Thực hiện phỏng vấn trong Nhà Trắng

Thứ Tư, 01/09/2010, 14:00
Nhà báo Nga Mikhail Gusman hiện là Phó Tổng giám đốc thứ nhất Hãng Thông tấn ITAR-TASS. Ông sinh năm 1950. Từng nhiều năm làm phóng viên quốc tế. Là tác giả kiêm người dẫn chương trình "Công thức quyền lực" với các nhân vật là các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhờ chương trình này ông đã được tặng thưởng Giải thưởng Quốc gia LB Nga trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong bài trò chuyện mới đây với phóng viên tạp chí Itogi, Gusman đã kể lại về những lần ông tổ chức phỏng vấn cựu Tổng thống Mỹ George Bush (con) và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Gusman kể:

"Cuộc đối thoại với Tổng thống Bush (con) diễn ra nửa năm sau tấn thảm kịch 11/9/2001. Trong giai đoạn đầu, nếu nói một cách thẳng thắn, tôi không mấy hy vọng vào việc sẽ có một cuộc gặp với vị Tổng thống Mỹ thứ 43, phải có tới 10 nghìn lời yêu cầu như thế từ khắp thế giới gửi tới đang đứng xếp hàng trong Nhà Trắng. Thêm vào đó trước chuyến thăm đầu tiên của ông ấy tới Moskva đã hình thành một đoàn dài những người muốn gặp gỡ và phỏng vấn ông ấy. Chúng tôi cũng bị lẫn trong số đó. Nhưng chẳng bao lâu đã rõ một chi tiết quan trọng, ít ra là đối với tôi.

Tại Mỹ, quyết định xem ai là người được ông chủ Nhà Trắng trả lời phỏng vấn không phải do bộ phận quan hệ báo chí một mình quyết định mà phải nghe cả ý kiến của Hội đồng An ninh Quốc gia và ý kiến cuối cùng thuộc về Cố vấn Tổng thống về an ninh quốc gia.

Cương vị này khi ấy do bà Condoleezza Rice đảm nhiệm (bà giữ cương vị này trong giai đoạn từ năm 2001 tới năm 2005). Như vậy là lời phán xử cuối cùng - yes hay no - chúng tôi phải chờ từ chính bà này. Tôi được biết về việc cuộc gặp với nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào thời hạn được quy định chặt chẽ nào đó chỉ trước gần hai tuần.

Tới một thời điểm nào đó tôi bỗng nảy ra một ý tưởng mà tôi có cảm giác là cũng thú vị. Nên chăng ngoài việc phỏng vấn ông Bush (con) cũng nên phỏng vấn cả cha ông, vị Tổng thống Mỹ thứ 41? Và tiện thể cũng phỏng vấn cả em trai ông, Thống đốc Gleb Bush của bang Florida, nơi mà các lá phiếu của cử tri đã đóng vai trò then chốt trong chiến thắng của vị Tổng thống thứ 43?

Và tôi cũng rất muốn được trò chuyện với cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ quốc, thân mẫu của ông Bush (con), bà Barbara tóc trắng như cước mà trong gia đình mọi người đều kính cẩn gọi là "Silver Fox" (Mẫu hậu Hồ Ly bạc tóc). Sẽ rất thú vị khi được trò chuyện với một người phụ nữ vừa từng là bà chủ Nhà Trắng, vừa là mẹ của đương kim Tổng thống Mỹ và của một Thống đốc bang. Trên khắp thế giới chưa từng có, đang không có và chắc gì sẽ có một người phụ nữ thứ hai như thế.

Thêm vào đó, tôi còn được biết là vị Tổng thống Mỹ thứ 43 rất "em chã" theo ý nghĩa tốt của từ này. Vì người cha quá bận bịu với công việc chính trị nên mọi việc trong gia đình, trong đó có cả việc dạy dỗ con cái, đều do người mẹ đảm trách. Và ông Bush (con) đã là đứa trẻ được mẹ yêu quý nhất nên ông cũng rất gắn bó với mẹ. Thậm chí, rất sùng kính mẹ. Bởi vậy tôi muốn xây dựng chân dung ông Bush (con) trong cả cách nhìn của những người thân thích nhất...

Và khi tới gặp bà Condoleezza Rice, tôi đã mạnh dạn nêu ra ý định mà tôi cho là rất tuyệt này. Bà Rice, sau khi nghe tôi nói xong, im lặng một hồi đầy hàm ý rồi đáp: "Ngài Gusman à, chúng ta hãy thống nhất với nhau nhé: Tổng thống của chúng tôi là trẻ mồ côi!". Bà Rice đã nói câu này với vẻ mặt rất bình thản, tự tin, quả quyết đến mức không chấp nhận bất cứ một phản bác nào.

Tóm lại, bằng cách này hay cách khác người ta đã buộc tôi phải hiểu rằng, thời của ông George Bush (cha) đã trôi qua. Và bây giờ là thời đại Tổng thống mới của  con trai ông ấy. Và chính vì thế nên bất cứ một nỗ lực nào ghép câu chuyện với thân nhân của vị Tổng thống thứ 43 vào bài phỏng vấn ông ấy vô tình hay hữu ý sẽ gợi lên những liên tưởng và so sánh không cần thiết.

Bà Condy, như những người bạn thân thiết vẫn gọi bà Condoleezza Rice, đã gây một ấn tượng mạnh mẽ với tôi như một nhân vật đầy sức nặng. Ở bà ấy vừa có một sức hút nữ tính to lớn của người dù đã không còn trẻ nhưng vẫn còn đủ hấp dẫn, lại vừa thông minh và có học vấn cao. Ở bà ấy có cả niềm kiêu hãnh của một phụ nữ Mỹ gốc Phi, được nhân lên với sự tự tin cao độ của một con người công thành danh toại.

Trước khi gia nhập đội hình của ông Bush (con), từ năm 1993 tới năm 1999, bà Rice gần như đã là vị hiệu trưởng trẻ nhất của Đại học Stanford, một trong những học đường có uy tín cao hàng đầu nước Mỹ. Thêm vào đó, bà ấy còn là một người tinh thông âm nhạc; điều này cũng giúp bà thêm phần thượng lưu tinh tế. Bà đã biết nhạc lý từ năm lên ba.

Cha mẹ bà đã muốn con gái mình lớn lên trở thành nữ nghệ sĩ biểu diễn đàn dương cầm (cái tên Condoleezza là biến thể của thuật ngữ âm nhạc tiếng Italia, chỉ trạng thái chơi đàn dịu dàng)... Nhưng cuối cùng thì bà Rice lại chọn con đường hoạt động chính trị...

Nói chung thì tôi không bao giờ bị "rén" khi gặp những nhân vật quyền cao chức trọng. Nhưng khi ta được tiếp xúc với những người xuất chúng thì ta luôn cảm thấy mình bị họ cuốn hút. Về phần bà Rice thì tôi không hề hoài nghi gì việc đó là một người xuất chúng.

Tôi cũng không cho rằng bà ấy tạo ra ấn tượng như một "bà đầm thép" - dù thế nào thì biệt danh ấy vẫn chỉ là của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher... Nhưng bà Rice quả thực đã tạo ra ấn tượng về một người phụ nữ mạnh mẽ. Và, tôi xin nhắc lại, rất hấp dẫn. Tôi nhớ lại một câu nói mà người ta cho là của cố Thủ tướng Israel, Ariel Sharon: "Tôi sẵn sàng nhận bà Condoleezza Rice vào nội các của mình chỉ vì đôi chân của bà ấy!".

Ông Gusman đã được vợ chồng Tổng thống Bush dẫn tới tham quan phòng bầu dục nổi tiếng trong Nhà Trắng. Ông kể: "Vật đầu tiên đập vào mắt là cái bàn cổ kính kích cỡ khổng lồ. Như người ta giải thích với tôi, cố Tổng thống John Kennedy đã rất thích làm việc bên cái bàn này.

Sau khi ông Kennedy bị ám sát và Lyndon Johnson lên nắm quyền, cái bàn này bị vứt vào tầng hầm.  May mà nó vẫn chưa bị phá bỏ. Khi đảng viên đảng Cộng hòa Bush (con) vào Nhà Trắng, việc đầu tiên là ông ấy sai mang cái bàn đó đặt đúng vào chỗ cũ trong phòng bầu dục, như trong thời của đảng viên đảng Dân chủ Kennedy.

Tôi còn nhớ cả tấm thảm ở đó vì bức họa trên tấm thảm này do chính bà Laura Bush chọn. Và tôi còn nhớ cả bức tượng nhỏ Winston Churchill. Cố Thủ tướng Anh đã luôn là thần tượng của ông Bush (con). Tổng thống Bush (con) cũng chỉ cho tôi nhìn thấy bức ảnh hai cô con gái của ông. Và đặc biệt là bức ảnh mẹ của ông...".

Cũng trong phòng bàu dục ở Nhà Trắng, nhà báo Gusman đã nhớ tới lần gặp trước với ông Bush (con) khi ông còn là Thống đốc bang Texas. Chuyện xảy ra khi ông Bill Clinton mới tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 vài tháng. Lúc đó còn chưa ai nghĩ tới nhân vật sẽ trở thành người kế nhiệm vị Tổng thống Mỹ thứ 42.

Chính nhà báo Nga Gusman đã nói với ông Bush rằng ông sẽ là người có thể ra tranh cử để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 43... Gặp lại nhà báo Nga trong Nhà Trắng, ông Bush (con) đã nhắc lại chi tiết này... Nhà báo Gusman còn nhớ, trong câu chuyện với ông ở Texas, ông Bush (con) đã nhắc tới mẹ 9 lần mà chỉ nhắc tới cha có độc một lần...

Nhà báo Gusman cũng nhận xét rằng, Nhà Trắng không phải là công trình có quá nhiều diện tích cho các hoạt động của bộ máy làm việc của Tổng thống Mỹ. Nơi được chọn để Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn cho các nhà báo Nga là căn phòng không lớn, gọi là phòng bản đồ vì ở đây có treo tấm bản đồ chiến sự từ thời thế chiến thứ hai.

Ông Gusman nhận xét là, không giống như tin đồn vẫn được lưu truyền trên phương tiện thông tin đại chúng Mỹ, trong trò chuyện, ông Bush (con) không phải là người ăn nói tẻ nhạt mà khá thú vị, với sự tự trào cao. Chính vì thế ông Gusman đã hoàn thành được bộ phim "Laura và George" sinh động về vợ chồng vị Tổng thống Mỹ thứ 43 nhân dịp ông Bush (con) tròn 60 tuổi (tháng 7/2006). Ông Vladimir Putin khi còn là Tổng thống Nga, đã gửi tặng ông Bush (con) bộ phim này...

Trong bộ phim này, ông Bush (con) hiện lên như một người rất yêu vợ. Ngay cả khi trở thành Tổng thống Mỹ rồi, ông Bush (con) vẫn thường trở dậy vào lúc 5 giờ sáng và tự tay pha cà phê cho vợ...

Nhà báo Gusman cũng đã có dịp phỏng vấn vị Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama vài tháng sau khi ông này chính thức vào Nhà Trắng. Cuộc trò chuyện cũng diễn ra tại phòng bản đồ như trong thời của ông Bush (con).

Nhà báo Gusman kể: "Tôi có cảm giác rằng, phong cách làm việc trong bộ máy của ông Bush (con) cứng rắn hơn so với của ông Obama. Có lẽ bởi vị Tổng thống Mỹ thứ 43 khi gặp gỡ với chúng tôi đã ở trên đỉnh cao quyền lực một thời gian không ngắn và sự phối hợp công việc trong bộ máy của ông ấy đã ổn định rõ ràng. Thí dụ, khi chúng tôi phỏng vấn ông Bush (con) thì có một nhân viên được đặc biệt cử ra chỉ để làm việc cầm đồng hồ bấm giờ theo dõi để chúng tôi phải thu xếp câu chuyện trong đúng khoảng thời gian đã được cho phép...

Bộ máy của ông Obama ở thời điểm trả lời phỏng vấn chúng tôi mới bước vào Nhà Trắng chưa lâu nên đang trong giai đoạn hình thành các kỹ năng và thói quen làm việc. Nói chung ở Mỹ có quy tắc thế này: khi thay đổi Tổng thống thì chỉ thay đổi đội hình nhân sự cao cấp.

Các nhân viên ở cấp trung và cấp dưới vẫn được giữ nguyên. Những người này lắm khi làm trong Nhà Trắng tới vài ba thập niên liền nên rất thạo việc. Thí dụ, Tổng thống mới thì có thư ký báo chí mới nhưng những nhân viên cấp dưới nhân vật này thì vẫn là những người cũ. Họ quá quen mặt các phóng viên từng phỏng vấn các ông chủ Nhà Trắng...".

Nhà báo Gusman nhận xét, nếu so sánh hai vị Tổng thống Mỹ Bush (con) và Obama thì có thể thấy, đây là hai nhân vật gần như trái ngược nhau. Nếu ông Bush (con) khi trả lời phỏng vấn báo chí đôi lúc có thể bộc lộ cảm xúc cá nhân khá ngẫu hứng thì ông Obama tỏ ra điềm đạm và kín đáo hơn. Và như cũng khô khan hơn.

Nhà báo Gusman cho rằng, sau khi hết nhiệm kỳ trong Nhà Trắng, ông Obama sẽ rất thích hợp với việc làm hiệu trưởng một trường đại học danh giá nào đó ở Mỹ: "Ông Obama có dáng vẻ của một nhà truyền giáo. Nhìn theo góc độ này, ông Bush (con) có vẻ như trần tục hơn..."

Hoàng Long
.
.