Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Giải quyết được vấn đề nông nghiệp và con người thì chúng ta mới “sống”!

Thứ Hai, 12/12/2016, 11:48
Với nhiều biến động không ngờ, năm 2016 khắc thêm dấu ấn quan trọng cho thấy thế giới đang chuyển mình sang một trật tự mới, một cấu trúc mới khó đoán định hơn. Thế giới bất định đó, cùng với độ mở chưa từng có của nền kinh tế Việt Nam đặt ra những vấn đề cho đường hướng phát triển tương lai của đất nước.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan – quan chức Việt Nam đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, người đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA), người đã chứng kiến Việt Nam từ lúc bước vào con đường hội nhập cho đến nay đã có những kiến giải về một trật tự thế giới mới, và những phản ứng nên có để thích nghi với nó.

Coi thường diễn biến mới của TPP là nhẹ dạ!

- Phóng viên: Có nhiều phản ứng khác nhau về việc ông Donald Trump tuyên bố sẽ từ bỏ TPP ngay khi nhậm chức. Nhóm lạc quan cho rằng không có TPP chúng ta vẫn sống như xưa nay, bởi TPP vốn là một viễn cảnh chưa có thật. Nhóm bi quan thì ngược lại, vô cùng lo lắng. Theo ông, đâu là thái độ nên có với diễn biến này?

- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trước hết, phải nói TPP là một mắt xích quan trọng của quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Với việc ông Trump đã chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, quá trình tự do hóa toàn cầu ấy chịu một sức ép không nhỏ. Bất luận thế nào, chắc chắn năm 2017 sẽ chưa có TPP, và nếu giả dụ có trong tương lai, nó cũng sẽ khác TPP đã ký. 

Ở Việt Nam, một số người nói có TPP hay không có TPP cũng không vấn đề gì! Nếu nói như vậy, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Vậy thì anh vào TPP làm gì, cố công đàm phán bao nhiêu năm trời, thậm chí có rất nhiều kỳ vọng, nhiều dự đoán lạc quan. Bây giờ viễn cảnh đó không có nữa, tất nhiên là ảnh hưởng đến Việt Nam chứ sao lại nói là không? Có người còn nói không có thì càng tốt, là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế. Cách nói như thế, theo tôi, không chuẩn xác.

Theo tôi, nên đặt vấn đề thế này: TPP là một mắt xích quan trọng trong quá trình nước ta hội nhập với thế giới. Bây giờ nó không có nữa, hay nó thay đổi đi, thì ta phải tính toán, thích nghi với tình hình đó. Tuy nhiên, bất luận có TPP hay không có TPP thì mình vẫn phải đổi mới thể chế, vẫn phải đổi mới cơ cấu, chứ không chờ sức ép của TPP.

- Tức là, nghiêm trọng quá diễn biến này tất nhiên là không nên, nhưng quá coi thường, như “chẳng sao” là rất nguy hiểm? Ông có nghĩ các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam để đón TPP sẽ rút ra không, và điều đó liệu có ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới?

- Đúng như vậy! Việc các doanh nghiệp FDI rút lui cũng là một hệ quả chúng ta cần tính đến. Theo kinh nghiệm, cao trào đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã dâng lên sau khi chúng ta gia nhập WTO, rồi nó lại lắng xuống. Khi chúng ta kết thúc đàm phán TPP thì lại thấy một cao trào mới, một làn sóng mới gia tăng đầu tư vào Việt Nam, thực chất để đón đầu TPP. 

Bây giờ TPP không còn nữa, hoặc nó chậm lại, hoặc thay đổi, thì làn sóng ấy chắc chắn bị ảnh hưởng. Tôi đã thấy quý IV manh nha có dấu hiệu như vậy. Mà FDI chiếm một thị phần rất quan trọng trong kinh tế nước ta, nhất là xuất khẩu (khoảng 70%). 

Đầu ra của chúng ta là xuất khẩu cũng sẽ ảnh hưởng, đầu vào là thu hút vốn FDI cũng sẽ ảnh hưởng, không thể coi thường là không có TPP càng tốt. Tôi thấy cách nói đó là thiếu trách nhiệm.

- Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng sức ép đổi mới thể chế mới là điều đáng kỳ vọng nhất ở TPP, chúng ta cần điều đó hơn tất cả các cơ hội về thị trường hay đầu tư, bởi với mô hình hiện nay, Việt Nam đã hết động lực tăng trưởng. Với chiều hướng quan điểm này, ông có nhận định gì?

- Cách tiếp cận có thể khác nhau, người nhấn mạnh mặt này, người nhấn mạnh mặt kia. Cái đó cũng dễ hiểu thôi. Nhưng quan điểm của tôi như tôi đã nói, cần nhất là thị trường, thể chế là cái bổ sung. Nhưng cái thể chế quyết định nhất lại là ở ta. Những thỏa thuận quốc tế chẳng qua là điểm hích thêm thôi. 

Còn về thị trường, nếu không có Mỹ, ta phải tìm kiếm thị trường khác. Nhưng tôi không nghĩ là có một thị trường nào dễ dàng thay thế Mỹ - vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ tăng lên, kể cả việc xóa bỏ TPP và nhiều biện pháp khác nữa, sẽ ảnh hưởng đến khả năng xâm nhập thị trường này.

Tôi nhấn mạnh lại, là bất luận thế nào, thì 2 việc lớn là tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới thể chế vẫn là đòi hỏi rất bức bách của nội tại nền kinh tế, chứ không phải chỉ từ bên ngoài. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) không phải tất cả các doanh nghiệp đều tham gia; tuyệt đại đa số các doanh nghiệp làm ăn đều nhìn vào thị trường nội địa, nên người ta đòi hỏi phải có đổi mới thể chế để làm ăn được dễ dàng. 

Tôi có cảm nhận, trong thời điểm hiện nay, nội tại ta đã tích cực, chủ động hơn trong đổi mới thể chế, cũng làm khá nhiều việc, đưa ra rất nhiều ý tưởng, vấn đề là thực thi thế nào cho tốt thôi. 

Tôi cũng nhấn mạnh, ta có “truyền thống” là ý tưởng không ít đâu; chủ trương, nghị quyết cũng rất nhiều, nhưng thực hiện còn là một vấn đề. Thế thì, chuyện ấy là do mình hết, chứ có ai áp đặt đâu? Cuối cùng ta vẫn là ta thôi. Nếu không đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, không xóa bỏ những rắc rối trong thủ tục, nếu còn có cơ chế xin – cho thì chẳng có FTA nào cứu được đâu.

- Tạm kết cho chủ đề TPP, theo ông, trong tình huống này, phản ứng nên có, kể cả của chính quyền, kể cả của doanh nghiệp, là gì?

- TPP ngay khi đàm phán đã nhiều ý kiến lắm rồi. Tôi cảm nhận khác hẳn hồi WTO. Thời đó, chúng ta hào hứng như là hôm sau thức dậy nước mình trở thành con rồng, con hổ. Còn TPP, người thì nghĩ rằng hôm sau sẽ bừng sáng, người thì nghĩ rằng hôm sau sẽ sập tối. Bây giờ bỗng nhiên nói là TPP không có, người lo sợ cái sập tối thì mừng, người nghĩ bừng sáng lại buồn. 

Vấn đề cơ bản là nhận thức, hiểu biết, tức là giải thích của những người có trách nhiệm và giải thích của cơ quan truyền thông chưa thấu đáo, nhận thức chưa thật khách quan, chuẩn xác. Cho nên, bây giờ phải nhận thức cho đúng. Nói đúng thì mênh mông, nhưng đúng ở đây là phải nhận thức được thế giới là một cái gì đó đang biến động rất lớn. 

Cuộc khủng hoảng năm 2008, rồi những đột biến bây giờ, như hiện tượng Trump, cũng không phải nhiều người dự đoán được. Phải thích nghi với một thế giới đang biến động - nếu trang bị cho mọi người cách suy nghĩ ấy, thì người ta sẽ tự xử lý được những tình huống.

Đừng than khóc những giá trị đã lỗi thời!

- Cùng với sự mất đi của TPP  mà nhiều người cho là điều may, một lần nữa những quan điểm cho rằng Việt Nam hội nhập quá nhanh, trong khi những phản ứng trong nước chưa theo kịp, đã khiến cơ hội có được từ các FTA không phải là cơ hội của người dân Việt Nam, mà là cơ hội của nước ngoài được nhắc lại. Là người đã chứng kiến quá trình hội nhập của Việt Nam ở cự ly gần hơn bất cứ ai, ông có thấy quan điểm như vậy là đúng không?

- Có 2 sự lựa chọn. Cũng giống như tập bơi, lựa chọn thứ nhất là ngồi chờ hội đủ điều kiện thì hãy nhảy xuống để bơi. Như vậy sẽ an toàn, không sợ đuối nước. Nhưng nếu không nhảy xuống nước thì bao giờ biết bơi? Cách thứ 2 là cứ tập bơi dưới nước, có thể bị uống nước, sặc nước, nhưng cuối cùng bơi được. Hội nhập cũng vậy thôi. 

Khi bắt đầu hội nhập chúng ta có biết nó là thế nào đâu. Bước hội nhập đầu tiên là tham gia AFTA năm 1995. Việc này không những không gây nguy hại gì cho đất nước, mà còn đem lại một số mối lợi. Điều tương tự cũng xảy ra với BTA, WTO. 

Ví dụ, trước khi ký BTA, kim ngạch trao đổi giữa nước ta và Mỹ chưa tới 1 tỷ USD, ngày nay đã lên tới trên dưới 40 tỷ USD, trong đó, nước ta xuất siêu tới gần 30 tỷ USD. Những bài học như vậy cho thấy phải nhận thức, nắm bắt được xu thế, hòa mình và tôi luyện trong xu thế thì mới lớn lên được. Còn cứ ngồi chờ hội đủ mọi điều kiện mới tham gia thì chẳng bao giờ có.

Tôi nói như vậy không có nghĩa là nhảy bừa xuống bất kỳ đâu. Khi mới tập bơi thì nhảy xuống dòng nước tương đối tĩnh lặng cái đã, ví dụ như AFTA. Khi đã biết bơi rồi thì có thể nhảy xuống sông suối “dữ dằn” hơn. 

Nước ta đã hành động đúng như vậy. Tuy nhiên, trên đời này không có việc gì chỉ có mặt tốt; cái gì cũng có 2 mặt. Cái “khôn” của chúng ta là biết đúc rút kinh nghiệm từ cung cách tận dụng cơ hội, đối phó với thách thức, từ đó lớn dần lên. Nói một cách khác, mọi chuyện tùy thuộc ở năng lực nội tại của chúng ta.

Tôi không thể nói tham gia hơn một chục FTA hiện nay là quá vồ vập, vội vàng. Tuy nhiên, không nên đổ mọi việc cho hội nhập. Ví dụ, người ta hay kêu mất thị trường nội địa. 

Hội nhập là con đường hai chiều; ta được quyền thâm nhập thị trường nước khác, thì người ta có quyền thâm nhập thị trường của mình. Còn làm thế nào để bảo vệ được thị trường trong nước là chuyện của bản thân chúng ta. Dù sao đi nữa, đất đai cũng là của ta, người mua cũng là của ta, thói quen tiêu dùng cũng là của ta, mà không biết tận dụng, thì cũng chẳng nên ngồi đó mà ta thán làm gì. 

Ngay bây giờ đây, thị trường nông thôn, miền núi còn mênh mông, mà dân số ở thị trường này chiếm tới 70%, nhưng ta cũng chưa lấp đầy được, thì đâu có phải lỗi ở hội nhập? Đại hội XII vừa rồi của Đảng nêu ra một ý tưởng rất hay là đi đôi với xuất khẩu cần chú ý thị trường nội địa. Tuy nhiên, tôi chưa cảm nhận thấy những biện pháp rốt ráo để thực hiện chủ trương này. 

Cần chú ý rằng, hiện nay trên thế giới đang có xu thế hướng mạnh vào nội nhu, vào thị trường nội địa. Điều đó cũng mách bảo chúng ta cần hành động quyết liệt để chiếm lĩnh thị trường của bản thân chúng ta.

- Phải chăng phản ứng hiện nay của doanh nghiệp trong nước như là ta có một cái bánh bao bì rất xấu, không có gì hấp dẫn, ta chưa buồn ăn. Đến lúc người nước ngoài vào, họ bóc cái bánh đó ra, ta thấy nó ngon quá, và cứ mê mải nhìn họ ăn, bực dọc vì sao ta không ăn trước, mà không để ý xung quanh còn rất nhiều thứ bao bì xấu khác đang chờ ta bóc?

- Đúng vậy. Ngoài cái bánh họ đang ăn, chúng ta còn nhiều loại bánh thuần Việt khác, như bánh nếp, bánh tẻ, bánh khoái... Vậy tại sao chúng ta không nâng cấp các loại bánh thuần Việt đó và không tự sử dụng chúng? Tôi thấy cái logic đó không ổn. Đừng ngồi nhìn cái bánh họ ăn thì thèm, mà cái bánh của mình – chỉ cần thêm chút công nhào nặn, chế biến thì có thể ngon hơn, nhưng lại bị lãng quên. 

Hồi tôi làm Bộ trưởng Thương mại, tôi có nói với các doanh nghiệp mậu dịch quốc doanh của Việt Nam: Tại sao ta lại kêu? Mậu dịch quốc doanh bao giờ cũng chiếm những mảnh đất đẹp nhất ở bất kỳ thành phố, thị trấn nào. Tiếc rằng khi hội nhập, ta chẳng động đậy gì cả, biến các cửa hàng mậu dịch thành quán bia kèm với lạc rang hay mực nướng. 

Đến khi doanh nghiệp nước ngoài vào thì ta lại kêu oai oái, hoặc bán đất luôn cho họ. Rõ ràng ta nắm lợi thế, nhưng còn rất nhiều biểu hiện thụ động, trong khi mọi nghị quyết đều nhấn mạnh cụm từ “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”.

Một trong những tác động của hội nhập là tạo sức ép để chuyển động. Nếu cứ duy trì cơ chế xin - cho, bao cấp thì sẽ lạc hậu mãi mãi. Tôi trộm nghĩ, nền thương mại Việt Nam không thể chuyển đổi nếu không có sức ép của hội nhập quốc tế. 

Trước kia mình có khái niệm gì về siêu thị đâu. Họ vào, mình mới bắt đầu học được cách tổ chức siêu thị. Mặt khác, cần bình tĩnh quan sát. Các doanh nghiệp lớn nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam cũng không dễ dàng gì. Tuy họ có thế mạnh về vốn, kỹ năng, nhưng họ lại có mặt yếu là chưa quen với thị trường, chưa hiểu biết sâu thị trường. Chúng ta cần làm quen với khái niệm: trong cơ chế thị trường có người mạnh - kẻ yếu, có người sống – kẻ chết, chứ không thể mọi doanh nghiệp ung dung tồn tại.

Còn một điều nữa tôi muốn nhân đây nhấn mạnh. Đó là hệ thống phân phối trên thế giới cũng đang thay đổi đáng kể; xu hướng chuyển sang online đang phát triển mạnh. Những “mall”, những trung tâm thương mại chưa chắc đã tồn tại mãi. 

Wallmart cũng bắt đầu phải thay đổi, chuyển sang online, thay vì mở những cửa hàng lớn. Thành ra, đừng có than khóc những cái đã không còn giá trị nữa, mà cần phải mở rộng tầm nhìn. Thế giới đang đổi thay rất nhanh, đừng suy nghĩ và hành động lỗi thời.

Sự lạc hậu tới đây sẽ là lạc hậu về chất!

- Với những diễn biến khá bất ngờ về chính trị trên thế giới hiện nay, ví dụ như sự thắng thế của ông Trump, ông Duterte, ông có nghĩ dòng chảy tự do thương mại sẽ bị chặn lại hay không, hay chỉ là nhất thời?

- Thế giới đang manh nha 2 xu hướng mới, đó là xu hướng dân túy và xu hướng dân tộc. Vấn đề đặt ra là vì sao xuất hiện hai xu hướng đó? 

Theo thiển ý của tôi, chẳng qua đây là kết quả của cuộc chạy đua dữ dằn để phát triển, và mặt trái của xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại. Hai xu hướng ấy đem lại kết quả là có người thắng – kẻ thua, có mặt được - mặt mất. 

Những mặt mất như: mất công ăn việc làm của một bộ phận dân cư; sự nảy sinh rất nhiều vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, tội phạm, ma túy, nhập cư... làm cho một bộ phận dân chúng khá đông lo lắng và mong mỏi có người giương cao ngọn cờ giải quyết những vấn đề đó. 

Người ta rất chán ghét những lời hoa mỹ, những chính sách xa vời; người ta rất thích những lời nói bộc trực, thậm chí là “chợ búa”, phù hợp với tâm lý chung. Những ai nắm bắt được chiều hướng này, thực hiện chủ nghĩa dân túy đều có thể tranh thủ được nhiều phiếu ủng hộ. 

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ công chúng ngộ nhận rằng tự do hóa thương mại gây ra sự thua thiệt cho nước mình, cho bản thân mình, do đó đã ủng hộ xu hướng “bảo hộ mới”. Hiện tượng Brexit, hay ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP phản ánh chiều hướng này.

- Theo ông, đây là trạng thái tạm thời hay là một xu thế sẽ kéo dài?

- Hai xu hướng này mạnh tới đâu và kéo dài tới bao giờ là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, bất luận thế nào, chúng ta cũng cần theo dõi sát sao và chủ động “xóc” lại, hay là “cài đặt” lại. Cũng dưới tác động của những xu hướng mới, tình hình thế giới sẽ có nhiều biến động, nhiều chuyện bất ngờ, bất định, bất an. Ta bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm mới cần tính đến những nhân tố mới này. 

Thực ra, cuộc khủng hoảng bùng nổ năm 2008 là một cú sốc mà không phải ai cũng nhận biết hết được chiều sâu của nó. “Cái đuôi” của nó vẫn còn quẫy đến bây giờ và mấy năm nữa. Nhìn lại lịch sử thế giới, mỗi lần đại suy thoái đều chứng tỏ trật tự và cơ cấu cũ không còn phù hợp, đòi hỏi một trật tự và cơ cấu mới. 

Hiện nay cơ cấu kinh tế toàn cầu đang thay đổi sâu sắc và quá trình này chính là “bà đỡ” của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tất cả những biến động chúng ta chứng kiến cho thấy một thực tế là thế giới đang chuyển mình sang một trạng thái mới, một trật tự mới cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội.

- Sự chuyển mình về chính trị mà ông nói đến có phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự mất dần vị thế của Mỹ và phương Tây không? Điều này có phải là một sự chuyển mình bất lợi cho Việt Nam?

- Tôi lại quan tâm đến sự chuyển mình về kinh tế nhiều hơn, vì về mặt chính trị, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đã “lão luyện” và có thể thích nghi được dễ dàng hơn. Chúng ta nhận thức được rất sớm về vai trò của cách mạng khoa học công nghệ. 

Từ Đại hội II của Đảng trong rừng Việt Bắc năm 1951, khi đánh giá tình hình thế giới, Bác Hồ nêu 2 đặc điểm: Một là, thế giới chia làm 2 phe; hai là, thế giới đã chuyển sang thời đại năng lượng nguyên tử và tivi. Như vậy, từ rất sớm, Bác đã quan tâm đến sự phát triển vật chất của loài người, nhận ra vai trò của cách mạng công nghiệp, của khoa học.

Rồi đến Đại hội III của Đảng năm 1960, Đảng ta đã nêu lên 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học – công nghệ là then chốt. Thế nhưng, bây giờ, bức tranh khoa học – công nghệ của Việt Nam như thế nào? Nay thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 rồi, tức là đi rất xa rồi, nhưng chúng ta vẫn còn đang phải loay hoay “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. 

Từ lâu, chúng ta đã coi “giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”, xong xem ra, ý tưởng ấy vẫn đang là ý tưởng. Cái lạc hậu về trình độ phát triển mới là điều đáng lo ngại và đòi hỏi rất nhiều công sức, vì sự lạc hậu tới đây sẽ là sự lạc hậu về chất chứ không chỉ là về lượng.

Vấn đề lớn của nước ta là chọn cơ cấu kinh tế nào phù hợp

- Như ông đã đề cập, chúng ta đã nhận thức được vấn đề từ rất sớm. Vậy đâu là nguyên nhân kìm chân Việt Nam lâu đến thế trên con đường “công nghiệp hóa”?

- Vấn đề lớn của nước ta là chọn cơ cấu kinh tế nào phù hợp. Tôi có cảm giác, hiện nay nước ta đang có quá nhiều ngành “mũi nhọn” mà chưa rõ cái mũi nào là nhọn nhất, phù hợp với lợi thế so sánh của nước ta và xu thế chuyển đổi của thế giới. 

Nay thế giới đã chuyển sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vậy chúng ta có nên lặp lại con đường của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai (thời của luyện kim, của thép) cách đây mấy thế kỷ không?

Thứ hai, lợi thế so sánh của Việt Nam ở đâu? Nếu không nhận chân được điều này mà mải mê với những tiềm năng chưa có thật thì khó bề thành công. Riêng tôi có cảm nhận, nông nghiệp nhiệt đới là lợi thế có thực; bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một tiềm năng có thể khai thác. Nếu làm được hai mảng này theo hướng hiện đại thì mới “sống”.

- Nói cụ thể về ngành công nghiệp ôtô – ngành mà mới đây Chính phủ đã một lần nữa khẳng định sẽ ưu tiên phát triển và thậm chí đưa sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào diện kinh doanh có điều kiện để bảo hộ sản xuất trong nước. Người tiêu dùng đã “hi sinh” mua xe giá cao hơn 20 năm để xây dựng ước mơ có 1 ngành công nghiệp thực sự, nhưng liệu Việt Nam có thực hiện được giấc mơ đó không?

- Theo tôi biết, thì đã nhiều lần chúng ta dày công xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ôtô. Cho đến nay, ý kiến cũng còn rất khác nhau. Riêng cá nhân tôi cứ suy nghĩ, trên thế giới này có bao nhiêu nước sản xuất được ôtô? Quanh đi quanh lại chỉ có mấy nước là Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Công nghiệp ôtô ở Pháp, ở Anh cũng đã suy yếu dần. 

Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã từng chủ trương sản xuất ôtô nhãn hiệu Proton, thậm chí yêu cầu tất cả các quan chức phải đi xe Proton, xong xem ra cũng không thành. Thái Lan sản xuất rất nhiều ôtô, nhưng chủ yếu là lắp ráp và công nghiệp phụ trợ, chứ chưa có xe ôtô nào mang nhãn hiệu Thái Lan. 

Ở ta, chắc ít người còn nhớ, vào cuối những năm 50, đã từng có nỗ lực sản xuất ôtô mang tên Chiến Thắng (dịch từ Pobeda – nhãn hiệu ôtô nổi tiếng lúc đó của Liên Xô). 

Thời gian đó tôi sống ở phố Lê Thánh Tông và đã được nhìn thấy đoàn người rất đông đẩy chiếc xe đó trên đường phố qua Tràng Tiền ra Bờ Hồ. Đó là chiếc xe duy nhất, và sau đó đã chìm vào quên lãng. Còn ngày nay, giả dụ chúng ta sản xuất được ôtô mang nhãn hiệu Việt Nam, thì không biết có người dân Việt Nam nào bỏ tiền ra mua hay không? Đấy là tâm tư riêng của cá nhân tôi.

- Ông nghĩ thế nào về thương hiệu “kiến tạo, liêm chính” của Chính phủ hiện nay?

- Nó phù hợp với đòi hỏi của tình hình thôi. Chính phủ kiến tạo là gì? Là tập trung vào xây dựng hành lang pháp lý, đổi mới thể chế để người dân sống yên lành và doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Liêm chính đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân trước nạn nhũng nhiễu đã làm nhân dân rất mệt mỏi. 

Ở đây có 2 vấn đề tôi trăn trở. Chuyển động phải là cả hệ thống, chứ không phải chỉ Chính phủ Trung ương. Muốn làm vậy không chỉ hô hào là đủ, mà phải xây dựng một thể chế buộc người ta phải hành động như vậy. Tâm tư thứ 2 là đất nước ta đang đứng trước rất nhiều điều mới mẻ trong quá trình phát triển tự thân, đồng thời, liên quan đến sự biến động của thế giới. 

Vấn đề điều hành vĩ mô trên phạm vi toàn quốc, thậm chí liên quan đến biến đổi toàn cầu là điều phải hết sức tập trung, phát huy cao độ tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, chứ Chính phủ không thể làm thay. Đấy là 2 tâm tư riêng của tôi trước chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm khiết.

- Những năm gần đây, người dân đã thấy ông có rất nhiều phát biểu thẳng thắn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhiều trong số đó có những góc nhìn mới mẻ, thậm chí người ta còn “gán” cho ông biệt hiệu “người không chịu lỗi thời”. Ông có cảm thấy những ý kiến của mình được lắng nghe?

- Điều rất may là trong nước có rất nhiều người ở mọi tầng lớp trăn trở về thời cuộc, về quá trình phát triển của đất nước và ngày càng cởi mở chia sẻ những suy ngẫm của mình. Tuy nhiên, cuộc sống rất phức tạp, nhiều chiều. 

Người nói thì nên khách quan, thực sự cầu thị; người nghe thì nên quan tâm tiếp thu có chọn lọc để cùng nhằm vào một mục tiêu chung làm sao cho nước ta không bị tụt hậu quá xa so với các nước khác cùng điều kiện trên thế giới. Cá nhân tôi cũng hành động theo phương hướng đó.

Tôi cũng hiểu rằng, không phải mọi ý kiến của mình là chuẩn xác, nhưng chắc chắn một điều là mọi ý kiến của tôi đều xuất phát từ lòng mong mỏi đất nước phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân (thực hiện)
.
.