Nhập cư trái phép vào Châu Âu:

Eu loay hoay bế tắc

Thứ Hai, 25/05/2015, 16:36
Châu Âu hiện là điểm đến nhộn nhịp đối với hoạt động di cư trên thế giới và biển Địa Trung Hải trở thành tuyến vượt biên nguy hiểm nhất hiện nay. Số liệu của Cơ quan biên giới Liên minh châu Âu (Frontex) cũng cho thấy số thuyền nhân đến Italia, Malta và Hy Lạp từ đầu năm đến nay đã tăng đột biến so với cùng kỳ những năm trước. Đây có thể là dấu hiệu tái diễn một làn sóng người nhập cư mới chủ yếu từ các nước Bắc Phi và Trung Đông (nơi đang xảy ra xung đột và bất ổn chính trị), tận dụng thời gian biển lặng hơn để tìm đường sang châu Âu.

Số lượng lớn những người chạy trốn khỏi các cuộc khủng hoảng tại châu Phi và Trung Đông xin nhập cư và tị nạn chính trị đã đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu, trong bối cảnh lục địa già vẫn đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng èo uột và sự chia rẽ về chính trị. Tuy nhiên tới nay, phản ứng chung của Liên minh châu Âu (EU) vẫn là các giải pháp tình thế và mới tập trung vào việc phong tỏa các đường biên giới hơn là bảo vệ quyền của người di cư và tị nạn. Trong khi các đảng dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy ở nhiều nước EU, cùng với mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang bao trùm khắp khu vực, châu Âu vẫn bế tắc trong việc tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng nhập cư.

Những con số biết nói

Kết quả thống kê của Cơ quan Frontex cho thấy: Các trường hợp nhập cư trái phép vào lãnh thổ EU, trong năm 2014, đã tăng gấp ba lần so với năm 2013. Riêng trong bốn tháng qua (tính đến tháng 4/2015), dòng người nhập cư trái phép từ khu vực Balkan vào các nước EU đã tăng từ vài trăm người lên 21 nghìn người. Gần 3.500 người di cư đã thiệt mạng trên hành trình vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Khoảng 2.800 người nhập cư khi đang cố gắng vượt biển đến các quốc gia châu Âu đã được phát hiện và cứu sống. Con số này không bao gồm số người nhập cư có thể đã vượt biển thành công và đến được đích của mình. Theo dự báo, tình hình nhập cư trái phép vào châu Âu trong năm 2015 sẽ còn phức tạp hơn so với năm trước, chủ yếu theo đường biển hoặc đường hàng không.

Những con số nêu trên đã thực sự làm gia tăng quan ngại đối với các nhà lãnh đạo EU, nhất là đối với Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp - những quốc gia là cửa ngõ vào châu Âu. Biến động chính trị tại Trung Đông và châu Phi là nhân tố chính tạo nên làn sóng người tị nạn di cư sang châu Âu. Năm 2011, số lượng những vụ vượt biên trái phép vào EU đã tăng vọt sau cơn địa chấn mang tên “Mùa xuân Arab” khi hàng nghìn người Tunisia bắt đầu cập bến đảo Lampedusa của Italia, nơi chỉ cách Tunisia 113 km. 

Những người dân thuộc khu vực Hạ Sahara từng tới Libya trong những năm 2011-2012 cũng bắt đầu chạy trốn khỏi quốc gia hỗn loạn này để tìm nơi trú ẩn mới. Hiện nay, tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại Libya, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan cũng là nhân tố thúc đẩy dòng người tị nạn đổ sang châu Âu. 

Ngoài ra, những nạn nhân khác của cuộc nội chiến tại Syria cũng đã góp phần làm tăng vọt số vụ vượt biên gần đây trên dọc tuyến biên giới biển của EU. Động lực duy nhất thúc đẩy họ mạo hiểm với mạng sống của mình là hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê nhà, dù phải trải qua nỗi thất vọng cũng như sự nguy hiểm trên hành trình của mình. Lộ trình vượt biên bất hợp pháp của người nhập cư trải trên một số tuyến đường chính ở khu vực Nam và Đông Âu.

Khu vực Trung Địa Trung Hải, với Italia là cửa ngõ chính để tiếp cận, hiện là nơi mà những người nhập cư và tìm kiếm tị nạn chính trị từ Syria, Iraq, Eritrea, Ai Cập và Somalia thường lui tới. Đây là tuyến đường buôn người tấp nập nhất, và cũng là nơi gánh phần nặng nhất của làn sóng người nhập cư bất hợp pháp trong thời gian qua.

Theo Frontex, có gần 40 nghìn lượt người vượt biên bất hợp pháp qua tuyến đường này năm 2013, gấp 4 lần số người vượt biên bị phát hiện trong năm 2012. Đây cũng là tuyến đường bị đánh giá là chết chóc nhất khi phần lớn trong số 3.279 người nhập cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải năm 2014 là qua tuyến đường này.

Dự báo tới cuối năm 2015, tổng số người chết có thể lên tới 30 nghìn người. Một số vụ lật thuyền nghiêm trọng, trong đó đáng kể nhất là việc 800 người nhập cư thiệt mạng vào tháng 4/2015, đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và đồng loạt lên tiếng yêu cầu EU cần có giải pháp chung nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Tình cảnh khốn đốn

Các trung tâm giam giữ người nhập cư ở khắp vành đai Nam Âu, tại Hy Lạp, Italia, Malta và Tây Ban Nha, trong nhiều năm qua bị cáo buộc đã để xảy ra tình trạng lạm dụng và thờ ơ đối với người nhập cư. Nhiều nhóm nhân quyền cho rằng một số trung tâm này đã vi phạm Điều III của Công ước Nhân quyền châu Âu, theo đó cấm việc đối xử tàn bạo hoặc xúc phạm tới người tị nạn. Họ khẳng định nhập cư là một vấn đề thuộc về an ninh quốc gia và nguy cơ đối với việc đảm bảo an ninh cho hoạt động nhập cư chính là việc (các chính phủ) mạo hiểm hợp pháp hóa các biện pháp đối phó khác thường.

Tại Italia, người nhập cư phải đối mặt với các án phạt và bị trục xuất theo điều luật nhập cư Bossi - Finni (quy định người nhập cư phải có hợp đồng lao động trước khi nhập cảnh vào Italia). Đạo luật thông qua hồi năm 2002 này đặt các đối tượng nhập cư bất hợp pháp hoặc giúp đỡ người nhập cư bất hợp pháp ngoài vòng pháp luật, họ sẽ bị trừng phạt bằng tiền hoặc phải ngồi tù.

Tình hình tại Hy Lạp còn đáng ngại hơn trong bối cảnh khủng hoảng nợ công và vòng xoáy của các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Những cơ sở đón tiếp người tị nạn tại Hy Lạp bị quá tải, trong khi người nhập cư lại bị ngược đãi và quấy rối. Các nhóm cánh hữu cực đoan với chiến dịch chống lại người nhập cư đã làm tồi tệ thêm tình hình bài ngoại tại Hy Lạp, đồng nghĩa với việc có ít hơn cơ hội kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội cho người nhập cư và tị nạn.

Trong khi đó, ngân sách cho vấn đề nhập cư tại nhiều nước vùng Địa Trung Hải vẫn ở mức rất khiêm tốn, do tất cả các nước EU đều cắt giảm chi tiêu công sau khủng hoảng kinh tế. Số liệu của Frontex cho thấy, ngân sách hàng năm để giải quyết các vấn đề liên quan tới nhập cư của các nước này đã giảm từ 118 triệu euro xuống còn 89 triệu euro trong năm 2014. Mặc dù Ủy ban châu Âu mới đây đã cam kết sẽ viện trợ bổ sung 13,7 triệu euro cho Italia để triển khai hoạt động cứu nạn người nhập cư, nhưng nhiều nhóm nhân quyền cho rằng số tiền như trên là không bao giờ đủ.

Trái lại, tình hình người nhập cư tại các nước Bắc Âu giàu có khả quan hơn khi chính phủ các nước này đang quản lý tương đối tốt các trung tâm dành cho người tị nạn (với việc người nhập cư thường được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm) và thực thi các chính sách tái định cư cởi mở. Mặc dù là điểm đến mơ ước đối với đa số người nhập cư với mong muốn làm việc hoặc nhận được sự bảo trợ quốc tế nhưng những nước này lại là nơi mà người nhập cư khó tiếp cận.

Vấn đề nan giải

Trong thời gian qua, cho dù EU và các nước trong khu vực đã thực thi nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, song vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Nhiều chiến dịch phối hợp giữa các nước có đường biên giới với bên ngoài đã được triển khai và đã bắt giữ nhiều trường hợp đang trên đường nhập cư trái phép vào lãnh thổ Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Pháp. Một chiến dịch quy mô lớn nhằm giải quyết vấn đề nhập cư trái phép đã được EU triển khai trong tháng 5/2015.

Theo đó, EU sẽ tăng cường giám sát biên giới, cải tiến hệ thống nhập cư bằng việc đổi mới việc cấp thẻ lao động. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bảo vệ biên giới thông qua cơ quan Frontex, với kinh phí 100 triệu euro/năm, nhằm phối hợp hành động giữa các quốc gia thành viên trong việc kiểm soát nhập cư bất hợp pháp.

Dòng người tị nạn tới châu Âu ngày càng nhiều, nhưng có một thực tế là sự phân biệt giữa những người tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị và di cư vì lý do kinh tế thực sự không rõ ràng, mặc dù hai nhóm này, theo quy định của luật pháp quốc tế, được hưởng những mức độ trợ giúp và bảo vệ khác nhau. Sự nhập nhèm này bị các quy định khác nhau về việc nộp đơn xin tị nạn chính trị của 28 quốc gia thành viên EU làm cho rối rắm hơn. Do vậy, EU không chỉ phải đối mặt với bài toán về số lượng người nhập cư mà còn với chính những vấn đề thuộc về thể chế của khối này trong việc chung tay đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư.

Ngoài ra, do mỗi nước có chính sách người nhập cư khác nhau nên việc thống nhất các biện pháp giải quyết còn nhiều vướng mắc. Và có ý kiến đã cho rằng, việc giải quyết vấn đề người nhập cư chính là một “thử thách đoàn kết trong EU”.

Thực tế đã nảy sinh các ý kiến trái chiều liên quan tới cách thức hỗ trợ người nhập cư hay trục xuất về nước, nguồn kinh phí và các vấn đề nhân đạo khác. Hiện nay, người dân tại một số nước thành viên EU, nhất là Đức, phản đối mạnh mẽ các trường hợp nhập cư trái phép và không muốn tiếp nhận người nhập cư trên lãnh thổ nước mình.

Sau vụ chìm tàu thảm khốc trên biển Địa Trung Hải hồi tháng 4/2015, EU nhanh chóng thông qua một kế hoạch 10 điểm nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và tị nạn dọc bờ biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng mục tiêu của kế hoạch mới nhắm vào những kẻ buôn người mà không nhận ra vấn đề rộng và mang tính cốt lõi lớn hơn. Đó là sự hỗn loạn tại các quốc gia Trung Đông và châu Phi đã đẩy người dân vào thế buộc phải ra đi.

Mặt khác, kế hoạch này sẽ đòi hỏi một sự đóng góp tài chính của tất cả 28 nước thành viên EU. Sự tranh cãi ở các nước thành viên về chủ trương này chắc chắn sẽ làm trì hoãn việc triển khai bất kỳ giải pháp mới nào để giải quyết khủng hoảng.

Một số nước thành viên EU đang bắt đầu thực thi chính sách nhập cư có chọn lọc, với việc tuyển chọn những người nhập cư có tay nghề cao trong lĩnh vực mà quốc gia đó có nhu cầu. Các chuyên gia cho rằng bất kỳ động thái cải cách hoạt động di cư nào sẽ rất khó khăn với rào cản là các đảng phái dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Chưa kể tới việc dư luận châu Âu hiện cũng rất lo ngại về những mầm mống và mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến châu Âu trở về từ Trung Đông, Bắc Phi.

Cho dù đã có nhiều biện pháp đưa ra và không ít cuộc họp thảo luận về nhập cư bất hợp pháp, song đây vẫn là vấn đề thường trực và không dễ giải quyết đối với các nhà lãnh đạo EU. Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn phải chứng kiến làn sóng nhập cư trái phép tiếp diễn thường ngày, trong khi EU không thể “ngoảnh mặt làm ngơ”. Vì thế, việc giải quyết hiệu quả và triệt để sẽ càng trở nên khó khăn hơn...

Việt Dũng
.
.