Thống nhất trong đa dạng

Thứ Năm, 26/11/2015, 15:24
Việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN (vào ngày 31-12-2015) và Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 “Cùng vững vàng tiến bước” là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết của ASEAN.


Tuy nhiên, đây không phải là một tổ chức siêu quốc gia và hiệu quả các cam kết cũng chỉ xác lập chủ yếu bằng niềm tin chính trị. Những phức tạp, bất ổn trong khu vực để được giải quyết rất cần tiếng nói chung của các nước trong khối nhưng không có nghĩa có cộng đồng là có trọn niềm tin.

Sáng 22/11 tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 và Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 “Cùng vững vàng tiến bước”. Đây là hai văn kiện mang tính lịch sử đối với tiến trình liên kết và phát triển của ASEAN sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân 10 nước Đông Nam Á mà cả cộng đồng quốc tế.

Sự kiện này khẳng định vị thế mới của Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế, biểu thị mạnh mẽ cam kết của ASEAN sẽ nỗ lực củng cố vững mạnh Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu chung hòa bình, ổn định và phát triển. Với chúng ta, xây dựng một ASEAN đoàn kết, liên kết, vững mạnh và có vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực luôn là lợi ích chiến lược của Việt Nam. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn nhất quán đóng góp một cách chủ động, tích cực, trách nhiệm cho các mục tiêu ưu tiên này.

Như vậy, sau 48 năm hình thành và phát triển, ASEAN từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, không có tiếng nói trọng lượng ở Đông Nam Á đã vươn lên trở thành một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. 

Nhìn lại, ASEAN ra đời là một xu thế chung - xu thế tất yếu khu vực hóa của thời đại. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia ở Đông Nam Á dần nhận thấy sự khác biệt về ý thức hệ và về chế độ chính trị không còn là yếu tố gây trở ngại cho tiến trình xây dựng một tổ chức khu vực nữa.

Lãnh đạo các nước ASEAN tại lễ ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, ngày 22-11-2015.

Năm 1984, Brunei gia nhập ASEAN, tiếp theo là Việt Nam vào năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999. Với chặng đường phát triển, ASEAN từ Hiệp hội của các nước nghèo, chậm phát triển đã vươn lên thành khu vực phát triển kinh tế năng động. ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với tổng GDP 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua), không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn.

Với vị thế địa - kinh tế mang tính chiến lược như ASEAN nằm ở vị trí nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ASEAN cũng có thể được xem là vùng đệm giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản. ASEAN là con đường vận chuyển thương mại lớn của thế giới (80% dầu lửa của Nhật Bản), là vựa lúa của thế giới (Thái Lan và Việt Nam)… ASEAN đã trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á, hợp tác của ASEAN đã bao trùm các lĩnh vực hợp tác nội vùng và với các nước bên ngoài.

Quyết định hình thành Cộng đồng ASEAN là minh chứng sống động nhất về nỗ lực của các nước thành viên vượt qua các rào cản và sự khác biệt để đạt được nhận thức chung, cùng chung tay xây dựng một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng” cũng như ý chí và quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực.

Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak nhấn mạnh sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một bước tiến lịch sử trọng đại của ASEAN. ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn liên kết nội khối, nâng cao năng lực ứng phó chung trước nhiều thách thức đang đặt ra, nhất là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, các thách thức về môi trường, thiên tai, thảm họa, khủng bố…

Quyết tâm chính trị của các nước thành viên, phương cách ASEAN, chia sẻ tầm nhìn chung, các giá trị và chuẩn mực và lợi ích chung là những yếu tố dẫn tới thành công. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã ký Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây là văn kiện chủ đạo, làm cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới. 

Định hướng bao trùm của Tầm nhìn là củng cố và nâng tầm liên kết ASEAN một cách toàn diện và sâu rộng hơn trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. ASEAN sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, nhất là các bên đối thoại; nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn khu vực hiện có; phát huy vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc khu vực, đồng thời tăng cường vai trò và đóng góp toàn cầu…

Trong Tuyên bố thành lập, các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung. Đồng thời nhấn mạnh mong muốn nhằm tiến tới một ASEAN thực sự dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi các dân tộc tiếp tục tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN.

Tuy nhiên, việc hình thành Cộng đồng ASEAN không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ xây dựng một khu vực tạo điều kiện dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động có tay nghề. 

Sự hình thành cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra cơ hội lớn cả về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... cho các nước trong khu vực, ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn với 625 triệu dân, hàng hóa và lao động kỹ thuật cao tự do di chuyển giữa 10 nước Đông Nam Á, tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển. Đây mới chỉ là điểm khởi đầu, còn để hội nhập và chung sống trong cộng đồng rộng lớn này, mỗi quốc gia và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển.

Có tiếng nói chung từ liên kết cộng đồng, nghĩa là sức mạnh ASEAN tăng lên, nhưng đồng thời trách nhiệm mỗi quốc gia và của cả cộng đồng cũng rất nặng nề. Những nỗ lực thúc đẩy sự hội nhập và xây dựng ý thức cộng đồng giữa các chính phủ cùng 625 triệu người dân khó thực hiện được cùng lúc. Các bên cần phải đẩy mạnh việc này trong những năm tới để thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới trong khối ASEAN. Đặc biệt, ASEAN cần tăng cường hợp tác trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực, nỗ lực phát huy đoàn kết thống nhất trong cộng đồng, tích cực chủ động trước các thách thức và hoạt động hiệu quả trên nền tảng tổ chức theo luật định.

Tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, tác động tới ASEAN cả mặt thuận và không thuận. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần củng cố vững chắc đoàn kết, thống nhất làm điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và thành công chung của cộng đồng, nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả và kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Vấn đề nóng bỏng hiện nay liên quan đến an ninh, hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng là nhiệm vụ quan trọng của ASEAN chính là giải quyết những bất đồng, tranh chấp ở biển Đông. Những diễn biến phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi ASEAN cần tiếp tục thể hiện tiếng nói chung và vai trò chủ động trong vấn đề này nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không. 

Các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. ASEAN cần phải nỗ lực hơn trong việc đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông chứ không chỉ là những tuyên bố trên giấy tờ, phải thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là cụ thể hóa Điều 5 và đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

An Nhi
.
.