Xin đừng ngộ nhận

Thứ Năm, 19/08/2010, 15:15
Có những ngộ nhận thật đáng tiếc về ông, kèm theo cả những ngộ nhận về mối quan hệ giữa tôi và ông. Đành rằng, đó là những điều "có lợi" cho vị thế của tôi, vì thế mà người đời (chỉ một số ít thôi) đã gắn cái mác "mít tơ oai" cho tôi!

Thôi thì... cứ lặng yên mà tận hưởng, dại gì... cho dù thực tế lại không phải như vậy. Nói theo ngôn ngữ Nam Bộ thường dùng - "Nói dzậy, suy đoán dzậy, nhưng không phải dzậy". Đã mấy bận định thanh minh, rồi lại thôi, bởi chẳng tìm ra cơ hội, kể cả khi ông đã nghỉ lãnh đạo, về hưu.

Cùng trang lứa công tác trong lực lượng Công an, tôi thuộc diện "sinh sau đẻ muộn" - kết thúc chiến tranh chống Mỹ, đã tròn ba mươi hai tuổi đời, tôi mới khoác chiếc balô con cóc còn vương bụi chiến trường, chuyển ngành sang lực lượng Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), giữ cái chân trợ lý cán bộ của một đơn vị cấp cục, kiêm luôn công tác đảng vụ, theo dõi thực hiện chế độ chính sách như nghỉ mát, nghỉ phép, việc hiếu, việc hỷ... của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. 5 năm sau, qua một khóa đào tạo nghiệp vụ Công an mới được chuyển sang đơn vị trinh sát và được đề bạt một tý chức sắc - Phó phòng một đơn vị mới toanh, có cái tên dài ngoằng: Phòng Chống hoạt động phá hoại tư tưởng của địch.

Dẫu đầu quân lực lượng Công an hơi bị muộn, song tôi vẫn còn may chán - được dưới trướng của 6 thời bộ trưởng đều là Ủy viên Bộ Chính trị lãnh đạo - từ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng), tới Bộ trưởng Mai Chí Thọ, Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương và đương kim Bộ trưởng Lê Hồng Anh.

Tuy nhiên, cỡ tôi (cả một số đồng chí như tôi) vẫn thuộc diện "vua ít tỏ mặt, chúa ít biết tên". Bởi quan, quân, tướng, tá trùng trùng điệp điệp dễ gì các vị lãnh đạo gặp hết, nhớ hết. Nhất là theo quy định trong lực lượng vũ trang, mọi báo cáo phải từ cấp dưới lên cấp trên, không được vượt cấp.

Khi là lãnh đạo cấp phòng, báo cáo chỉ gửi lên lãnh đạo cục; tới lúc được đề bạt cấp lãnh đạo cục là thời điểm lực lượng Công an hình thành cơ cấu thêm cấp Tổng cục, thành thử báo cáo chỉ được ký gửi lên Tổng cục. Nếu có vấn đề gì Lãnh đạo Bộ cần hỏi trực tiếp, thỉ cứ "dùi đến đục, đục đến khăng"- Bộ hỏi Tổng cục, Tổng cục hỏi xuống Cục...

Nói vậy, song vẫn có những trường hợp cá biệt, ngoại lệ ấy là "sự kiện" tạo nên sự ngộ nhận của đồng đội tôi, là yếu tố tạo nên bài viết này. Nhân vật xuyên suốt là Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ (Ba Ngộ).

Được yết kiến Bộ trưởng, thật oách nhé!...

Đó là câu đùa vui của đồng đội tôi. Số là hôm tôi đang dự giao ban định kỳ ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (lúc đó tôi đang là Phó Cục trưởng A25 được phân công phụ trách làm tham mưu đảm bảo an ninh lĩnh vực văn hóa - văn học - nghệ thuật, thông tin, thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình... nên thường xuyên được dự giao ban định kỳ trên Ban Tư tưởng - Văn hóa) nhận được điện của Phòng Tham mưu thông báo vắn tắt: "Cục trưởng Lê Kim Phùng nói anh xin phép Ban, về ngay, gặp anh Ba Ngộ tại Văn phòng Bộ trưởng. Sẽ có xe đón tại cổng số 10 Nguyễn Cảnh Chân".

Hồi hộp, băn khoăn, tự hỏi không hiểu có chuyện gì rắc rối liên quan tới mình đây? Sao Cục trưởng đang ở cơ quan mà lại "triệu" cấp phó? Khi bước chân vào phòng làm việc của ông mà tim tôi như muốn vượt khỏi lồng ngực. Định thần, quan sát  chỉ thấy nhõn chủ nhà là một vị khách. Vị khách quen quen đứng đầu một cơ quan cấp Bộ thuộc địa bàn A25 chịu trách nhiệm bảo vệ. Ông Ba Ngộ chuyển ly nước về phía tôi, vào đề luôn:

- Anh Tư qua thăm tôi, tiện thể có một việc rất cần sự trao đổi bên ta. Nếu đồng chí biết thì tốt, cứ báo cáo tự nhiên, không ngại gì. Thời gian gấp nên tôi cho kêu đồng chí về đây luôn.

Nội dung ông khách cần tìm hiểu có liên quan tới một cán bộ cấp dưới của ông. Thông tin được sử dụng ngay chiều hôm đó. Nếu thông qua con đường tổ chức sẽ không kịp thời gian. Dựa mối quan hệ đồng hương Nam Bộ với Bộ trưởng của tôi nên ông sang gặp trực tiếp. Chắc lúc chờ tôi, hai người đã đàm đạo nhiều chuyện, trong đó hẳn ông Ba Ngộ có giới thiệu sơ qua về đơn vị và cá nhân tôi, nên ông khách vào đề rất tự nhiên, thân mật.--PageBreak--

- Tôi sang nhờ anh Ba và các đồng chí giúp đỡ một việc có liên quan tới đồng chí... bên tôi. Không biết nhà văn (ông ngước nhìn tôi, khẽ cười) có biết đồng chí ấy không và vừa qua có dư luận gì liên quan tới đồng chí ấy?

Thật hú vía! Người mà khách nêu trên tôi có biết sơ sơ và những thông tin liên quan xuất phát từ một lá thư nặc danh nên anh em trinh sát đã tiến hành xác minh (thời đó, những tài liệu như vậy đơn vị bảo vệ địa bàn vẫn phải xác minh nhằm thực hiện tốt chức năng giúp cấp ủy Đảng và lãnh đạo cơ quan trong công tác bảo vệ cán bộ). Tôi hơi phân vân, song tự trấn tĩnh mình: "Báo cáo trước hai vị lãnh đạo to đùng và thủ trưởng của mình đã bật đèn xanh như vậy thì việc gì mà ngại. Tất nhiên phải thòng một câu: "Chúng tôi đang xác minh, chưa dám kết luận". Tôi tự tin trình bày:

Ông Bùi Thiện Ngộ (bên trái) và tác giả (Thiên An Môn- Bắc Kinh tháng 5/1994).

- Thưa hai anh, nội dung dư luận về đồng chí... chia thành hai vế: Tác phong thái độ và quản lý tài sản. Tài sản ở đây cụ thể là mảnh đất để xây dựng trong trụ sở mới. Nội dung đơn thư có một chi tiết "Đất của cơ quan nhưng ông này đã làm ngơ để bị lấn chiếm. Liệu những người lấn chiếm có ai là người nhà của ông không?".

Việc này sự thực là từ thời ê kíp lãnh đạo trước. Đồng chí này mới được đề bạt, đã và đang tìm biện pháp giải quyết; còn về tác phong, thái độ, tới việc ăn nhậu... thì thật khó nói, bây giờ hai thủ trưởng cứ làm một cuộc vi hành thì sẽ thấy. Cuối giờ chiều là cán bộ nhiều nơi ý ới gọi nhau đi nhậu quán bia hơi chật cứng những người là người.

Ăn như tằm ăn rỗi, uống như lạc đà sa mạc (cả hai vị cùng cười) dường như bây giờ trở thành "mốt thời đại"... còn cái khoản tác phong, thái độ, nếu bảo anh ta hay quát tháo cán bộ, thì chuyện này không oan, song cũng cần xác định cho rạch ròi, anh ta hay nổi nóng trong trường hợp nào. Chẳng lẽ lại quát tháo cả với những người nhiệt tình công tác, cần mẫn với công việc được giao?

Khách gật gật đầu tỏ ý tán đồng, rồi nhìn đồng hồ, đã gần 11 giờ 30 phút, ông đứng dậy, chân tình: "Rất cám ơn anh Ba và đồng chí A25. Thế là chúng tôi yên tâm rồi. Sự việc đúng như đồng chí đã trao đổi. Bây giờ nhiều thông tin nhiễu quá. Xin phép ảnh Ba tôi về để anh nghỉ trưa".

Tình huống đột xuất

Hôm đó cỡ gần 18 giờ, vừa ăn cơm xong thì tôi nhận được điện thoại trực tiếp của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ với lời yêu cầu: "Nghe nói ở Nhà hát Tuổi trẻ đang diễn một vở mới. Đồng chí kiếm cho một tấm vé được không? Nếu được thì điện cho biết. Tôi chờ ở nhà".

Tôi điện ngay cho Đinh Thị Hòa, trinh sát Phòng bảo vệ An ninh văn học - nghệ thuật. Nửa giờ sau thì nhận được thông báo là đã có vé. Trinh sát ngập ngừng, rồi nói thật - vé ở hàng đầu nhưng chỗ ngồi không tốt, ở gần phía cánh gà bên trái sân khấu. Giám đốc nhà hát ra tay mà không đổi được vì thời gian quá muộn.

Tôi phóng ngay tới nhà công vụ ở phố Trần Quốc Toản. Cố nhiên cũng phải trình bày sự thể và nỗi ái ngại của mình. Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ khẽ cười: "Giờ này mới kiếm vé. Có được là quý rồi còn kén chọn chi nữa. Nếu các đồng chí quen chủ rạp mà ép người ta đổi vé thì coi sao đặng! Thôi, lên xe đi lẹ cho kịp". Thấy tôi chần chừ - phần ngại lên xe Bộ trưởng, phần có ý chờ cán bộ tiếp cận, ông lại giục: "Lên xe đi! Không còn ai nữa đâu. Chẳng lẽ đi xem cũng phải cán bộ V15 đi cùng…".

Ngồi lên xe, tôi bỗng giật mình bởi nghĩ tới những lời đàm luận về chiếc xe của Bộ trưởng. Quả là ông vẫn đi chiếc xe cũ của Liên Xô, mác LADA màu vàng đã được tân trang. Trong khi, vào thời điểm ấy, chức sắc nhỏ hơn ông rất nhiều, chẳng mấy ai còn đi xe loại ấy, hầu như họ đều "diện" xe tư bản có máy lạnh mát rượi. Không phải không có người cho ông là lập dị, khắc khổ vô lối; ngược lại cũng không phải không có những lời ngộ nhận, thiên thẹo về ông: "Đó là sự giả vờ thật tế nhị chứ ai chẳng muốn dùng đồ sang, đồ tốt... Vả lại, LADA mà gắn máy lạnh thì thua gì xe Nhật…".

Thật là một sự so sánh ngớ ngẩn. Một chiếc xe LADA gắn thêm chiếc điều hòa mấy triệu bạc, sao lại có thể so với chiếc xe Nhật, nó đắt hơn rất nhiều lần. Xe chạy về hướng Ngô Thì Nhậm, gần tới đường Ngô Quyền tôi đánh bạo hỏi ông: "Sao Thủ trưởng không đổi xe khác. Đi mãi chiếc này sẽ mang tiếng cho Bộ". "Xe còn chạy tốt, sao phải đổi cho lãng phí tiền của Nhà nước, của nhân dân!".

Sau buổi diễn, khi đã lên xe, ông nói nhỏ với tôi: "Diễn xuất tốt". Vở diễn không có vấn đề gì. Phải mấy hôm sau tôi mới biết, thì ra có thông tin tới ông vở diễn có vấn đề gay cấn nên ông đột xuất đi xem là vậy.--PageBreak--

Chuyến xuất ngoại bất ngờ

Đó là năm 1994, vào một ngày cuối tuần, Cục trưởng Lê Kim Phùng thông báo cho tôi: "Đồng chí sang V12 (Cục Quan hệ quốc tế của Bộ) nghe anh em phổ biến về công tác chuẩn bị để đi nước ngoài cùng đoàn Bộ trưởng": "Đi đâu vậy anh?". "Nghe nói đi Trung Quốc và Triều Tiên". Tôi gặp V12 mới hay đoàn toàn các vị "cốp" do Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bùi Thiên Ngộ dẫn đầu.

Thành viên các Tổng cục đều là chức Phó tổng Cục trưởng: Tổng cục An ninh ông Lê Tiền, Tổng cục Cảnh sát ông Lê Thành, Tổng cục Tình báo ông Trần Quang Bình, Chánh văn phòng Bộ ông Nguyễn Xuân Thinh, đương nhiên phải có lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế là ông Nguyễn Quang Bình. Cuối cùng còn trơ lại mình tôi là đơn vị trinh sát, với chức vụ hẻo nhất Phó Cục trưởng A25. Đắn đo mãi, cuối cùng tôi mạnh dạn hỏi nhỏ ông Chánh Văn phòng: "Anh Thịnh ơi! Đoàn toàn các vị chức sắc to đùng, sao lại lọt "cái thằng tôi" vào đó!".

Chánh Văn phòng nhìn tôi, khẽ cười, pha vui: "Cái đó đi mà hỏi Bộ trưởng. Cậu là người được Bộ trưởng ưu ái đấy. Hai lần lập danh sách thì cả hai do anh Ba Ngộ trực tiếp ghi bổ sung đích danh tên cậu…". Sau này ngẫm lại, từ cuộc gặp gỡ vị lãnh đạo cơ quan bạn tại phòng làm việc của ông, tới chuyến xuất ngoại lần này ông là người rất thực tế, tùy theo đặc thù công việc mà ông chọn người chứ không nặng về chức sắc.

Nghe người trực tiếp thực hiện công việc nào đó trình bày sẽ thiết thực hơn, chuẩn xác hơn phải nghe qua trung gian. Thời đó ta và Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ, có lẽ theo ông nội dung trao đổi và phối hợp giữa hai bên sẽ có lĩnh vực văn hóa - tư tưởng nên ông cử tôi đi. Tôi tin chắc là như vậy chứ tôi có dây mơ rễ má gì với ông đâu.

Nhờ đợt công tác ấy mà tôi may mắn được biết nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa và Triều Tiên. Đoàn tới Bắc Kinh, hội đàm với Bộ Công an và Bộ An ninh của bạn, sau đó đi khảo sát, trao đổi với Công an một số địa phương, trong đó có thành phố Thượng Hải, tham quan một số danh lam, thắng cảnh, rồi từ Bắc Kinh đáp phi cơ đi Bình Nhưỡng - Triều Tiên.

Sau đó lại trở về Bắc Kinh. Trước khi rời Bắc Kinh đi khu kinh tế mở Thâm Quyến, rồi từ Thâm Quyến đi ôtô về Quảng Châu để bay về nước, ông Hồ Cẩm Đào lúc đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức chiêu đãi đoàn tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Theo lịch thời gian, 17 giờ đoàn có mặt tại Đại lễ đường. Ông Hồ Cẩm Đào ra đón tại sảnh lớn. Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đưa ông tới bắt tay và giới thiệu từng người trong đoàn Việt Nam. Một điều bất ngờ đến ngỡ ngàng đối với các thành viên trong đoàn là khi tới chỗ tôi, ông Ba Ngộ đã đùa vui, giới thiệu: "Đây là đồng chí Khổng Minh Dụ, cháu đời thứ 79 (bảy mươi chín) của Khổng Tiên Sinh".

Mọi người cười rộ. Ông Hồ Cẩm Đào siết chặt tay tôi, cười: "Hảo! Hảo! Vậy thì… hôm nay chúng tôi sẽ chiêu đãi đồng chí tại quê hương đồng chí" (tất cả đều cười). Tôi thầm nghĩ và so sánh quả là "đối khẩu siêu hạng. Khách đùa vui đã hóm mà chủ đối lại còn hóm hơn".

Chiêu đãi tại "quê hương đồng chí" mà quê hương đồng chí ở tận tỉnh Sơn Đông, cách Bắc Kinh tới hơn 900 cây số, đã hơn 5 giờ chiều rồi thì về đó sao được. Bắt tay các thành viên trong đoàn khách xong, ông Hồ Cẩm Đào nói nhỏ với ông Ba Ngộ: "Xin các đồng chí vui lòng chờ một lát".

Ông quay gót đi vào phía trong Đại lễ đường. Sau đó ít phút, một nữ cán bộ phụ trách lễ tân của bạn tới đưa đoàn đi vòng vèo trong Đại lễ đường chừng hơn một trăm mét thì gặp ông Hồ Cẩm Đào đứng đợi trước cửa một phòng lớn. Ông tươi cười bắt tay tôi và chỉ lên tấm biển phía trên cửa chính của căn phòng có 2 chữ "SƠN ĐÔNG".

Bây giờ thì mọi người mới vỡ lẽ, mới hiểu thêm về Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Ở đó chứa đựng ngoài hội trường cực lớn còn có thêm nhiều phòng lớn. Mỗi địa phương đều có một phòng. Việc trang trí nội thất mang hoàn toàn phong cách, đặc trưng của địa phương đó. Lẽ ra cuộc chiêu đãi đoàn Việt Nam hôm đó được tổ chức tại phòng Bắc Kinh. Song, vì lời nói vui đặc trưng xã giao của vị chính khách chủ nhà mà nó được chuyển sang phòng Sơn Đông. Ở đó có những bức tranh thủy mặc về phong cảnh Sơn Đông rất đẹp. Không khí bữa tiệc thật thú vị. Ra về, có đồng chí đùa vui: Nhờ trong đoàn có "hậu duệ Khổng Minh" nên mọi người được thưởng ngoạn quê hương Hán thừa tướng.

Vĩ thanh

Trên cõi đời này, hình như ở một số người phong cách sống có biến đổi theo thời gian, cảnh huống. Thuở hàn vi nghĩa tình gắn bó, củ sắn chia đôi, bát cơm xẻ nửa, cần cù chịu thương, chịu khó… Chiến tranh, kéo nhau vào trận mạc. Sẵn sàng xả thân vì cuộc chiến, vì hòa bình, thống nhất đất nước. Sống sót trở về, có anh công thành danh toại, nhà lầu xe hơi, thay ôtô như thay áo. Dị ứng với rượu ta bởi ghiền cái thứ rượu tây, bia ngoại. Gặp bạn xưa nghèo khó, cái  bắt tay cũng lạnh lẽo, ơ hờ…

Tôi chẳng dám đem cỡ chính khách như Bùi Thiện Ngộ ra để so sánh. Nhưng thực lòng, hơn 30 năm kể từ ngày được gặp ông lần đầu khi ông đang giữ chức vụ Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, sau đó chuyển sang làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc Khu, mấy năm sau trở lại Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an - cái ngành mà ông gắn bó trọn đời với nó.

Chỉ trừ 2 năm 1945-1947 ông hoạt động cách mạng ở địa phương. Từ 1948 chuyển sang Công an công tác tại Biên Hòa. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh Liên Xô, ông về làm giảng viên Trường Công an Trung ương. Năm 1965 đi chiến trường miền Nam. Đã từng giữ chức vụ Phó Văn phòng, Phó Tiểu ban Bảo vệ chính trị Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Trở lại ngành, ông được đề bạt chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, rồi lên Thứ trưởng, Thứ trưởng Thường trực, rồi lên nữa - Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thì ông vẫn thế, vẫn cốt cách ngày xưa - Từ việc ăn ở, đi lại, sinh hoạt… vẫn thế - món ăn khoái khẩu vẫn là rau dưa, mắm muối, tương cà…. Vẫn là xe LADA, nhà công vụ…

Khi nghỉ hưu rời ngôi nhà công vụ của Bộ Công an ở Hà Nội, ông về TP HCM sinh sống cùng vợ con. Nói chính xác là về quê sinh sống. Vì quê ông, nơi chôn nhau cắt rốn của ông là Tân Định, Sài Gòn. Nghe nói, được cấp một ngôi nhà ở một khu dân cư mới cách Trung tâm TP dễ đến dăm bảy cây số. Nói theo ngôn từ miền Bắc một thời hay dùng đó là vùng ven nội (ven nội thành).

Tôi có đến nơi đó  một lần. Nhân chuyến công tác vào TP. Ngày chủ nhật, tôi cùng một đồng nghiệp tìm đến thăm với mục đích mời ông đi ăn phở sáng. Anh bạn tôi cười: "Thăm thì thăm chứ dễ gì triệu cụ đi được". Từ trung tâm TP, qua Hàng Xanh, vượt cầu Sài Gòn, qua bên kia sông đi một quãng xa xa rồi rẽ phải, rồi lại rẽ vài lần nữa mới  tới nhà ông.

Gặp lại cấp dưới, ông vui lắm. Tôi ngỏ lời mời ông đi ăn sáng, ông nhận lời ngay. Tất nhiên là ông lên xe của chúng tôi. Tôi nói lái xe đi ra quốc lộ, sang phía bên kia đường cố tìm một quán phở vì phía đó chỉ có mấy quán lẩu mắm, đặc biệt là quán "77" nổi tiếng. Nhưng chẳng lẽ buổi sáng lại ăn lẩu mắm! Tôi nói tìm quán phở là biết những ngày ở Hà Nội, thi thoảng gặp ông lững thững đi bộ một mình từ Trần Quốc Toản lên Hàng Bông để rủ một "ông bạn vàng" đi ăn phở. Sở dĩ tôi biết chuyện này là thông qua Lê Đức Kính, chú em bà con với tôi nhà ở khu tập thể của Bộ Văn hóa ở 93 Hàng Bông: "Thỉnh thoảng vào sáng chủ nhật em lại được gặp Bộ trưởng của anh. Sao ông ấy giản dị thế! Chả biết nhà ở đâu mà lững thững đi bộ lên nhà ông Phước, cùng phố với em để rủ nhau đi ăn phở…".

Tôi hơi lan man như thế, để cuối cùng chốt lại một điều: Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ, anh Ba Ngộ của chúng tôi là vậy. Một tấm gương cho chúng tôi soi về phong cách sống giản dị, nghĩa tình với đồng chí đồng đội, sát sao, sâu sắc về nghiệp vụ.

Tôi kết thúc bài viết này vào đêm 27/6. Vào thời điểm còn đúng 5 ngày nữa là tới ngày giỗ thứ tư của ông. Ông từ biệt chúng ta để đi về cõi vĩnh hằng vào lúc 3h55’ sáng, ngày 1/7/2006. Bài viết thay cho nén tâm hương vái vọng linh hồn ông. Chúc ông an nghỉ ngàn thu nơi chín suối.

Ngọc Lâm, đêm 27/6/2010

K.M.D.
.
.