Đại tá an ninh Tạ Khắc Diu và chiến công chưa kể trong chuyên án TN25

Thứ Hai, 15/12/2014, 16:37
Chuyên án TN25 - chiến công xuất sắc của lực lượng an ninh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là một ví dụ. Và cố Đại tá Tạ Khắc Diu, nguyên Đội trưởng Đội trinh sát xã hội hóa, Nha Công an Trung ương là một trong những trinh sát tham gia vào chiến công thầm lặng ấy…


Trong lịch sử hào hùng của lực lượng CAND gần 70 năm qua, dù đất nước có chiến tranh hay khi đã hòa bình thì trận tuyến đấu tranh bí mật vẫn không ngơi nghỉ và ngày càng cam go, quyết liệt. Nhưng vì lý do đặc biệt nên cho đến nay nhiều chiến công và sự đóng góp của những con người làm nên chiến công đó vẫn không dễ kể hoặc chưa được phép công khai. Và dường như, ngoài những dòng lịch sử ngắn gọn, thì những thứ còn lại cuối cùng của họ là những kỷ vật về một thời khói lửa - những chiến sĩ Công an trên mặt trận thầm lặng với những chiến công lặng thầm...

Đợt gió mùa đông bắc đem theo cơn mưa rào nhẹ chỉ đủ xua đi cái nóng và sự ồn ã của Hà thành cuối thu. Tôi tìm đến nhà Thượng tá Tạ Khắc Cừu, nguyên là cán bộ Cục Trinh sát ngoại tuyến, Tổng cục An ninh ở khu tập thể cũ kỹ nằm nép mình trong một ngõ nhỏ ở phố Hạ Hồi. Thượng tá Tạ Khắc Cừu là con trai cố Đại tá Tạ Khắc Diu, nguyên là Cục phó Cục Chấp pháp, Cục phó Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Đội trưởng Đội trinh sát xã hội hoá, Nha Công an Trung ương, tiền thân của Cục trinh sát ngoại tuyến sau này. Lần dở những trang album cùng tập di bút của Đại tá Tạ Khắc Diu, ông rưng rưng hồi tưởng về người cha thân yêu…

Đại tá Tạ Khắc Diu sinh năm 1921, quê ở xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động bí mật. Ông là một trong 7 đảng viên đầu tiên của chi bộ Đảng xã Diễn Bình... Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được Trung ương điều ra Việt Bắc công tác trong Nha Công an Trung ương. Lửa thử vàng gian nan thử sức, ở môi trường công tác mới cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại có năng khiếu công an nên ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phái sang làm trinh sát Vụ Bảo vệ chính trị. Và chính trong môi trường này, ông đã có điều kiện để thể hiện năng lực của mình trong hàng loạt các chuyên án, nổi bật là chuyên án TN25…

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Tổng cục phó Tổng cục An ninh, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người trực tiếp chỉ đạo chuyên án TN25, tham gia chuyên án là những trinh sát lão luyện của Vụ Bảo vệ chính trị, Nha Công an Trung ương - những người sau này đều trở thành cán bộ cốt cán, chủ chốt của các đơn vị nghiệp vụ Tổng cục An ninh, như: Ngô Ngọc Du (Vụ trưởng), Tạ Khắc Diu, Đoàn Xuân Thanh, Tống Văn Tiếp, Nguyễn Hoàn Thành, Nguyễn Quang Phòng, Nguyễn Cao Phòng…

Cuối năm 1952, đầu năm 1953, nhằm tăng cường do thám quân sự để điều tra tình hình về cơ quan đầu não, kháng chiến, các đơn vị bộ đội chủ lực và ý đồ mở chiến dịch của ta, cơ quan tình báo gián điệp biệt kích Pháp (GCMA) đã tuyển chọn 3 phụ nữ trẻ, xinh đẹp, quê ở Tam Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), đó là: Chu Thị Lan, 25 tuổi; Chu Thị Hương, 22 tuổi; Lê Thị Tân, 18 tuổi. 3 đối tượng này được quan hai Brocard - Trưởng chi nhánh GCMA ở Phúc Yên đưa đi đào tạo sau đó phái ra vùng Đại Từ, Thái Nguyên và Bắc Giang hoạt động, thu thập tin tức. Nhưng do lực lượng Công an làm tốt công tác nghiệp vụ nên 3 đối tượng này bị bắt chỉ sau hơn một tháng xâm nhập địa bàn kháng chiến của ta.

Với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo phải “tương kế tựu kế”, dùng địch đánh lại địch. 3 trinh sát Tạ Khắc Diu, Tống Văn Tiếp, Nguyễn Hoàn Thành được cử xuống lấy lời khai 3 nữ gián điệp vừa bị ta bắt tại Đại Từ. Để nắm rõ đường đi nước bước, âm mưu thủ đoạn của mạng lưới tình báo này, theo chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ban chuyên án đã cử Tạ Khắc Diu xâm nhập vùng tạm chiếm để điều tra làm rõ các quan hệ, đầu mối gián điệp Pháp đã cài cắm. Tạ Khắc Diu là một trinh sát giỏi của Vụ Bảo vệ chính trị, được mệnh danh là “phù thủy” của các biện pháp nghiệp vụ. Ông đã hóa trang thành một người buôn vải xâm nhập vùng tạm chiếm điều tra, xác minh thêm nhiều mối quan hệ liên quan đến 3 nữ điệp viên Chu Thị Lan, Chu Thị Hương, Lê Thị Tân cũng như âm mưu, thủ đoạn của cơ quan tình báo Pháp. Trong chuyến xâm nhập đó, ít nhất 2 lần Tạ Khắc Diu rơi vào tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Đại tá Tạ Khắc Diu.

Buổi chiều hôm đó, ông đang ở trong nhà một cơ sở ở xã Thiện Kế gần Tam Canh thì bất ngờ một nhóm việt gian do tên Chu Văn Toán cầm đầu mò đến. Toán là một việt gian lợi hại, học trường Tây được tình báo Pháp đào tạo nên hắn rất cáo già. Nhiều cơ sở của ta từng bị tên này bóc gỡ, khủng bố. Sau khi kiểm tra giấy tờ, lục tung gánh vải của Tạ Khắc Diu không phát hiện điều gì nghi vấn, tên Toán đã bất ngờ dí súng vào đầu ông rồi lôi ông ra bờ ao để thẩm vấn. Nhưng bản lĩnh người trinh sát an ninh được rèn giũa nên ông bình tĩnh trả lời các câu hỏi của tên này một cách lôgíc, hợp lý. Không tìm được gì, hắn bắt ông nộp 20 đồng “thuế” vải rồi hậm hực bỏ đi.

Sau đó một tuần ông lại đối mặt với một tên khác còn cao tay hơn. Tuy không tìm được điều gì nghi vấn nhưng tên Thơm - một đệ tử ruột của quan hai Brocard, Trưởng chi nhánh GCMA ở Phúc Yên đã bắt ông về trụ sở ở gần khu vực Thanh Lãng. Dù chẳng có chứng cứ gì nhưng hắn câu lưu ông một tuần ở trụ sở. Hắn tra khảo dã man rồi giở đủ thủ đoạn, chiêu trò để truy ông nhưng một lần nữa ông lại dũng cảm, mưu trí thoát hiểm...

Gần một tháng lăn lộn khắp các hang cùng ngõ hẻm ở vùng tạm chiếm, Tạ Khắc Diu đơn thương độc mã đấu trí với cả một hệ thống tình báo, ngụỵ quân, việt gian cùng lực lượng đồn trú của đội quân viễn chinh Pháp ở vùng Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trên cơ sở những thông tin ông thu thập được, Ban chuyên án cử nữ trinh sát Trần Thị Nhất tiếp cận đấu trí với 3 nữ điệp viên bị ta bắt giữ trước đó. Bằng những thông tin chính xác có được từ vùng tạm chiếm về gia cảnh, bố mẹ, anh chị em 3 đối tượng, bằng tình cảm, trinh sát Trần Thị Nhất đã cảm hóa được 3 nữ điệp viên hợp tác, lập công chuộc tội. Sau đó, ban chuyên án còn sử dụng biện pháp câu nhử, dụ, bắt giữ và khống chế thêm một điệp viên khác là Lê Thị Ngôn…

Qua chuyên án TN25, ta đã tìm hiểu được âm mưu, kế hoạch quân sự của chúng, góp phần quan trọng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ngay cả sau thất bại ở Điện Biên Phủ, tình báo Pháp vẫn không hay biết gì mà tin tưởng tuyệt đối và quyết định tặng thưởng “Huân chương thập tự sắt” cho 4 nữ điệp viên(!) Sau năm 1954, trước khi Pháp rút khỏi Hà Nội, chúng lại điều cả 4 tên với 2 bộ vô tuyến điện đài, tiền bạc về thủ đô đồng thời bàn giao hàng chục đầu mối gián điệp đã được cài cắm tại Hà Nội. Từ đó, lực lượng Công an đã phát hiện và bóc gỡ nhiều tổ chức gián điệp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng và Quảng Ninh hoạt động chống phá ta trong thời kỳ khôi phục kinh tế; thu giữ hàng chục tấn vũ khí, phương tiện mà GCMA cất giấu tại các địa phương.

Từ chuyên án TN25, lực lượng Công an khai quật kho vũ khí, điện đài gián điệp Pháp chôn giấu tại Đội Cấn, Hà Nội. Ảnh: bảo tàng CAND

Chuyên án TN25 kéo dài đến đầu năm 1958, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình cách mạng mới khi Mỹ hất cẳng Pháp và đẩy mạnh các hoạt động xâm nhập, chống phá công cuộc khôi phục kinh tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo chủ động kết thúc chuyên án TN25. Nhưng ngay thời kỳ chuyên án đang vào giai đoạn quyết liệt nhất, ông Tạ Khắc Diu đã được bổ nhiệm giữ cương vị Đội trưởng Đội trinh sát xã hội hoá, tiền thân của Cục Trinh sát ngoại tuyến sau này. Ở cương vị mới, Tạ Khắc Diu lại cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc, bóc gỡ hàng chục tổ chức gián điệp cài cắm vùng tự do, đặc biệt là đấu tranh làm thất bại hoạt động của GCMA Pháp hoạt động quấy rối, phá hoại tuyến đường vận chuyển của ta lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Tháng 10/1954, ngay sau khi về tiếp quản thủ đô, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập Ban Ngoại trinh trực thuộc Ty Chính trị, Bộ Công an. Cùng với đồng chí đồng đội, Tạ Khắc Diu lại bước vào cuộc chiến đấu mới không kém phần cam go, phức tạp. Chỉ tính từ năm 1955 đến 1960 lực lượng an ninh đã xác lập 37 chuyên án phản động ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, trong đó đơn vị trinh sát ngoại tuyến góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của các chuyên án, điển hình như chuyên án M11, H07, T15, GM15, GM65. Đặc biệt, chuyên án C30 đấu tranh với tổ chức gián điệp cài lại ở miền Bắc (từ năm 1954 đến 1958) đã bắt giữ hàng trăm đối tượng, góp phần củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, xoá bỏ tàn dư, cơ sở nhen nhóm phản động phản động và các cơ sở xã hội địch có thể lợi dụng...

Tại nhà truyền thống Cục trinh sát ngoại tuyến, Tổng cục An ninh, bức ảnh chân dung Đại tá Tạ Khắc Diu được đặt trang trọng ở vị trí đầu tiên trong các thế hệ lãnh đạo của đơn vị anh hùng này. Đại tá Tạ Khắc Diu qua đời tháng 9/1986 khi đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới. Ông đã dành cả quãng đời thanh xuân của mình cống hiến cho cách mạng, cho lực lượng an ninh và ngoại tuyến - lực lượng luôn “đi trước về sau”, với những con người thầm lặng và những chiến công lặng thầm…

Đại tá Tạ Khắc Diu sinh được 8 người con (một người mất sớm), 2 trai, 6 gái, trong đó có 3 người con gia nhập lực lượng CAND. Con gái đầu của ông là Đại tá Tạ Thị Tâm, nguyên điều tra viên cao cấp Cục Cảnh sát điều tra, Bộ Công an; Thượng tá Tạ Khắc Cừu, cán bộ Cục trinh sát ngoại tuyến về nghỉ chế độ năm 2007, Thượng tá Tạ Khắc Hà, nguyên là cán bộ Công an quận Ba Đình. Tiếp nối truyền thống của gia đình, hiện nay cháu nội của ông là Tạ Khắc Hùng, 2 cháu ngoại: Hoàng Sơn Trung, Nguyễn Quang Đại đang là những sỹ quan cảnh sát mẫn cán của các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TP Hà Nội…


Vũ Mạnh Hà
.
.