Truyền hình thực tế: Hấp dẫn và...lá cải

Thứ Bảy, 06/09/2008, 02:35
Hơn 11 ngàn người đã đăng ký dự thi Vietnam Idol 2008 - show truyền hình thực tế mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam hai năm qua, cho thấy truyền hình thực tế đang thực sự thu hút công chúng. Đặc biệt là loại hình thi cử, biến những người vô danh từ con số không trở thành người hùng (zero is hero) được người Việt ủng hộ nhiệt tình....

Truyền hình thực tế - hấp dẫn lẫn lá cải

Không phải ngẫu nhiên mà cứ 7 thiếu niên Anh quốc thì có một em muốn có danh tiếng bằng việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế. Hấp dẫn với cả người chơi và người xem, các show truyền hình thực tế phá bỏ những quy tắc về bố cục chương trình một cách cứng nhắc và tôn trọng tối đa những phá cách và sáng tạo của MC và người chơi. Khán giả cũng là một phần quan trọng của show truyền hình này.

Có thể coi show phát thanh mang tên Candid Microphone (micro thu lén) là tiền đề cho show Candid Camera (máy quay lén) của Allen Funt ghi hình và phát sóng lại phản ứng của những người chơi truyền hình với những trò tinh quái  vào năm 1948, bắt đầu nửa thế kỷ chập chững của truyền hình thực tế (reality show) trên thế giới. Đến nay, đặc biệt là vào những năm đầu thế kỷ XXI, truyền hình thực tế đang là một xu hướng phổ biến và được đặc biệt ưa chuộng. Hiện nay, hai series ăn khách nhất của truyền hình Mỹ là Survivor và Americal Idol, với thời gian "đứng top" lâu nhất. Survivor dẫn đầu bảng tổng sắp năm 2001 - 2002 và Idol đứng đầu bảng tổng sắp 3 năm liền (2004 - 2005; 2005 - 2006 và 2006 - 2007).

Ngành truyền hình cũng đã tạo lập những kênh riêng chuyên chiếu các chương trình truyền hình thực tế như Zone Reality (Anh) và Fox Reality (Mỹ). Người ta cũng bắt đầu quen với các chương trình thực tế của các kênh MTV hay Bravo. Mike Darnell, Giám đốc các chương trình truyền hình thực tế của Hãng Truyền hình Fox, Mỹ cho biết: Các hệ thống truyền hình như NBC, CBS, ABC và Fox có thể dự kiến làm từ 3 đến 4 chương trình truyền hình thực tế mỗi mùa. Là một chương trình chính của Fox kể từ năm 1989, cho đến năm 2008 là mùa thứ 21, COPS đã tồn tại lâu hơn tất cả các chương trình cạnh tranh về cảnh sát được dàn dựng kỹ.

Có rất nhiều show truyền hình thực tế khác nhau. Chẳng hạn như chương trình về một môi trường sống đặc biệt, như show "The Real World", người chơi sẽ phải tự vượt qua môi trường sống khắc nghiệt giữa những người xa lạ. Chương trình "1900 House" (ngôi nhà năm 1900) là một ví dụ. Chương trình "Temptation Island" (hòn đảo cám dỗ) năm 2001 cũng đạt được sự chú ý đáng kể khi bố trí một số đôi yêu nhau trên một hòn đảo xung quanh không một bóng người chỉ để thử trách nhiệm, tình yêu, sự hi sinh mà các đôi dành cho nhau.

Một thể loại nữa của các chương trình "quay lén" có sự tham gia của những người nổi tiếng. Thông thường, những chương trình này ghi hình cuộc sống hàng ngày của một ngôi sao ví dụ như các chương trình Anna Nicole, The Osbournes, Newlyweds: Nick và Jessica và Hogan Knows Best. Một vài chương trình trong thể loại tài liệu khắc họa các chuyên gia trong các chủ đề về hoạt động kinh doanh hàng ngày hoặc thực hiện toàn bộ một dự án trong một loạt series.

Ví dụ sớm nhất (và cũng là ví dụ dài nhất trong việc điều hành một chương trình thực tế thuộc bất kỳ hình thức nào) là COPS phát sóng năm 1989, đón đầu hiện tượng truyền hình thực tế hiện nay từ rất nhiều năm trước. Một thể loại khác của truyền hình thực tế là "Cuộc thi thực tế" trong đó người chơi được ghi hình khi đang ganh đua với nhau giành ngôi vị thắng cuộc. Một ví dụ của một chương trình cuộc thi thực tế là Big Brother, trong đó người chơi sống cùng nhau trong một ngôi nhà và bị loại dần một cách định kỳ bởi khán giả hoặc bởi bản thân những người chơi cùng như trong phiên bản ở Mỹ.

Một số người tuyên bố thành công của truyền hình thực tế là do khả năng "cười trên nỗi đau khổ của người khác" thông qua việc thỏa mãn mong muốn của người xem muốn được nhìn thấy người khác bị làm nhục. Tờ Entertainment Weekly (Tuần báo Giải trí) viết: "Chúng ta có theo dõi truyền hình thực tế để có thêm hiểu biết sâu sát hơn về điều kiện của con người? Làm ơn đi. Chúng ta xem những cảnh quay khó xử đó nhằm làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống nhỏ bé không được lên khuôn hình của chúng ta khá hơn một chút". Tom Alderman, nhà phê bình báo chí viết: "Có một số tiểu loại truyền hình thực tế chỉ có thể được xem là truyền hình ô uế bởi chương trình đó sử dụng chất nhạo báng làm tâm điểm thu hút sự chú ý".--PageBreak--

Vietnam Idol - từ vô danh thành anh hùng!

Tại Việt Nam, truyền hình thực tế đang có những bước khởi đầu khá nhọc nhằn, bởi tâm lý của khán giả và cũng bởi khả năng hạn chế của những người sản xuất. Khởi nghiệp, Phụ nữ thế kỷ XXI, Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Vui là chính, Ước mơ của tôi, Những chàng trai, những cô gái... là những bước đi đầu tiên cho thể loại này. Phải đến "Vietnam Idol", mang dáng dấp một cuộc thi thực tế, đã đem lại hiệu ứng thực sự về mặt khán giả. Hàng triệu người đã theo dõi show truyền hình này mỗi tuần.

Điểm đặc biệt nhất của Vietnam Idol là giúp cho những người yêu thích sân khấu ca nhạc dám một lần bước lên, hát trước đám đông. Còn thắng hay bại không phải là vấn đề lớn nhất. Như Thanh Bình, một học sinh tại TPHCM, trước khi có cuộc thi, em nặng 101kg, vì muốn được hát, biểu diễn trên sân khấu nên quyết tâm giảm cân để có thể tự tin trình diễn. Sau 3 tháng hè, Bình giảm hơn 30kg và đã thực hiện được ước mơ của mình.

Hay như cô gái 16 tuổi tên Bích Ngọc, vốn là con một gia đình nghèo ở một xóm trọ ven thành phố. Từ nhỏ, Ngọc đã là một cô bé rất nhút nhát và thiếu tự tin nên cuộc sống của Ngọc chỉ xoay quanh gia đình và các bạn ở ngôi trường dành cho trẻ em đặc biệt. Thú vui giải trí duy nhất của cô bé là hát karaoke cùng gia đình, dần dần nó trở thành niềm đam mê cháy bỏng trong cô gái nhỏ bé, tự ti này. Khi Vietnam Idol diễn ra, cả gia đình đã động viên em đi thi để thỏa mãn niềm đam mê cũng như giúp em có cơ hội tiếp xúc để trở nên dạn dĩ và tự tin hơn.

Ngày đi thi, chị gái, dì và cậu cùng theo đến để động viên, chăm sóc. Họ không rời mắt khỏi cô bé, luôn miệng động viên em hãy cố gắng. Ban đầu, dù đã đứng vào hàng để lấy số báo danh nhưng ánh mắt của Ngọc vẫn không rời khỏi chỗ người thân đang đứng, vẻ mặt đầy lo lắng và sợ hãi. Chị gái của Ngọc phải đăng kí trở thành thí sinh vào để chăm sóc cho em gái. Vào đến phòng chờ, chị gái thật sự ngạc nhiên khi thấy Ngọc đang trò chuyện với cô bạn ngồi bên cạnh. Dù chỉ đôi ba câu nhưng với Ngọc là cả một bước tiến rất dài. Có thể xem niềm đam mê đối với âm nhạc chính là động lực để em thoát ra khỏi vỏ ốc của mình.

Idol vốn được coi là mô hình giải trí truyền hình thành công nhất thế giới với hơn 40 phiên bản ở các quốc gia. Riêng American Idol tại Mỹ đã thu hút tới hơn 37 triệu lượt khán giả. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn thí sinh trên thế giới với tham vọng trở thành thần tượng âm nhạc đăng ký dự thi các chương trình Idol. Theo quy định thì Ban giám khảo của chương trình chọn ra một nhóm thí sinh lọt vào vòng bán kết. Những thí sinh này sẽ biểu diễn trước khán giả trường quay và khán giả xem truyền hình. Bắt đầu từ các vòng thi này, Ban giám khảo đóng vai trò người nhận xét về từng tiết mục biểu diễn, tuy nhiên khán giả lại là người quyết định thí sinh nào sẽ đi tiếp vào vòng trong và thí sinh nào sẽ bị loại. Sau mỗi tiết mục, khán giả sẽ bình chọn cho một hay nhiều thí sinh mình yêu thích nhất bằng cách nhắn tin hoặc gọi điện thoại bình chọn qua tổng đài, kết quả (được chọn hay bị loại) sẽ được công bố vào đêm truyền hình tiếp theo.

Trong các cuộc thi Idol, khán giả sẽ quyết định người chiến thắng giành giải thưởng là một hợp đồng ghi âm và danh hiệu "Thần tượng âm nhạc". Với tên gọi "Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol", Chương trình "Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol" năm 2007 đã thực sự chinh phục khán giả bởi một phương thức chương trình giải trí truyền hình hoàn toàn mới, đồng thời mang đến cho người xem một sự trải nghiệm mới mẻ về truyền hình thực tế.

Chương trình "Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol" lần 1 đã thu hút được hơn 6.000 đơn đăng ký dự thi và khán giả xem truyền hình đã chọn được người thắng cuộc cho danh nhiệu "Thần tượng âm nhạc của Việt Nam". Với 53,44% số phiếu bầu, vượt lên trên đối thủ của mình là Ngọc ánh, Phương Vy đã trở thành Thần tượng âm nhạc Việt Nam năm 2007 và đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Thần tượng âm nhạc châu á (Asian Idol). Có thể nói, Vietnam Idol đã "đánh bại" các cuộc thi hát truyền hình khác, bởi tính phổ biến và hình thức có vẻ "giản đơn" của nó.

Về mặt khán giả, cuộc thi này có sức thuyết phục hơn những cuộc thi hát mà phần chuyên môn được đánh giá quá cao vốn chỉ dành cho những ai đã được đào luyện kỹ lưỡng trong các "lò dạy nhạc". Có một thiên hướng khá thú vị là những cuộc thi như Vietnam Idol luôn cố gắng kiếm tìm những hình ảnh ca sỹ hoàn toàn mới, chưa chịu sự thúc ép từ danh tiếng để giúp họ đi từ con số không thành người hùng thắng trận trước sự theo dõi của hàng triệu người.

Truyền hình thực tế có tiềm năng biến người chơi thành những ngôi sao, ít nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là đặc điểm đáng chú ý của các chương trình tìm kiếm tài năng. Thí sinh trong các chương trình truyền hình thực tế đôi khi được gọi tếu là "hàng sao Z", tức là những người không phải làm gì để bảo đảm cho tiếng tăm mới nổi của mình

Dương Thái Sơn
.
.