Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Lực lượng CAND

Thực sự vì dân

Thứ Hai, 13/10/2008, 15:00
Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ phải nhằm mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh.

Trong tác phẩm "Phép dùng binh của ông Tôn Tử", viết năm 1943 nhưng xuất bản tháng 2/1945 tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã nhấn mạnh khi diễn giải những ý tưởng quân sự của danh tướng Trung Hoa cổ đại rằng, được lòng dân là yếu tố cần thiết đầu tiên để giành chiến thắng: "Tất cả dân đồng tình với ta, có thể cùng sống chết mà không sợ nguy hiểm". Bác cũng dẫn lại lời của Khổng Minh: "Trước hết, cốt lấy lòng dân, thứ hai mới cốt lấy thành trì của địch".

Thế nhưng, khác với các thủ lĩnh chính trị của những thời đại khác, trong ý niệm thường trực của Bác, người dân không chỉ là những ngọn gió để đẩy thuyền lên hay lật thuyền xuống mà là đối tượng cần được hướng tới, yêu thương, chăm lo, những người có quyền được tự do, bình đẳng và sống trong những điều kiện xứng đáng với kiếp nhân sinh.

Ngay trong những bước đầu tiên đi trên con đường cách mạng cứu nước, cứu giống nòi, những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc đã xác định rất rõ ràng quan điểm mang nặng tính truyền thống của phương Đông: "Dân duy bang bản, Bản cố bang ninh" (Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên, trích từ sách Hạ Thư đời Hán).

Càng đi nhiều, càng biết nhiều, những người chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Ái Quốc càng trung thành và chung thủy hơn với mục đích cứu nước, cứu dân, lấy đại đoàn kết toàn dân làm gốc. Và cũng chính nhờ biết xây dựng khối đoàn kết toàn dân, "lực lượng vĩ đại hơn hết", nên những người Cộng sản, đứng đầu là Bác Hồ vĩ đại, đã lãnh đạo thành công đất nước đứng lên đánh đổ các ách thống trị thực dân và phát xít, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng xã hội mới trên nền tảng của những tư tưởng cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa.

Lại nói theo lời Bác Hồ, "đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta". Từ nhân dân mà ra và cùng nhân dân mà chiến thắng - đó là một trong những  bài học lớn của Cách mạng Tháng 8/1945, của toàn bộ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Một nhân dân đã được giác ngộ và đi theo Đảng Cộng sản rõ ràng đã là cái gốc của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà trong bản "Tuyên ngôn độc lập" do Bác Hồ đọc trong Lễ Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, những từ được nhắc tới thường xuyên nhất là "đồng bào ta", "dân ta", "nhân dân ta" và "toàn dân Việt Nam"...

Cũng chính vì nhân dân là cái gốc của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam  dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản nên mọi hoạt động của chính quyền mới đều xuất phát từ tình yêu nhân dân sâu sắc và nhằm mục đích vì hạnh phúc của nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Làm cho nhân dân được tự do hạnh phúc mới là mục đích cuối cùng của cách mạng và của những người cộng sản Việt Nam.

Mô hình xã hội tốt nhất là mô hình mà trong đó, mọi cơ chế và chế độ đều nhằm mục đích tạo điều kiện để cho người dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, của tổ quốc mình. Khác đi tức là đã chệch hướng, đã như "cây lìa cội".

Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân nhưng luôn là một bộ phận khăng khít của dân tộc và ở trong nhân dân chứ không phải ở trên dân tộc hay nhân dân. Có thế, Đảng mới thực sự là sự chọn lựa tốt nhất của dân tộc, của nhân dân. Điều này đã được Bác Hồ quán triệt ngay từ những ngày đầu tiên của chế độ mới.

"Dân chủ" đã là một trong những từ được Bác Hồ nhắc tới nhiều nhất trong các bài viết của Người trong những năm đầu của chế độ mới và cả sau này nữa. Bác luôn nhấn mạnh tới khối thống nhất giữa nhân dân và chính quyền cách mạng, giữa nhân dân với Đảng Cộng sản.

Ngày 17/10/1945, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, Bác viết: "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"...

Thực sự thương dân nên Bác luôn đặt ra cho chính quyền Cách mạng nhiệm vụ chính yếu và trên hết là hành động vì quyền lợi chân chính của dân. Theo quan niệm của Bác, Chính phủ không thể có mục đích phấn đấu gì hơn ngoài mục đích phục vụ nhân dân tận tụy, công tâm.

Trong bài "Chính phủ là công bộc của dân", viết ngày 19/9/1945 với bút danh Chiến Thắng, Bác đã xác định ngay nhiệm vụ và đặc tính căn bản của chính quyền cách mạng: "Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19/8/1945, nói tới hai chữ Chính phủ, người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta là "người anh cả" trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào.

Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ phải nhằm mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh". Rất giản dị nhưng rất chính yếu và luôn luôn đúng đắn!

Lo cho dân, cho nước luôn là nỗi niềm canh cánh năm canh của Bác Hồ trong mọi giai đoạn của cuộc đời Người. Theo hồi ức của đồng chí Lê Giản, nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an, ngay từ lúc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, chuẩn bị rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội để xây dựng chính quyền mới, Bác đã dặn dò: "Nhân dân bao năm nhường cơm sẻ áo cho mình thì mình phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho nhân dân. Các chú thấy đồng bào ở đây còn lạc hậu lắm, người ở trên sàn, dưới nuôi súc vật mất vệ sinh, vì vậy các chú phải ở lại chăm lo cải thiện đời sống cho nhân dân, để đồng bào ở đây cũng được hưởng thành quả của cách mạng".

Là một lãnh tụ, Bác Hồ luôn có tác phong sống và làm việc gần với nhân dân, sâu sát với cuộc sống của người lao động. Và nhờ thế, nên Bác Hồ luôn biết cách tìm ra những vấn đề có lợi nhất cho dân, cho nước, ngay cả trong những tình huống tưởng chừng như quá nan giải.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong bài viết "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", Bác đã đề cập tới vấn đề cải thiện dân trí cho thích hợp với chế độ mới: "Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập... Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH...".

Cũng chính vì tình yêu thương thực sự bao la với nhân dân nên trong mọi chuyện liên quan tới đời sống nhân dân và đất nước, Bác đều muốn tìm hiểu thấu đáo sự thật. Trong mọi trường hợp, Bác đều muốn trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ để biết rõ tâm trạng, suy tư thực của họ.

Một lãnh tụ lịch duyệt và từng trải như Bác không thể nào không biết đến những tích ngụ ngôn về các chuyện "giả lễ chúa Mường" Đông Tây kim cổ. Thí dụ như chuyện Nữ hoàng Nga Ekaterina có lần đi kinh lý xuống địa phương, bị ông quan sở tại là Potiomkin "qua mặt" bằng cách dựng lên hàng loạt bức tranh quang cảnh xóm thôn trù phú, thịnh vượng để nữ hoàng tưởng rằng đất nước mà bà đang trị vì phát triển lắm (trong tiếng Nga, thành ngữ "Làng xóm của Potiomkin" về sau đã được dùng để chỉ tất cả những trò dối trên lừa dưới như thế).

Bác hẳn cũng biết một thủ lĩnh phương Đông, cũng trong một lần xuống kinh lý địa phương, cứ tưởng mùa màng bội thu lắm vì các cán bộ lãnh đạo ở đó đã buộc người dân nhổ lúa đến trồng ở hai bên đường san sát, mặc dù sau đó thì lúa chết, làm thiệt hại vô kể...

Công Lâm
.
.