đó những người làm trong lĩnh vực sáng tạo còn chịu thiệt hại nặng nề vì thói ăn cắp công khai này. Và đây mới là trọng tâm trong cuộc chiến của tôi suốt mấy năm qua, điều khiến không ít người thường trêu tôi là Đông Ki Sốt. Vì thay đổi tư duy của những người lãnh đạo, để họ hiểu đây là việc chính đáng, vô cùng quan trọng và không thể không làm mới chính là con đường ngắn nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng bản quyền ở Việt Nam. Những năm vừa qua, tôi tìm mọi cơ hội có thể tiếp cận với cơ quan nhà nước để đấu tranh về vấn đề bản quyền. Tất cả những diễn đàn, những cuộc hội thảo liên quan đến báo chí mà có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, tôi đều cố gắng tham gia diễn thuyết. Thậm chí, tôi đề nghị cả các tổ chức nước ngoài tác động đến chính phủ.

- Và nó có thành công?

- Lạc quan mà nói thì có lẽ họ đã bắt đầu lắng nghe. Họ đồng ý cho những người như tôi nói trong những buổi hội thảo công khai. Chỉ có điều họ chưa hành động và không biết đến bao giờ mới hành động. Lý do mà các nhà lãnh đạo này đưa ra với tôi là việc đó khó lắm. Nhưng thực ra đâu có khó? Khi mà một cô giáo phổ thông ở nước Australia còn có thể phát hiện ra bài luận của học trò có phải là sản phẩm ăn cắp hay là lao động trí tuệ thực sự, thì chẳng thể nói việc bảo vệ tác quyền báo chí, chứ chưa nói đến các lĩnh vực khác, là khó. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.

- Nếu việc anh “to mồm” trên mạng xã hội đã đem lại những hiệu quả mà anh nhìn thấy được, thì tại sao với các cơ quan nhà nước, các nhà lãnh đạo, lại không có chuyển biến, khi mà có những cá nhân như anh đã dành nhiều tâm huyết để hy vọng ở họ sự lắng nghe và hành động?

- Có lẽ lý do quan trọng nhất là những nhà lãnh đạo ấy, những cơ quan chức năng ấy cho rằng việc này cỏn con và không đáng để làm bằng nhiều việc khác.

Khi họ không thấy nó là việc quan trọng, sẽ rất khó hối thúc họ hành động. Thế nên tôi mới hy vọng vào cái ngày một cơ quan nhà nước nào đó đứng ra thống kê, đo lường, định lượng xem chúng ta thiệt hại bao nhiêu % GDP vì vấn nạn ăn cắp bản quyền, và chúng ta sẽ thu được bao nhiêu nếu chúng ta chấm dứt được cơn ác mộng này. Bởi thiệt hại này không phải của riêng một cá nhân nhà văn, nhà báo hay một nghệ sĩ nào, hay một công ty chuyên về sáng tạo nào, mà là thiệt hại của cả nền kinh tế, khi mà chúng ta đã thất thu một phần ngân sách nhiều hơn rất nhiều so với mức chúng ta hình dung chỉ vì chúng ta đã không làm được một việc cực kỳ đơn giản. Và tôi tin, khi nào, chúng ta giải quyết được vấn đề bản quyền, chúng ta sẽ được phép mơ về một nhà văn, một nhạc sĩ Việt Nam hay một doanh nhân làm ra những sản phẩm sáng tạo có thể trở thành tỷ phú USD.

- Nhiều người khi đấu tranh bảo vệ bản quyền của mình, họ nói tiền không quan trọng, mà danh dự mới là lý do hối thúc họ hành động. Nhưng theo anh, cuối cùng, cuộc đấu tranh này, suy cho cùng là vì danh dự hay vì tiền?

- Có thể ban đầu là danh dự. Nhưng nó phải luôn dựa trên nền tảng kinh tế. Vì nếu không thì cuộc đấu tranh đó rất vô nghĩa. Khi tôi đấu tranh bảo vệ bản quyền cho những sản phẩm mà tôi và cộng sự làm ra, tôi nói thẳng rằng các bạn đang thò tay vào túi ăn cắp tiền của tôi. Bạn thử hình dung thế này, mỗi số Tạp chí Đẹp, để có được một bộ ảnh đẹp, tôi phải bỏ tiền ra thuê người mẫu, thuê nhiếp ảnh gia. Nếu chụp trong studio ở thành phố, thì chi phí còn dễ chịu. Nếu cả ekip đi Hà Giang, đi Nha Trang, thậm chí đi nước ngoài, thì đó là một khoản chi rất khổng lồ. Không có lý do gì tôi bỏ ra tiền bạc, mồ hôi, công sức, mà cuối cùng lại để cho ai đó thò tay vào túi mình ăn cắp một cách nhẹ tênh được. Nên tôi nói tôi bảo vệ túi tiền của mình là hoàn toàn chính đáng. Động cơ của cuộc chiến đấu cũng rõ ràng hơn rất nhiều.

Tôi từng nói với các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch khi tham gia buổi trò chuyện về chiến lược phát triển văn hoá rằng, điều sai lầm nhất của chúng ta là coi sản phẩm văn hoá, sản phẩm tư tưởng không phải là sản phẩm kinh tế. Khi mà chúng ta chỉ chính trị hoá nó mà không kinh tế hoá nó, chúng ta sẽ không đánh giá đúng giá trị thực của nó và không có sự tôn trọng cần thiết.

Thế giới đã có khái niệm “công nghiệp văn hoá” từ bao năm nay. Họ coi đó là một ngành kinh tế. Và ở một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc là điển hình cho sự thành công của việc xuất khẩu văn hoá, biến nó thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, hái ra tiền, có khả năng đem lại siêu lợi nhuận cho những nhà đầu tư. Và nếu tính được mức lợi nhuận này chỉ ở một nước với ngành công nghiệp sáng tạo còn non trẻ như Việt Nam, chúng ta sẽ thấy chuyện đi vào nhà ai đó ăn cắp so với chuyện ăn cắp một sản phẩm trí tuệ của ai đó sẽ không khác gì nhau. 10% những thành phố sáng tạo trên thế giới tạo ra 80% giá trị kinh tế toàn cầu. Và những thương hiệu lớn nhất thế giới bây giờ như Apple, Microsolf, facebook, các thương hiệu thời trang… đều là thuộc ngành công nghiệp sáng tạo.

Trong 30 thương hiệu lớn nhất toàn cầu hiện nay, có đến 13 thương hiệu là lĩnh vực sáng tạo. Và quan trọng là giá trị gia tăng rất nhanh. Có khi chỉ với khoản đầu tư ban đầu vài chục USD như trường hợp Instagram, sau một thời gian phát triển như vũ bão, nó đã có giá trị lên đến 35 tỷ USD. Khi mà những người giàu nhất Việt Nam mới chỉ xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, thì những tỷ phú công nghệ đang áp đảo danh sách những người giàu nhất thế giới. Bao giờ Việt Nam có tỷ phú công nghệ? Chỉ khi nào chúng ta phải thực sự chuyên nghiệp trong vấn đề bản quyền.

- Sáu năm qua, rõ ràng anh đã đấu tranh không mệt mỏi. Trước anh, cũng đã từng có người làm thế, chỉ có điều cuộc đấu tranh của họ không bền bỉ như vậy. Và với kết quả thu được bây giờ sau một hành trình dài như vậy, anh có bao giờ ngồi nhẩm tính xem đến bao năm nữa thì người làm trong lĩnh vực sáng tạo ở Việt Nam như anh mới không còn lo lắng bị móc túi vì nạn bản quyền?

- Nếu các cơ quan hữu trách cứ mãi không chịu hành động như bây giờ, thì có khi đến 30 năm nữa, câu chuyện chúng ta nói hôm nay vẫn không đi đến đâu cả.

- Và anh sẽ làm gì trong tình huống đó?

- Dĩ nhiên là tôi sẽ không vui với viễn cảnh đó, nhưng nếu tình huống xấu nhất ấy xảy ra, tôi đành phải tiếp tục mang tiếng là kẻ “to mồm” cho đến lúc nào hết sức để nói thì thôi!

- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Tô Lan Hương (thực hiện)
.
.