Cô giáo Nguyễn Thái Vân - vợ nhà thơ Phạm Tiến Duật

Tình yêu vất vả, tháng năm nhạt nhòa

Thứ Ba, 07/08/2012, 10:50
Người đàn bà tuổi tác ngồi lặng tờ dưới những bức chân dung khổ lớn, sắp hàng một trên tường gian phòng khách ngăn nắp, nhỏ bé. Thật khó có thể kết nối liên quan giữa gương mặt đàn bà cặm cụi, nhàu nhàu dấu vết thời gian, với tấm hình chàng tuổi trẻ Phạm Tiến Duật ở Trường Sơn năm 1971. Anh ngày ấy lứa 30, sung sức và nổi tiếng, là thần tượng của một thế hệ. Chị 40 năm sau, đã thành bà nội, lơ vơ giữa chốn trần gian, đơn côi giữa những kỷ niệm, những hồi ức luôn được xâu chuỗi về một thời, một đời, một kiếp đàn bà trong cái thường tình cợt nhả của số phận, số phận bà Nguyễn Thái Vân, mọi người quen gọi cô giáo Vân, người vợ chính danh tấm cám của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

1. Bà Vân săm sắn chuyện trò, xởi lởi những tâm tình mà thường ngày, bà ít có cơ hội được giãi bày, san sẻ. Có người gợi chuyện, lắng nghe bà hoạt bát mau mắn hẳn lên. Căn phòng tinh tươm gọn ghẽ, bà một mình ngóng đợi con cháu, ngước lên thấy gương mặt chồng, quay trái quay phải, nhìn ra hướng cửa cũng chỉ toàn nụ cười mỉm hoặc vẻ bảng lảng cố hữu của nhà thơ qua nhiều giai đoạn. Như nhiều người đàn bà góa chồng, con cái lớn, bà sống bằng nỗi nhớ, sinh tồn qua tháng ngày bằng sự lần hồi tìm về dĩ vãng xa xăm. Xòe bàn tay bấm đốt, bà nhẩm tính vẻ chu toàn của người con dâu chỉn chu, chăm chắm hướng về những phần việc cõi âm: “Ngày này là giỗ bố anh Duật. Anh Duật con trai út, ông anh cả cũng gần trăm tuổi mới mất, đến cháu đích tôn còn bằng tuổi anh, hai chú cháu học cùng trường cùng lớp từ nhỏ”.

Thời gian lặng thầm qua đi, tháng năm chỉ còn là ký ức, những cú sốc trong đời đến ngày hóa đá, nỗi đau thành sẹo, dẫu dấu vết vẫn vẹn nguyên đấy thì cũng đã liền miệng, không còn rỉ máu trong lòng. Nhưng nỗi đau này kín tiếng, nỗi đau khác lại giáng xuống sắc lạnh đến ngỡ ngàng. Bà Vân dường như còn chưa trấn tĩnh hoàn toàn trước sự ra đi vội vàng của anh trai, người anh luôn là điểm tựa quan trọng trong cuộc đời bà - NSND Trọng Khôi: “Ai cũng biết anh Khôi bệnh nhiều, nhưng toàn bệnh có thể chung sống hòa bình suốt đời. Chả ai nghĩ mọi chuyện lại đến đột ngột thế. Bản thân anh Khôi cũng không hình dung ra. Anh vẫn nhận lời đóng phim, lên kế hoạch vào Sài Gòn quay phim, rồi làm đám cưới cho cậu con trai út ở trong đó. Con trai đã yên bề gia thất, phim mới làm xong một nửa, anh Khôi lại không đợi được đến ngày đóng máy cuối cùng”. 

Vốn căn cơ kỹ tính, ái nữ của một gia đình Hà Nội gốc Hải Dương nền nếp được ăn học đàng hoàng, vừa tốt nghiệp Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội đã đồng ý về dạy ở chốn ngày ấy còn rất heo hút Ba Vì, đơn giản bởi Trường Quảng Oai có giếng đá ong nước trong và mát, có hai hàng cây tuyệt đẹp bộ đội hành quân qua bao giờ cũng dừng lại nghỉ chân hóng gió. Bà lưu riêng một khoảng ký ức trong lành về Trường Quảng Oai, đó là nơi chốn ghi dấu ấn đậm sâu về mối tình của bà với nhà thơ Phạm Tiến Duật. 1 giờ đêm, cô giáo trẻ nằm co ro trong căn phòng tập thể, thảng thốt giật mình vì tiếng khẽ khàng “Vân ơi”.

Dường như biết tính cô giáo Vân khuya khoắt sợ ma, tiếng gọi cửa càng dồn dập với liên tiếp các câu chuyện chỉ riêng hai người biết: “Anh đây, anh Duật đây”. Cô giáo trẻ bàng hoàng thắp đèn mở cửa cho chồng, người đàn ông mảnh khảnh tóc bù xù quần áo quánh đặc bụi đất nồng nhiệt khoe: “Anh vừa đi bộ hơn 10 cây số từ Sơn Tây về tận Quảng Oai”.

Bà Nguyễn Thái Vân và nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ (Ảnh do nhạc sỹ Trấn Tiến chụp).

Đám cưới của bà và nhà thơ Phạm Tiến Duật, có tiệc ngọt  tổ chức tại phòng khách của gia đình nhạc sỹ Trần Tiến, có cả nhà thơ Xuân Diệu và vợ chồng ông Vũ Ngọc Phan - bà Hằng Phương tới dự mừng. Nhà thơ Xuân Diệu tặng một tập thơ chép tay, nhầm sao đó thừa ra một bài, nhà thơ nhanh ý chúc mừng không sao đó là biểu hiện của sự may mắn, sinh sôi nảy nở. Nhưng hình như, với bà, mọi điều lại không được hanh thông nhẹ nhõm như lời chúc phúc của nhà thơ lớn.

Ngày còn là sinh viên hát hay, thể thao giỏi, bà được lãnh đạo Đoàn Văn công Hà Tây coi mặt rồi mời mọc, hớn hở nhờ anh trai nghệ sỹ chính quy tư vấn, bị giội ngay gáo nước lạnh: “Văn công trung ương còn chưa ăn ai nữa là văn công địa phương. Vả lại, cô có học hành nghệ thuật gì đâu mà tơ tưởng”.

Ông anh Trọng Khôi mãi về sau này, cả khi đã thành nghệ sỹ lớn vẫn luôn có ảnh hưởng nhất định tới bà, cô em gái quen được chiều chuộng dù luôn chịu sự rèn cặp trong những khuôn phép nhất mực của gia đình: “Cô có biết nghệ sỹ là gì không, nghệ sỹ là mặt vàng như nghệ mà vẫn phải sĩ đấy”, ông Khôi lý luận, để trấn an cô em gái hay cả nghĩ về cái thi sỹ tính, nghệ sỹ tính của cả ông anh lẫn ông chồng nổi tiếng. Bà thì bảo chính nếp nhà gia giáo, lại thêm nghề nghiệp mô phạm đã khiến bà thành một thiếu nữ đứng đắn, một thiếu phụ đứng đắn, một người đàn bà nguyên tắc, khó lòng chấp nhận những bánh xe ngả nghiêng xiêu lệch ra khỏi tuyến đường ray định sẵn. 7 anh chị em, dưới sự cầm trịch của anh cả Trọng Khôi ngày còn quây quần bên bố mẹ, giờ cơm ai bận gì thì bận đột xuất đến đâu cũng phải mau chóng mà về, hoặc nhắn tin bằng mọi giá nếu không cả nhà cứ sắp chân bằng tròn ngồi đợi cho tới khi kẻ mải chơi hoảng hốt ló mặt mới thôi.

Nhà đông người, nhưng biết nâng niu bao bọc nhau, cô em gái kế bà mất ở tuổi gần 50 vì bệnh tim, ngày nằm viện, cả đại gia đình xúm vào thuốc thang chăm bẵm. Bà phụ nữ sức yếu nhận việc cơm nước chăm em ban ngày, “đến đêm thường có anh Khôi, anh Duật túc trực anh vợ em rể xách chè thuốc vào viện đàm đạo văn chương chữ nghĩa, thức canh người ốm ngủ, không nề hà câu nệ gì”.

Có gia đình riêng, bà những muốn đưa khuôn phép ấy làm ba rem định sẵn cho mái ấm của mình, muốn đơn giản một bữa cơm chiều đủ mặt bốn thành viên, có du di xê dịch cũng không vượt quá cái “lim”, cái giới hạn cuối cùng. Nhưng bà thú nhận rốt cục đã bất lực trong những toan tính ấy, biết rằng giới hạn cũng do con người tự đặt ra, mặc định với nhau, bản thân bà cũng không nhẫn nại kiên gan đợi chờ được như bố mẹ, đành quấy quả buông xuôi trước sự đi sớm về muộn và thói quen vắng mặt trong bữa cơm chiều của ông chồng thi sỹ. Bà tự biết nhà thơ vốn hồn nhiên, chẳng thèm ý tứ nhìn trước ngó sau gì nhiều trong cuộc sống, bà lại không thể vô tâm vô tính, thành ra hơi một tý lại đau đáu chạnh lòng. Bà nói với chồng: “Em có ngồi sau xe của ông nào đó cũng chẳng ai hay chẳng ai thèm ngó, nhưng anh chở cô gái lạ đi đến phố A lập tức có người A biết, lộn về phố B lại tiếp người B nhìn ra, cứ thế anh đi đến 10 phố thì tối về đã thành câu chuyện ông Duật hôm nay chở 10 cô trên đường”.

Nhà thơ nghe bà, tiếp thu rồi để đấy. Những va chạm thường ngày dồn ứ, bà mệt mỏi mà thi sỹ cũng không vui. Cảm giác chông chênh đeo bám, dai dẳng níu kéo, cái khốn khó của thời bao cấp thiếu thốn được giải thoát trong thời mở cửa, lại kéo theo bao nhiêu những dao động mỗi lúc một vòng sóng lan rộng hơn nhiều. Có lẽ chính những rời rạc vụn vặt không tên không đoán định, đã là căn nguyên sâu xa tạo nên dư chấn trong cuộc hôn nhân của bà, dù đến giờ bà luôn tự tin và hãnh diện nhủ lòng: Bà vẫn là vợ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, là dâu con trong dòng họ ấy và bà chưa thôi chăm chút, tỉ mẩn nâng giấc những ký ức mà chồng bà gửi lại nhân gian.   

2. Bà Vân buồn buồn tặc lưỡi cuộc đời bà là một chuỗi những lận đận.  Âu cũng tại số, cái căn cốt tiền định, được ghi tên từ muôn kiếp nào, con người nhỏ nhoi chỉ còn biết cam tâm chấp nhận, phẩy tay cho qua. Chuyển từ Ba Vì về Hà Nội, bà vẫn phải dạy ở một ngôi trường tận Cầu Diễn, xa nhà đến hơn chục km đường trong thời Hà Nội thiếu xe buýt và gia đình chưa có xe máy. Bà xin được dồn thời khóa biểu vào một buổi, tuần ba ngày tới trường, những ngày còn lại quẩn quanh trông coi 2 cậu con trai còn nhỏ.

Vận may tìm đến, tưởng đã xuôi gió thuận buồm, bà kể: “Anh Duật vốn nhiều người ngưỡng mộ, yêu quý, bạn văn bạn thơ bạn hâm mộ đông vô  cùng. Dịp đó có anh Cao Sỹ Kiêm mới từ Thái Bình lên Hà Nội làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến thăm gia đình bà và ngơ ngác sao nhà thơ đến như Phạm Tiến Duật mà đời sống riêng lại chật vật kham khổ nhường kia. Ông Kiêm, ông Oánh nhiệt tình, nằng nặc đề nghị bà chuyển công tác về Ngân hàng cho tiện đi lại và lương lậu khả dĩ hơn nhiều. Mọi người còn chu đáo xếp cho bà một vị trí bên Công ty Vàng bạc, địa chỉ ăn nên làm ra bậc nhất bấy giờ. Chạy trời không khỏi số, vòng luẩn quẩn bủa vây đeo đuổi bỡn cợt con người, bà vừa về cơ quan mới thì Nhà nước xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng bạc, tư nhân lao vào chiếm lĩnh thị trường và công ty của bà dần dần xập xệ, thu nhập ít đi theo lũy tiến lùi”.

Dẫu vậy, bà lại hờn tủi: “Tôi lận đận nhưng không thể bằng anh Duật. Đời này tôi chưa thấy ai tài hoa mà lận đận như anh ấy. Tốt nghiệp Đại học, anh Duật đi thẳng ra chiến trường. Lứa ấy cử nhân nhập ngũ chỉ được xếp ngạch binh nhất binh nhì. Khi rời khỏi Quân đội sau 14 năm tuổi trẻ, 14 năm phần lớn ở tuyến lửa, in dấu ấn lẫy lừng của cuộc đời mình trên muôn nẻo Trường Sơn, anh Duật cũng chỉ là trung úy”.

Rồi bà cười xòa, giờ thì tất cả những điều ấy không còn quan trọng với ông, cũng như những khúc quanh định mệnh trong hạnh phúc của bà, trong cuộc đời làm vợ nhà thơ Phạm Tiến Duật, thế gian có nhìn nhận suy diễn thế nào, bà cũng không rối lòng. Bà là vợ ông, mãi là vợ ông danh chính ngôn thuận. Bà đại diện cho ông xúng xính áo dài khăn quàng cổ lên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, bà thay mặt ông sắp giỗ cho bố mẹ chồng, lo toan việc họ và vun vén cho hai cậu con trai đều đã đề huề gia đình nhỏ. Bà đinh ninh là, đến lúc, có những câu chuyện riêng tư thầm kín sẽ được lộ sáng, và sự thật về những con người, những cái tên, những số phận nương theo Phạm Tiến Duật sẽ ngưng diễn, trần trụi dưới sức nóng của ánh mặt trời

Ngô Hương Sen
.
.