Về một phong cách phê bình “khẩu xà, tâm… tốt”

Thứ Bảy, 19/01/2008, 16:00
Bàn phím và... "cây búa"! (tác giả Nguyễn Hòa) - cuốn sách phê bình hiếm hoi của năm 2007 đã ra mắt vào đầu mùa đông này. Một cái nhìn trực diện, những cách nói riết róng, những mổ xẻ kỹ lưỡng...

Nguyễn Hoà là một trong những người phê bình cẩn trọng. Anh thường có những phi lộ giãi bày trước khi bạn đọc bước vào phần nội dung chính. Nhưng chính những phi lộ ấy lại là cái soi chiếu nhiều thứ, xung quanh ứng xử của những người trí thức trước và sau khi sự thật được phơi bày.

Bàn phím là cách để chỉ máy tính, phương tiện anh làm việc, lướt web, theo dõi các diễn đàn, thậm chí xục xạo cả các blog để tìm hiểu dư luận về những vấn đề mình quan tâm.

Hằng ngày Nguyễn Hoà sống với 3 cái máy tính, một cái ở cơ quan, một cái ở nhà và một cái luôn kè kè bên mình để có thể làm việc luôn ở quán cà phê số 2 Nhà Thờ - nơi anh vẫn gọi đùa là "văn phòng 2". Còn "cây búa", có lẽ là một khái niệm lóng, chỉ những bài viết của anh, có sức nặng của những nhát búa.

Chính bàn phím ấy, cộng với sức đọc không mệt mỏi và thái độ riết róng, Nguyễn Hoà đã tạo nên những nhát búa thực sự qua những bài phê bình đụng chạm đến nhiều vấn đề lớn của đời sống văn học và nghiên cứu khoa học.

Trước hết đó là tình trạng lộn xộn, sao chép, đạo văn ở một số ngành khoa học xã hội.

Nguyễn Hòa có bộ hồ sơ rất dày, lưu trữ gần như đầy đủ những cuốn sách, những bài viết, thậm chí cả lời phát biểu của các nhân vật mà anh đưa vào tầm ngắm. Chính vì thế, cứ lâu lâu lại thấy anh công bố một giáo sư hay tiến sỹ nào đó... đạo văn.

Nói có sách, mách có chứng, không thể cãi. Những bài viết đi sâu mổ xẻ các thiếu sót và sự sao chép, không minh bạch trong nghiên cứu khoa học của những giáo sư, những người đang nắm giữ vị trí quan trọng trong công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học,... đã đôi khi khiến dư luận hoang mang. Hoang mang vì nếu đó là sự thật, thì chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam thực sự đáng báo động.

Bìa cuốn sách "Bàn phím và "Cây búa".

Khi các nhà nghiên cứu, người viết giáo trình, người đứng trên bục giảng vẫn phạm nhiều lỗi cơ bản về kiến thức phổ thông hay cố tình đánh cắp công sức của đồng nghiệp để làm ra sản phẩm của mình thì khó có thể lên án sinh viên đi chợ luận văn hoặc xào xáo kiến thức của người khác.

Nguyễn Hòa cho rằng, các công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt lại dùng giảng dạy và để cho sinh viên tham khảo thì cần phải được thực hiện nghiêm cẩn, chuẩn xác và mực thước. Bởi chúng liên quan đến nhiều thế hệ. Chính vì thế mà Nguyễn Hòa không khoan nhượng với các mảng tối trong lĩnh vực này. Anh lưu trữ cả băng ghi âm của một số giảng viên đại học phát ngôn văng mạng, kiến thức lỗ mỗ, biến giảng đường thành diễn đàn riêng.

Tôi luôn nghĩ rằng, Nguyễn Hòa là một cái ăng ten, lúc nào cũng sẵn sàng giương lên thu nạp mọi sự, mọi thứ vào đầu. Rồi thanh lọc và ngẫm nghĩ. Chính vì thế lúc nào cũng thấy anh đọc và viết. Chăm chỉ đến mức đáng ngạc nhiên.

Viết bất cứ vấn đề gì anh bức xúc với hy vọng thanh tẩy những sai lầm trong nhận thức của một số người. Chỉ vì đọc trên mạng một bài viết của tác giả Cố Nhân về PGS Phan Ngọc, thầy anh, mà Nguyễn Hoà đã bỏ cả ngày Tết để lục lọi tài liệu và viết bài phản biện.

Hay như những bài báo, anh đọc từ Báo Thiếu niên Tiền phong cho đến tạp chí chuyên ngành. Rồi phôtô, ghi chép, thậm chí còn lưu vào mục tin nhắn của điện thoại di động.

Có thể nói, Nguyễn Hòa có phẩm chất nhất quán, chăm chỉ và nghiêm túc của một người nghiên cứu khoa học. Chính vì nắm rõ, hiểu kỹ nên anh thường đưa ra những trích dẫn chính xác. Những bài viết của anh không đưa ra các luận điểm mang tính chủ quan. Tất cả đều được phân tích dựa trên văn bản. Điều này rất thuyết phục khi xảy ra những cuộc tranh luận. Nhưng đây cũng là một mặt hạn chế của anh, vì mải trích dẫn mà đôi khi về mặt câu chữ, văn chương mất đi sự hấp dẫn cần có trên phương diện của những bài viết đăng báo. Trích dẫn làm tăng hiệu quả của những điều mình muốn thuyết phục bạn đọc. Nhưng trước khi bạn đọc bị thuyết phục bởi những dẫn chứng ấy, họ cần được "chiều chuộng" bằng sự hấp dẫn của những con chữ...

Một số người vẫn coi Nguyễn Hoà là một kẻ cực đoan trong phê bình. Chính "cây búa" là hình ảnh cực đoan khi coi các bài phê bình như những nhát búa nện xuống. Có những chấn động, có những suy nghĩ, có những đổi thay sau những bài viết đó. Và có cả những dư luận trái chiều.

Tôi luôn nghĩ rằng, trước khi đặt bút viết một điều gì đó, Nguyễn Hoà thường tách mình ra khỏi cái suy nghĩ bình thường, chỉ còn lại văn bản và cuốn sách. Những gì anh riết róng đến mức có người gọi là cực đoan ấy, xuất phát từ hai điều.

Một là, anh bức xúc trước một vấn nạn kéo dài. Và anh thực sự lo ngại nếu điều đó cứ tiếp tục và nhiều người đến sau sẽ mặc nhiên coi những cái sai của người đi trước là cái đúng của mình. Nếu như vậy, nền khoa học xã hội non trẻ của Việt Nam sẽ còn luẩn quẩn rất lâu trước khi đi tìm ra được những "mã vạch" mang tính bản lề. Và như thế, thật khó để có được những công trình có giá trị thực sự.

Hai là, anh bức xúc trước hiện tượng một số nhà văn, nhà phê bình chuyển nghề làm... PR, quảng bá tác phẩm của những người mới chập chững viết văn như... tài năng lớn và tạo ra các "giá trị" bên ngoài tác phẩm.

Chính Nguyễn Hòa đã chỉ ra điểm yếu cốt tử của một số nhà văn trẻ (như trường hợp Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè) được công nghệ PR "bơm vá" quá cỡ và một số nhà phê bình tung hô như một thiên tài. Anh cũng nhìn ra những lỗ hổng kiến thức không thể chấp nhận của các tiến sỹ là "ngôi sao" trên các phương tiện truyền thông, được ca ngợi như những thần tượng về mặt tri thức.--PageBreak--

Tôi cũng tin rằng, khi viết bài anh đã nghĩ đến hiệu ứng của nó, nghĩ đến phản ứng của "nhân vật chính" mà anh đề cập. Nhưng anh chấp nhận mọi phản ứng ấy để công bố và được tiếng là "cây búa vàng" của làng phê bình. Khi đã chấp nhận, nghĩa là anh đã thấu đáo với những điều anh nghĩ và viết.

Thực tâm tôi nghĩ, anh mong muốn mọi việc được cải thiện tích cực hơn, tiếng nói của anh góp phần làm cho các giá trị chuẩn xác hơn. Như có lần anh đã không nương tay với những người lớn tiếng phê phán nhà nước trên các website ở hải ngoại, nhưng lại "hèn" đến mức im lặng trước các quy kết sai trái của một vài nhà nghiên cứu nước ngoài về những con người khả kính của dân tộc.

Thế nhưng, có nơi đã từ chối in bài viết của anh và không ít người bị anh phê bình (kể cả phê phán là ăn cắp văn) vẫn im lặng, thậm chí dường như họ không cho rằng cần phải lên tiếng. Điều này có lẽ một phần bởi Nguyễn Hoà đã chọn một tiếng nói nhất quán và... riết róng trên mức cần thiết. Chúng ta nên chỉ ra những điều sai trái, nhưng có nhiều cách để chỉ ra cái chưa đúng ấy chứ không chỉ là những "nhát búa" nện liên tiếp.

Thực sự, có cảm giác như bị giội bom khi đọc những bài phê bình của Nguyễn Hoà, bởi trong đó liên tiếp các dẫn chứng, liên tiếp các kết luận về vấn đề mà anh đang thảo luận.

Trong một đời sống khoa học và văn học nghệ thuật còn nhiều nghiệp dư như hiện nay, khi mà tinh thần "dĩ hòa vi quý" vẫn rất được coi trọng, thì sự róng riết của anh nhiều khi chưa thật sự đắc địa. Tất nhiên, như vậy không có nghĩa rằng, lựa chọn của anh là sai lầm. Anh vẫn có quyền giữ lại cho mình quan điểm làm việc ấy và vẫn có những người ủng hộ. Và tôi biết, anh sẽ không vì dư luận mà thay đổi cách làm việc của mình.

Vì không thay đổi, vì luôn muốn mọi chuyện được sáng tỏ và giải quyết rốt ráo mà Nguyễn Hoà đã phải chịu không ít những phiền toái.

Những cuộc điện thoại chửi mắng té tát. Những lá đơn tố cáo của một nhà thơ, đạo diễn nổi tiếng... quy kết anh là một kẻ "phản động"(?!). Những lời mạt sát của mấy người luôn tự nhận mình là "trí thức". Những cuộc điện thoại xin xỏ. Những lời năn nỉ “tha mạng”. Những chiêu thức dập xoá tội lỗi và phản kháng lại anh bằng các thủ đoạn không dễ biện minh.

Như họ đồn đại anh nằm trong phe này nhóm nọ, hoặc tung tin anh đã ăn tiền để viết bài này bài kia. Những điều đó đã bộc lộ phần nào về cách hành xử, cách sống của một số người được tiếng là học thức cao, có học hàm, học vị và địa vị trong xã hội.

Trong đoạn phi lộ trước bài viết phê bình công trình của một vị nữ tiến sĩ, Nguyễn Hoà viết về những tranh luận diễn ra sau khi bài báo của anh công bố và các sự kiện diễn ra ở hậu trường: "Còn một "vĩ thanh" nữa cũng không kém phần bi hài có liên quan tới bài viết này là ngày nọ, bỗng nhiên tôi được ông X - thủ trưởng của tôi khi đó, mời đi ăn trưa cùng một nữ phê bình gia. Ít ngày sau, tại một cuộc hội thảo, gặp tôi nữ phê bình gia nói: "Hôm nọ ông làm tôi mất cả buổi trưa!".

Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích: "Hôm ấy lão X rủ tôi đến ăn trưa để bàn cách "đánh" ông và bảo vệ tiến sĩ Y, tôi về đọc lại thấy ông viết đúng quá, không thể "đánh" được!". Than ôi, vậy là tôi đã không biết, té ra phía sau cái bữa trưa đầy tình anh em, đầy tinh thần đồng nghiệp kia lại là một "âm mưu".

Và cho đến hôm nay, tôi vẫn tự hỏi rằng trên đời này liệu có một ông cấp trên nào lại rủ một người ngoài cơ quan "oánh" cấp dưới của mình không nhỉ?".

Đọc đoạn này, vừa có cảm giác chua chát, vừa thấy bơ vơ thay cho một người làm phê bình luôn xem xét mọi việc trong tâm thế của sự thẳng thắn, yêu nghề và cũng luôn phải đương đầu với các thủ đoạn "tiểu nhân" - như cách nói của Nguyễn Hòa.

Và tôi chợt nhớ tâm tư của Nguyễn Hòa gửi tôi qua tin nhắn điện thoại, rằng cầm cuốn sách đầu tiên mà anh thấy buồn rũ cả người. Thường khi, có được một hai "đứa con tinh thần" là có khả năng làm nên cái danh cho nhiều người.

Nhưng khi cái xấu, cái sai nhiều đến mức phải in thành sách, thì đúng là nỗi buồn đầu tiên thuộc về người viết sách. Bởi bản thân người viết không mong chờ có được một cuốn sách từ những việc như thế. Nhưng vì cái xấu cái sai quá nhiều và quá trầm trọng thì cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn. Bởi nếu không được chỉ rõ, những công trình ấy sẽ được trao giải nhỏ, rồi tích góp những giải nhỏ thành một giải lớn.

Và cứ như thế, dần dần sự tích hợp giải thưởng ấy sẽ đưa các công trình còn đầy khiếm khuyết và tư liệu ăn cắp ấy thành những chuẩn mực và là "kinh thánh" cho nhiều người. Hậu quả của những điều đó không thể đếm đo bằng một thế hệ hay khoanh vùng trong một vài người...

Một khi Nguyễn Hòa đã chấp nhận và dấn thân thì anh sẽ vẫn đi con đường của mình. Và để có một nền văn học nghệ thuật lành mạnh, lẽ nào lại không cần tới những người như anh?

.
.