Thế vẫn còn chưa đủ?

Thứ Bảy, 17/02/2007, 14:00

Đã vào buổi cởi mở, những gì được coi là nóng bỏng trong nghệ thuật sẽ không còn rào cản về mặt tư tưởng, nếu nó thực sự cần thiết cho tác phẩm. Nhưng, những cảnh sexy trong các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu trầm trọng và thừa vô biên. Vậy nên, nóng thế vẫn còn là chưa đủ!

Cảnh nóng trong phim - thừa và thiếu

Bộ phim "Vũ điệu tử thần" của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đang quay, trong đó sẽ có những cảnh rất… sexy vì liên quan đến vũ trường, những cảnh quay về các cô gái nhảy. Thanh Thúy, cô diễn viên quen thuộc với những vai ngoan hiền đã không ngần ngại vào vai cô gái nhảy với những cảnh hết sức nóng bỏng. Cô tâm sự, đó chỉ là làm phim thôi. Nhìn trên phim thì hấp dẫn như vậy, chứ ở trường quay thì đầy cách rách, bao nhiêu thứ che chắn và tràn ngập đèn và máy quay.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì tuyên bố, bộ phim của anh sẽ có 100 phút của sexy, của ma túy, của những pha hành động. Sexy nhưng không rẻ tiền, đó là mục tiêu mà anh hướng tới, không ngại sự kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim. Một thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng cho rằng, không có quy định nào cấm những cảnh nóng trong phim cả. Ai cũng biết, cảnh nóng là một yếu tố gây hấp dẫn cho một bộ phim, đặc biệt là dòng phim thương mại. Nhưng cảnh nóng đó có hợp lý hay không, đó mới là điều đáng nói.

Ví dụ như phim "Đẻ mướn", quá nhiều cảnh nóng bỏng được dàn dựng công phu, nhưng lại không nằm trong kết cấu chặt chẽ của câu chuyện. Và thế là những cảnh ấy buộc phải cắt bớt. Rõ ràng, đây là một tình trạng… thừa cảnh nóng mà lại thiếu sự hợp lý. Hay như phim "Những cô gái chân dài", hình ảnh tắm nude của nhân vật chính và những cảnh tình cảm đồng tính của nhân vật Khoa vốn chẳng phục vụ gì cho đường dây chính của kịch bản nhưng lại là yếu tố câu khách rõ ràng. Điều này giải thích vì sao, hãng Thiên Ngân sẵn sàng cắt bỏ toàn bộ phần tình cảm đồng tính của hai chàng trai để bán được bản quyền phát hành đĩa DVD tại nước ngoài.

Mới đây, xem phim "Ván cờ tình yêu" trên kênh HTV9, mới thấy truyền hình cũng đã cực kỳ thoáng trong việc duyệt sóng. Nhân vật Hân của Hà Kiều Anh dường như cứ mỗi lần về đến nhà là sẽ được quay cảnh… cởi áo. Thậm chí có những cảnh cô chạy theo người yêu còn để lộ gần hết phần trước ngực. Những chi tiết này không nói được điều gì ngoài sự lộ liễu cố tình của các nhà làm phim vì Hân là một cô gái trẻ, ngây thơ và… cực kỳ giản dị, kín đáo!

Nếu coi sex là một phần tất yếu của đời sống thì rõ ràng với phim ảnh đây không phải là điều cấm kỵ. Thậm chí, tại một số nền điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh châu Âu, quan niệm về những cảnh sexy đã không còn được phân chia ranh giới rõ ràng. Người ta chỉ quan tâm xem bộ phim ấy nói về cái gì và những cảnh sexy ấy có đáng xem không, nó phục vụ cho ý tưởng gì.

Nhưng cũng cần nói thêm rằng, điện ảnh châu Âu luôn dành cho những khán giả… nhà nghề và người ta không bao giờ có nhu cầu xem một bộ phim “con heo” giữa chốn đông người như một thú tiêu khiển. Còn ở Việt Nam, đến nay những quan niệm bảo thủ về sự "hở hang" trên phim ảnh đã buộc phải nhường chỗ cho những quan niệm cởi mở hơn. Một phim về đề tài hậu chiến, về một mảnh đất đầy bom mìn như "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mà vẫn còn có những cảnh cực kỳ nóng bỏng, một yếu tố cần thiết để làm cho bộ phim… đỡ khô khan và là một nhu cầu giải tỏa của nhân vật chính giữa những sợ hãi vây quanh. Nhưng vẫn còn rất nhiều đạo diễn đã tự kiểm duyệt mình trong khi dàn dựng, với tâm lý làm sao cho bộ phim được phát hành một cách êm ả.

Thực chất, với tư tưởng đã cởi mở nhiều như hiện nay, với những cảnh nóng bỏng đến như "Đẻ mướn" vẫn được duyệt chiếu, hay những cảnh nóng đầy nghệ thuật trong "Sống trong sợ hãi" cũng vẫn được ngợi ca, thì cảnh nóng hay không đã không còn quan trọng nữa, quan trọng là cảnh đó để làm gì và phục vụ cho đối tượng nào. Lồng những chi tiết, những cảnh hở hang để câu khách là căn bệnh của không chỉ điện ảnh Việt Nam...--PageBreak--

Văn chương sexy - mỹ từ khó kiếm

"Chúng tôi khóc, chúng tôi cười, chúng tôi điên loạn. Nhưng chúng tôi không nhai lại những đoạn băng cũ rích. Vì đơn giản chúng tôi thuộc thế hệ trẻ. Thế hệ 8X tự tin đầy kiêu ngạo". Đó là tuyên ngôn của những người được coi là "văn chương 8X". Khóc, cười, điên loạn và trống rỗng, có thật sự là văn chương bây giờ không? Tự tin và kiêu ngạo tại sao lại đẩy mình vào trạng thái trống rỗng và vô vị? Và sex thì không cũ?

Hai năm trở lại đây, các cây bút nữ, đặc biệt là những người nữ trẻ đã không ngần ngại tuyên bố về những cách tân trong các tác phẩm văn chương của mình. Một trong những cách tân đáng kể nhất của họ, đó là sex. Họ sẽ viết chân thật, viết bạo liệt và sẽ phá bỏ mọi rào cản về đạo đức trong những quan niệm về sex. Không một ai chỉ trích hay phàn nàn. Bởi sexy đâu có gì mới mẻ trong văn chương nữa?

Không cần xa, chỉ cần đọc "Phố" của nhà văn Chu Lai, những cảnh nóng bỏng và… quyết liệt không hề thiếu, mà vẫn gây được cảm giác hấp dẫn và thú vị. Nó như một phần tất yếu của tác phẩm ấy. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, "Phố" được viết ra không để nói về sex. Nó chỉ xuất hiện khi nhân vật cần thiết có nhu cầu ấy, để chuyển tải những nội dung và ý tưởng của tác giả.

Văn chương sexy, hiểu nôm na là một thứ văn chương gợi cảm, trong đó có nói đến chuyện tính dục. Nhưng tìm được những trang viết đẹp đẽ về thứ giao kết nguyên sơ của con người không dễ chút nào. Các cây bút nữ trẻ vẫn không làm được một việc là kéo độc giả, đặc biệt là những người đàn ông đọc sách, đến với giá trị tác phẩm của mình. Cái mà họ đem đến cho độc giả là sự tò mò, xem họ đã phơi bày những kinh nghiệm tình dục của mình như thế nào. Nhưng quả thực, đó là những trải nghiệm non nớt, một sự thật bé xíu bị gồng gánh bởi biết bao nhiêu áp lực mà tác giả tự đè lên nó.

Những người trẻ, bằng một sự học tập nhanh chóng các trào lưu văn chương mạng, đã bắt đầu tìm đến với một lối viết, thoạt nhiên là hiện đại, nhưng cuối cùng vẫn là sự rẻ tiền khó giấu giếm. Sự trần trụi và thô lậu không phải là văn chương. Nói chuyện thô lậu, đã không ít độc giả là nhà văn phản cảm lối viết của một nữ nhà văn vốn xuất thân từ trường y bằng một cách viết "tả chân" những hành động rất phòng the.

Đọc những đoạn đó, người ta có cảm giác như tác giả đã không nhúng được bàn tay của nhà văn vào để xử lý những sống sít của đời thật mà để nguyên cho bản năng chạy trên giấy. Và những trang văn đó đã không tải được điều gì cho bạn đọc mà chỉ khiến họ sôi sục sự tò mò và liên tưởng.

Quay lại chuyện văn trẻ và sex. Khi những trang viết có mầm mống hình hài của một cảnh quay phim khiêu dâm thì nhà văn đã là người sản xuất rác. Và rác được sản xuất tràn lan, được một vài người lớn nhưng thiếu tâm và lòng thành, tung hô bừa bãi, gây ngộ nhận cho không chỉ riêng tác giả. Và những nhà phê bình ấy, không biết vô tình hay cố ý, đã sản xuất "độc dược" lừa mị một lớp công chúng trẻ, gắn bó với văn chương mạng.\

Người ta từng ngợi ca người trẻ viết văn xuất bản trên Internet. Nhưng văn chương mạng đang để lại hệ quả lâu dài khó chữa của nó, đó là sự sao chép và rác được quẳng khắp nơi giữa một môi trường Internet bất an. Nhà văn trẻ Trang Hạ, người nhiều năm đắm chìm vào đời sống mạng và say đắm với văn trẻ Trung Quốc cũng phải thốt lên, phải tìm kiếm rất lâu mới có được vài cái đáng đọc, còn lại đều là rác. Và rác trên mạng lại được sinh sản vô tính qua các blog.

Sex, yếu tố gần như không thể thiếu trong nhiều sáng tác trẻ. Nhưng sex đó để làm gì thì không phải ai cũng rành mạch được… Và khi văn học chỉ có sex làm món mồi câu nhử thì bạn đọc sẽ nhanh chóng nhàm chán, như nhàm chán những bộ phim giải trí cấp ba từng một thời làm náo loạn các tiệm cho thuê băng đĩa và làm nhà quản lý văn hóa (ngày đó) đau đầu.

Văn học, tự thân tác phẩm đã có giá trị phân loại. Thế nên, mới đây, một cây bút trẻ tuyên bố rằng cô sẽ viết thật về sex và những mối tình với nhiều nhà văn Việt Nam, trong đó sẽ để tên nhân vật như tên thật ngoài đời, đã không còn khiến bạn đọc sôi sục bàn tán như ngày nào "Bóng đè" lấp ló trên mấy mạng văn chương hải ngoại. Bởi văn chương bao gồm sexy, văn chương bao chứa sự chân thật chứ không chỉ là hai thứ đó.

Nóng bỏng, tạo nhiều mỹ cảm, đó là chức năng cần thiết của những hình ảnh sexy trên màn ảnh cũng như trong văn học. Nhưng với những người làm nghệ thuật ở Việt Nam, ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm trở nên quá mong manh. Không thể đổ lỗi mãi cho kỹ thuật và đã qua rồi cái thời ràng buộc mọi chuyện vào quan niệm đạo đức. Cần phải nhìn lại mọi chuyện một cách nghiêm túc, chúng ta đã đủ "độ" để đưa những hình ảnh sexy ấy thành nghệ thuật hay chưa mà thôi…

Thiên Lương
.
.