Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS):

Thế giới ngồi trên lửa MERS

Thứ Hai, 22/06/2015, 18:12
Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đang trở thành nỗi ám ảnh tại Hàn Quốc nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu cũng tỏ ra cảnh giác cao độ trước căn bệnh chết người này.

Ngày 16/6, giới chức y tế Đức xác nhận bệnh nhân MERS đầu tiên ở nước này tử vong dù đáp ứng tốt với điều trị và gần như sắp khỏi bệnh. Trong khi đó, Slovakia cũng đang theo dõi chặt chẽ một người đàn ông Hàn Quốc vì nghi nhiễm MERS. Các chuyên gia y tế đánh giá, MERS có thể lan nhanh từ Trung Đông và châu Á sang châu Âu nếu không tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp để bàn về các biện pháp ứng phó khi MERS đang có dấu hiệu lan rộng. Tổ chức phụ trách về sức khỏe của Liên Hiệp Quốc cho biết cần đề phòng có thêm nhiều trường hợp nhiễm mới, đồng thời cần cách ly nguồn bệnh trong bệnh viện, không để phát tán ra ngoài cộng đồng. Cuộc họp quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế của các nước thành viên WHO, cập nhật các vấn đề kỹ thuật về dịch bệnh và đưa ra các khuyến nghị hành động sắp tới để đối phó dịch bùng phát.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Người dân tại các quốc gia châu Á đang hết sức lo lắng khi thời gian gần đây, Hội chứng MERS đã bùng phát trở lại, vượt ra ngoài lãnh thổ các quốc gia và đang âm thầm tàn phá thế giới. Vụ việc gây nên lo ngại về một viễn cảnh tương tự đại dịch SARS giai đoạn 2002 - 2003 đã giết chết 800 người. Virus gây bệnh MERS-CoV được ghi nhận đầu tiên ở khu vực Trung Đông, mà cụ thể là ở ẢRập Xêút, từ cuối năm 2012. MERS-CoV có cùng họ với virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS), nhưng nguy hiểm hơn SARS do khó nhận biết triệu chứng, thời gian ủ bệnh lâu và tỷ lệ tử vong lên tới 51%.

Đến nay, MERS đã xuất hiện ở 26 quốc gia trên thế giới, trong đó hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện là ở Trung Đông, một số khác lại mang mầm bệnh tới nhiều quốc gia khác như Mỹ hay Hàn Quốc. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều là lây truyền giữa các thành viên trong gia đình và trong cùng bệnh viện.

MERS lây từ động vật sang người, tuy nhiên nó rất bí ẩn vì chưa ai thực sự hiểu rõ cơ chế lây truyền diễn ra như thế nào. Trong một nghiên cứu gần đây, chỉ 15 trong số 10 nghìn người ẢRập Xêút được phát hiện có mang kháng thể MERS-CoV trong người. Điều đó cho thấy 15 người này đã tiếp xúc với virus gây bệnh, nhưng tỷ lệ này được giới khoa học đánh giá là rất thấp.

Lạc đà trên khắp Trung Đông đều chứa kháng thể với MERS-CoV, cho thấy chúng là nguồn gốc của căn bệnh. Nhưng khi nghiên cứu mẫu máu, các nhà khoa học phát hiện kháng thể nói trên tồn tại trong những con lạc đà ít nhất là từ những năm 1990. Vậy điều gì đã khiến MERS bỗng nhiên bùng phát dữ dội?

Rất có thể mối nguy của virus đã không được chú ý từ trước, cho đến khi những người đàn ông lớn tuổi, vốn có tiền sử mắc các căn bệnh khác, vô tình mắc phải. Một khả năng khác là việc xử lý các sản phẩm của lạc đà xuất hiện vấn đề, từ đó ảnh hưởng đến con người qua đường hô hấp.

Cũng có thể virus đã đột biến, khiến nó dễ lây lan và nhân bản tốt hơn trên cơ thể người. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, vẫn không có bằng chứng cho thấy virus MERS-CoV bị đột biến gen giữa các trường hợp nhiễm bệnh ở Hàn Quốc so với các trường hợp mắc bệnh được phát hiện ở ẢRập Xêút.

Hàn Quốc được coi là ổ dịch MERS lớn nhất ngoài Trung Đông. Kể từ khi ghi nhận ca mắc bệnh đầu tiên vào ngày 20/5, số ca tử vong do MERS hiện nay tại đây lên tới 14 trường hợp, trong khi đó tổng số ca nhiễm là trên 150 người. Điều đáng lo ngại là, các trường hợp tử vong do virus MERS-CoV đều do lây nhiễm khi nằm cùng phòng với bệnh nhân khác tại bệnh viện.

Giới chức Seoul tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ những trường hợp nghi nhiễm MERS, quyết định đóng cửa ít nhất 2 bệnh viện cùng 2 nghìn trường học, hủy bỏ nhiều hoạt động cộng đồng và cách ly gần 4 nghìn người ở nhà hoặc trong các cơ sở y tế. Việc Hàn Quốc không chặn được MERS đã khiến nước này trở thành tâm điểm bị chỉ trích do “xuất khẩu” thứ virus chết người ra bên ngoài. Một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đã siết chặt kiểm tra đối với du khách tới từ Hàn Quốc. Trong khi đó, nhiều người nước ngoài đã hủy kế hoạch tới xứ sở kim chi.

MERS không dễ dàng để chẩn đoán sớm do có các triệu chứng tương tự như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường khác. Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân khiến căn bệnh liên tục lây lan và trở thành một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại Hàn Quốc chính là do đặc thù trong hệ thống bệnh viện tại quốc gia này. Các bệnh nhân thường tranh giành, chen chúc nhau, nhờ vả và tìm mọi cách để được chữa trị trong các bệnh viện lớn với niềm tin ở đó có đội ngũ y bác sĩ tốt. Thêm vào đó, người nhà của bệnh nhân và những người chăm sóc thường xuyên túc trực đông đúc tại bệnh viện, làm các công việc như lau mồ hôi, làm vệ sinh, thay ga giường cho bệnh nhân khiến bản thân dễ dàng lây bệnh.

Hi vọng về một phương thuốc

Trên thực tế, các nhà khoa học chưa biết nhiều về MERS và MERS-CoV. Đó là một hội chứng bệnh tương đối mới và hiện vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hoặc phương pháp đặc hiệu nào. Các bệnh nhân nặng chỉ đang được chăm sóc chuyên sâu và điều trị theo triệu chứng. Những người bị nhiễm MERS có triệu chứng ban đầu khá nhẹ, và ít nhất một trong các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh mà hoàn toàn không có triệu chứng nào. Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm MERS tăng lên không có nghĩa là tất cả mọi người nhiễm MERS đều mắc bệnh nặng. Một số bệnh nhân đã được chữa khỏi, và hàng trăm người đã được đưa ra khỏi khu vực cách ly.

Cần tích cực tuyên truyền cho người dân về các dấu hiệu của MERS và những biện pháp phòng ngừa đơn giản.

Đã 3 năm trôi qua kể từ khi virus MERS-CoV lần đầu tiên được phát hiện trên người. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang miệt mài nghiên cứu, tuy nhiên vẫn chưa một loại thuốc đặc trị hay vaccine nào từng được thử nghiệm trên cơ thể người. 

Trong những nỗ lực chống lại Hội chứng MERS, vừa qua, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Fudan (Trung Quốc) và Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho biết đã phát triển được kháng thể m336 tỏ ra hiệu quả hơn hẳn so với các kháng thể khác trong việc đối phó với virus gây bệnh. Quá trình kiểm tra kháng thể mới cho kết quả rất khả quan, và m336 đang được xem xét để thử nghiệm lâm sàng.

Cùng với đó, hai bệnh viện của Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm điều trị bệnh nhân mắc Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông bằng huyết thanh lấy từ những người nhiễm MERS đã hồi phục. Phương pháp điều trị nói trên đang được thử nghiệm trên hai bệnh nhân nhiễm MERS với sự đồng thuận của họ. Song song với việc được tiêm huyết thanh, hai bệnh nhân này tiếp tục được chăm sóc và điều trị như các bệnh nhân khác. 

Được biết, điều trị bằng huyết thanh đã từng được áp dụng ở bệnh nhân mắc SARS và cho một số kết quả tích cực ở những bệnh nhân bệnh nặng, giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 23%. Tuy vậy, phương pháp huyết thanh chưa được thử nghiệm rộng rãi cho bệnh nhân MERS, và hầu như chưa có kết quả nghiên cứu lâm sàng nào được đưa ra.

Sự bùng phát nhanh chóng của MERS, cùng với việc chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về một đại dịch mới. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cho biết: “Các trường hợp nhiễm MERS-CoV đã tăng nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Người dân Hàn Quốc đang thực sự hoang mang khi số ca tử vong tiếp tục tăng. Chúng ta cần tích cực tiến hành mọi biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho người dân về các dấu hiệu và những biện pháp phòng ngừa đơn giản”.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng việc bùng phát một đại dịch khó xảy ra trừ khi virus MERS–CoV có sự đột biến làm tăng tính lây lan. Mặc dù có thể nhiễm virus MERS–CoV qua tiếp xúc, qua đường máu hoặc những đường lây truyền khác nhưng MERS không hề dễ lây truyền như bệnh cúm hay sởi. Ngoài ra, con người chỉ nhiễm bệnh khi hít phải một lượng lớn virus MERS–CoV. 

Kinh nghiệm đối phó dịch bệnh ở khu vực Trung Đông cho thấy, hầu hết các ca nhiễm MERS xảy ra bên trong các cơ sở y tế. Do vậy, dựa vào công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, các chuyên gia y tế có thể dự đoán được liệu MERS có nguy cơ bùng phát và lan rộng hay không. Thử thách lớn nhất trong việc ứng phó với MERS lúc này là phát hiện sớm các ca nhiễm bệnh, tránh nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường…

Các triệu chứng nhiễm MERS và cách phòng tránh

Hội chứng MERS gây các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, viêm phổi. Những người bị bệnh tiểu đường, suy thận, bệnh phổi mạn tính và những người bị suy giảm miễn dịch được xem là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm MERS-CoV.

Để phòng bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người giữ vệ sinh cá nhân, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; tránh tiếp xúc gần với người bệnh và một số động vật như lạc đà.

Những người trở về từ khu vực Trung Đông, hay các vùng có dịch, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp (sốt trên 38ºC, ho, khó thở), hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra và xét nghiệm MERS-CoV.

Anh Doãn
.
.