Giải Nobel Văn chương 2010 trao cho nhà văn Peru, Mario Vargas Liosa:

Văn học không tách rời khỏi chính trị

Thứ Hai, 18/10/2010, 16:00
Quả thực là rất khó có thể đoán trước được tên người sẽ được trao giải thưởng Nobel văn chương. Nhà văn Peru, Mario Vargas Llosa, trong danh mục đặt cá cược của những người có máu đỏ đen và yêu chữ nghĩa ở Công ty Cá độ Anh Ladbrokes, chỉ được xếp gần cuối bảng. Thế nhưng, rốt cuộc, ông mới chính là người được hưởng vinh dự nhận giải Nobel văn chương năm nay.

Không biết đâu mà lần

Nhà văn, nhà sử học Peter Englung, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, vào đúng 11 giờ sáng (giờ GMT, tức 18 giờ Việt Nam) ngày 7/10/2010 tại Stockholm, đã nêu tên người được trao giải thưởng văn chương Nobel năm nay.

Trong danh sách các ứng cử viên, được lập ra từ đầu năm nay, có tới 350 gương mặt anh tài khắp năm châu. Tới tháng 4/2010, danh sách này được rút gọn lại chỉ còn khoảng 15-20 người. Tới tháng 10 chỉ còn lại 5 người. Các viện sĩ chọn từ danh sách 5 người đó, ai được nhiều phiếu hơn thì sẽ được nhận giải Nobel văn chương.

Theo quy chế của Quỹ Nobel, có thể biết danh sách toàn bộ các ứng cử viên sau 50 năm. Các viện sĩ thuộc Ủy ban Nobel khi thảo luận về các ứng cử viên, thường không nói tên thật của họ ra mà chỉ sử dụng biệt danh. Thí dụ, nhà văn Anh Harold Pinter (giải Nobel văn chương năm 2005) đã được đặt cho biệt danh là "Harry Potter".

Hầu như không có khả năng đoán trước được tên họ người sẽ nhận giải Nobel văn chương. Tuy nhiên, đôi khi cũng xảy ra ngoại lệ. Đã có bốn lần khách hàng của website cá độ giải Nobel đã tiên đoán đúng được tên người nhận giải Nobel văn chương vào những năm  2003, 2006, 2008 và 2009.

Tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển, vì muốn trình diễn tài tiên tri, đã nhận xét rằng, trong 6 năm gần đây giải Nobel văn chương đã liên tục được trao cho các nhà văn châu Âu và có lẽ năm 2010 này, cần được trao cho đại diện từ các khu vực khác. Ngoài ra, theo tờ báo này, cần phải quan tâm hơn tới các thi sĩ. Nhà thơ cuối cùng được giải Nobel văn chương là vào năm 1996, đó là nữ sĩ Ba Lan  Wislawa Szymborska.

Trong đánh giá của hãng cá độ Anh Ladbrokes về khả năng nhận giải Nobel văn chương năm 2010, nhà thơ Thomas Transtromer (Thụy Điển, sinh năm 1931)  được xếp ở vị trí đầu tiên với tỉ lệ cá cược: 5/1. Những vị trí tiếp theo thuộc về nhà thơ Ba Lan Adam Zagajewski (8/1); nhà thơ Hàn Quốc Ko Un (8/1); nhà thơ Syria Adonis (8/1).

Đứng sau họ là các nhà văn Antonio Tabucchi (Italia, 10/1); Haruki Murakami (Nhật Bản, 11/1)… Cũng ở các vị trí cao trong danh sách này còn có nhà thơ Les Murray (Australia); nhà thơ Yves Bonnefoy (Pháp); nữ văn sĩ kiêm đạo diễn điện ảnh Assia Djebar (Algérie); nhà văn Thomas Pynchon (Mỹ)…

Nhà văn Peru, Mario Vargas Llosa, chỉ được đặt với tỉ lệ 45/1 giống hàng loạt những tên tuổi quen biết khác như Carlos Fuentes, Umberto Eco,  Chinua Achebe…  Tới ngày 4/10/2010, cơ hội trong bảng xếp hạng cá cược đã gia tăng ở nhà văn Kenya, Ngugi wa Thiong'o, trước đó chỉ ở mức  75/1 nhưng rốt cuộc đã lên được mức  6/1 và được xếp ở vị trí thứ nhất. Tuy nhiên, tới những ngày cuối cùng, Ngugi wa Thiong'o đã bị đẩy xuống trí thứ hai, nhường chỗ cho nhà văn Mỹ Cormac McCarthy, trước đó chỉ ở mức 66/1… Còn Mario Vargas Llosa thì vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Thế nhưng, chính ông đã được Ủy ban Nobel vinh danh năm nay vì "sự miêu tả chi tiết hệ thống chính quyền và sự thể hiện ấn tượng hình ảnh con người đứng lên, tranh đấu và chịu đựng thất bại".

Trách nhiệm xã hội

Mario Vargas Llosa sinh ngày 28/3/1936 tại Arequipa. Ông từng theo học ở Trường Cao đẳng quân sự Leoncio Prado rồi ở Trường Đại học Tổng hợp San Markos tại thủ đô Lima. Năm 1958, nhà văn lại được nhận học bổng để theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Madrid (Tây Ban Nha) và đã rời Peru sang châu Âu và Mỹ trong một thời gian dài. Ngay từ năm 1963, ông đã nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tay "Thành phố và những chú chó". 

Bằng những miêu tả trung thực và sắc sảo hiện trạng đầy man rợ và hoang dã trong Trường Cao đẳng quân sự Leoncio Prado, với giọng điệu phê phán công khai bè lũ quân sự đang hoành hành ở Peru, nhà văn trẻ đã làm dấy lên những xáo động ở  thủ đô Lima, đến mức chính quyền đã buộc phải đốt sách của ông...

Trong tiểu thuyết "Ngôi nhà xanh" (1968), hai chủ đề chính là bạo lực và sự xa lạ với nhau đã cùng song hành phát triển trong 5 cốt truyện đồng thời diễn ra. Nhà văn đã sử dụng rất điệu nghệ kỹ thuật lồng ghép với những thay đổi tức thời cả thời gian lẫn không gian và nhiều góc nhìn khác nhau.

Truyện ngắn "Nhãi ranh" (1967) đã mô tả số phận của một cậu bé bị thiến giữa một thế giới của những macho (những con đực thượng thặng). Tiểu thuyết "Chuyện về nhà thơ" (1969) đã lột trần tệ nạn tham nhũng ở Peru trong giai đoạn cầm quyền của nhà độc tài  Manuel Odria (1948-1956). Trong tiểu thuyết "Đại úy Pantalen và những dịch vụ tốt tính" (1973), nhà văn đã mô tả một cách đầy giễu cợt những kẻ quân phiệt làm gì cũng muốn "quy chuẩn", thậm chí cả trong những chuyện giai gái của cấp dưới.

Trong tiểu thuyết trinh thám "Ai giết Palomino Molero" (1986), câu chuyện vụ sát hại nam ca sĩ trẻ đã trở thành nguyên do để nghiên cứu những ranh giới mong manh của chân lý và lẽ công bằng… Tác phẩm mới nhất của ông "Giấc mơ người Celt" vừa được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha vào tháng 9/2010.

Sách của Mario Vargas Llosa được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tiểu thuyết "Dì Julia và nhà văn quèn" (1977) của ông rất phổ biến ở nước ta. Ông được đánh giá như một trong những nhà văn hàng đầu của châu Mỹ Latinh, đứng cùng hàng với những tác giả gạo cội mang tính cách tân như Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez, Julio Cortazar…

Năm 1967, Mario Vargas Llosa đã được nhận giải thưởng quốc tế mang tên R. Gallegos. Và ông đã có một bài phát biểu làm nức lòng thiên hạ về mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà văn với đời sống xã hội. Về sau, biến lời nói thành hành động, Mario Vargas Llosa đã tham gia tranh cử Tổng thống Peru năm 1990. Tiếc thay, ông đã không giành được thắng lợi…

Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây, Mario Vargas Llosa nhấn mạnh: "Nói chung, tôi trước hết vẫn là một nhà văn chứ không phải là một chính khách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các nhà văn có trách nhiệm mang tính đạo đức là phải tham gia vào các cuộc tranh luận xã hội, đặc biệt là tại các quốc gia mà không phải chuyện gì cũng ổn, mà những quốc gia như thế đang là đa số trên thế giới…

Tôi nghĩ rằng, nhà văn ở một mức độ nào đấy tự biện minh cho mình bằng việc tham gia vào đời sống chính trị và xã hội, phát biểu các quan điểm, phê phán những gì cần phải phê phán. Rồi sau đó, nếu như bạn tiếp cận với ngôn ngữ chính trị thì bạn sẽ thấy nó bị khô cứng hết sức. Và việc quan trọng là ta phải làm cho nó tươi non và độc đáo.

Trong việc này thì các nhà văn có thể giúp đỡ được. Nhưng, tôi xin nhắc lại, tôi không phải là chính khách. Sự tham gia của tôi vào đời sống chính trị ở Peru là một ngoại lệ. Đó là thời gian mà nền dân chủ bị tổn hại, vì thế tôi mới bước vào chính trường. Để bảo vệ dân chủ. Nhưng trong lúc ấy tôi vẫn cho mình là một nhà văn".

Mario Vargas Llosa cũng giải thích rằng, một nhà văn ở trong chính trường có làm việc được tốt hay không thì điều này phụ thuộc vào cá nhân từng người: "Có những người kết hợp hài hòa lao động văn chương với sự tham gia vào đời sống chính trị. Một số người khác thì lại cố gắng càng ít xuất hiện trước công chúng càng tốt. Những người này cũng xứng đáng được tôn trọng.

Dẫu tôi có cảm giác rằng, trong nhiều trường hợp, ngay cả nếu như ta không thích chính trị thì ta cũng vẫn cần phải thử sức mình trên chính trường bằng một phương thức nào đó khác: đưa ra ý tưởng, tham gia các cuộc tranh luận công khai về những chủ đề quan trọng - hòa bình, chiến tranh, nhân quyền, tham nhũng, đời sống văn hóa…  Có rất nhiều chủ đề mà nhà văn có thể phát biểu ý kiến của mình. Tôi không cho rằng các nhà văn cần thu mình trong thư viện và trốn tránh việc tự mình cùng làm nên lịch sử".

Tuy nhiên, Mario Vargas Llosa cũng lưu ý: "Trong sự va đập thường xuyên với đời sống chính trị và xã hội cũng ẩn chứa những mạo hiểm nhất định đối với văn học và nghệ thuật. Đó là sự thật. Văn học có thể bị sử dụng làm công cụ, đó là điều rất không tốt. Nhưng, nhìn từ góc độ khác, tôi có cảm giác rằng, một nền văn học tuyệt đối tách rời khỏi những gì đang diễn ra trong thực tế, sẽ trở nên tẻ nhạt, hời hợt. Những tác phẩm văn học vĩ đại luôn luôn là những chứng nhận về những gì đang diễn ra trong xã hội, những vấn đề chính đang tồn tại trong xã hội, những trông mong của người dân… Và chính ở ý nghĩa này, tôi có cảm giác là, văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung cần ở trong mối liên hệ chặt chẽ với thế giới bên ngoài, chứ không chỉ với trí tưởng tượng của nhà văn".

Mario Vargas Llosa cũng cho rằng, văn học có thể góp phần làm thay đổi thế giới: "Văn học có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống thực tế. Vấn đề chỉ là ở chỗ, chúng ta không thể nào cân đo hết được ảnh hưởng đó. Chúng ta không thể nói: Một cuốn tiểu thuyết như "Chiến tranh và hòa bình" đang tạo ra một hiệu quả nào đó.

Điều này không thể trông thấy hay sờ thấy được. Nhưng tôi tin tưởng một cách tuyệt đối rằng, tôi đã hoàn thiện lại cách nhìn của tôi về con người và thế giới vì tôi đã được đọc một cuốn sách vĩ đại. Văn học giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều đối với mọi sự trên đời, - từ đau khổ đến hạnh phúc. Và chính trong ý nghĩa này tôi thực sự tin tưởng rằng văn học và nghệ thuật có ảnh hưởng vô cùng lớn tới đời sống"

Khánh Hạ
.
.