Trong thâm u, huyền mặc của thời gian

Thứ Năm, 10/10/2019, 00:10
Tôi nhiều lần có cơ duyên đến với ngôi đền ấy, một ngôi đền mà theo lời kể của dân làng thì nó được xây dựng vào thời nhà Nguyễn bởi một vị công chúa, con vua Đồng Khánh. Lạ! Một vị công chúa sống trong cung điện nguy nga ở kinh thành Huế, thế mà lại bôn ba tới nơi này - xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) để xây dựng một ngôi đền, gắn bó với ngôi đền đến tận cuối đời, và bây giờ thì được dựng tượng, thờ phụng tại một ban trong đền.


Người dân xã Yên Sở gọi đấy là "đền thờ Mẫu Cửu", hay còn gọi bằng cái tên nôm na, dễ nhận biết hơn, đó là "đền cậu Phước", bởi cậu thủ nhang, trông nom ngôi đền hiện nay tên là Phước.

Cậu Phước 52 tuổi, người gầy, nhỏ, giọng sang sảng. Cậu không biết dùng điện thoại Iphone, không biết chụp ảnh, vào Internet, và hình như cũng chẳng biết đi xe máy nữa. Tôi thấy cậu thường lượn xe đạp từ nhà vào đền, từ đền về nhà, và cái dáng người nhỏ mảnh của cậu "ngự" trên một chiếc xe đạp, rồi cả người và xe cứ thế... vèo vèo, khiến người ta dễ có cảm tưởng là cậu đang bay.

Công chúa con vua Đồng Khánh được thờ phụng trong đền.

Cứ khoảng 5,6 giờ chiều cậu "bay" về nhà ăn cơm tối, rồi sau đó lại "bay" ra trông đền. Một mình cậu ngủ trong một ngôi đền với khuôn viên lên tới cả vài trăm mét, đã thế ngôi đền lại rất gần một nghĩa địa của người công giáo, trong một khu vực mà tôi tin chắc rằng khi đêm xuống sẽ vô cùng tĩnh mịch, chỉ nghĩ đến cảnh ấy thôi, thật lòng nhiều người chúng tôi đã thấy sờ sợ.

"Ối dào, sợ gì mà sợ. Ba đời nhà tôi trông đền, tôi ở đây từ nhỏ, quen rồi, có gì mà sợ". Cậu bảo thế, rồi lại cầm chén nước trà tợp một ngụm trước khi nói tiếp: "Nói đến đền Mẫu Cửu, dân đi lễ thường nghĩ ngay đến ngôi đền Mẫu Cửu ở ngoài đê, chứ chẳng ai nghĩ tới ngôi đền này".

Cậu nói đúng! Nếu lên Internet đánh cụm từ "Đền Mẫu Cửu - Thường Tín", chúng ta sẽ thấy ăm ắp thông tin về ngôi đền Mẫu Cửu trong cụm di tích tâm linh Chùa Công Minh - Đền Dầm - đền Mẫu Cửu nổi tiếng, nằm ở phía ngoài đê. Không có bất cứ thông tin nào về ngôi đền Mẫu Cửu ở trong thôn, trong làng này, nơi cậu Phước đêm ngủ lại một mình, sáng dậy sớm lên cây hương ngọn khói.

Vì ít người biết, ít người đến, nên ngôi đền dường như vẫn giữ được trong nó nét u trầm, tĩnh lặng mà cảm giác như con người hiện đại hôm nay không thể chạm vào. Thật ra thì cổng đền đã được xây mới, và hiện trông vẫn còn rất mới, nhưng chỉ cần đi qua cái cổng mới, qua luôn một khoảng sân mà cây cỏ vẫn còn hồn nhiên mọc, người ta sẽ thấy ngay một gian thờ phật cũ kĩ.

Gian thờ phật ấy, cũ kỹ, nhỏ bé, chừng hơn chục mét, bức tượng phật cũng cũ kỹ, và khá nhỏ, đặt trong sự so sánh với những bức tượng hoành tráng mà chúng ta vẫn nghe đến trong các ngôi chùa hiện đại ngày nay. Nhưng có lẽ được xây dựng bởi lối kiến trúc nửa phương Đông - nửa Pháp rất điển hình thời nhà Nguyễn nên gian thờ có trần khá cao, và ở một góc trần vẫn còn vương mạng nhện.

Gian thờ Phật cổ kính đượm màu thời gian

Đi qua gian thờ Phật là đến gian thờ chính, và ở ngoài cùng gian thờ chính là ban thờ công đồng tứ phủ với đèn điện sáng trưng. Đi nghiên cứu văn hoá tâm linh ở nhiều cửa đền cửa điện, thật lòng tôi đã quá quen với lối bài trí có thể nói là "lấp lánh ánh sáng" của những ban tứ phủ công đồng, nơi mà 5 bức tượng của 5 vị quan lớn  (thường được gọi là ngũ vị tôn ông) luôn toát lên một vẻ uy nghiêm, đĩnh đạc.

Nhưng đi qua ban công đồng, vào sâu bên trong lại là một thứ ánh sáng khác - một câu chuyện khác - một rung động khác. Ngay sau ban công đồng là ban tứ phủ thánh chầu với nhiều bức tượng những vị chúa bà/chầu bà bàng bạc màu thời gian. Ban thờ này ít đèn - điện hơn hẳn ban công đồng bên ngoài.

Và đi sâu vào nữa, ở ban thờ trong cùng - ban thờ tam toà thánh mẫu thì cái cảm giác u huyền, thiêng liêng là có thật. Chỉ có 3 cây đèn nhỏ trước tượng ba vị thánh mẫu, đủ để người ta "cảm nhận" lờ mờ thần khí của 3 vị thánh bà - 3 người đứng đầu trong phả điện của tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam. Có thêm một luồng sáng trắng được chiếu thẳng xuống từ mái gian thờ.

Đó là nhờ một viên ngói được lật lên, và luồng sáng này chắc chắn sẽ hết tác dụng khi mặt trời đi ngủ. Nhưng một luồng sáng trắng trong thâm u huyền mặc không những không làm mọi thứ tươi tắn thêm, mà lại khiến cái trạng thái huyền mặc kia như được nhắc nhớ một cách rõ nét và thường trực trong lòng người.

Tôi quỳ xuống trước tượng thờ Thánh Mẫu. Người tôi sởn gai ốc. Cái cảm giác lành lạnh, u trầm lan toả khắp cơ thể tôi. Rồi tôi bất giác ngước mắt lên, chạm đúng vào một cột khói đang từ từ bay lên từ một cây hương vòng. Một cột khói mảnh dẻ bay qua gương mặt thánh mẫu, rồi từ từ bay lên cao, về phía trần nhà. Một cột khói mảnh dẻ đủ để toả ra một mùi hương trầm man mác.

Một cột khói mảnh dẻ - có phải chính nó, trong cái khoảnh khắc duyên ngộ ấy đã mang những ý niệm của tôi bay đi, hoà vào cõi không - thời gian hữu hạn này? Trong khoảnh khắc ấy tôi nghĩ về sự hữu hạn của đời người và cái vô cùng tận của càn khôn. Trong khoảnh khắc ấy tôi thấy mình như thoát khỏi cái đời sống xô bồ vốn cứ bám dính lấy mình hằng ngày, ở một thành phố đông đúc và đầy bon chen.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi lại nghĩ đến cậu Phước, vào mỗi buổi sáng, khi cậu thức dậy và thực hiện công việc đầu tiên -  lên cây hương đầu tiên - cột khói đầu tiên..., lúc ấy tâm hồn cậu chắc bình an, thanh thản lắm! Đời là gì? Chúng ta sống để làm gì? Chúng ta còn gì để lại nếu mai này chết đi? Hàng loạt câu hỏi cắc cớ trong đầu tôi lúc ấy, nhưng không hề nhức nhối và dằn vặt.

Trái lại, nó nhẹ bẫng như cột khói đang bay qua gương mặt thánh mẫu, và đang toả một chút hương thơm dịu nhẹ vào nơi sâu kín nhất của lòng tôi. Làm công việc nghiên cứu văn hoá, đã từng đến rất nhiều ngôi đền, đã quỳ trước rất nhiều bản điện, đã từng thấy rất nhiều những cung thờ sáng choang và lộng lẫy nhưng chưa bao giờ tôi có những cảm giác kỳ lạ và kỳ diệu như lúc này, khi ở trong một bản đền cũ kỹ, như chẳng có chút liên hệ gì với cuộc sống hiện đại ngoài kia.

Cậu Phước kể rằng, ngay sát ngôi đền Mẫu Cửu mà cậu đang trông nom là đền thờ Đức Vua Cha - cả hai ngôi đền vốn đều do vị công chúa con vua Đồng Khánh xây dựng, và trước đây cả hai ngôi đền này đều được gọi tên chung là "đền mẹ Đồng Quan".

Cậu Phước giải thích: "Các cụ bảo "đồng" ở đây là bà đồng, còn "quan" ở đây là con vua con quan. Các cụ cứ gọi nôm vị công chúa con vua Đồng Khánh là "Đồng Quan" như thế. Các cụ còn kể, vị công chúa này còn đạt giải nhất trong một cuộc thi hầu đồng, thuộc vào hạng bà đồng có số má".

Ai cũng biết thời vua Đồng Khánh là thời đất nước nhiều biến động, người Pháp đã hoàn toàn đặt xong ách thống trị của mình, các vua quan nhà Nguyễn đã mất hết quyền lực thực sự, những vị vua yêu nước, muốn đứng lên chống giặc như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đều bị đưa đi an trí ngoài đảo xa xứ người.

Trong một thời đại như thế, một vị công chúa con vua đã chìm vào tín ngưỡng thờ mẫu, tìm một mảnh đất phù hợp để xây đền xây phủ, phải chăng cũng là để tìm một lối thoát riêng có cho mình?

Theo lời kể của cậu Phước thì vị công chúa - bà đồng này có nhận một người con nuôi. Sau khi mất, bà được chôn cất ngay tại khuôn viên của đền Đức Vua Cha, ngôi đền sau đó do người con nuôi, và bây giờ là con cháu của vị này trông nom. Riêng đầu Mẫu Cửu Trùng được giao cho làng, và hàng chục năm nay, dân làng đã cắt cử gia đình cậu Phước trông nom.

Cả hai ngôi đền bây giờ đều bạc màu thời gian và ít người đến lễ, nhưng cậu Phước bảo mấy chục năm về trước, khi hầu đồng còn bị cấm đoán thì những thanh đồng có số má ở Hà Nội như cụ Đồng Xuân hay ông Đồng Thịnh đều liên tục về hai ngôi đền này bắc ghế hầu thánh. "Là bởi, cả hai ngôi đền đều rất kín đáo, hầu thánh trong này ít bị người ngoài phát hiện" - cậu Phước vừa nói vừa cười khà khà.

Nghe cậu Phước kể chuyện, và xem cái cách cậu sống trong một ngôi đền vắng bóng người, tôi có cảm giác là cả cậu và ngôi đền mà cậu trông nom hằng ngày là một cái gì đó như tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của... thế giới. Cứ thi thoảng tôi lại đi từ trung tâm Hà Nội xuống ngôi đền của cậu, chừng 45 phút xe máy, và khi chìm vào cái không khí thâm u huyền mặc ở cái nơi tách biệt với thế giới ồn ào mà tôi vẫn phải chứng kiến mỗi ngày, là lòng tôi dịu lại.

Chúng ta sống để làm gì, và vì cái gì? Những lúc ở trong đền Mẫu Cửu, cúi mình trước tượng thờ Thánh Mẫu, nhìn một cột hương mảnh dẻ, thâm u, phang phác mùi thơm bay qua gương mặt người, tôi lại tự cật vấn lòng mình như thế!

Diệp Xưa
.
.