Tổng thống Mỹ Barack Obama làm gì?

Thứ Bảy, 28/03/2009, 15:46
"Tuần trăng mật" trong Nhà Trắng đang dần kết thúc đối với vị Tổng thống Mỹ thứ 44. Mới chỉ gần hai tháng ngồi vào cương vị cầm trịch ở siêu cường duy nhất còn lại trên thế giới, ông Barack Obama đã kịp cảm thấy sức ép khổng lồ của những vấn đề quốc gia đại sự luôn luôn là nan giải.

Tình hình đặc biệt khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi danh sách các công việc phải giải quyết cấp bách vẫn dài dằng dặc. Trước khi bước vào Nhà Trắng, ông Obama đã hứa chắc như đinh đóng cột về hàng loạt cải cách mà ông dự định sẽ tiến hành vì quyền lợi của nhân dân Mỹ. Đó chủ yếu là những cải cách rất tốn kém, không dễ biến thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu những cải cách này được thực hiện đến nơi đến chốn thì có lẽ chúng sẽ tạo được những sự thay đổi khả quan đáng kể cho nước Mỹ.

Lĩnh vực được vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ đặc biệt quan tâm là giáo dục. Trong tất cả những bài diễn văn của mình, ông Obama luôn luôn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cải thiện tình hình trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Nguyên nhân dẫn tới việc này là ở chỗ, trong các bảng xếp hạng quốc tế, về kiến thức, học sinh Mỹ thường ở những vị trí còn lâu mới là khả quan.

Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George Bush đã tiến hành một cuộc cải cách tương đối nghiêm cẩn về giáo dục phổ thông có tên gọi "Không đứa trẻ nào phải ở ngoài rìa" (No Child Left Behind).

Cuộc cải cách này dựa trên hai nguyên tắc chính: Những học sinh xuất thân từ những gia đình có mức thu nhập thấp sẽ được có cơ hội rời khỏi các trường công lập chất lượng kém và chuyển sang học ở những trường tư nhân tốt có mức học phí cao hơn (số tiền này được thanh toán từ ngân sách liên bang). Còn những trường phổ thông chất lượng thấp (tức là ở những nơi mà học sinh hay bị trượt thi, tại Mỹ để đánh giá chất lượng kiến thức mà học sinh đã tiếp nhận được người ta áp dụng hệ thống các trắc nghiệm chung cho toàn quốc, lần đầu tiên được áp dụng vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước) sẽ bị cải tổ hoặc bị đóng cửa…

Tuy nhiên, cuộc cải cách của ông Bush xem ra vẫn còn chưa đủ để chất lượng giáo dục của Mỹ lên được tầm cỡ xứng đáng. Bởi vậy, ông Obama dự định sẽ tiến hành cải cách giáo dục một cách sâu rộng hơn. Cụ thể:

- Cải cách hệ thống "Không đứa trẻ nào phải ở ngoài rìa". Giáo viên sẽ giảng dạy cho trẻ theo các trắc nghiệm mà sẽ theo dõi quá trình tiến bộ của chúng khi chuẩn bị thi vào các trường đại học và cao đẳng.

- Tăng kinh phí cho các trường chuyên. Những trường chuyên này theo thông lệ được xây dựng trên cơ sở những trường phổ thông bình thường. Chúng được phép cung cấp những dịch vụ dạy học đặc biệt, được tự "xử lý" những nguồn lực vật chất được cấp… Bù lại, chúng phải đảm bảo một chất lượng giáo dục cao hơn so với các trường bình thường. Sáng kiến thành lập những trường chuyên này thường xuất phát từ đội ngũ giáo viên, từ phụ huynh học sinh, từ các cơ quan chính quyền địa phương, các học đường cao cấp hay các định chế thương mại…

- Coi giảng dạy toán học và khoa học là ưu tiên trên cấp độ quốc gia.

- Tuyển dụng thêm giáo viên (các sinh viên sẽ được nhận hỗ trợ đáng kể để thanh toán học phí của mình. Đổi lại, họ phải làm việc sau khi tốt nghiệp đại học ít nhất là bốn năm ở những trường phổ thông cần bổ sung thêm giáo viên). Ngoài ra, những giáo viên đang hành nghề hiện nay cũng sẽ được nhận thêm tiền hỗ trợ hay trợ cấp.

- Tăng sự phổ cập của giáo dục đại học (tăng những ưu đãi về thuế khi nộp tiền học).

Lĩnh vực thứ hai mà Tổng thống Obama cảm thấy bức thiết phải cải cách là bảo vệ sức khỏe. Tình hình trong lĩnh vực này ở Mỹ đang được đánh giá là quá tệ, là một trong những "gót chân Asin" của đất nước.

Năm 2007, Trung tâm các chương trình hỗ trợ y tế (Centers for Medicare & Medicaid Services) đã thống kê được rằng, mỗi năm nước Mỹ chi cho lĩnh vực bảo vệ sức khỏe tới 16,3% tổng thu nhập kinh tế quốc dân (GDP). Tới năm 2017 chỉ số này sẽ lên tới 20% GDP. Để so sánh, năm 1970, Mỹ chi cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe 7,2% GDP. Từ đó đến nay mức tăng chi phí cho bảo vệ sức khỏe cao hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ 2,4%.

Trong đội ngũ các nước công nghiệp phát triển, Mỹ vẫn là quốc gia chi phí nhiều nhất cho lĩnh vực bảo vệ sức khỏe. Thêm vào đó, khác với đại đa số các nước công nghiệp phát triển, tại Mỹ không có một hệ thống bảo vệ sức khỏe theo đúng nghĩa thông thường của nó. Đó có lẽ là một sự tổng hòa kết hợp nhiều hệ thống khác nhau cùng chung một chức năng là bảo vệ sức khỏe cho dân chúng.

Hiện nay ở Mỹ có khoảng 48 triệu người (tổng dân số Mỹ khoảng 305 triệu người) không có bảo hiểm y tế. Hậu quả của việc này là những người như thế không tới khám bệnh ở chỗ bác sĩ và thường xuyên "nhịn" uống thuốc. Các vấn đề về sức khỏe trong lúc không có bảo hiểm y tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới phá sản cá nhân ở Mỹ.

Các cuộc tranh luận về những cải cách căn bản và cấp thiết trong lĩnh vực này đã diễn ra từ lâu. Dự định cải cách hệ thống bảo vệ sức khỏe ở Mỹ gần đây nhất đã được cựu Tổng thống Bill Clinton đưa ra khi ông phân công cho vợ mình, bà Hillary (nay là Ngoại trưởng), chịu trách nhiệm về dự án này. Ông Obama cho rằng, để cải cách hệ thống bảo vệ sức khỏe sẽ cần tới rất nhiều phương tiện nhưng những đầu tư như thế sẽ được đền bù bằng những thành quả ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

Cụ thể, cải cách hệ thống bảo vệ sức khỏe theo ý tưởng của ông Obama sẽ có những việc như sau:

- Tăng số người tham gia vào các chương trình bảo hiểm y tế của nhà nước Medicare and Medicaid.

- Hỗ trợ bảo hiểm rộng rãi những đứa trẻ trong các gia đình có mức thu nhập thấp. --PageBreak--

- Tài trợ cho hệ thống bảo hiểm COBRA (cho phép những người bị mất việc làm trong một khoảng thời gian nào đó vẫn tiếp tục được duy trì bảo hiểm y tế cũ của mình mà chủ cung cấp việc làm phải thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí).

- Điều phối chặt chẽ hơn nữa các công ty bảo hiểm y tế (thí dụ như bắt buộc các công ty này phải chi trả bảo hiểm y tế theo một mô hình thống nhất - không cần tính toán tới những căn bệnh mà khách hàng đang mắc phải).

- Cung cấp ưu đãi thuế cho kinh doanh nhỏ để khích lệ các chủ doanh nghiệp mua bảo hiểm y tế cho những người làm thuê của mình (chính những nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ thường là những người không có bảo hiểm y tế cần thiết).

- Cho phép nhập các loại thuốc chữa bệnh rẻ tiền (hiện nay ở Mỹ thuốc chữa bệnh có mức giá đắt nhất thế giới), những loại thuốc có tính năng tương tự như thuốc ở Mỹ với giá thành rẻ hơn nhiều vẫn được bán rộng rãi ở nhiều nước khác, kể cả ở Canada láng giềng. Biện pháp này từ lâu đã được tranh biện nhưng luôn vấp phải sự phản đối kịch liệt của các hãng dược phẩm.

- Gia tăng kinh phí cho y tế dự phòng.

Lĩnh vực tiếp theo mà ông Obama dự định sẽ tiến hành cải cách mạnh mẽ là năng lượng. Trong những thập niên gần đây, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều tuyên bố về khát vọng làm giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Trong những năm đầu thế kỷ XXI này, chủ đề này lại có thêm giai điệu mới vì nhu cầu đấu tranh chống hiện tượng trái đất ấm dần lên.

Ông Obama hứa sẽ đặt trọng tâm vào phát triển những loại năng lượng thay thế, tức là loại  năng lượng làm từ các nguồn tái chế và ít làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Theo ý tưởng của vị Tổng thống Mỹ thứ 44, chiến lược này cùng một lúc sẽ giúp đạt được bốn mục tiêu: giảm lượng dầu mỏ nhập khẩu; cân đối lại cán cân thương mại của Mỹ; cải thiện tình hình môi trường và tạo ra thêm các chỗ làm việc mới.

Kế hoạch của ông Obama trong cải cách năng lượng có những biện pháp cụ thể sau:

- Thắt chặt các tiêu chí tiết kiệm của xe hơi (các tiêu chí này rất ít khi được xem xét lại, vì thế, những nhà sản xuất xe hơi thường không thích đưa vào những công nghệ tiết kiệm nhiên liệu đã có).

- Cung cấp ưu đãi thuế cho những ai mua các loại xe hơi hiện đại (sử dụng điện năng hay nhiên liệu sinh học…).

- Tăng mạnh chi phí để xây dựng những nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời, gió…

- Xiết chặt các tiêu chí chuẩn tiết kiệm các diện tích văn phòng, sản xuất và nhà ở…

Tổng thống Obama cũng rất chú ý tới các vấn đề xã hội trong chương trình cải cách của mình. Nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, đang phải đối mặt với vấn đề ra đi của dân cư. Tuy nhiên, tại Mỹ vấn đề này chưa gay gắt như ở Nhật Bản hay Đức: tỉ lệ sinh con ở Mỹ cao hơn hẳn so với ở châu Âu hay Nhật Bản. Ngoài ra, nước Mỹ luôn lôi kéo được một dòng người nhập cư phong phú có ảnh hưởng tích cực tới tình hình dân số.

Mặc dầu vậy, không phải không có những vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực này. Cụ thể là, đang ngày càng gia tăng mức thâm hụt ngân sách bảo hiểm xã hội mà từ đó trích ra các khoản lương hưu. Hiện tại, thâm hụt này chưa quá cao (theo những đánh giá khác nhau, đang ở mức khoảng từ 0,4% tới 0.6% GDP của Mỹ), nhưng dẫu sao cũng là một khoản tiền rất lớn.

Người tiền nhiệm của ông Obama, ông Bush (con) đã định giải quyết vấn đề này bằng cách tư nhân hóa một phần hệ thống trả lương hưu cho phép những người trẻ trích ra một phần tích luỹ lương hưu của mình cho những tổ chức không phải nhà nước mà là những tổ chức kinh doanh, nhờ thế có thể đạt được lãi suất cao hơn từ những khoản tiền đó và cuối cùng sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn trong tương lai.

Thế nhưng, dự án này đã không được Quốc hội thông qua - trong điều kiện hiện nay những ý tưởng như thế thậm chí còn không thể được bàn tới vì tình hình bí bét trên thị trường chứng khoán, nơi mà các quỹ lương hưu tư nhân có thể đầu tư vào. Cải cách xã hội của ông Obama có những biện pháp cụ thể sau:

- Xem xét lại luật về phá sản để những công ty tuyên bố phá sản trước hết phải thực hiện đủ các trách nhiệm tài chính trước các nhân viên của mình.

- Đưa ra những tiêu chí buộc tất cả những chủ nhân công phải thực hiện nhiệm vụ trích đủ phần trăm cho quỹ lương hưu của các nhân viên ngay lập tức sau khi vào làm việc.

- Đưa ra các tiêu chí buộc các quỹ lương hưu phải công khai toàn bộ các đầu tư của mình.

- Ưu đãi thuế cho những người lớn tuổi…

Tổng thống Obama sẽ không dễ dàng để có thể thực hiện được các dự định cải cách của mình. Các nhà lập pháp Mỹ hiện đang phê phán ông ôm đồm quá nhiều việc trong một lúc. Dù sao thì ông cũng không còn sự lựa chọn nào khác nữa.

Mới đây nhất, ngày 17/3/2009, xuất hiện trước Quốc hội Mỹ, ông Obama đã  tha thiết giục giã các nhà lập pháp Mỹ hãy mau thông qua một ngân sách khổng lồ là 3,6 nghìn tỉ USD vì chỉ có thể mới "tạo ra sự chuyển hoá" mà nước Mỹ đang cần đến để duy trì sự cạnh tranh về phương diện kinh tế… Thậm chí ông còn nói rất mạnh mẽ rằng "Chúng tôi không cần có thêm điểm, chúng tôi cần nhiều vấn đề được giải quyết hơn"

Đinh Cường
.
.