Xa rồi mùa đông

Thứ Hai, 05/02/2007, 11:00

Hà Nội những ngày này lạnh quá. Cái lạnh thở ra như hơi thở xuýt xoa của một khối băng tuyết ở đâu đó choàng phủ xuống phố phường. Sáng ra, Hà Nội chưa tan sương mù đã vây bủa cùng cái lạnh buốt da thịt. Lạnh giá là vậy nhưng trong mờ mịt sương sớm bóng người đã chen nhau ngược xuôi, xe chạy vù vù, mọi người rụt cổ trong những chiếc áo choàng to, khăn len dày, những mũ đội và găng tay tránh rét của người Hà Thành.

Từ chỗ nhà tôi ở lên cơ quan lần lượt đi qua 3 cái hồ nước rộng mênh mông mà buổi sáng chỉ tay cho con gái thấy sương sớm mọng nước bay trĩu quanh mặt hồ còn ngái ngủ. Đó là Hồ Linh Đàm, hồ Ba Mẫu và hồ Thiền Quang. Mỗi lần đưa con tới trường, lên cơ quan làm việc, đi qua những cái hồ đủ rộng để thấm làn gió phả lên từ mặt hồ mang theo hơi nước buốt lạnh con gái lại dúi đầu vào lưng mẹ xuýt xoa: "Mẹ ơi, lạnh quá".

Mà lạnh thật, người cứ co ro trong lớp áo khoác dày mà vẫn thấy rét ở đâu đó. Thế mà bên hồ, những cụ ông, cụ bà đi tập thể dục buổi sớm đã sải đều chân bước. Tự dưng thấy lòng thắt lại vì nhớ mẹ, nhớ mùa đông ở nơi làng quê nghèo khó xứ Hà Tĩnh, và những ngày ấu thơ lam lũ với cái lạnh nơi quê nhà.

Mùa này làng Chợ Bến quê tôi đang sắp sửa vào vụ cấy. Ngày xưa, dẫu là cán bộ thoát ly nhưng cuộc sống của mấy mẹ con, cha con vẫn phải trông cậy vào mấy đám ruộng mượn của Hợp tác xã để tăng gia sản xuất thêm. Sau vụ hè thu, đất đai được nghỉ ngơi tý chút là đến vụ đông. Còn nhớ những ngày đầu tháng Chạp, mẹ đã sấp ngửa giở nắp chum ra gạt lấy đấu thóc giống để dành từ mùa năm ngoái để ủ mầm bắc mạ sớm. Mẹ nói, con nhà nông phải biết bắc mạ từ sớm kẻo qua tháng Chạp rét đậm, mạ nghẹn lạnh không nhú mầm lên được, cây mạ mảnh mai, cấy xuống ruộng trong màu nước giá đen xỉn, cá chết hàng loạt, rồi cây mạ cũng quắt lại mà chết.

Những ngày cuối năm là những ngày rét đậm nhất, người dân làng Bến quê tôi ngày xưa chỉ có độc manh áo bông vá chằng vá đụp mặc quanh mùa rét, với cái quần thâm ống rộng. Có nhà nghèo quá, đến áo bông cũng chẳng có, cả gia tài có được cái áo cánh nào cũng mặc vào hết cho đỡ rét. Thiếu thốn quá, có người hết 3 tháng mùa đông mới thay áo một lần. Chuyện như đùa mà hoàn toàn có thật. Những người nông dân chân không bao giờ biết đi dép ở quê tôi, mỗi lần đi ra đồng nhúng chân xuống ruộng để cấy lúa lại phải khoác áo tơi vào cho đỡ gió, tránh được rét. Áo tơi làm bằng lá tro, chằm lại bằng lạt tre như một cái phên bó tròn dùng để che cái nắng chang chang mùa tháng 7 đỡ rát lưng khi cúi mặt giữa đồng ruộng, nhưng áo tơi cũng dùng để che những cơn mưa phùn nặng hạt ngày đông giá.

Ngày xưa, nhà ai cũng nghèo, lấy đâu ra tiền để sắm nổi một tấm áo mưa bằng nilon, mà nhà ai khá giả hơn có tiền thì cũng có đâu nhiều ni lon bán ở chợ như bây giờ để mà mua. Vì vậy, nắng hay mưa gì người nông dân ở Hà Tĩnh cũng có chiếc áo tơi làm bầu bạn. Nhà tôi là cán bộ công nhân viên chức, nhưng tôi còn nhớ như in, phải hai năm thì Công đoàn mới họp xét tiêu chuẩn năm nay ai được mua áo len, ai được mua áo khoác, tất, áo mút. Năm anh chị em nhà tôi cứ năm nào mùa đông đến cũng háo hức chầu hẫu xem năm nay cha mẹ đã được xét mua đồ rét chưa.

Mẹ tôi là công nhân nên tiêu chuẩn xét bao giờ cũng ở sau cùng, khi tất cả các cán bộ khác đều đã có phần hết. Không năm nào mẹ tôi chọn tiêu chuẩn mua đồ cho mẹ, mà hầu hết là nhường tiêu chuẩn để mua đồ trẻ con cho lũ con của mẹ. Ngay từ lúc còn trẻ, quanh năm mẹ đã mặc áo bông của người già. Vì chỉ được mua theo tiêu chuẩn phân phối nên 5 anh em tôi hầu như không khi nào có đủ lượt áo ấm để mặc. Lại phải xếp chồng những áo cánh lên nhau, và có khi qua hết mùa đông mới thay áo trong một lần.--PageBreak--

Nhưng những đứa trẻ như chúng tôi còn là con cán bộ nên có điều kiện hơn, còn được biết tới áo len, áo mút. Còn những đứa trẻ nông dân nơi quê tôi, cho đến lúc này, khi thu lu trong những bộ quần áo bằng len, dạ, ngồi trong nhà có lò sưởi ấm sực, tôi vẫn không tài nào lý giải được vì sao những đứa trẻ ở làng tôi giỏi chịu rét và khoẻ đến vậy. Cùng lứa với tôi, hồi đó những đứa trẻ lên 6, lên 7 chỉ độc một cái quần cộc và manh áo cánh ngắn cũn cỡn đến mức phô ra nửa cái bụng lòi rốn. Trên mình đứa nào đứa nấy cũng cõng một đứa em, và tay dắt thêm một đứa lít chít.

Lạ thế, lớn thì còn được mặc quần áo, dẫu rách, dẫu ngắn, còn đứa bé thì hầu như cởi truồng, họa hoằn lắm có được một cái áo sợi rách tươm, sờn dãi khoác ngoài, còn phía dưới trần truồng như vậy. Thế mà những đứa trẻ lấm bùn ở quê tôi vẫn tha thủi lớn lên, mái tóc khô cháy đen mượt dần, làn da mốc xám mốc xịt thắm hồng lên, rồi đứa trở thành thôn nữ, lực điền quanh năm đồng áng, có đứa học hành đỗ đạt đi làm nơi nọ nơi kia.

Đến bây giờ, ngồi trên máy tính và gọi lại những ký ức xa xăm, tôi vẫn không tài nào quên được đám trẻ nít chúng tôi hồi đó phong phanh manh áo rách và phơi phới trước mùa đông giá với bao nhiêu mơ mộng, bao nhiêu hoài bão. Hay lúc đó, trẻ con thì không biết lạnh... dẫu cho những cái mũi bé xíu lúc nào cũng ửng đỏ và chảy nước, đôi môi bé nhỏ lúc nào cũng tím ngắt lại vì mùa đông.

Làng tôi nằm bên con sông Ngàn Mọ chảy từ một nhánh rẽ nhỏ của dòng sông La thơ mộng. Bởi thế mùa đông nào làng tôi cũng dường như lạnh hơn ở những ngôi làng khác. Sáng ra, đàn bà vác khoai, rau lội xuống sông rửa ráy. Sương sớm lạnh giá từ sông bay la đà bên bóng những người đàn bà ở chợ Bến quê tôi. Chiều về, túm tụm bên bến nước, chỗ này là đàn trâu đằm mình kỳ cọ vết bùn, bên kia là những người đàn bà gội đầu, rửa rau, vui vẻ và bình yên như thể chưa bao giờ họ biết tới mùa đông, chưa bao giờ họ cảm thấy cái lạnh của đông giá là gì.

Người dân chợ Bến quê tôi hồi đó chỉ có độc một dòng sông làm nguồn nước ăn, nước sinh hoạt. Cả làng nấu ăn bằng nước sông, tắm rửa bằng nước sông, sinh hoạt bằng nước sông. Sông chảy từ thượng nguồn Ngàn Phố, nên không bao giờ cạn, không bao giờ thiếu đi sự trong xanh. Kỳ lạ hơn, mùa đông nước ở sông bao giờ cũng ấm. Vén quần lội xuống nước, nước sông ấm như có ai hâm nóng lên, chẳng vậy mà thỉnh thoảng cha tôi vẫn đi tắm sông vào giữa những ngày giá rét nhất. Cha nói, tắm nước sông, được đầm mình giữa sông còn ấm hơn là tắm nước nóng mẹ hâm ở nhà, giội lên người vẫn lạnh lắm.

Hà Nội những ngày này lạnh lắm, một năm mới lại đến, đi giữa phố phường Hà Nội trong lớp lớp áo khoác dày vẫn thấy lạnh. Mùa đông này, những người nông dân ở quê tôi vẫn thế, đang là vụ cấy lúa Xuân. Đâu đó, những chiếc áo tơi vẫn không bao giờ cũ. Cũng là một cuộc đời, một đời người nhưng những người đàn bà nông dân nơi quê tôi không bao giờ biết tới cái lạnh lúc không giờ của đêm Giáng sinh tràn ngập ánh sáng. Lũ trẻ con quê tôi không bao giờ mơ thấy ông già Noel gõ cửa tặng quà... Và đâu đó nơi miền quê Hà Tĩnh nghèo, những đứa trẻ trong ngày đông giá vẫn cởi truồng vì không đủ quần áo để mặc.Thế nhưng chúng vẫn lớn lên, vẫn yêu thương rồi nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái và làm nên những cây đời bình dị bên trời

Lê Nguyễn Lam Thy
.
.