Vị thế Việt Nam sau những chuyến đi

Thứ Bảy, 05/02/2005, 09:33

Trong đời làm báo, tôi có cơ may nhiều lần được tháp tùng Thủ tướng thăm hữu nghị các nước thuộc các châu lục. Mỗi chuyến đi là đầy ắp những kỷ niệm về đất nước, con người, mở rộng thêm hiểu biết về kinh nghiệm quản lý đất nước, trình độ phát triển cũng như lịch sử và văn hoá của mỗi dân tộc. Song điều quan trọng nhất với chúng tôi là xem vị thế Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ chính trị Thế giới.

Châu Phi đối với người Việt Nam chúng ta rất gần nhưng lại rất xa. Gần và đồng cảm về chính trị, nhưng lại khá xa về địa lý. Với Thủ tướng Phan Văn Khải, đây là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ tới 3 nước Châu Phi. Và dường như hầu hết đoàn cán bộ tháp tùng Thủ tướng trong chuyến bay đó, với họ cũng là lần đầu đặt chân lên vùng đất này.

Chuyến bay dài qua hơn nửa vòng trái đất khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, nhưng bù lại, mọi người bỗng cảm thấy một không khí cởi mở và thấu tình khi thấy Thủ tướng Vương quốc Morocco Đơ-Ris-Giơ-Tu ra tận cầu thang máy bay đón Thủ tướng ta. Sau những nghi thức trọng thị theo nghi lễ ngoại giao, tại phòng khách sân bay ở Thủ đô Ra Bát, ông đã nói với Thủ tướng ta: “Từ nhiều ngày nay, chúng tôi đã chờ đón Ngài và những người anh em Việt Nam. Từ lâu nhân dân Morocco đã coi Việt Nam là tấm gương của ý chí và lòng quả cảm trong công cuộc chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Ngày nay trong công cuộc xây dựng đất nước, Việt Nam vẫn là tấm gương để nhân dân các nước Châu Phi học tập. Tuy ở xa các bạn, song chúng tôi thường xuyên theo dõi những bước đi ở Việt Nam; nhất là khi biết ViệtNam vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5.

Các nhà báo và doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm 3 nước châu Phi.

Tương tự như thế ở nước Cộng hoà Angiêri dân chủ và nhân dân, và cộng hoà Nam Phi, những điểm dừng chân tiếp theo của đoàn đại biểu Chính phủ ta, hình ảnh một Việt Nam kiên cường, bất khuất trong những năm chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ lại được các nhà lãnh đạo và nhân dân nước này đề cập đến.

Tại các cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng nước ta với các nhà lãnh đạo Angiêri và Nam Phi, từ Tổng thống nước chủ nhà cho đến Thủ tướng, chủ tịch Hạ, Thượng viện đều dành cho đoàn Chính phủ ta sự đón tiếp thấu tình. Các bạn Angiêri đều nhìn nhận rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước Châu Phi nói chung và Angiêri nói riêng đã có từ những năm đầu của thế kỷ 20. Mối quan hệ ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo các nước Châu Phi dày công vun đắp. Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam đã cổ vũ nhân dân các nước Châu Phi đứng lên giành độc lập dân tộc. Sau khi được độc lập, nhân dân Angiêri lại sát cánh với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới.

Nối tiếp truyền thống ấy, từ năm 1975 đến nay, quan hệ hữu nghị và truyền thống ấy tiếp tục phát triển. Dù hai nước cách xa nhau về địa lý, song những năm qua đã có hàng ngàn thầy giáo, kỹ sư, thầy thuốc Việt Nam đến các nước Châu Phi để cùng các đồng nghiệp ở đây tham gia giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Chưa hết, các quốc gia mà đoàn đại biểu Chính phủ ta đến thăm đều bày tỏ sự khâm phục khi được biết công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã và đang thu được nhiều thành tựu. Ở Vương quốc Morocco cũng như ở Angiêri hay Nam Phi; tại các cuộc tiếp xúc tay đôi, nhiều chính khách nơi đây rất ngạc nhiên khi thấy Việt Nam từ một nước thiếu ăn triền miên, kinh tế chậm phát triển... Vậy mà chỉ sau gần hai thập kỷ đã vươn lên trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 thế giới.

Nhờ chính sách mở cửa, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một củng cố và phát triển. Vốn đầu tư nước ngoài theo nhiều kênh chảy vào Việt Nam ngày một gia tăng. Đây cũng là điều khiến các bạn Châu Phi nhận ra rằng, nền sản xuất hàng hoá ở Việt Nam không chỉ đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đang có mặt ở thị trường  hầu hết các nước trong các Châu lục. Đây cũng là điều dễ hiểu vì sao khi tiếp xúc với Thủ tướng ta, các nhà lãnh đạo các nước Châu Phi đều đặt vấn đề nâng tầm hợp tác trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; nhất là quan hệ hợp tác về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Châu Phi.

Từ những câu chuyện ghi được khi tháp tùng Thủ tướng thăm ba nước Châu Phi khiến tôi liên tưởng đến những tình cảm sâu đậm mà những người bạn Nga dành cho Thủ tướng ta trong chuyến thăm hữu nghị vào mùa thu năm Canh Thìn. Thời điểm đó, nước Nga với sự hiện diện của một gương mặt mới ở điện Crem-lin là Tổng thống Putin. Ông trở thành Tổng thống nước Nga với bộn bề của núi công việc phải xử lý nhằm đưa đất nước chiếm 1/6 quả địa cầu trở lại với sứ mệnh của một cường quốc. Dư luận nhiều nước đánh giá về ông với một khuôn mặt lạnh lùng. Thế mà khi đón tiếp Thủ tướng ta, ông nở nụ cười rất tươi. Lịch tiếp theo dự kiến chỉ diễn ra 30 phút, nhưng đã phải kéo dài gần một giờ. Tại đó, ông Putin khẳng định: “Việt Nam sau những năm đổi mới đã nâng vị thế của mình lên tầm cao mới. Hơn lúc nào hết, Nga coi Việt Nam không chỉ là đối tác truyền thống mà là một đồng minh tin cậy, cầu nối để Liên bang Nga quan hệ với các nước trong khối ASEAN.

Cũng trong thời gian tháp tùng Thủ tướng thăm Liên bang Nga, một ấn tượng mạnh mẽ và xúc động mà tôi ghi nhận được là khi Thủ tướng cùng phu nhân đến thăm Học viện kinh tế Plêkhanov ở Thủ đô Moskva, nơi mà Thủ tướng đã từng theo học trong những năm 1960-1965. Buổi sáng hôm đó, sau lễ trao huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho ông Viện sĩ, Giáo sư giám đốc Học viện, cả hội trường lặng đi khi nghe các giáo sư đầu ngành ở đây phát biểu về cảm nghĩ của mình, về nước Nga và Việt Nam. Chúng tôi, những người Việt Nam và cả người Nga đều ngạc nhiên khi một giáo sư mở đầu bài phát biểu của mình bằng một cụm từ tiếng Việt: “Chào các đồng chí Việt Nam”. Ông nói trong nấc nghẹn và những xúc động ngập tràn bởi tình cảm đằm thắm mà ông đã dành cho Việt Nam.

Dường như phát hiện thấy mọi người ngạc nhiên khi mình đưa ra cụm từ ấy, ông giải thích: “Sở dĩ tôi muốn dùng từ đồng chí để mong những người bạn Việt Nam có mặt tại diễn đàn này thấu hiểu cho nỗi lòng của chúng tôi. Thế giới, nước Nga dù có thay đổi thế nào, song trái tim của chúng tôi vẫn coi Việt Nam là người bạn thân thiết. Chúng ta đã có với nhau hơn nửa thế kỷ chia ngọt sẻ bùi, gian khổ có nhau, vậy thì tại sao lại phải xa nhau”.

Rồi ông lại nói: “Trong những năm qua tại Học viện này đã có hơn 2.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam đã tốt nghiệp. Nhiều người hiện đang giữ những trọng trách quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng trong thời gian đó, nhiều giáo sư của Học viện đã lần lượt sang công tác tại Việt Nam, và giảng ở nhiều diễn đàn khác nhau, ăn bữa cơm Việt Nam và chia sẻ với Việt Nam trong những lúc khó khăn hoạn nạn và bây giờ khi theo dõi tiến trình đổi mới của Việt Nam, chúng tôi mới hiểu: “Tại sao ban lãnh đạo Việt Nam lại không đi theo con đường cải tổ của Liên Xô trước đây? Tại sao từ một nước bị bao vây cấm vận, bị chiến tranh tàn phá nặng nề mà Việt Nam vẫn đứng vững và vươn lên giành được vị thế chính trị có uy tín trên trường quốc tế. Dẫu thời gian có trôi đi, nhưng tôi nghĩ rằng hai tiếng “Liên Xô” ngày nào vẫn là biểu tượng tốt đẹp luôn bên cạnh mỗi người Việt Nam”.

Điều phấn khởi là trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta thời gian gần đây, các vị đứng đầu chính phủ các nước trong các khu vực Châu Á, Châu Mỹ, Tây Bắc Âu hay ở quốc đảo Ai-xơ-len xa xôi đều giành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, nhiệt thành ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Khác xa với các năm trước đây, trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, nay chúng ta quan hệ với họ theo phương châm hai bên cùng có lợi.

Chỉ những động thái như thế đã cho thấy vị thế Việt Nam đang đứng ở đâu trên trường quốc tế 

Thế Thuần
.
.