Truyền kỳ tuyệt kỹ công phu bên dòng sông Bàn Thạch

Thứ Tư, 02/02/2011, 16:10
Bàn Thạch là một nhánh nhỏ dòng sông Thu Bồn chảy qua Tứ Chánh Bàn Thạch thôn, thuộc phủ Tam Kỳ xưa (nay là phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Ở miền quê này có một võ sư họ Hồ làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người và truyền dạy những tuyệt kỹ công phu do ông đã dày công nghiên cứu, chắt lọc từ những tinh hoa võ thuật đã lĩnh hội của các môn phái trong hơn mười lăm năm phiêu bạt giang hồ mà sáng tạo nên.

Điều đáng trân trọng, trong kháng chiến đánh giặc cứu nước, võ đường họ Hồ đã góp nhiều người con ưu tú cho cách mạng. Giờ đây, vị chưởng môn đời thứ ba của võ đường bên sông Bàn Thạch, dù đôi mắt bị mù, song vẫn chiêu tập môn sinh, tiếp tục đề cao võ đạo, anh hùng trượng nghĩa...

"Thấy chuyện bất bình ra tay nghĩa hiệp       

Tương truyền, vào thời thực dân phong kiến ở miền đất hạ lưu sông Thu Bồn xuất hiện một võ sĩ có sức mạnh hơn người, lại giỏi về thuật khinh công, thường đột nhập vào các dinh thự quan lớn, nhà địa chủ trong vùng như vào chỗ không người.

Cho dù những nơi đó được bố phòng cẩn thận, với đội ngũ lính khố xanh trang bị đầy đủ súng ống, hoặc hàng trăm gia đinh gươm giáo tuốt trần, ngày đêm thay nhau tuần tra, canh gác. Võ sĩ có tiếng tăm lừng lẫy đó có tên là Tám Thu. Bọn quan quyền, địa chủ thời ấy đau đầu, điên đảo vì tài xuất quỷ nhập thần của Tám Thu, song ngược lại, dân nghèo thì tôn trọng, sùng bái ông như bậc thánh sống.

Ai cũng xem Tám Thu là ân nhân của mình, chỉ vì ông sử dụng võ nghệ siêu quần để đối đầu với thế lực cường hào, ác bá tại địa phương, răn đe không cho chúng hà hiếp dân lành, đồng thời thực hiện phương châm "Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", cứu đói cho dân lúc thiên tai, hoạn nạn...

Lão võ sư mù Hồ Ngọc Doãn trầm ngâm một hồi lâu rồi thong thả: "Tui nghe cha tui kể lại chuyện ông Tám Thu mà khâm phục. Hồi kháng chiến chống Pháp, cha tôi ngược xuôi khắp miền Đông - Tây xứ Quảng dạy võ cho cán bộ Việt Minh và đã từng gặp võ sĩ Tám Thu. Hành động anh hùng, tấm lòng hiệp nghĩa của Tám Thu đã hun đúc thêm cho cha tui về tình yêu quê hương, đồng bào; sau này chuyện của ông cũng giúp tui càng thấu hiểu và thấm thía hơn về cái đạo của người học võ, từ đó nối nghiệp ông, cha bảo tồn và phát huy võ đường Hồ Tấn ở Bàn Thạch thôn cho đến ngày nay...". 

Trong tâm khảm của lão võ sư mù Ngọc Doãn như vẫn còn sống động nhiều chuyện kể nghe rất huyền thoại về võ sĩ Tám Thu. Đó là vào một dịp giáp Tết cổ truyền, giữa ban ngày, ban mặt, Tám Thu đã đĩnh đạc tới nhà một địa chủ giàu nứt đố, đổ vách, song cũng rất keo kiệt ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) để "cõng" bồ lúa mang đi cứu đói cho dân quanh vùng.

Chẳng là, hồi đó cha của võ sư Ngọc Doãn là cụ Hồ Tấn Ba đang ở Quế Sơn dạy võ cho anh em nhà họ Dương nên tận mắt chứng kiến mọi chuyện… Khi nghe Tám Thu hỏi xin gạo cứu đói cho dân, tay địa chủ keo kiệt nhếch mép cười khẩy, chỉ ngay cái bồ đựng đầy lúa nằm lù lù giữa nhà ngang (nhà dưới), hất hàm: "Có cái bồ lúa đó, chú giỏi thì cứ cõng về".

Tám Thu đưa mắt nhìn cái bồ lúa rồi nhẹ nhàng hỏi mượn cái rựa, xăm xăm ra sau vườn chặt ngay một cây tre róc sạch và bổ làm đôi, cầm vặn xoắn lại làm thành hai sợi dây chão, buộc bồ lúa vào người như thể mang cái balô. Thấy Tám Thu gồng người mang cái bồ lúa đầy đứng lên như không, tay địa chủ nọ tái mặt, bèn lập tức hô gia đinh ra đóng chặt cổng ngõ, rồi lên giọng thách đố: "Cổng ngõ đóng kín rồi, chú giỏi thì cứ mang đi".

Tám Thu liếc nhìn tay địa chủ lật lọng, cười bảo: "Được, ông xem tui đi đây !". Nói dứt lời, Tám Thu lấy hết sức bình sinh mang bồ lúa nhún người phóng lên nóc chuồng ngựa bên cạnh ngõ và bay ra ngoài, khiến gã địa chủ mặt xanh như chàm đổ, miệng ú ớ nói không nên lời…

Cũng có lần quan huyện dẫn lính khố xanh bất thình lình vây kín chỗ ở của Tám Thu để bắt về trị tội dám xúi dân nghèo nổi dậy chống lại sự hà khắc của bộ máy chính quyền đương thời. Tám Thu tả xung hữu đột đánh cho bọn lính khố xanh một trận tơi bời, rồi nhảy phóc lên mái nhà tháo lấy hai miếng tranh, cầm mỗi tay một miếng dang ra như thể chim dang cánh "bay" thoát khỏi trùng vây…

Về sau, để nhổ "cái gai" Tám Thu, bọn quan quyền địa phương đã bắt mẹ già của ông hạ ngục. Ông đành bó tay chịu trói để cứu mẹ và cuối cùng đã bị chúng mang ra xử chém. Lúc hành quyết, Tám Thu không hề tỏ chút run sợ, ông hiên ngang mắng chửi lũ tham quan vô lại hùa theo giặc Pháp bóc lột, hà hiếp dân lành.

Đao phủ chặt đầu, song do tóc Tám Thu quá dày, thả phủ kín gáy nên nhát đao không làm hề hấn gì. Tám Thu càng chửi mắng, khiến quan phủ buộc bọn lính xông vào đè ngửa ông ra để đao phủ ra tay…Võ sĩ Tám Thu chết dưới tay bọn cường hào, ác bá, song tinh thần hành hiệp trượng nghĩa của ông như ngọn lửa cháy mãi trong lòng người dân khắp miền Nam - Bắc sông Thu Bồn.

Đối với cụ Hồ Tấn Ba, nó như tiếp thêm sức mạnh để tô bồi thêm ý chí của một võ sư luôn đề cao đạo học võ là học làm người; giúp ông nhận ra con đường sáng để theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng. Năm 1945, võ sư Hồ Tấn Ba đã cùng các môn sinh của mình tham gia cướp chính quyền ở phủ Tam Kỳ, sau đó có một thời ông làm công an xung phong cùng với lực lượng vệ quốc quân đi bắt sống Tỉnh trưởng Hồ Ngạn ở Hội An…  

Bất ngờ hơn khi lão võ sư Ngọc Doãn tiết lộ rằng, võ đường Hồ Tấn là do ông nội mình sáng lập nên. Đó là võ sư Hồ Long Đình, người địa phương quen gọi theo tên con là Chánh Lơn. Với hơn mười lăm năm hành tẩu giang hồ, bên cạnh việc học nghề bốc thuốc chữa trị chấn thương, chiết thương, Chánh Lơn còn rất đam mê học võ thuật. Ông đã bái sư nhiều bậc thầy dạy võ nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc để học hỏi, chắt lọc tinh hoa từng đường quyền, thế kiếm, sáng tạo nên 18 bài võ độc đáo và bí hiểm.

Chính những bài võ này đã đưa tiếng tăm võ đường Hồ Tấn lên vị thế độc tôn một thời ở phủ Tam Kỳ và các vùng lân cận. Đến ngày nay, người dân Bàn Thạch thôn vẫn còn truyền miệng chuyện Chánh Lơn khỏe hơn voi, nhấc bổng cối xay lúa như bế trẻ con, đặc biệt ông luôn bênh vực người cô thế. Chánh Lơn có cú đá liên hoàn cước rất hiểm hóc và múa song xích vun vút, nên bọn côn đồ, lưu manh nghe tên ông đã vội rút cổ, co vòi…  

"Lão võ sư mắt mù, tâm sáng”

Lão võ sư Ngọc Doãn ra sân luyện võ bên hông nhà biểu diễn cho tôi xem những thế võ vốn do Chánh Lơn đã sáng chế ra từ hơn trăm năm về trước. Dưới ánh tà dương, những đường đao, côn loang loáng, khí thế tựa chớp giật; quyền, cước xuất ra dũng mãnh như vũ bão, khiến tôi không thể nghĩ rằng, ông đã bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm". Và, cũng không thể tin được đôi mắt của ông đã bị mù cách đây hai mươi năm về trước.

Những bài võ về côn, quyền, siêu, đao, kiếm, thương, phủ, kích của môn phái Hồ Tấn lần lượt được lão võ sư mù Ngọc Doãn thể hiện, với chiêu thức, đòn thế khá phong phú; thân pháp, bộ pháp, cước pháp rất tinh vi; khiến người xem như bị thôi miên trong từng thế võ, lúc thì tựa võ công Thiếu lâm, lúc ngỡ ông đang múa túy quyền, hầu quyền, hổ quyền… không biết đâu mà phân biệt.

Vào lại nhà, nghe tôi thắc mắc, ông cười hiền lành: "Quyền giả cơ biến giả, thế giả tùng giả. Võ thế gia Hồ Tấn là môn võ cổ truyền dân tộc, nó dựa trên nền tảng võ học các môn phái mà sáng chế ra, đó cũng là điểm tương đồng. Song khác lạ ở chỗ là thế võ luôn biến hóa khôn lường, làm cho đối phương khó bề phân định, hóa giải". Nói vậy, nhưng ông vẫn cho rằng, võ thuật của mỗi người học được có tinh xảo hay không là do khổ luyện mà thành, từ đó mới tinh thông trong "biến hóa" trước đối phương…

Các thế hệ võ thế gia Hồ Tấn đã trải qua nhiều trận đấu đài lưu lại trong ký ức người dân Bàn Thạch thôn bao khâm phục, xen lẫn tự hào. Nhắc đến võ thế gia Hồ Tấn, người dân miền quê sau lũy tre xanh bên dòng Bàn Thạch nhiều đời vẫn truyền miệng, ghi nhớ công đức võ sư Hồ Tấn Ba, bằng cây roi, đường quyền đã đánh tan tác một toán cướp hung hãn mang lại sự yên bình cho thôn xóm. Mọi người cũng không quên những nghĩa cử cao đẹp, tương thân, tương ái với bà con xóm giềng của các thế hệ võ phái Hồ Tấn…

Bất chợt giọng của lão võ sư Ngọc Doãn nhỏ lại: "Tui chỉ có một mụn con trai nối dõi, nhưng hai mươi năm trước cháu bị mất trong một vụ tai nạn giao thông. Lúc đó, cháu cũng vừa tròn hai mươi tuổi. Nghe hung tin, tui giậm chân kêu được hai tiếng: "Con ơi !" rồi ngất đi. Lúc tỉnh lại thì đôi mắt tối thui, không còn nhìn thấy được gì nữa. Tui bị mù từ đó…".

Đoạn ông thở hắt ra như muốn trút đi những ưu phiền trong lòng rồi nói rằng, khi biết mình đã bị mù, lúc đầu ông rất đau đớn, xót xa. Nhưng, bình tâm lại ông thấy mình không thể để mất đi những thế võ bí truyền của môn phái Hồ Tấn do ông, cha đã bỏ ra bao công sức sáng lập. Từ đó, ông gượng dậy tiếp tục duy trì việc dạy võ, bốc thuốc chữa bệnh cứu người…

Dù có những học trò võ nghệ tinh thông trợ giúp coi ngõ võ đường, song ngày ngày trên sân tập ông vẫn đi từng đường côn, thế kiếm chỉ dẫn tận tình, tỉ mỉ từng chiêu thức, bộ pháp để các môn sinh luyện tập. Lão võ sư Ngọc Doãn tâm sự rằng, võ thế gia Hồ Tấn là môn võ cổ truyền dân tộc, ông sẽ cố gắng truyền thụ cho bằng hết những tinh hoa, tinh túy cho lớp con, cháu của mình học, quyết không để thất truyền…

Nhưng, với lão võ sư mù Ngọc Doãn, học võ là học đạo làm người, phải biết trượng nghĩa, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha; phải biết giúp đời, giúp nước. Đó là tiêu chí cao nhất để ông thử thách và nhận đệ tử bái sư. Theo ông, người học võ đừng nên quá chú trọng đến việc thượng đài thi đấu để tranh giành phần thưởng thắng, thua, mà quên đi đạo lý làm người; dùng võ thuật học được để tụ tập băng đảng đánh nhau, gây rối, gây nhiễu loạn thôn xóm…

Ông cười hãnh diện: "Tui tự hào là học trò của võ đường Hồ Tấn chưa có một ai phải vào tù, ra tội do tha hóa đạo đức, tụ tập băng nhóm đánh nhau…". Và, hai mươi năm qua, dù không còn đôi mắt sáng, song lão võ sư Ngọc Doãn vẫn không để võ đường một ngày đóng cửa. Ở võ đường của ông nơi Bàn Thạch thôn thường rộn rã tiếng nói cười vui vẻ khi đón bao môn sinh đã thành đạt trên con đường học vấn, nắm giữ những trọng trách cao trong xã hội trở lại thăm thầy...

Long Vân
.
.