Vợ người tử tù

Thứ Năm, 30/09/2010, 15:00
4 giờ sáng ngày 15/2/1934 tại bến cảng Nhà Rồng.
Một tiểu đội lính, súng kè kè trong tay, áp tải một thanh niên trẻ tuổi đang bị xích còng chân và hai tay ra phía trước bụng để đưa xuống tàu thủy đang neo tại bến. Bỗng một cô gái thân hình nhỏ nhắn từ trong bóng đêm lao về phía người thanh niên.

Lũ lính vội vàng vây quanh người thanh niên và xô ngã cô gái. Quần áo, bánh mì, hoa quả trong tay cô gái văng ra tứ tung. Cô gái liều lĩnh nhặt vội một quả cam, giúi vào tay người thanh niên. Bọn lính tiếp tục dẫn người thanh niên xuống chiếc tàu thủy đang nhả khói đen kịt, nghi ngút như màn tang che kín cả bầu trời.

Khi đã yên vị dưới hầm tàu, dưới ánh đèn le lói, người thanh niên lần giở mẩu giấy nhỏ mà người con gái đã kịp giúi vào tay cùng quả cam. Đó là một bài thơ dài nhan đề "Tiễn đưa", là những lời tâm tình rất riêng tư của người vợ trẻ gửi chồng, trong đó có những câu:

Tay xích, chân xiềng anh đã đi
Vào nơi mưa gió thảm đời chưa
Người hỏi tội gì em chỉ biết
Lòng yêu nhân loại của anh thừa…

Nhưng anh là người đi đày thôi!
Người lưu đày biệt xứ than ôi
Năm về nào biết bao năm định
Tiễn biệt anh đi huyết lệ rơi…

Đó là lần xa cách thứ nhất của hai vợ chồng trẻ Phương Hoa và Tố Lang.

Phương Hoa sinh ra ở Quảng Ngãi. Vì sớm mồ côi mẹ nên phải đi làm con nuôi, rồi bị ép duyên nên cô đã trốn vào Sài Gòn vừa làm, vừa học và tham gia phong trào yêu nước của học sinh, dạy chữ quốc ngữ cho anh chị em lao động.

Tháng 3/1932, khi mới tròn 17 tuổi, Phương Hoa đứng ra xây dựng "Phòng đọc sách bình dân" để những người lao động nghèo có điều kiện được đọc sách báo, giải trí, mở mang hiểu biết. Phòng đọc sách đáp ứng đúng yêu cầu và nguyện vọng của bà con lao động nên được các báo chí tuyên truyền, giới thiệu rầm rộ, được nhiều người có tinh thần yêu nước ủng hộ, đóng góp trên 1.000 cuốn.

Hàng ngày có hơn 50 người đến đọc. Trong số những người tích cực ủng hộ, tham gia hoạt động của phòng đọc sách có Tố Lang, một thanh niên trong độ tuổi đôi mươi, đang làm bồi trên tàu thủy thỉnh thoảng cặp bến Nhà Rồng. Tình yêu giữa họ nảy nở trong sự cảm phục lẫn nhau về sự hiểu biết, về nhiệt tình hoạt động vì người nghèo…

Phòng đọc sách ngày càng thu hút thêm nhiều người đọc đã làm chính quyền thực dân chú ý và sai mật thám theo dõi. Thế rồi trong một đêm khuya, lính kín cùng mật thám đến vây ráp phòng đọc sách, và Tố Lang, Phương Hoa đều bị bắt. Phương Hoa được thả sau hơn 1 tháng giam ở nhà tù xóm Chiếu vì không tìm được bằng chứng để kết tội.

Còn Tố Lang thì bặt tin tức. Phương Hoa lặn lội khắp nơi để tìm Tố Lang. Cuối cùng, nhờ một bạn đọc quen thuộc của phòng đọc sách, Phương Hoa biết được tin trời giáng: Tố Lang là tử tù đang bị tầm nã. Chính quyền thực dân đã quyết định đưa Tố Lang ra Bắc để thi hành án.  Khi yêu và lấy nhau, nguyên tắc hoạt động bí mật đã không cho phép anh kể hết lai lịch của mình cho người vợ trẻ. 

Ông Vũ Văn Tân và bà Nguyễn Thị Phương Hoa.

Người con gái trẻ quê miền Nam quyết định một mình ra Bắc để vĩnh biệt và chôn cất  chồng. Thân gái dặm trường được an ủi phần nào khi được Thế Lữ, bạn của Tố Lang, do được tin đã ra đón tại ga Hàng Cỏ và tìm cho nơi trọ. Phương Hoa đã tìm đến một người bạn học của Tố Lang làm luật sư tên là Hiền để dò tìm tin tức của chồng.

Thì ra Tố Lang tên thật là Vũ Văn Tân, tham gia cách mạng từ năm 1927, có dính líu vào một vụ bạo động, bị Hội đồng đề hình Kiến An năm 1931 kết án tử hình vắng mặt trong một phiên xử cùng với Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân. Theo luật sư Hiền, bản án xử Vũ Văn Tân chưa thật hợp lý, chưa thật hợp hiến vì lúc bị xét xử anh vẫn trong tuổi vị thành niên. Có thể vin vào cớ đó để chống án.

Với sự giúp đỡ của luật sư Hiền, Phương Hoa đã làm đơn chống án gửi lên tòa án tối cao và thuê luật sư người Pháp tên là Bonnal với số tiền là 200 đồng bạc Đông Dương. Cuối năm 1934, Hội đồng đề hình được thành lập ở Hải Phòng để xử lại vụ án chính trị Vũ Văn Tân. Cuối cùng, ý chí và quyết tâm của người vợ trẻ đã được đền đáp: án tử hình Vũ Văn Tân phán quyết năm 1931 được chuyển thành án khổ sai chung thân. Sau vụ án, tử tù Vũ Văn Tân bị giải về và giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Người con dâu miền Nam đã cứu được chồng thoát khỏi án và quyết định ở lại miền Bắc để hàng tháng đi thăm nuôi chồng tại nhà tù Hỏa Lò. Bạn bè Vũ Văn Tân đã giúp Phương Hoa tìm việc làm, lúc người giúp việc cho gia đình người Pháp, lúc thì bán hàng cho cửa hàng bánh ngọt Patisserie Georges tại Hà Nội, lúc làm báo Phong Hóa, lúc làm báo Ngày nay trong chuyên mục thời trang với bút danh là Cô Duyên.

Phương Hoa rất quan tâm đến tình hình chính trị và thời sự trong nước cũng như trên thế giới. Vào những năm 1936-1937, khi phong trào bình dân đang phát triển, lực lượng cánh tả đang mạnh lên, Phương Hoa biết rằng đó là thời cơ đấu tranh đòi xét lại bản án của chồng mình.

Phương Hoa lại đến tìm luật sư Hiền nhờ viết đơn xin xét lại bản án. Chị đã gửi đơn đến khắp nơi. Cuối cùng Tòa án thực dân Pháp đã buộc phải xóa bỏ bản án khổ sai chung thân để Vũ Văn Tân được tự do. Phương Hoa và Văn Tân được sum họp. Hai vợ chồng thuê nhà ở xóm thợ gầm cầu Paul Dume (cầu Long Biên ngày nay) để sống.

Nhà tù thực dân Pháp đã làm anh kiệt sức và mắc bệnh lao phổi. Trong lúc vợ đi làm, Văn Tân viết văn, viết báo làm thơ để kiếm sống và một trong những truyện ngắn viết về một cuộc tổ chức vượt ngục của nhóm chính trị phạm nhưng không thành đã được in ở báo Đông Dương Pháp với sự hỗ trợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Lúc bấy giờ Hãng hàng không Air France của Pháp tuyển tiếp viên (máy bay lúc đó chạy bằng cánh quạt nên phải tuyển nam giới) với điều kiện có sức khỏe và thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Vốn là thủy thủ trên tàu viễn dương nên Văn Tân dễ dàng được trúng tuyển.

Tuy nhiên hãng không nhận vì Văn Tân có án tử hình, án khổ sai chung thân vì hoạt động cộng sản. Vợ chồng Văn Tân - Phương Hoa một lần nữa lại đi tìm luật sư để dựa vào đạo luật tìm công ăn việc làm cho những người tù chính trị được tha của chính phủ bình dân Pháp và cuối cùng Văn Tân đã được nhận vào làm tiếp viên của Hãng hàng không Pháp.

Lần xa cách thứ hai giữa vợ chồng Văn Tân và Phương Hoa xảy ra vào năm 1939 khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, phát xít Đức tràn vào nước Pháp và vì vậy các chuyến bay bị hủy bỏ, Văn Tân bị kẹt lại tại Pháp. Vợ chồng mất liên lạc, chồng ở phương trời Tây vừa làm việc, vừa hoạt động trong giới Việt kiều tại Pháp đồng thời ra tờ báo bằng tiếng Việt dành cho người lao động và trí thức Việt Nam tại Pháp. Vợ vẫn sống nơi quê nhà chăm bố mẹ chồng, nuôi dạy con nhỏ đồng thời tham gia hoạt động cách mạng tại quê chồng…

Cách mạng Tháng Tám thành công. Một trong những tờ báo của Hội Văn nghệ Cứu quốc, tạp chí Văn nghệ Tháng Tám, được chuyển tới bà con Việt kiều tại Pháp và trong đó có bài bút kí "Cách mạng nhà quê" do nhà thơ Xuân Diệu trân trọng giới thiệu tới tay Văn Tân.

Tác giả bài bút kí chính là Phương Hoa - người trực tiếp tham gia giành chính quyền tại xã Vĩnh Khê, huyện An Dương, tỉnh Kiến An với cương vị Ủy viên văn hóa xã hội và sau đó được đề cử làm Bí thư Huyện bộ Việt Minh huyện An Dương. Bài báo đã giúp Văn Tân biết được những hoạt động của vợ mình sau 6 năm bặt vô âm tín.

Hai vợ chồng ở hai phương trời nhưng điều may mắn là đều được gặp Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ mãi mãi ghi sâu trong kí ức của Phương Hoa sau khi được tham dự lớp học chính trị vào tháng 11/1945 tại Trường Bách nghệ ở Hà Nội và ở đây, Phương Hoa đã được gặp Bác, nghe Bác giảng bài về chiến tranh du kích và chiến thuật du kích.

Và đúng một năm sau, khi Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Phôngtenơblô thì Văn Tân được gặp Bác trong một cuộc họp mặt thân mật các nhà báo Việt Nam đang làm việc tại Pháp như Phạm Huy Thông, Vũ Đình Huỳnh, Phan Nhuận. Văn Tân đã báo cáo với Bác về hoạt động của tờ Báo Lao động của Việt kiều tại Pháp.

Bác Hồ xác định: "Các chú là những người Việt Nam đã ở Pháp lâu năm, thông thạo tiếng Pháp, các chú cần  ở Pháp để cùng với nhân dân tiến bộ Pháp tham gia chống chiến tranh của thực dân Pháp tại Việt Nam…". Theo lời căn dặn của Bác, Văn Tân đã ở lại Pháp hoạt động.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thực dân Pháp chiếm hành chính dần Hải Phòng. Phương Hoa được Ủy ban Kháng chiến tỉnh phân công đưa dân của huyện An Dương đi tản cư tại khu IV. 1.000 người già và trẻ con gánh gồng, đeo vác lỉnh kỉnh quần áo nồi niêu vừa đi bộ vừa tránh đồn bốt của thực dân Pháp để từ Hải Phòng qua Thái Bình đến Ninh Bình.

Bà con huyện Yên Mô đã nhường giường phản, chăn chiếu cho đồng bào tản cư. Đến tháng 9 năm 1947, trong một đợt tập huấn cho phụ nữ tỉnh, đồng chí Đỗ Mười đã gặp Phương Hoa và điều động chị về làm Trưởng ban Phụ vận Khu II gồm các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Một năm sau, Phương Hoa được điều động về TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Để vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác được trao, vừa tạo điều kiện cho con có chỗ học tập, Phương Hoa đã phải gửi 3 người con (đứa lớn nhất mới 13 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi về vùng giải phóng Hà Nam, Phủ Lý). 

Công tác tại cơ quan Trung ương, Phương Hoa có điều kiện được gặp Bác.

Kỷ niệm gặp Bác lần thứ hai của Phương Hoa vào dịp Tết Bính Dần 1950. Chị kể: "Tối 30 Tết năm đó, sau khi cơm nước xong, chúng tôi được tin Bác đến thăm Hội Phụ nữ. Thời gian đó, Hội đóng ở Bản Quyên, Định Hóa, Thái Nguyên. Bác cưỡi ngựa đi từ phía sau nhà bếp để vào. Bác còn mang cho Hội một bó rau muống rất to do Bác tự trồng. Bác cho chị em ngồi vây quanh nói chuyện Tết và ai có tâm sự gì thì được trao đổi tự do".

Phương Hoa có tâm sự nhưng lúng túng không dám hỏi. Bác động viên: "Cô nào có gì thắc mắc cứ nói cho Bác nghe!". Cuối cùng Phương Hoa ngượng ngùng trình bày: Nhà cháu ở bên Pháp đã 10 năm rồi, không biết anh ấy có lấy vợ người Pháp không. Bác nói: Ai qua hoạt động cách mạng thì họ mải mê công tác, không nghĩ gì việc vợ con, còn ai qua bên đấy buôn bán, làm ăn thì họ lập gia đình.

Trong nhiều năm, Phương Hoa không có liên lạc trực tiếp với chồng vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có một vài thông tin được chuyển tới. Tại Hội nghị Liên hoan thanh niên quốc tế 1952, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã gặp Văn Tân và được Văn Tân cho biết vẫn làm ở Hãng Air France để sinh sống, ngoài ra còn là chủ bút tờ Báo Lao động, Tổng Thư kí hai liên đoàn lao động và thủy thủ.

Anh đồng thời là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, đã tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới năm 1947 tại Paris, tại Varsovie (Ba Lan) năm 1950, ở Rome (Italia), Tiệp Khắc. Anh là người tích cực hoạt động ở nhiều đoàn thể tại Pháp và được các giới trí thức, lao động và sinh viên yêu mến, tin tưởng.

Được nghe lời giải thích của Bác, như một toa thuốc chữa căn bệnh âm thầm, kín đáo, Phương Hoa đã tự giải tỏa được thắc mắc lâu nay vẫn dằn vặt trái tim người phụ nữ trẻ…

Sau này, sau nhiều biến cố nữa, hai vợ chồng mới gặp lại được nhau. Và họ lại cùng sinh ra thêm một cô con gái út. Về già, hai ông bà  sống ở một căn nhà nhỏ ven Hồ Tây…

Thẩm Vũ Can
.
.