Trên những chặng đường gieo lòng nhân ái

Chủ Nhật, 13/02/2005, 08:15

Nhiều năm nay, công tác xã hội từ thiện đã trở thành công việc thường nhật của những người làm báo CAND. Dân tộc ta thường có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bước chân của những người làm Báo CAND đã đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, có mặt kịp thời nhất tại các vùng đất vừa xảy ra thiên tại, lũ lụt để thực hiện công tác cứu trợ.

Chúng tôi thực hiện bài viết này khi những cơn lũ hành hoành ở miền Trung vừa kết thúc. Không cầm lòng trước những hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra, những đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND đem hàng trăm triệu đồng, nhiều phần quà sẻ chia với đồng bào hoạn nạn ở miền Trung. Tại đây, hàng chục cán bộ, phóng viên Báo CAND đã bất chấp vất vả, hiểm nguy của những dòng nước lũ đi xuồng, lội nước tìm đến tận từng nóc nhà, từng lùm cây để cứu đói, cho bà con.

Có những tấm lòng, những câu chuyện cảm động ấm tình “nhiễu điều phủ lấy giá gương” trong hoạn nạn đã thực sự làm cho chúng tôi xúc động. Đó là trường hợp về những cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội dầm mình trong mưa lũ để mở đường cho xe qua, để cứu người trong nước xiết. Đó là câu chuyện về sự nhường cơm, sẻ áo của những người dân miền Trung thật thà tốt bụng. Đặc biệt là tấm gương về chị Nguyễn Thị Mai- người phụ nữ ở xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã quên cả tính mạng của mình lao xuống dòng nước xiết cứu người  trong lũ dữ, bỏ lại 7 đứa con thơ dại với một người chồng ốm đau bệnh tật. Những tấm gương đó, những câu chuyện đó đã làm cho chúng tôi trăn trở, thôi thúc bước chân chúng tôi trên con đường đi gieo lòng nhân ái Việt.

Còn nhớ vào những ngày giáp Tết năm 2003, khi tất cả những ai đi xa đang hối hả trở về sum họp với gia đình thì tại Toà soạn Báo CAND, nhiều đoàn công tác cứu trợ do đích thân Tổng Biên tập Hữu ước dẫn đầu lại mang hơn 1 tỷ đồng tiền và quà Tết ngược lên các bản làng Tây Bắc xa xôi, vào với Tây Nguyên, hay những bản làng, phum sóc của miền Tây và miền Đông Nam Bộ.

Năm 2004: gần 4 tỷ đồng, hơn 50 ngôi nhà tình nghĩa, hàng ngàn phần quà của Báo CAND đến với bạn đọc

Hình ảnh những người dân nghèo ở các bản làng hẻo lánh Lai Châu, ở huyện vùng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) hay các buôn làng Tây Nguyên tay run run đón nhận từng tấm chăn bông, áo ấm và những món quà Tết đầy tình nghĩa đã làm cho chúng tôi thật ấm lòng và cảm động. Sẻ chia những hoàn cảnh khó khăn, mang một chút tình cảm ấm áp đến với những gia đình nghèo khó đã trở thành một thông lệ thường xuyên của những người làm Báo CAND trong mỗi dịp xuân về Tết đến.

Bên cạnh những chuyến công tác trao quà nhân dịp tết Nguyên đán, thực hiện công tác cứu trợ bà con trong các đợt thiên tai, lũ lụt, Báo CAND đã phối hợp với các bệnh viện lớn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, mổ mắt miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo tại các xã vùng núi, vùng sâu vùng xa và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo tại xã Koom sonno, quận LơtĐek, tỉnh Kan Dal, Campuchia.

Báo cũng đã tặng hàng ngàn phần quà, suất học bổng, máy vi tính, sách vở cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa đồng thời dành một phần kinh phí để ủng hộ, động viên kịp thời các đơn vị, cá nhân trong lực lượng Công an gặp hoàn cảnh khó khăn, đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống các loại tội phạm. Gần 4 tỷ đồng, 56 ngôi nhà tình nghĩa, hàng ngàn phần quà hàng hoá có giá trị khác được trích từ quỹ xã hội từ thiện của Báo và do bạn đọc, các nhà hảo tâm ủng hộ  qua một năm hoạt động từ thiện đã nói lên điều đó.

Một năm qua, song hành cùng Báo CAND trên con đường làm việc thiện có sự đóng góp của rất nhiều tổ chức, cá nhân và bạn đọc trong và ngoài nước. Có những doanh nghiệp, những nhà hảo tâm mà câu chuyện về tấm lòng của họ đã được bạn đọc biết đến. Đó là ông Lâm Tấn Lợi- Chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi tại thành phố Hồ Chí Minh, một giám đốc đang phải  thuê nhà ở nhưng lại mang tiền của mình đi giúp người khác. Đó là một cụ già năm nay đã ngoài 80 tuổi hiện đang trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Sau mỗi lần Báo đăng tin về một trường hợp thương tâm nào đấy, ngày hôm sau đã thấy cụ mang tiền đến xin được ủng hộ. Hôm nào trái gió trở trời, chân tay nhức mỏi không đi được cụ liền nhờ người mang đến. Tất cả những lần đóng góp, ủng hộ, cụ đều đề nghị không ghi tên mình. Hay trường hợp một cô gái có hoàn cảnh khó khăn, làm nghề rửa bát thuê cũng gom góp tiền ủng hộ người bất hạnh...

Thắp sáng niềm tin, Nhân lên lòng nhân ái Việt

Trên chặng đường làm công tác từ thiện, điều mà chúng tôi cảm nhận được đó không phải là trị giá của số tiền, quà mà đó chính là tấm lòng, là sự sẻ chia giúp đỡ của rất nhiều những tấm lòng đôn hậu. Còn nhớ, cách đây ít lâu, sau khi Báo CAND có bài viết kể về hoàn cảnh bất hạnh của 5 chị em gái mồ côi cha lẫn mẹ ở Hà Tĩnh và 4 chị em có hoàn cảnh tương tự ở Thái Nguyên. Báo đăng xong, lập tức Toà soạn đã nhận được hàng loạt đề nghị bằng công văn, thư và điện thoại gửi về đề nghị xin được giúp đỡ. Có những công ty xin được đón các cháu về nuôi ăn học sau đó tạo việc làm. Có gia đình lại đề nghị nhận nuôi toàn bộ các cháu. Có những em nhỏ học sinh cấp 1 đã bớt tiền ăn sáng để ủng hộ bạn. Có những cuộc điện thoại đường dài từ Tp. Hồ Chí Minh gọi đến cho chúng tôi với cảm giác xúc động nghẹn ngào xin được giúp đỡ các cháu. Hàng chục gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng đã có được những ngôi nhà tình nghĩa mà cả đời mình có mơ cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới.

Sự đóng góp về mặt vật chất của các nhà hảo tâm, của bạn đọc là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thông qua sự ủng hộ, giúp đỡ đó, tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn đối với những gia đình có công với nước đã được nhận thức một cách rõ ràng hơn, đầy đủ hơn. Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Báo đã giúp cho nhiều mảnh đời, nhiều số phận có thêm niềm tin, có thêm động lực vượt lên chính mình để tạo dựng những cuộc sống mới.

Mỗi một bài viết trên từng số báo về những trường hợp, những hoàn cảnh cụ thể đã tạo ra được sự đồng cảm sâu sắc và hưởng ứng nhiệt thành của bạn đọc. Làm được như vậy, nghĩa là những trang viết đó đã góp một phần đánh thức được lòng nhân ái, sự cảm thông chia sẻ trong mỗi chúng ta, tạo thành sức mạnh của cả cộng đồng để cùng góp tay vào xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Trực tiếp tận tay trao những phần quà đến với các hoàn cảnh bất hạnh, chúng tôi đã được chứng kiến không ít những hình ảnh thật cảm động. Món quà vừa nhận từ tay chúng tôi, ngay lập tức đã được chia ra, san sẻ bớt cho những người khác có hoàn cảnh tương tự. Lòng nhân ái đã được nhân lên, lan toả đi để tạo nên những giá trị về đạo đức về sự tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt. Có lẽ đó là điều thành công lớn lao nhất, là giá trị căn bản và cũng không thể nào đo đếm được mà trong quá trình làm công tác xã hội từ thiện, những người làm Báo CAND chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất

Nhóm phóng viên PL-BĐ-XHTT
.
.