"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân

Thứ Hai, 09/11/2009, 11:16
Một  số nhà  nghiên cứu phương Tây đã nhiều lần nhắc đến cái gọi là "Vương quốc Sedang"  từng  tồn tại một thời gian rất ngắn (1888-1890) trong vùng cao nguyên Kon Tum. Thậm chí, tỏ ra độc lập và khách quan, họ còn xếp nó vào hàng "các vương quốc cổ" ở  Việt Nam. Thực tế thì chưa ai, chưa ở đâu và chưa khi nào cái gọi là "vương quốc" này được xác định một cách rõ ràng cả  về vị trí địa lý lẫn ranh giới lãnh thổ.

Di sản duy nhất chứng tỏ sự tồn tại của nó chỉ là một bộ tem được triển lãm lần đầu tiên tại Huế năm 1945. Thật oái oăm, bộ tem  này sở dĩ còn tồn tại được là  vì nó chưa bao giờ được lưu  hành. Sinh thời, kẻ tự xưng là "Maria đệ nhất, vua của Sedang" rao  mãi vẫn  không... bán được "vương quốc" nên không lấy  đâu ra tiền để trả công in! 

Mộng bá vương của kẻ bịp bợm

Ở Kon Tum, không một dấu tích, một văn bản, thậm chí một truyền thuyết nào liên quan đến "Vương quốc Sedang" còn được lưu giữ. Người Kon Tum, kể cả người Sedang bản địa lẫn cán bộ các ban ngành cũng hoàn toàn ngơ ngác trước những câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này. Duy nhất một người, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập báo Kon Tum là gật đầu: "Đúng là có "Vương quốc Sedang", nhưng không phải là của người Sedang xây dựng mà do một người Pháp lập nên. Đúng hơn, chỉ là tự gọi".

Ông  Sơn vốn là một giáo viên dạy lịch sử, từng  giữ chức Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Kon Tum trước khi chuyển sang phụ trách tờ báo của tỉnh nhà. Như tự nhận, ông cũng chỉ biết một số thông tin chứ chưa thật sự nghiên cứu vấn đề. Theo lời ông Sơn, "Vương quốc Sedang" được lập ra vào năm 1888, kinh đô được đặt tại làng Kon Gung, vùng Đăk Tô, nay thuộc xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Và có lẽ, vùng ảnh hưởng quyền lực của "Vương quốc Sedang" cũng chẳng lớn hơn ranh giới của xã Đăk Mar ngày nay là mấy. Điều này khá phù hợp với những gì được ghi trong một  số tài liệu tiếng Pháp ít ỏi còn  sót lại.

Nhờ sự hướng dẫn của anh Lê Hảo, cán bộ địa chính xã Đăk Mar, chúng tôi có thêm một chút hình dung về nơi được xem là kinh đô của một vương quốc có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử này. Xã Đăk Mar cách TP Kon Tum 18km, rộng 4.658ha, nằm ở Tây Bắc huyện Đăk Hà. Cả xã có 8 thôn, gồm 5 thôn gọi theo số thứ tự từ 1 đến 5, ba thôn còn lại được gọi  bằng các tên Kon Gung, Kon Kơ Lốc và Đăk Mút...

Ngày 15/8/2007, khi lòng hồ thuỷ điện Plei Krông bắt đầu tích nước thì có một phần diện tích của xã Đăk Mar - khoảng 200ha - đã bị nhấn chìm trong  vùng nước của lòng hồ có độ cao 570m  so với mực nước biển. Làng Kon Gung nằm cách bờ hồ chừng 200m. Dưới  bóng râm của những mái nhà sàn lợp tôn, vách gỗ mốc thếch, nhỏ, nằm rải rác dưới những tán cây còi cọc, những chú bé người Sedang lấm lem hồn nhiên ngó theo vài ba con chó, con heo  gầy gò chạy rông và mở tròn mắt nhìn khách lạ lượn xe máy ngang  qua... Khung cảnh nói lên rằng Kon Gung đến nay vẫn là một làng nghèo, xa lạ hoàn toàn với danh xưng Pelei Agna hay Thành phố vĩ đại,  như người ta từng gán cho nó từ 120 năm về trước.

Những danh xưng to tát nhiều màu sắc tưởng tượng hơn khả năng phản ánh thực tại  này vốn dĩ được tạo ra  bởi  một gã phiêu lưu  quốc tế người Pháp có tên là Charles Marie David de Mayréna. Đây là tên chính thức được nhắc đến trong "Tập san Đô thành hiếu cổ" (Bulletin des Amis du Vieux Hue) số 14, ấn hành tháng 6/1927 và một số văn bản, giấy tờ, thư tín  còn được lưu trữ tại Pháp và Bỉ, được nhắc lại bởi cái gọi là "Hội đồng Hoàng gia Sedang" năm 1998.

Còn trong tài liệu của một số nhà nghiên cứu khác, gã lại mang những cái tên khác, lúc loằng ngoằng là Charles Marie David, AKA de Mayréna, lúc lại là David Auguste Jean Baptiste Marie Charles, hay Marie de Mayréna, và thậm chí rất sai là Nam tước Henry Mayréna. Gã sinh tại thành Toulon nước Pháp ngày 31/1/1842. Năm 1861, mới 19 tuổi, trong biên chế  của một  đơn vị lính viễn chinh, gã đã có mặt và tham gia đánh chiếm xứ Nam Kỳ.

Quãng đời 10 năm tiếp theo đó của Mayréna là một chuỗi hư hư thực thực. Có giả thuyết cho rằng gã tiếp tục cuộc đời binh nghiệp, trở thành một đại úy trong quân đội viễn chinh Pháp, từng có mặt trên nhiều chiến trường cả Âu lẫn Á. Một số tài liệu khẳng định, chỉ sau một thời gian ngắn tham gia quân ngũ, gã quay về Pháp, trở thành một nhân viên Ngân hàng ở Paris. Một số kết quả nghiên cứu khác lại mô tả David de Mayréna như một tay giang hồ phiêu lưu, nay lang thang khắp nước Phổ (Đức), mai lại sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó lưu lạc sang tận xứ Java, Sumatra (Indonesia) lúc này đang là thuộc địa của Hà Lan. Ngay từ  xuất xứ, David de Mayréna đã là một con người kỳ lạ, pha trộn giữa máu phiêu lưu và những hành vi bịp bợm.

Ngày 3/3/1869, lúc đang là một nhân viên ngân hàng, Mayréna kết hôn lần đầu tiên với cô Maria Francisa Avron. Cuộc hôn nhân này lần lượt đem lại cho gã hai mặt con, một trai, một gái, tên là Albert và Marie Louise. Cuộc đời viên chức với gánh trách nhiệm với gia đình dường như quá nặng và không phù hợp với gã phiêu lưu.

Tháng 6/1883, gã trốn khỏi Paris và mò sang xứ Java, mục đích là để tránh bị truy tố vì tội biển thủ tiền bạc. Ở Java chưa đầy một năm, David de Mayréna lại gây ra một vụ lừa cả tình lẫn tiền con gái một vị quan chức Hà Lan cho nên lại bị trục xuất, phải quay lại nước Pháp. Chẳng hiểu móc nối thế nào, gã đã từ Pháp tổ chức được cả một chuyến tàu chở vũ khí đến tỉnh Aceh thuộc Đông Ấn. Vụ buôn lậu này bị bại lộ và ngăn chặn khiến David de Mayréna không thể theo tàu đặt chân trở lại Đông Ấn.

Năm 1885, sau suýt soát một phần tư thế kỷ, gã lại tạt ngang  vào xứ Nam Kỳ lần thứ hai, tậu một đồn  điền, định an cư lạc nghiệp. Không cưới hỏi, nhưng gã cũng kịp có thêm hai người vợ bản địa, trong khi vẫn chưa hề ly dị với Maria Francisa Avron. Người thứ nhất tên là Anahia, một cô gái Chăm con nhà quí tộc sa sút, làm nghề đốn củi. Cô thứ hai  người Kinh tên khai sinh là Lê Thị Bến. Để chắc ăn, gã tuyên bố từ bỏ đạo Thiên Chúa và gia nhập đạo Hồi, việc có nhiều vợ xem như không hề phạm luật!

Tuy nhiên, một đồ đệ của chủ nghĩa xê dịch như gã thì chẳng vùng đất nào, bà vợ nào níu chân được lâu. Trong thời gian khai thác đồn điền, Mayréna đã tiếp xúc với các nhà truyền giáo thuộc Hội thừa sai Paris, kịp tìm hiểu và bổ sung cho mình  một số kiến thức về xứ An Nam đã hoàn toàn bị nước Pháp đô hộ kể từ sau sự kiện kinh thành Huế thất thủ năm 1885. Gã nhận ra rằng, bất lực và nhu nhược, triều đình Huế gần như đã quên lãng cả một vùng cao nguyên rộng lớn, bị cô lập hoàn toàn với đồng bằng duyên hải Trung Kỳ bởi đường sá cách trở.

Với mục đích thực dân và tận khai thác thuộc địa, nhà nước bảo hộ Pháp cũng chưa thực sự áp đặt được quyền lực lên vùng đất này. Xung đột giữa các tộc người Thượng trên miền cao nguyên vẫn diễn ra liên miên. Chỉ có những nhà truyền giáo, cả người Pháp lẫn người Kinh thuộc Hội Thừa sai Paris là thực sự có ảnh hưởng nhất định đối với những tộc người sinh sống suốt một vùng sơn cước rộng lớn phía Tây miền Trung xứ An Nam. Trong khi đó, vua Xiêm, sau khi thâu tóm quyền lực ở vùng Hạ Lào cũng đang rắp ranh thò tay sang Tây Nguyên. Thậm chí, gã  còn  nhìn thấy cả quyền lực của vua Phổ cũng lăm le mở rộng đến tận phía Đông rặng Trường Sơn. Ngay cả nguy cơ bành trướng của thực dân Anh  từ hướng miền Nam Burma (Myanmar ngày nay), xuống Bắc, Trung rồi Nam Lào, từ đó mở rộng xuống Tây Nguyên cũng là điều không thể loại trừ.

Với những lập luận này, gã phiêu lưu đã tìm cách thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp về việc cần thiết lập một đoàn thám hiểm lên phía Bắc Tây Nguyên, thỏa thuận với các bộ tộc đang sinh sống trên vùng đất này nhằm mở một con đường lên những vùng đất miền Thượng, từ đó vươn dài lên cao nguyên Attopeu và lưu vực sông Champasac phía Nam Lào. Nói  cách khác, đó là việc tìm kiếm một con đường từ duyên hải Trung Kỳ, xuyên qua dãy Trường Sơn và nối đến sông Mê Kông.--PageBreak--

Cho đến thời điểm đó, công thức của chủ nghĩa thực dân vẫn chưa hề thay đổi, thường bắt đầu từ các hoạt động truyền giáo, tiếp đến là phần việc của các nhà thám hiểm, thăm dò - thực chất là hoạt  động gián điệp - và cuối cùng là việc thiết lập quyền lực bằng vũ lực của súng trường và đại bác. Mục tiêu thám hiểm do David de Mayréna vẽ ra và xung phong đảm nhận vai trò tiên phong đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cả Toàn quyền Đông Dương Ernest Constans lẫn Tổng Thư ký Klobukowski.

Qua sự giới thiệu của hai nhân vật chóp bu này, ngày 16/3/1888, Mayréna đã liên lạc với Công sứ Qui Nhơn Lemire và các linh mục Thiên Chúa giáo để bàn định kế hoạch. Giám mục Qui Nhơn đã có thư giới thiệu gã phiêu lưu với các Cha Jean-Baptiste Guerlach, Irigoyen... những nhà truyền giáo dòng Thừa sai ở Kon Tum, bảo đảm cho gã một sự hỗ trợ chắc chắn từ phía các linh mục Thiên Chúa giáo.

Quốc huy "Vương quốc Sedang".

Sau hơn một tháng chuẩn bị, ngày  21/4/1888, đoàn thám hiểm lên đường. Cùng đi với Mayréna còn có một người bạn của ông ta tên là Alphonse Mercurol, một thông dịch viên, một đầu bếp, bốn phụ tá người Trung Quốc và 80 phu khuân vác kiêm vệ sĩ do Tòa Công sứ Qui Nhơn điều động.

Đầu tiên, Mayréna đặt chân đến làng Kon Jari Tul, một làng Bana nơi Cha Jean-Baptiste Guerlach quản hạt, sau đó dừng lại ở làng Kon Trang, địa phận truyền  đạo của Cha Irigoyen... Mỗi nơi, Mayréna chỉ dừng chân dăm ba ngày, đủ thời gian để được các cha giới thiệu làm quen với các trưởng làng và giúp một vài  người dân cắt cơn sốt rét. Sau khoảng một tháng rong ruổi, đoàn chinh phục dừng lại ở thung lũng sông Đăk Bla vùng Đăk Tô. Nơi đây là một bình nguyên tương đối bằng phẳng so với cả vùng Tây Nguyên lắm đèo nhiều dốc. Vùng Đăk Tô còn là ngã ba gặp gỡ của hai dòng chảy lớn là sông Pô Cô  và sông Đăk Bla để từ đó đổ nước vào sông Sê San, khá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và đi lại.

Xuất thân binh nghiệp, lại quen phiêu lưu, David de Mayréna luôn tỏ ra là một tay kiếm cự phách và một tay súng  thiện xạ. Với thân hình to lớn lực lưỡng của một người Âu, chiếm ưu thế vượt trội về thể lực so với những người bản xứ có thân hình nhỏ bé hơn nhiều, gã đã trở thành nhà vô địch tuyệt đối trong các cuộc giao đấu. Kiến thức y khoa và số thuốc men Tây phương mang theo còn giúp gã một cách đắc lực trong việc chữa lành một số bệnh nhiệt đới, nhất là bệnh  sốt rét, vốn rất phổ biến, cho người dân một số nơi mà đoàn thám hiểm ruổi qua. Chẳng bao lâu, hầu hết các làng bản người Bana, Rongaos và Sedang trên đường đi đều bị gã thuyết phục.

Sự mông muội, lạc hậu của Tây Nguyên cuối thế kỷ XIX đã trở thành cơ hội vàng của tay bịp bợm. Đồng bào các dân tộc xem David de Mayréna như một... vị thần, nhất loạt bầu gã làm  trưởng làng. Trong  "tư duy hoang dã" (sovage minds, chữ dùng  của nhà dân tộc học Levis Strauss) của những tộc người ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ có Thần mới to lớn hơn người, mới... râu rậm, mắt xanh và đầy lông lá như thế! Cũng chỉ có thần mới có sức khỏe kinh người, có thể hạ gục nhiều người rất nhanh, lại có thể chữa bệnh đưa người chết sống lại như gã!

Mặt khác, do sự xúi giục, lũng đoạn của các thế lực thống trị đại diện cho nhiều hướng quyền lợi khác nhau, các làng, các tộc người Tây Nguyên thời điểm ấy thường có những xung đột, hiềm khích. Từ chỗ yếu thế, nhờ có sự giúp đỡ của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo dòng Thừa sai, những làng  người Bana đã mạnh dần lên. Đây là bộ tộc Tây Nguyên đầu tiên có chữ viết theo mẫu tự Latin. Người Bana lại được các giáo sĩ hướng dẫn kỹ thật trồng lúa nước, hoa màu và chăn nuôi một số gia súc, gia cầm nên đời sống khấm khá hơn so với người Sedang và một số dân tộc khác vẫn đang giữ khuynh hướng bài Thiên Chúa giáo quyết liệt.

Từ năm 1883, các làng người Bana ở Kon Tum đã tập hợp được cả một đạo quân lên đến 1.200 người, chiếm ưu thế trong các cuộc tranh chấp, xung đột với người Sedang, người Rongaos. Với sự xuất hiện của David de Mayréna và đoàn tuỳ tùng có nhiều... phép lạ, người Sedang vùng Cao nguyên Đăk Tô, Kon Tum tin rằng họ đã tìm được một chỗ dựa, một cơ hội để cân bằng quyền lực. Lợi dụng điểm này, Mayréna đã đứng ra thuyết phục các già làng Sedang, Bana, Rong Gao trong khu vực hình thành nên một liên minh hoà bình nhằm chấm dứt xung đột. Uy tín do những hành động trực quan của gã đã tạo ra sức nặng thuyết phục. Hầu hết các bộ tộc vùng Đăk Tô đã đồng ý ký thoả thuận liên minh và nhất trí bầu Charles Marie David de Mayréna làm người  đứng đầu.

Ngày 3/6/1888,  "Hợp bang Mọi (Moi)" được thành lập. Do lãnh thổ người Sedang lớn nhất nên một  tháng  sau, ngày 1/7/1888, hợp bang này đổi tên thành Vương quốc Sedang. Mayréna tự tôn mình lên làm vua, lấy hiệu là "Marie đệ nhất, vua của (người) Sedang", có quyền lực tuyệt đối và thế tập. Ngày  21/8 cùng  năm, Mayréna tuyên  bố chấm dứt quan hệ hôn nhân với Maria Francisa Avron. Bà Lê Thị Bến được chính thức tấn phong, trở thành Hoàng hậu Marie. Tuy nhiên, ông ta vẫn giữ nguyên "quyền thừa kế tước hiệu hoàng gia" đối với hai người con của cô Avron đang sống với mẹ tít tận bên Pháp và chẳng hề có khái niệm gì về cả Vương quốc Sedang xa xôi  lẫn ông bố hoàng đế tự phong của họ. Cậu Albert và cô Marie Louise chính thức được công nhận là Hoàng tử và Công chúa của triều đại Marie, vua Sedang!

Dưới vua còn có một người Sedang đảm nhiệm chức tể tướng. Dưới  tể tướng gồm có nhiều taoule, tức là các  trưởng làng, có quyền quyết định trong việc chuyển nhượng đất đai. Làng Kon Gung (xã Đăk Mar ngày nay) được chọn làm nơi đặt kinh đô, gọi là Pelei Agna (thành phố vĩ đại) hoặc bằng tên  gọi khác là Maria Pelei. Gần như đã chuẩn bị sẵn, chỉ hai ngày sau, Marie đệ nhất cho công bố bản "Hiến pháp Sedang" gồm 15 điều. Trong đó, điều 5 qui định "quốc kỳ màu xanh tuyền, có một hình chữ thập gắn ngôi sao ở giữa". Hiến pháp cũng "nghiêm cấm hiến tế người" (điều 10) và cho phép "được tự do tôn giáo trong vương quốc" (điều 11).

Bản hiến pháp hình thành vội vã này đã được Cha Jean Baptiste Guerlach chứng thực. Đó là bằng chứng không thể chối cãi, chứng tỏ những nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris đã từng nhúng tay, hoặc tiếp tay vào một âm mưu bịp bợm ở miền Tây Nguyên Việt Nam, không ngoài mục đích thúc đẩy sự chia rẽ các dân  tộc  ít người ly khai với toàn thể  lãnh thổ Việt Nam thống nhất.--PageBreak--

Phết sơn cho phỗng

Bản chất là một kẻ phiêu lưu vô chính phủ, khi dựng nên Vương quốc Sedang, Charles Marie David de Mayréna không  đặt vào đó quá nhiều tham vọng chính trị, cũng chẳng thiết tha gì với việc tìm kiếm tiền đồ cho quốc gia - dân tộc hay kiến tạo tương lai cho  những thần dân đã mông muội đồng ý với việc để ông ta ngồi lên ngôi báu - dù thật ra cũng chẳng có  ngôi, ngai cụ thể nào cả! Xưng vua nhưng không tham vọng làm vua, cũng chẳng màng đến cơ đồ hay sự  nghiệp, Mayréna lập quốc như thể... chế  tác một món hàng. Mơ ước duy nhất của ông ta là có thể bán nó để kiếm tiền, thật nhiều tiền! Vì vậy, toàn bộ sức lực trí tuệ, ông ta đều đổ hết vào việc sơn phết hình thức cho Vương quốc Sedang của mình chứ không phải việc chăm dân trị quốc.

Tỏ ra là một người có năng khiếu... thiết kế thời trang, Mayréna đã  tự mình bỏ nhiều công sức để "vẽ" nên quốc kỳ, quốc huy, huy hiệu, huy chương của vương triều. Quốc huy Vương quốc Sedang  mang hình một vương miện đặt trên tấm khiên, giữa khiên là một con sư tử biểu trưng cho sức mạnh đế chế. Sau lưng tấm khiên là quyền trượng và vương trượng bắt chéo nhau, tượng trưng cho quyền lực và đức tin.

Đáng nói là dù Mayréna đã cải theo đạo Hồi thì biểu tượng đức tin của ông ta vẫn là vương trượng mang hình thập giá Thiên Chúa giáo, chắc  là để cho... đẹp và dễ hiểu. Quyền trượng có hình một bàn tay đang xoè ngón. Ba màu đỏ, vàng, xanh da trời, màu sắc của  những hoa văn trên cánh tay áo của người Sedang được sử dụng để phối thành màu sắc của chiếc huy hiệu. Ngoài ra, ông ta còn cho đúc thêm một loại huy chương danh dự được mệnh danh là "Theo lệnh của Marie đệ nhất". Tuy nhiên, chưa ghi nhận được việc Marie đệ nhất tặng thưởng loại huy chương này cho  bất kỳ ai. Rất có thể, vương quốc tồn tại quá ngắn ngủi cho nên chưa có ai đủ thời gian để "lập công huân" nhằm xứng đáng được Mayréna tưởng thưởng!

Tất cả các loại huy chương, huy hiệu này đều được Mayréna đặt đúc tại Hồng Kông. Ông ta còn vay của A Kông, một người Hoa tham gia đoàn thám hiểm lập quốc (với hy vọng tìm được món hời) một số tiền lớn để đặt may 1.000 bộ đồng phục, dù thực tế Vương quốc Sedang chưa hề có đội quân nào cả.

Để  khuếch trương danh tiếng, ngày 9/7/1888, Mayréna đã ký sắc lệnh số 23 tuyên bố thành lập tổ chức bưu chính của Vương quốc Sedang. Những chi tiết kỹ thuật của bộ tem Sedang đầu tiên do chính Mayréna thiết kế cũng được công bố bởi sắc lệnh 34, ký ngày 21/8/1888. Tem Sedang có 7 mệnh giá, ghi số đếm bằng tiếng Sedang là Moi, Ber, Pouen... (1,2,3...) trước đơn vị tiền tệ vương quốc là Math và Mouk. Xếp hàng dọc ở 2 bìa tem là chữ Deh (bên trái) và chữ Sedang (bên phải), hợp lại thành chữ "Vương quốc Sedang". Chính giữa con tem là hình quốc huy vương quốc. Cả 7 con tem đều giống nhau về chi tiết, chỉ khác nhau về màu sắc.

Nhằm hợp thức hoá, Mayréna đã viết một số thư từ, văn bản thông báo sự ra  đời và thể thức tồn tại của Vương quốc Sedang gửi cho Công sứ Qui Nhơn biết. "Sứ thần" của vương quốc trong chuyến ngoại giao đầu tiên, khởi hành từ "kinh đô" Marie Pelei vào đầu tháng 9/1888 là người bạn kiêm phiên dịch Alphonse Mercurol. Xuống  đến Qui Nhơn, ngoài việc gặp trực tiếp viên Công sứ để trình bày, Alphonse Mercurol và các sứ thần còn mất thì giờ bỏ những lá thư chứa đựng các văn bản này vào thùng thư ở bưu điện, mục đích chính là để những con tem Sedang có cơ hội được đóng dấu lưu hành. Thật không may, chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ. Công sứ Qui Nhơn cũng tuyên bố từ chối sự công nhận đối với vương quốc mới thành lập của Mayréna. Dù vậy, khi quay trở lại Kon Tum, Mercurol vẫn được Mayréna tổ chức tiếp đón long trọng như thể đón những anh hùng vừa hoàn tất một sứ mệnh vĩ đại! (?1).

Trò phiêu lưu ngông cuồng của Mayréna khiến Quốc Vương Xiêm La đâm hoảng. Vua Xiêm lúc này đã chiếm cứ được vùng thượng du Campuchia, một phần Nam Lào và đang nuôi tham vọng đặt ảnh hưởng lên Tây Nguyên nên hết sức tức giận trước sự tồn tại đầy thách thức của "Vương quốc Sedang". Khi một vị tù trưởng của bộ tộc Cayon ở Nam Lào bí mật viếng thăm Mayréna và Vương quốc Sedang trở về, Vua  Xiêm đã ra lệnh cho quan chức Xiêm ở cao nguyên Attoupeu bắt giữ viên tù trưởng này, đồng thời tịch thu hết những quà cáp, tặng vật do "Marie đệ nhất" tặng.

Chính quyền bảo hộ Pháp cũng không tránh khỏi giật mình. "Hợp bang Mọi" được gã phiêu lưu tuyên bố thành lập đầu tháng 6/1888 thì ngày 20/6 năm đó, chính quyền bảo hộ Pháp, thông qua vai trò cầu nối của các giáo sĩ dòng Thừa sai cũng vội vã tuyên bố thành lập cái gọi là "Liên bang Bana". Như tuyên bố, Liên bang này tập hợp trong lòng nó một liên minh sắc tộc gồm Bana, Rongao và Sedang nhằm tuyên chiến với tộc người Djarai vùng Nam Lào. Tuy nhiên, mục đích chính của nó lại là làm đối trọng, triệt hạ ảnh hưởng của Mayréna. Krui, một tù trưởng người Bana được phong làm "Tổng thống Cộng hoà Bana" được thiết lập vội vã. Mayréna được khuyến cáo đưa hợp bang của ông ta sáp nhập vào "Cộng hòa Bana".

Tuy nhiên, tay phiêu lưu đã khước từ sự sáp nhập, chỉ đồng ý và cố thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp công nhận, sau đó... mua lại vương quốc của ông ta. Ông  ta  còn bắn tiếng, nếu chính quyền bảo hộ Pháp không chịu mua, ông ta  sẽ bán Vương quốc Sedang cho… nước Phổ! Bị  bác bỏ, Mayréna lập tức đổi "Hợp bang Mọi" thành "Vương quốc Sedang", không ngừng lôi kéo sự tham gia của các bộ tộc người Thượng ở Bắc Tây Nguyên và Nam Lào.

Không thuyết phục được kẻ vô chính phủ, chính quyền Pháp phải sử dụng biện Pháp cắt dần sự hậu thuẫn của ông ta. Thống sứ Qui Nhơn Lemire, người ủng hộ Mayréna nhiệt tình bị đổi đi nơi khác. Thay vào đó là Guiomar, một  người rất cứng rắn trong chủ trương chống lại sự tồn tại của Vương quốc Sedang.

Đang trong tình trạng bị cô lập, Mayréna lại phải gánh chịu thêm một tổn thất lớn: tháng 8/1888, "hoàng hậu Marie" (Lê Thị Bến) ngã bệnh sốt rét và qua đời tại làng Kon Trang. Dù không hẳn đã là một gã đàn ông chung tình thì "Marie đệ nhất, vua Sedang" vẫn suy sụp nặng sau cái chết của "hoàng hậu". Nhằm thoát ra khỏi tình trạng bùng nhùng, tháng 1/1889, ông ta tìm đường sang Hồng Kông, nhờ những người Hoa  quen biết giới thiệu để tiếp xúc với chính quyền Anh quốc tại đây, thuyết phục nước Anh mua lại Vương quốc Sedang. Nhà cầm quyền Anh không từ chối thẳng nhưng tỏ ra rất thờ ơ, lạnh nhạt với đề nghị này.

Lưu lại Hồng Kông nhiều tháng, tiêu hết sạch số tiền vay của A Kông để mua đồng phục cho "quân đội Vương quốc Sedang" trong tưởng tượng mà vẫn không nhận được câu trả lời, Mayréna chán nản, bỏ về châu Âu, tìm đường ve vãn giới quý tộc và chính phủ Hoàng gia Bỉ. Trong khi ông ta vắng mặt, tháng 3/1889, Công sứ Qui Nhơn Guiomar đã lên Kon Tum tuyên bố giải tán Vương quốc Sedang. Khuyến dụ sáp nhập vào "Liên bang Bana" của viên Công sứ bị các thần dân Vương quốc Sedang phản đối. Đang ở quá xa, lại không hề có thực lực, Mayréna cũng chẳng có biện pháp khả dĩ nào nhằm thu hồi lại Vương quốc vừa chết yểu!

(Xem tiếp phần 2 trên Chuyên đề ANTG GT tháng 11, ra ngày 9/11/2009)

Nguyễn Hồng Lam
.
.