World Cup 2010 - Động lực mang tên bóng đá

Thứ Năm, 24/06/2010, 09:25
Và thế là từ ngày 11/6, trái bóng tròn đã chính thức lăn trên các sân cỏ Nam Phi trong khuôn khổ World Cup 2010 bằng trận mở màn giữa đội chủ nhà với đội tuyển Mexico. Muốn nhìn từ góc độ nào cũng cần phải thấy rằng, trong những ngày này trên thế giới không có gì có thể thu hút được sự chú ý của đông người như World Cup.

Dễ có tới vài tỉ người ngày đêm (tùy theo múi giờ nơi cư trú) say mê theo dõi các trận tỉ thí ở các đấu trường Nam Phi giữa các đội tuyển quốc gia. Không phải ai cũng thích bóng đá, thậm chí có người còn ghét bóng đá, nhưng vì lý do gì đấy mà World Cup luôn thu hút được mối quan tâm chung kỳ vĩ nhất. Đó cũng là điều bí ẩn lớn nhất ẩn chứa trong môn thể thao mang tên bóng đá, một môn thể thao luôn tạo ra được động lực nhiều mặt cho xã hội loài người kể từ khi nó xuất hiện.

Niềm đam mê bất tận

Cũng lạ lùng đấy chứ, chỉ sau vài ba thế kỷ thôi (những chớp mắt ngắn ngủi trong lịch sử nhân loại), trò giải trí đơn giản và thuần phác của dân da đỏ châu Mỹ với cục mủ cao su nguyên chất hình tròn, qua tài biến cải và sáng tạo của người Anh (tác giả của môn bóng đá hiện đại) đã trở thành ngành kinh doanh thể thao thu hút được đông đảo người hâm mộ nhất và cũng lời lãi nhất. World Cup Nam Phi 2010 thêm một lần minh chứng cho sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi của bóng đá, lắm khi làm mê muội cả người trong cuộc lẫn khán giả. Môn thể thao vua bây giờ cũng đã trở thành biểu tượng của toàn cầu hóa như bánh mì kẹp (hamburger), nước giải khát Coca-cola hay bánh pizza. Điều này có tốt hay không? Câu trả lời không thể là đơn giản.

Những con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đa phần nhân loại trong những ngày qua bị hút hồn bởi những trận đấu sôi động và giầu kịch tính quanh trái bóng tròn với những ô màu trắng đen đối chọi trên sân cỏ Nam Phi. Toàn cầu hóa đã tác động đến môn thể thao vua cũng giống như tác động tới việc làm bánh mì kẹp hay công nghiệp sản xuất xe hơi. Bóng đá thế giới hiện nay, nói theo cách của bình luận viên tạp chí Nga Itogi, giống như một hệ thống bao gồm vô số những chai lọ khác nhau. Hệ thống câu lạc bộ cho phép tìm kiếm và phát hiện ra các tài năng trẻ ở khắp nơi trên thế giới về để đào tạo, phát triển trong những điều kiện ưu đãi.

Nhìn từ một góc độ, các CLB bóng đá ở châu Phi hay Nam Mỹ ngày càng ít được đủ điều kiện để "nuôi" những cầu thủ có đẳng cấp cao. Nhưng nhìn từ góc độ khác, không ít đội tuyển ở những quốc gia  rất nghèo lại luôn có cơ hội sở hữu những ngôi sao thượng thặng, thậm chí vĩ đại. Các câu lạc bộ thượng lưu ở châu Âu đang thu hút không chỉ vài ba, mà là hàng chục những cầu thủ lớn tới từ các châu lục khác, kém phát triển hơn. Và số lượng những cầu thủ đang thi đấu tại quê hương tại những khu vực kém phát triển nhưng vẫn nuôi mộng thành danh ở các đấu trường lớn tại các nước phát triển như Michael Essien, Didier Drogba hay Mohammed Sissoko… cũng ngày càng đông hơn.

Nếu chỉ 5 năm trước thôi, bất cứ đội tuyển nào từ châu Phi tới World Cup đều giống như một ẩn số và chỉ sau khi mọi sự kết thúc những fans bóng đá mới biết mèo nào có thể cắn mỉu nào  và Roger Milla hay Rabah Madjer là ai. Thế nhưng bây giờ, những cầu thủ giỏi nhất châu Phi chỉ được đồng bào mình ở quê hương nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ vì tất cả họ đều đang thi đấu cho những câu lạc bộ lớn ở các trung tâm bóng đá ngoại quốc.

Trong đội tuyển Nigeria tham dự World Cup 2010 ở Nam Phi có Peter Odemwingie, đang thi đấu cho CLB Lokomotiv ở Moskva, và  Chidi Odiah, đang thi đấu cho CLB quân đội Nga CSKA… Trong đội tuyển Ghana cũng có cựu cầu thủ của CLB Spartak lừng danh của Nga,  Quincy James Owusu - Abeyie. Nhiều câu thủ hàng đầu đang thi đấu cho các CLB thượng thặng như Arseal  hay Chelsea cũng là thành viên các đội tuyển Cameroon, Cot D'Ivoire hay Ghana

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã làm cho hành tinh chúng ta trở nên quần tụ hơn, khiến cho những ai chỉ muốn "anh hùng nhất khoảnh" sẽ phải trả giá đắt, kể cả những đại gia đầu bảng. Vài năm trước đây, một nhóm các CLB hàng đầu ở châu Âu (G-14) đã định chơi khó Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trong hoạt động của các đội tuyển quốc gia.  Theo G-14, lịch thi đấu của các đội tuyển quốc gia làm nhiễu lịch thi đấu của các CLB, các cầu thủ sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với quê hương thường trở nên mệt mỏi, thậm chí với nhiều chấn thương, khi về thi đấu tại các CLB vốn trả lương cho họ rất hậu hĩnh - khi thi đấu trong màu áo Tổ quốc tại các World Cup thì không thể nào không xả thân cho chiến thắng! Vì lý do đó, G-14 muốn được nhận "chiến phí" đền bù cho những lần các cầu thủ của họ thi đấu cho các đội tuyển quốc gia… Tuy nhiên, vụ tai tiếng này đã nhanh chóng "chìm xuồng" vì rốt cuộc tất cả đều hiểu rằng, không có gì làm cho bóng đá trở nên hấp dẫn thêm một cách rộng rãi, tức là mở rộng thị trường kinh doanh túc cầu, bằng các World Cup.

Không phải mọi người dân Cot D'Ivoire đều là fans của Chelsea nhưng tất cả họ đều ủng hộ đội tuyển quốc gia của mình và nhiều người trong số họ sau World Cup 2010 sẽ chuyển sự hâm mộ đối với Didier Drogba sang cho CLB bóng đá thành London này của ông chủ  Nga Abramovich. Cũng như thế, các fanss của CLB Zenith tại St. Peterburg sẽ theo dõi chăm chú hơn các trận đấu của Arsenal để thưởng ngoạn tài năng của cầu thủ Nga Andrey Arshavin mà họ yêu quý… Và yêu cầu thủ và CLB rồi thì họ rất có thể nới rộng hầu bao mua các sản phẩm thể thao hoặc không thể thao mang tên của CLB này… Một ngôi sao bóng đá được nhiều người hâm mộ có thể giúp CLB phát tài ghê gớm trên thương trường - thí dụ rõ ràng nhất là David Beckham, người đã giúp các ông chủ CLB Tây Ban Nha Real hoàn vốn chỉ sau vài tháng dẫu đã phải bỏ ra một món tiền khổng lồ để có quyền nhận anh về…

Để mọi người đều thắng

World Cup là dịp hái ra tiền không chỉ đối với các cầu thủ hằng trận phải "thoát y tài năng" trên sân, mà còn là mùa làm ăn thịnh vượng đối với nhiều hãng và các phương tiện thông tin đại chúng. Trái bóng được nâng lên vị thế người đàn bà đẹp, tứ phía si mê mà chỉ được chọn một đấng hôn phu duy nhất, nghiêng tả thì hữu đau, lệch hữu thì rầu lòng tả. Có lẽ khó tìm được lĩnh vực hoạt động nào của con người lại thu hút được đông đảo khách hâm mộ như bóng đá.

Những gì diễn ra tại World Cup Nam Phi 2010 cho thấy, ở mức độ rất cao, bóng đá đã không khiến người xem phải thất vọng. Tài nghệ tuyệt vời của những cầu thủ thượng thặng của nhiều đội, đủ các dân tộc, màu da, tín ngưỡng, đã cống hiến cho khán giả những phút giây đầy khoái cảm thẩm mỹ lành mạnh. Nói không ngoa, nhiều trận đấu đã trở thành nhân tố kết đoàn đối với hàng tỉ người xem, có mặt ở sân vận động hay chỉ bên màn ảnh nhỏ nhìn qua truyền hình trực tiếp. Còn gì hơn cảnh hàng tỉ con tim cùng bồi hồi nhịp đập theo vòng lăn của trái bóng tròn? Đáng tụng ca thay môn thể thao đã trở thành niềm an ủi và cứu rỗi cho những người hâm mộ.

Ý nghĩa xã hội của bóng đá, nhờ thế, đã trở nên kỳ vĩ. Sức tác động của bóng đá đối với con người lớn lao đến mức không ai có thể làm ngơ.

Tuy nhiên, cũng chính World Cup Nam Phi 2010  đã bộc lộ cả mặt sau trên  "tấm huy chương bóng đá". Ta đã biết rằng, nếu nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu bắt nguồn từ ảo ảnh và trò chơi mô phỏng, thì ở trạng thái nguyên thủy của nó, bóng đá, cũng như nhiều môn thể thao khác, phát sinh từ nhu cầu rèn luyện thân thể và trò chơi thi đấu có tính chất đại chúng. Một khi đã là trò chơi, cần không vụ lợi. Thế nhưng, bóng đá đỉnh cao thời hiện đại ngày càng rời xa khởi điểm lành mạnh của nó. Nền văn minh thế kỷ XXI không cho phép trái bóng vô tư; bởi thế, các trận tỉ thí bóng đá ngày càng giống tiết mục biểu diễn được dàn dựng để tăng doanh thu. Các cầu thủ, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môn nghệ thuật biểu diễn này, sớm phải chuyên môn hoá và đổ mồ hôi, sôi nước mắt luyện tập. Cuộc cạnh tranh quyết liệt không chỉ vì vẻ đẹp của thể thao, mà còn vì vô số lợi ích vật chất khác, dễ làm tha hóa ngay cả những tài năng bóng đá lớn nhất.

Đồng thời, cũng phải nhận thấy rằng, bóng đá, trong nhiều trường hợp, đang bị lợi dụng cho những mục đích nằm ngoài khuôn khổ thể thao. Là cuộc chơi quyết liệt thu hút được số lượng khán giả khổng lồ, bóng đá không chỉ bị các ngành kinh doanh lợi dụng, hay trong tình huống khá hơn, còn phải đồng lõa với những trò kinh doanh lắm khi không mang mục đích củng cố sức khoẻ con người, mục tiêu tối thượng của bất cứ một môn thể thao nào. Vì một lẽ gì đó, bóng đá, như thực tế cho thấy, dễ kích động những tình cảm ăn thua không lành mạnh nhất của con người. Đã xuất hiện quanh các cuộc thi tài bóng đá chủ nghĩa dân tộc, địa phương, sôvanh... Tỉ số trận đấu không hiếm khi bị coi như yếu tố quyết định duy nhất đối với cuộc chơi, phân giải những thanh toán nợ nần nằm ngoài bóng đá.

Dù có thể rất tuyệt vời và huyền diệu, nhưng bóng đá chỉ là và trước hết phải chỉ là bóng đá. Mọi mưu toan dùng bóng đá như một phương tiện có thể thay thế những nỗ lực xây dựng xã hội văn minh, no ấm đều dễ dẫn đến hậu quả xấu. Bóng đá không và không được là hỏa mù để những chính khách kém tài kinh bang tế thế dùng để đánh lạc hướng xã hội, xoa dịu những bất mãn hoặc thất vọng của người dân trước thực trạng đen tối.

Mỗi dân tộc, mỗi đất nước phải tìm ra con đường riêng để phát triển và đi lên về mọi mặt, kể cả về thể thao. Thành tựu chỉ đến khi ta biết chọn cho ta những gì hợp với mình nhất. Nhân loại có vô số điểm chung, nhưng cũng có không ít dị biệt. Có thể cùng một lúc tập hợp được hàng tỉ người chăm chú theo dõi vòng lăn ảo mờ đen trắng của trái bóng da, nhưng dầu sao cũng cần hiểu rằng, suy cho cùng, World Cup chỉ là một lễ hội, không thể vĩnh viễn kéo dài.

Đã từng có một huấn luyện viên đội tuyển Brazil từng nói rằng: "Thắng chung kết cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là phải chiến thắng được nghèo đói". Để mọi người yêu môn thể thao vua đều có thể có chiến thắng riêng của mình, bóng đá phải là động lực lớn góp phần giúp nhân loại giải quyết tốt hơn các nhiệm vụ nhân sinh

Nhất Anh
.
.