WikiLeaks và sự khác biệt với nghề báo

Chủ Nhật, 30/01/2011, 15:30
Muốn nói gì thì nói, thành công dị thường của website WikiLeaks, công bố không mệt mỏi những thông tin mật và "bán mật" của chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc đang chứng tỏ rằng, độc giả và các khách hàng của mạng Internet trên khắp thế giới, đang bị "khủng hoảng thiếu" thông tin. Công chúng đang cần thêm nhiều những thông tin nghiêm túc về những sự kiện nghiêm túc.

Đồng thời, sự ủng hộ của khá đông đảo các nhà báo chuyên nghiệp đối với hoạt động của Julian Assange, mặc dầu nói cho cùng WikiLeaks đang ở thế cạnh tranh với báo chí truyền thống, cũng cho thấy là không ít nhà báo trên thế giới đang không đủ điều kiện để công bố đầy đủ những thông tin mà họ coi là nghiêm túc. Tuy nhiên, thật ngây thơ nếu nghĩ rằng những website có thể thay thế được các loại báo chí truyền thống.

Mù mờ đích đến 

Theo hai nhà báo Nga Irina Borogan và Andrey Soldatov, bất chấp những lời khẳng định của Assange về việc WikiLeaks, đó là một nhóm những phóng viên và những người tình nguyện trong lĩnh vực truyền thông, vẫn không thể đánh đồng hoạt động của website này với hoạt động báo chí. WikiLeaks công bố những bản báo cáo của các nhân viên quân sự và dân sự Mỹ cho thượng cấp mà không hề phối kiểm lại thông tin cũng như không đưa những tư liệu đó vào ngữ cảnh thật và cũng không đưa ra được những phân tích thỏa đáng đối với chúng.

Tất nhiên, phối kiểm khoảng 90 nghìn văn bản (hồ sơ về cuộc chiến Afghanistan), gần 400 nghìn tài liệu (hồ sơ Iraq) và hơn 200 nghìn bản báo cáo của các nhà ngoại giao Mỹ từ khắp nơi trên thế giới gửi về Washington là một việc làm cực kỳ phức tạp, thậm chí rất nhiêu khê, nhưng đối với một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, nói cho cùng vẫn là một nhiệm vụ không phải bất khả thi.

Các cơ quan báo chí thường đăng các bài báo trên cơ sở các tài liệu đã có, chứ không phải các tài liệu gốc không kèm theo bình luận của bản báo không phải vì họ không đủ dũng cảm hành xử như Assange.  Độc giả, khi đọc bài báo, có thể tiếp cận với không chỉ tài liệu gốc mà với những phân tích có thể giúp họ hiểu rõ hơn nguồn cơn câu chuyện.

Về mặt nguyên tắc, độc giả không thể dành nhiều thời gian và sức lực cho việc tìm hiểu một vấn đề nhất định (thí dụ như chuyện có sang Iraq hoặc Afghanistan hay không) như nhà báo, vì thế họ tin vào kết luận và phân tích của phóng viên. Đồng thời, để không bị trở thành nạn nhân của những diễn giải mang tính vụ lợi, độc giả sẽ nhìn vào tên tác giả bài viết xem đó có phải là người mà họ vẫn tin cậy hay không…

Một thí dụ về việc, sự khác biệt về cách tiếp cận thông tin có thể sẽ dẫn tới những hệ lụy gì. Trong hồ sơ Iraq của WikiLeaks, giữa hàng nghìn báo cáo của các quân nhân Mỹ có những tư liệu nói tới chuyện Iran hỗ trợ vũ khí cho các lực lượng chống đối ở Iraq.

Những tai tiếng xung quanh việc lộ các bí mật cũng như "vòng nguyệt quế" vây quanh tính tối mật của các bản báo cáo này khiến cho những giả định về việc Iran cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối ở Iraq trở thành việc nhỡn tiền. Thế nhưng, thực sự thì đó cũng vẫn chỉ là những giả định mà nếu muốn coi là thật thì cần phải phối kiểm rất nghiêm túc…

Thêm vào đó, hoạt động của WikiLeaks như một phương tiện của các công dân vô tư lự cũng rất đáng hoài nghi. Nói cho cùng, những người bình thường rất ít khi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" mà thường là cũng có những mục tiêu nhất định. Và điều đó có nghĩa là họ cũng cần những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nếu như những bài báo mang tính bóc trần như thế của các phóng viên có thể dẫn tới những kết quả thực tế thì những tài liệu trên WikiLeaks lại không tạo ra được hiệu ứng tương tự.

Có thể WikiLeaks hoặc là đã đặt cho mình quá nhiều mục tiêu (thay đổi luật pháp Mỹ trong lĩnh vực bảo vệ bí mật quốc gia, lột mặt Lầu Năm Góc trong cuộc chiến Iraq, hoặc góp phần chấm dứt nhanh chiến tranh Afghanistan, bêu xấu các nhà ngoại giao Mỹ nói một đằng, làm một nẻo), hoặc là đã hành động đầy ngẫu hứng, được chăng hay chớ vì không rõ là liệu ít nhất một trong những mục tiêu trên có thành đạt hay không…

Phỏng đoán như thật 

Đọc rất nhiều bản báo cáo của các nhà ngoại giao Mỹ được công bố  trên WikiLeaks, nhiều độc giả sẽ cảm giác như mình cũng được tiếp cận gần gụi với sự thật mà không hề phải qua khâu trung gian nào. Và ngay cả những cơ quan truyền thông ở phương Tây cũng có cảm giác như vậy và hết lòng ủng hộ WikiLeaks. Điều này không thể không bị coi là lạ lùng. Nguyên do nào dẫn tới hiện tượng này?

Dù muốn hay không cũng phải công nhận rằng, trong một vài thập niên gần đây, các điều tra của phóng viên trên khắp thế giới, kể cả ở phương Tây, đã tỏ ra rất hụt hơi. Kể cả ở Anh cũng như ở Mỹ, những phòng điều tra ở các cơ quan truyền thông đại chúng lớn đều đã không còn phong độ như trong quá khứ, khi người ta có thể mất hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm để dành cho các vụ điều tra.

Sức ép tài chính của các chủ báo đã buộc nhiều cơ quan truyền thông phải chia tay với những phóng viên giàu kinh nghiệm và thay thế vào đó là những nhà báo trẻ sẵn sàng làm việc theo hợp đồng chứ không cần phải vào biên chế, giảm bớt các chi nhánh ở nước ngoài và thậm chí còn từ bỏ ngay cả những biên tập viên giàu kinh nghiệm của chính mình. Đồng thời cũng  gia tăng sức ép của bộ máy công quyền đối với các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đưa tin và bình luận về cuộc chiến chống khủng bố…

Chính vì thế nên không có gì khó hiểu khi số lượng các vụ điều tra báo chí trở nên ngày một ít hơn, tạo khoảng trống cho WikiLeaks tràn vào. Tự bản thân đang ở trong thế kẹt, những nhà báo ủng hộ WikiLeaks, dường như muốn bày tỏ thái độ rằng, nếu quý vị không thích cách làm của chúng tôi thì hãy thử đối diện với những người như Assange xem sao! Tránh vỏ dưa sẽ gặp vỏ dừa, thậm chí còn tồi tệ hơn!

Thêm vào đó, nói cho cùng, những vụ rò rỉ thông tin như thế càng khiến cho chính quyền phải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm minh bạch hoạt động của mình trước xã hội. Và điều này có lợi cho tất cả.Tuy nhiên, nếu phân tích xem WikiLeaks đã công bố được bao nhiêu tài liệu trong năm qua và liệu có bao nhiêu việc trên thế giới đã thay đổi trong thời gian đó thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, thực ra mọi sự gần như "nguyễn y vân". Nói cho hả không bao giờ là tình cảm cần có ở những nhà báo chân chính.

Có cảm giác là trong trường hợp của WikiLeaks, số lượng đã dần biến chuyển thành chất lượng có thể tạo nên sự giật gân cho hoạt động của website này. Chúng ta kinh ngạc không chỉ và không đơn thuần vì những thông tin chứa đựng trong đó mà chủ yếu vì số lượng những báo cáo, những vụ việc được đề cập ở đấy.

Giống như trong trường hợp viết phóng sự của một nhà báo ít kinh nghiệm, khi anh viết không phải về những gì anh đã phát hiện được mà về những gì đã xảy ra với anh trong quá trình đi thực tế, với WikiLeaks, chúng ta bị lôi kéo nhiều hơn theo quá trình phát triển của website này cũng như những câu chuyện của người sáng lập ra nó, Julian  Assange, hơn là những nội dung cụ thể có trên đó. Dù muốn dù không thì Assange cũng đã trở thành ngôi sao trên chính trường quốc tế và điều này thực ra chỉ là thêm một minh chứng về việc, nghề báo trên thế giới đang bị khủng hoảng như thế nào.

Thượng tướng Nga  Leonid Ivashov, một nhà ngoại giao quân sự nổi  tiếng, nhận xét, WikiLeaks  cho phép nghĩ rằng, website này đã được ai đó trong số những hacker thượng thặng tổ chức và định hướng rõ ràng theo những nhiệm vụ và mục tiêu nhất định dưới sự chỉ đạo sít sao và cực kỳ nhạy cảm. Cũng có thể nghĩ rằng, hoạt động của WikiLeaks là sự nỗ lực của những cộng đồng liên quốc gia, trước hết là những định chế tài chính quốc tế làm giảm vai trò của các nhà nước trong hệ thống quốc tế hiện tại với mục tiêu gia tăng sự kiểm soát của họ đối với các chính quyền hợp hiến.

Hiện đang tồn tại những thế lực quốc tế thậm chí còn muốn vượt lên trên cả những nhà nước như Mỹ để tùy nghi định đoạt các vụ việc của thế giới. Assange có thể không tự ý thức được điều này nhưng rất có thể website của anh đang bị "ma đưa lối quỷ dẫn đường" theo hướng đó

Hoàng Phong
.
.