Tiếng lòng và giọt mưa xuân

Thứ Hai, 21/01/2008, 15:00
Hình như bước vào tuổi tri thiên mệnh, tinh hoa mới phát tiết, để 2 năm qua, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước - Tổng Biên tập Báo CAND - chuyên đề An ninh Thế giới, bỗng dấn thân vào nghiệp làm thơ, sáng tác nhạc, rồi đặt bước cả vào thế giới hội họa - những điều trước đây chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ làm.

Đến nỗi, chính anh nhiều lúc cũng tự ngạc nhiên về mình, không hiểu vì sao một biên kịch có nghề bỗng bay bổng trong những tứ thơ, đắm say với từng nốt nhạc và thăng hoa cùng muôn sắc màu của mỹ thuật.

Ngẫu hứng một cách tài tử, nên các tác phẩm của anh nhanh chóng được công chúng biết tới. Song, nhà văn Hữu Ước không tự nhận mình là nhạc sĩ, nhà thơ hay họa sĩ, mà với anh, đó chỉ là một cuộc chơi - chuyến rong chơi của người nghệ sĩ trên con đường kiếm tìm sự sáng tạo không có đích cuối cùng.

Tới đây, nhà văn Hữu Ước sẽ lại bước  vào một cuộc chơi mới, như một lần nhìn lại chính mình qua những tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là cách đón chào năm mới thật độc đáo của anh. Dĩ nhiên, sẽ là một cuộc chơi tự nhiên và ngẫu hứng như mong muốn của anh khi làm bất cứ việc gì. Một chương trình nghệ thuật với 7 đêm thơ - nhạc - họa được tổ chức vào thượng tuần tháng 3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sự lên tiếng của âm thanh

Bốn đêm đầu tiên mang tên "Ngẫu hứng Hữu Ước" sẽ đưa khán giả lắng trong những phút giây lãng mạn, nhưng cũng rất đỗi chân thành qua các ca khúc do anh sáng tác. 9 nhạc phẩm đã quen thuộc với người nghe trên sóng truyền hình VTV3 và VTV1 cũng sẽ xuất hiện trong chương trình này: "Mẹ tôi", "Lời ru cỏ non", "Lời hò hẹn cuối cùng", "Tiếng đêm", "Vỉa hè Hà Nội", "Nỗi buồn", "Em vẫn đợi" v.v… cùng nhiều bài thơ của nhà văn Hữu Ước đã được các nhạc sĩ phổ nhạc: "Ngày xuân nghe tiếng chuông chùa" (nhạc: Đăng Nước), "Trái tim tôi" (nhạc: Tuấn Phương), "Hạnh phúc" (nhạc: Quang Vinh), "Tình là" (nhạc: Đăng Nước). Hai đêm nghệ thuật tiếp nối có tiêu đề "Tiếng lòng và giọt mưa xuân", gồm các nhạc phẩm và thơ của nhà văn Hữu Ước và Tiến sĩ, nhà thơ Hoàng Quang Thuận - Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông Việt Nam.

Chương trình sẽ là điểm gặp gỡ của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời, tôn vinh những gương mặt vốn rất được khán giả yêu mến mà vì nhiều lý do, từ lâu, đã vắng bóng trên sân khấu và màn ảnh nước nhà.

Những đêm nghệ thuật này sẽ tạo một dấu nhấn độc đáo khi lần đầu tiên hội tụ 7 Nghệ sĩ Nhân dân tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật: NSND Thế Anh và NSND Đoàn Dũng - 2 gương mặt tiêu biểu của thế hệ vàng điện ảnh Việt Nam; NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, họa sĩ, NSND Doãn Châu - các đại diện của lớp diễn viên sân khấu hàng đầu và giọng ca thuộc hàng quý hiếm - NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ.

Điều đặc biệt ở chương trình này còn là, các nghệ sĩ hội tụ về đây, không chỉ để gặp gỡ với khán giả sau nhiều năm dài vắng bóng, mà còn cống hiến cho người xem những giây phút vô cùng thú vị.

Khán giả đã từng biết NSND Thế Anh qua các phim  "Nổi gió", "Mối tình đầu"; NSND Trọng Khôi với những vai diễn để đời trên sân khấu và điện ảnh như trong "Vua Lia", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Giông tố"; NSND Trần Tiến trong những vở diễn đậm dấu ấn như "Quẫn", "Âm mưu và hậu quả", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan"; Đoàn Dũng với "Rừng O Thắm", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" v.v… nhưng chắc chắn, với nhiều người, đây sẽ là lần đầu tiên được chứng kiến các nghệ sĩ cùng bước lên sân khấu, nhưng không phải để diễn mà là để hát, đồng ca hoặc đơn ca, những bài hát sôi nổi, đầy ắp sự trẻ trung, như tình yêu của họ với nghệ thuật: "Chúng tôi là nghệ sĩ", "Vỉa hè Hà Nội". Không chỉ là tác giả của các ca khúc trên, nhà văn Hữu Ước dự định sẽ tham gia chương trình với tư cách một ca sĩ.

Cùng với lớp nghệ sĩ gạo cội của sân khấu và màn ảnh, chương trình cũng thu hút nhiều đại diện của thế hệ ca sĩ trẻ - các giọng hát thuộc hàng ngôi sao ở khắp 3 miền từng biểu diễn thành công các sáng tác của nhà văn Hữu Ước họp mặt về đây: NSƯT Thái Bảo, NSƯT Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Quang Linh, Tấn Minh, Phương Anh và nhóm nhạc đang rất được yêu thích AC &M… Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, Nhà hát Ca múa Trung ương sẽ tham gia, càng nâng cao tính nghệ thuật, tính chuyên nghiệp của chương trình.

Dẫn chương trình của các đêm nghệ thuật đặc sắc này, ngoài MC xinh đẹp Mỹ Vân, còn có Hoa hậu đền Hùng - Giáng My.

Sự có mặt của đông đảo các nghệ sĩ, ca sĩ có thứ hạng đã chứng tỏ sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của giới nghệ sĩ với chương trình - chuyến rong chơi mới với nghệ thuật của nhà văn Hữu Ước. Mỗi đêm diễn sẽ mang đến một sắc màu, một hương vị riêng cho khán giả qua từng phong cách không trộn lẫn mà các nghệ sĩ đều dày công chuẩn bị cho chương trình, để hy vọng sẽ làm nên sức lan toả.

"Khi thanh âm cũng bất lực như lời"

Cùng với các nhạc phẩm, cũng trong dịp này, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà văn Hữu Ước còn mang đến triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của mình 35 tác phẩm được chọn lọc từ hàng trăm bức vẽ trong thời gian vừa qua: "Vũ điệu người và quỉ", "Kiến và cá", "Đốt cháy", "Thiếu nữ đội vương miện" v.v... 

Những thăng trầm của cuộc đời in đậm trong trái tim vốn rất nhạy cảm của Hữu Ước, nên nhiều bức tranh của anh mang nặng nỗi niềm thế sự với những mảng màu nhiều khi nóng đến dữ dội. Vẫn là thiên nhiên đấy, vẫn là phong cảnh đấy, mà chứa chất những triết lý nhân sinh sâu sắc: "Kẻ sĩ", "Vòng xoáy", "Chim lạc đàn"… Khi cảm xúc được thả lỏng hơn bên đĩa màu, đã cho anh có được "Tình yêu", "Khỏa thân" thật nhẹ nhàng và êm dịu.

Trong cuộc chơi với hội họa, việc cầm cọ cũng chỉ là một phương cách để nhà văn Hữu Ước giải tỏa cảm xúc, nghĩ suy luôn dồn nén, chật căng. Khi những rung động lên ngôi, anh thả mình trong niềm ngẫu hứng của sự cô đơn dằng dặc, để trải lên những sắc màu kia, nền vải kia tiếng nói sâu thẳm của con tim, như một sự tự lấp đầy, tự hoá giải.

Có lẽ, chính niềm cô đơn và sự ngẫu hứng mới làm nên một Hữu Ước đa tài. Sự lên tiếng của sắc màu "khi thanh âm cũng bất lực như lời" đã cho ra đời những họa phẩm đáng trân trọng, nhất là khi đó là kết tinh của trải nghiệm, sức lao động miệt mài và lòng đam mê nghệ thuật.

Trước giá vẽ, nhà văn Hữu Ước không câu nệ vào trường phái, phong cách, mà bất chấp sự chênh vênh, anh cứ tự do đi trên con đường sáng tạo của mình, bằng sức bay bổng của cảm xúc và khả năng trời cho. Nhiều lúc, anh phiêu diêu, bồng bềnh theo cảm xúc mà cũng không biết trước được nó sẽ dẫn dắt mình tới đâu. Điều đó, tạo cho tranh của anh có tiếng nói riêng, sự hòa sắc riêng, lắng sâu tình người và lay động cảm xúc người xem.

Trong 2 đêm "Tiếng lòng và giọt mưa xuân", khán giả Thủ đô còn được hoà mình vào hồn thơ da diết từ cái thú tao nhã "chơi thơ để nhẹ nỗi đau nhân tình" của nhà văn Hữu Ước và TS.

Hoàng Quang Thuận. Nhưng có phải là "Chơi thơ" không với những câu thơ mang tính nghệ thuật: "Lời ru của mẹ cất vào tuổi thơ", hay da diết đến đắm đuối: "Trái tim ơi, đã bao lần bỏ ngỏ/Chỉ để cho ai một lối vào" và "Em non mỏng tựa lá trầu/Nghiêng qua nghiêng lại làm câu thơ buồn"? Và liệu có còn là "chơi" nữa không trong những câu thơ khiến người đọc phải ngẫm ngợi, nghĩ suy đau đáu thế này: "Trời xa, đất có gần không?/Gọi mây, mây tản, gọi giông, giông buồn…/Thế nhân an phận thủ thường/Phù du một thoáng, xót thương một thì…"?

TS. Hoàng Quang Thuận, người đã ủng hộ bức tranh đá quí "Mùa xuân" cho đêm nghệ thuật từ thiện "Vì bình yên cuộc sống" do Báo CAND tổ chức để bán đấu giá được 1,5 tỷ đồng dành phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cũng sẽ mang đến "Tiếng lòng và giọt mưa xuân" những bài thơ đặc sắc rút trong tập "Thi Vân Yên Tử" của anh. Mỗi bài thơ như một bức tranh phong cảnh về đất Phật được vẽ bằng ngôn từ sinh động, tinh tế và hết sức lãng mạn: "Bức tranh thủy mặc dưới nắng vàng/Nhấp nhô như sóng triền đồi núi/Xa xa một dải Bạch Đằng giang" hay "Thu đến hồ thu nước đong đầy/Đồi thông lay động gió ngất ngây/Đông hàn gió lạnh đàn chim trú/Tiếng hạc ngang trời một cánh mây"...

Và tại đêm diễn có 4 ca khúc của các nhạc sỹ: Quang Vinh, Tuấn Phương, Đăng Nước... sáng tác trên lời thơ của Tiến sĩ, nhà thơ Hoàng Quang Thuận. Cũng trong dịp này, nhà văn Hữu Ước cũng cho ra mắt công chúng tập “Ngẫu hứng Thơ, nhạc, họa” và 1 CD với 9 ca khúc trữ tình như một món quà xuân dành tặng cho khán giả.

Chương trình sẽ khép lại bằng một đêm diễn mang nhiều dấu ấn cùng với các nhạc phẩm trữ tình, trong đêm thơ - nhạc - họa cuối cùng sẽ diễn ra hoạt động từ thiện như truyền thống tốt đẹp của Báo CAND trong những năm qua.

Toàn bộ số tiền vé bán được của 7 đêm nghệ thuật cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước sẽ được dành cho hoạt động từ thiện.

Dự kiến, ngoài số tiền dành để giúp đỡ các học sinh nghèo vượt khó và những người có hoàn cảnh khó khăn, Ban Tổ chức sẽ dành 1 tỷ đồng để ủng hộ việc trùng tu Yên Tử

Thái Hoàng
.
.