Vận động tranh cử Tổng thống Mỹ: Khởi đầu nan

Thứ Tư, 10/09/2008, 15:05
Cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, khi danh sách những ứng cử viên chính thức đang dần được chốt lại. Đảng Cộng hòa sẽ tổ chức đại hội của mình từ ngày 1 tới ngày 4/9 sắp tới để lựa chọn người đại diện cho mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay

Nếu không có gì đột biến thì vai trò này chắc sẽ được dành cho Thượng nghị sĩ cựu chiến binh John McCain. Còn từ ngày 25 tới ngày 28/8, đảng Dân chủ tổ chức đại hội của mình ở Denver (bang Colorado) để chính thức bầu đại diện duy nhất của mình là ông Barack Obama làm ứng cử viên Tổng thống năm 2008. Thượng nghị sĩ Obama là người da đen đầu tiên ở Mỹ đi được sâu đến thế vào cuộc đua tới Nhà Trắng.

Những thay đổi có thể tin được

Đó chính là slogan của chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama: "Change you can believe in". Trong diễn văn đọc tại đại hội đảng Dân chủ ngày 28/8, thượng nghị sĩ từ bang Illinois này sẽ trình bày cặn kẽ về những thay đổi mà ông dự định sẽ tiến hành trong đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà Trắng, một khi ông đắc cử.

Tất nhiên, mọi sự hiện nay vẫn chưa phải là chắc chắn một trăm phần trăm vì trong danh sách để các đại biểu đại hội đảng Dân chủ bầu chọn tại Denver không chỉ có tên họ của một mình ông Obama mà có cả tên họ của cựu đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ từ New York, bà Hillary Clinton.

Trong giai đoạn đầu vận động tranh cử trong nội bộ đảng Dân chủ, bà Clinton đã là đối thủ chính yếu của ông Obama suốt một thời gian không ngắn nhưng rồi, cân nhắc thế và lực của mình, bà đã tuyên bố từ bỏ đường đua. Mặc dầu vậy, ngày 26-8, bà Clinton vẫn có một bài phát biểu trước đại hội đảng Dân chủ với nhan đề "Hồi sinh niềm hy vọng Mỹ".

Về mặt lý thuyết, bà Clinton vẫn có thể còn cơ hội trở thành người được lựa chọn sau cùng của đảng Dân chủ cho cuộc đua vào Nhà trắng năm nay. Tuy nhiên, trong thực tế, tất cả những trí tuệ tỉnh táo của đảng Dân chủ sẽ không để việc đó diễn ra bằng bất cứ giá nào.

Mặc dầu bà Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ đã giành được tới 12 triệu số phiếu ủng hộ của các cử tri và về mặt nguyên tắc, các đại cử tri cho tới phút cuối cùng vẫn có thể thay đổi ý kiến đã nêu ra của mình, nhưng nếu trong đại hội đảng Dân chủ ở Denver, cựu đệ nhất phu nhân giành được thắng lợi trước ông Obama thì đó sẽ là dấu hiệu của một sự phân liệt rất nghiêm trọng trong nội bộ đảng Dân chủ và tất yếu dẫn đến thất bại của đảng này không chỉ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2008 mà cả trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Đó không còn là việc riêng tư nữa!

Theo chương trình đã được sắp đặt, phu nhân của Thượng nghị sĩ Obama, bà Michelle, có bài phát biểu tại đại hội  đảng Dân chủ vào ngày khai mạc 25/8 (Ông bà Obama kết hôn năm 1992. Họ đã có với nhau hai người con). Tới ngày 27/8 sẽ có bài phát biểu của ứng cử viên Phó Tổng thống mà ông Obama đã lựa chọn.

Trước lễ khai mạc đại hội đảng Dân chủ không chỉ một ngày, tại Denver đã bắt đầu nhiều hoạt động văn hóa xã hội rầm rộ do các doanh nhân, các tổ chức tôn giáo, từ thiện, chính trị - xã hội tự đứng ra tiến hành: từ các chương trình nhạc rock và triển lãm tới các buổi chữa bệnh đồng loạt… Phần lớn những hoạt động này không hề dính líu gì tới đảng Dân chủ, đơn giản là những người tổ chức các sự kiện trên không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có, khi thành phố Denver tập trung được nhiều người từ khắp nước Mỹ tới như những ngày diễn ra đại hội đảng Dân chủ.

Những cử tri Mỹ ủng hộ ông Obama mà không có điều kiện tới Denver sẽ tụ họp với nhau thành những nhóm cùng xem truyền hình trực tiếp chương trình đại hội đảng Dân chủ. Cơ quan vận động tranh cử của ông Obama đã thực thi nhiều biện pháp để những người này tìm được nhau và trợ giúp vật chất để họ có thể tổ chức những cuộc hội tụ như thế.

Theo một số nhà quan sát, màu da của Thượng nghị sĩ Obama đã có tác động nhất định tới chương trình đại hội đảng Dân chủ năm nay. ít ra thì cảm giác đó nảy sinh khi ta xem danh sách các nghệ sĩ biểu diễn trước các đảng viên Dân chủ ở Denver. Đó là các ca sĩ nhạc rap Kanye West và Wyclef Jean cũng như nhóm N.E.R.D. Giữa những nghệ sĩ này không có một đại diện nào của người da trắng. Vả lại, hip-hop cũng khó có thể gọi là xu hướng quen thuộc của các chương trình chính thống. Vậy nghĩa là, ít ra trong chuyện này cũng đã có một sự thay đổi khá quan trọng.--PageBreak--

Người của công chúng

So với ứng cử viên của đảng Cộng hòa McCain, ứng cử viên của đảng Dân chủ Obama đang có sức hấp dẫn với công chúng nhiều hơn. Đến mức mà trong thời gian gần đây, ông McCain buộc phải dành phần lớn thời gian trong các bài diễn văn vận động tranh cử không phải để tôn vinh mình mà là để "bới lông tìm vết" đối thủ - thôi thì một khi mình không nhiều điều hay ho để tự giới thiệu thì việc "dìm" những ưu thế của người bên kia chiến tuyến cũng là một cách ít nhiều đắc lợi.

Theo ông McCain, các nhà báo Mỹ đang bị mắc căn bệnh "mê tín" Thượng nghị sĩ Obama quá, mặc dù theo ông, ứng cử viên đảng Dân chủ chưa có đủ kinh nghiệm và từng trải để đảm đương trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia. Những videoclip của ông McCain ngày càng ít hình ảnh tích cực của ông mà lại ngày càng nhiều hình ảnh tiêu cực của đối thủ. Đến mức một số nhà báo đã cạnh khoé: "Ngôi sao trong chương trình vận động tranh cử của ông McCain lại chính là ông… Obama!".

Một số nhà phân tích chính trị Mỹ đã để ý tới chi tiết: ông McCain đang sử dụng chiến thuật mà bà Clinton đã sử dụng trước đây: thể hiện thái độ gần như là xem thường sự gia tăng nhanh chóng chỉ số tín nhiệm của đối thủ và luôn luôn tận dụng mọi cơ hội hữu lý và vô lý để nhấn mạnh rằng, Thượng nghị sĩ Obama vẫn hãy "còn non"! Bà Clinton đã thất bại trong chiến thuật đó. Tuy nhiên, ông McCain vẫn chưa muốn rời bỏ chiến thuật này.

Đỉnh cao của những đòn tấn công của ông McCain đối với ông Obama là videoclip mà trong đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa đã so sánh ứng cử viên đảng Dân chủ với những ngôi sao thị trường như các mỹ nhân Paris Hilton và Britney Spears.

Ông McCain đã tỏ vẻ xem thường đối thủ khi gọi ông Obama là "người nổi tiếng", ý bảo đó cũng chỉ là một trong những "người của công chúng", nổi lên nhờ các trò thổi phồng vô lối trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà báo tất nhiên là đã đổ xô tới tham khảo ý kiến của hai mỹ nhân trên.

Đại diện báo chí của cô ca sĩ xinh đẹp nhưng thời gian gần đây có vẻ như hơi béo ra tuyên bố, Britney Spears nói chung là không hiểu mô tê gì về chính trị của các quý vị cả, vì cô có những công chuyện quan trọng hơn. Còn Paris Hilton thì lại bảo, dẫu rằng cô chưa xem đoạn videoclip đó nhưng cô rất lấy làm công phẫn vì tên họ của cô bị sử dụng vào mục đích… chính trị! Một điều trớ trêu là cha mẹ Paris Hilton lại là những người đã hảo tâm đóng góp không ít tiền cho chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa… Chẳng rõ họ có bực mình không khi tên tuổi con gái họ bị sử dụng như thế.

Về phần Thượng nghị sĩ Obama thì cứ tỉnh bơ mà nhận xét rằng, đối thủ  khả kính của ông, một người chuyên bảo vệ quyền lợi của giới nặng ví ở Mỹ, đang chẳng biết làm gì hơn ngoài việc "ăn không nói có" để bôi bác ông, đại diện chân chính của những người không giàu có.

Thực ra, khó có thể bác bỏ luận điểm mà ông McCain đưa ra: muốn nói gì thì nói cũng phải công nhận rằng, ông Obama đang là một người của công chúng thực sự. Và không chỉ ở nước Mỹ. Nếu chỉ là một chính khách chưa ở tầm nguyên thủ quốc gia thì thử hỏi, liệu ông Obama trong chuyến đi thăm Berlin vừa rồi có thể thu hút tới trên dưới 200 nghìn người Đức tới nghe ông diễn thuyết ở Tiergarten tối 24/7 không?

Thượng nghị sĩ McCain có thể là một chính trị gia nổi tiếng, còn Thượng nghị sĩ Obama chắc chắn đang là một nhân vật nổi tiếng! Một "người của công chúng"! Đó chính là sự khác nhau căn bản giữa hai người. Cử tri bình thường ở Mỹ có thể tôn trọng ông McCain nhưng lại bị hấp dẫn bởi ông Obama. Họ không quan tâm tới việc ông McCain thích nghe loại nhạc gì nhưng lại rất thú vị muốn biết ông Obama thích nghe loại nhạc gì nhất. Yếu tố này đang tạo cho ứng cử viên đảng Dân chủ những sức hấp dẫn nhất định…

Mới đây nhất, cả ông McCain lẫn ông Obama đều tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt công bố những videoclip vận động tranh cử của mình vào ngày 11-9 tới. Điều này có nghĩa là họ chỉ thôi tấn công nhau trên màn ảnh nhỏ vào đúng ngày kỷ niệm 7 năm sau tấn thảm kịch khủng bố năm 2001, từng làm gần ba nghìn người bị chết trong vụ tấn công toà tháp đôi ở New York. Vậy là từ giờ tới thời điểm đó, vẫn còn nhiều lý do để các nhà báo bàn ra tán vào về những trò "chọc ngoáy" lẫn nhau của hai ứng cử viên chính yếu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay

Phương Hà
.
.