Tiền bạc phân minh

Thứ Ba, 16/12/2014, 15:39
Ái tình và tiền bạc, hai thứ ấy được người đời răn dạy phải rạch ròi, cái này phân minh, cái kia phải dứt khoát. Ái tình là chuyện cá nhân, dù rõ vậy mà tại sao bao đời nay người ta vẫn dính, vẫn bi lụy chỉ vì biết mà không sao dứt khoát được. Còn tiền bạc, tài chính, cá nhân không phân minh thì lụy một, tập thể không phân minh lụy mười, còn quốc gia mà để điều ấy lẫn lộn thì hệ lụy không gì đong đếm được.

Ngân sách và bữa cơm tháng 12

Tại sao cuối năm lại nói chuyện tình và bạc, điều ấy chẳng phải làm người ta luống cuống khó xử hơn? Để rõ ngọn nguồn, xin nhắc lại câu chuyện đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm kể trong phiên thảo luận kỳ họp Quốc hội vừa rồi.

Vị đại biểu TP Hồ Chí Minh phân trần, cuối năm, lãnh đạo Trung ương thường về địa phương dự họp tổng kết, phát động thi đua, kiểm tra công tác. Nhưng có cái lệ là địa phương sau khi báo cáo thành tích với các gam màu sáng chói thì thường cũng chốt lại còn khó chỗ này, vướng chỗ kia, rất mong được… Trung ương quan tâm năm tới cho thêm, bổ sung thêm. “Lãnh đạo đi làm việc địa phương thấy nơi nào cũng bức xúc, cũng xin xỏ, rồi vì nhiều lý do mà quyết cho. Không dám nói là tùy tiện nhưng làm như vậy là phân bổ không căn cơ, phân tán nguồn lực” – bà Tâm chốt. Quả thực điều ấy đã thành lệ và nhiều nơi còn có những “bí quyết xin tiền” rất cao tay.

Đây là một chuyện về “thuật xin vốn” cũng được nêu tại một phiên thảo luận ở tổ: Ở một tỉnh miền Trung, có tuyến quốc lộ vắt sang Lào được đầu tư cải tạo, nâng cấp từ dăm năm trước nhưng do nguồn vốn eo hẹp, mọi thứ phải dừng. Thấy nhiều lần “đệ đơn” không hiệu quả, lãnh đạo tỉnh nghĩ ra thuật mới: nhân khi có đoàn chức trách ở Trung ương về thăm, làm việc, lãnh đạo tỉnh bố trí đoàn đi cửa khẩu bằng chính đoạn đường gồ ghề nhất, đúng dịp mưa dầm lầy lội nhất (trong khi hoàn toàn có thể đi theo đường khác sẽ thuận tiện hơn nhiều). Vậy là “chuyến xe bão táp” đã khiến nhiều vị lãnh đạo thẩm thấu. Tất nhiên là còn những lý do cấp thiết khác nữa nhưng sau sự kiện ấy, người ta thấy tuyến Quốc lộ đã được rót vốn và hoàn thành hơn cả mong đợi…

Trong khi những công trình còn khát vốn đến vậy, địa phương bí quá phải dùng thuật xin cấp vốn (điều ấy có lẽ cũng nên nhìn nhận ở hai mặt) thì nhiều người vẫn thấy thường tình về chuyện đón rước, ăn nhậu linh đình. Tiến sĩ Trần Du Lịch dẫn ví dụ để thấy sự dễ dãi trong việc tiêu tiền ngân sách. Ông kể: “Tôi đi thăm một số nước vào cuối tháng 12, khi đó người ta không mời được cơm vì họ cho biết ngân sách chưa có (nguồn mới chưa về, nguồn cũ đã hết). Còn ở ta thì ăn nhậu vô tội vạ rồi vẫn quyết toán được”. Ông chốt: “Tôi nói thật sự, tôi không phải nghiên cứu nhiều nước, nhưng tôi không thấy ở đâu xài tiền tùy tiện như ta”. Nhiều người cũng ngán ngẩm khi mà chi phí cấp cho ăn nghỉ, họp hành nếu lấy từ ngân sách đều được quy định rất rõ hạn mức, vậy mà những tiệc nhậu rất tốn kém, linh đình vẫn có hóa đơn thanh toán từ… ngân sách!

Nhớ chuyện đồng tiền ném vào lửa

Xài tiền ngân sách, nhiều nơi gọi bằng từ cửa miệng là “tiền chùa”. Một khi ai đó vung tay quá trán, coi giá trị đồng tiền như không, người ta hiểu đồng tiền ấy tất không phải từ nguồn lao động chính đáng của họ mà có. Tôi nhớ câu chuyện dân gian răn dạy con người biết quý trọng đồng tiền rằng, nhà nọ có người con rất lười biếng nhưng ham thụ hưởng. Bố giao phải đi lao động kiếm tiền nhưng người mẹ vì thương con mà lần nào cũng giấu bố, cho con trai tiền. Khi ông bố hỏi, cậu con trai nhanh chóng rút tiền ra, nói dối đó là tiền do mình lao động mà có. Ông giận giữ vứt đồng tiền vào đống lửa đỏ rực, cậu chỉ khoanh tay cười. Lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. Đến một lúc người mẹ cũng không còn tiền cho nữa, cậu phải làm lụng rất vất vả mới có được đồng tiền đút túi. Lần này, khi bố cầm tiền vứt vào đống lửa, cậu quên cả nguy hiểm sục tay vào giật ra, lửa bén cả áo. Bấy giờ người bố mới ôm chầm lấy con trai và nói: “Đồng tiền đó đích thực do công sức lao động của con làm ra bởi có như vậy con mới biết quý trọng giá trị của nó”.

Câu chuyện ấy không thừa với bất kỳ môi trường cuộc sống nào. Bằng cảm quan đánh giá trong chi tiêu tiền bạc, người ta dễ nhận thấy giá trị từng đồng tiền ứng với cung cách người sử dụng nó để nhận biết nguồn tiền đó có tham nhũng, tiêu cực không. Đương nhiên, trong phương diện quản lý tài chính Nhà nước, không có việc cơ quan kiểm tra cầm tiền vứt vào đống lửa để kiểm nghiệm tiền bạc mà nhiều quan chức “xài như nước” để tìm đáp số đó là tiền tham nhũng, chiếm đoạt hay đồng tiền từ sức lao động khó nhọc mà ra. Ở tầm vĩ mô, tài khóa đất nước nếu không có phương pháp quản lý thắt chặt, không công khai, minh bạch thì chính nó là môi trường dung dưỡng tham nhũng, tiêu cực phát triển, khó có thể kiểm soát.

Các ngân hàng đang tiến hành siết chặt quản lý giao dịch, cho vay đảm bảo chặt chẽ.

Công khai gắn minh bạch: Chìa khóa chống “thụt” tài chính công

Trong báo cáo “Đánh giá minh bạch tài khóa của Việt Nam” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, các chuyên gia của WB cho rằng: Việt Nam đã tiến xa trong việc minh bạch tài khóa, tiến được một bước dài trong việc cải thiện minh bạch về chính sách tài khóa và ngân sách Nhà nước kể từ cuối thập kỷ 90 - thời điểm các văn bản ngân sách vẫn được coi là bí mật Nhà nước. Với những thành tựu về cải cách quản lý tài khóa, hiện nay nhiều dữ liệu ngân sách đã được công khai ra công chúng. Tuy vậy, nhiều hoạt động hiện đang nằm ngoài vấn đề tài khóa cốt lõi - bao gồm các quỹ ngoài ngân sách, chi đầu tư ngoài ngân sách, và doanh nghiệp Nhà nước. WB cảnh báo, việc chưa đưa những hoạt động đó vào phân tích ngân sách tổng thể có thể gây méo mó đến các quyết định chính sách tài khóa và gây hạn chế về khả năng tiếp cận của công chúng đến phạm vi đầy đủ về thâm hụt tài khóa, gánh nặng thuế.

Vì những lẽ đó, trong dự án Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi, yêu cầu công khai, minh bạch tài chính, ngân sách là điểm mấu chốt. Ở đây có hai vế: công khai gắn với minh bạch. Hiện nay, việc công khai NSNN đã có nhưng chưa quy định công tác đánh giá, giải trình số liệu công khai dẫn đến việc công khai còn thiếu minh bạch và chưa được các tổ chức và nhân dân giám sát chặt chẽ.

Bộ Tài chính là một trong các đơn vị thực hiện tốt nhất với nhiều thông tin công bố nhất với công chúng, nhưng theo WB thì chỉ có khoảng 10% số công chúng hiểu được thông điệp và những thông tin đã được công khai. Điều này dẫn đến tình trạng mâu thuẫn là những số liệu được công bố không giúp người dân hiểu và có khả năng giám sát, tức đồng nghĩa với việc NSNN được công khai nhưng vẫn thiếu minh bạch. Để giải quyết tình trạng này, dự thảo Luật NSNN bổ sung quy định: Báo cáo quyết toán của đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp trên, ngân sách các cấp phải kèm theo thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, lĩnh vực, chương trình, mục tiêu được giao phụ trách.

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ (tổ chức đầu tháng 12/2014), đề cập nhiệm vụ năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định: Phòng chống tham nhũng tiếp tục là một trong những ưu tiên trong thời gian tới với hai giải pháp lớn là hoàn thiện kinh tế thị trường gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách, doanh nghiệp nhà nước... Điều này cũng đã được ghi trong Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2015. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát. Nghị quyết yêu cầu rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công, giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài…

Với những nội dung siết chặt chính sách tài khóa như vậy cho thấy chủ trương, quyết tâm lớn của Quốc hội, Chính phủ. Dù vậy, để thay đổi một thói quen “thích xài của công” không dễ một vài năm mà chuyển được, cũng như thói ăn cắp vặt khó bỏ ở ngay cả những người vốn chẳng nghèo hèn gì…

Mai Nhi
.
.