Thế giới năm 2005: Con gà không… đen

Thứ Sáu, 28/01/2005, 15:19

Năm Dậu trong lịch sử thường được ghi nhớ bởi những biến cố không nhỏ. Năm Ất Dậu này cũng có thể sẽ xảy ra những chuyện động giời trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan tình hình thời sự thế giới, có thể nói nhân loại vẫn đang còn cơ hội để năm con Gà mới trở thành một bước tiến trên con đường tìm kiếm một trật tự thế giới hợp lý hơn.

Quả thực, nhân loại đã bị sốc lớn trong những ngày cuối năm 2004 và đầu năm 2005 bởi đại thảm họa động đất và sóng thần ở khu vực Ấn Độ Dương. Quy mô của thiên tai không chỉ gây nên hãi hùng bởi con số thương vong nhân mạng và mất mát vật chất quá lớn, mà còn ở chỗ, thêm một lần con người lại được chứng kiến sự nhỏ bé và thực sự yếu ớt của mình trước những cơn thịnh nộ mù quáng và kinh thiên động địa của thiên nhiên. Mặc dầu thiệt hại do đại thảm họa này gây ra sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến bước phát triển kinh tế toàn cầu trong năm nay nhưng những chấn động tinh thần mà nó gây ra sẽ còn ám ảnh dài lâu.

Một câu hỏi hiển nhiên đã nảy sinh: Liệu tai họa lớn lao ấy có giúp cho nhân loại nhận thức sâu sắc thêm được nhu cầu thiết thân của một chủ nghĩa nhân văn toàn cầu hay lại vẫn tiếp tục bị lôi cuốn theo những mâu thuẫn, cạnh tranh và chia rẽ trường niên bởi những lợi quyền không hẳn lúc nào cũng là có ý nghĩa? Đáng tiếc là câu trả lời trong tương lai có lẽ mang nhiều màu sắc phủ định hơn là khẳng định.

Thực tế cho thấy, số lượng những tiến trình xích lại gần nhau, dùng đàm phán thay xung đột, dùng thương lượng thay đấu tranh vũ trang đã và đang xuất hiện tại một số điểm nóng lưu niên nhỏ bé hơn nhiều so với số lượng các lò lửa lộ thiên hay tiềm ẩn, lúc nào cũng sẵn sàng phát hỏa. Nguy hiểm hơn là, do những cạnh tranh quyết liệt để phân chia lại khu vực ảnh hưởng và tô giới quyền lợi giữa một số trung tâm quyền lực lớn, hơn bao giờ hết hiện nay trên bàn cờ chính trị quốc tế nảy sinh những ván đọ sức đôi khi trở nên rất dễ “quá mù ra mưa”, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới những bên trực tiếp liên quan mà cả các quốc gia khác, vô tình bị đẩy vào cảnh “cháy thành vạ lây”.

Không cần phải quá tinh tường cũng có thể nhận ra rằng, cuộc chiến Iraq hiện nay không chỉ đơn thuần là để tiếp tục tiêu diệt tàn dư của một chính thể mà Washington cho là có hại cho nền an ninh Mỹ nói riêng và an ninh quốc tế nói chung (điều mà cho tới nay vẫn đang bị hoài nghi và phản bác khá quyết liệt), mà còn để chú Sam “be bờ đắp đập” cho thế đứng của mình vững chãi hơn tại khu vực rốn dầu thế giới. Và cựu Tổng thống Saddam Hussein mới chỉ là chính khách đầu tiên và hiển nhiên chưa phải cuối cùng bị biến thành vật hy sinh cho những toan tính thỏa mãn nhu cầu năng lượng của Mỹ.

Tới trung tuần tháng 1/2005 đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết là sau Iraq, Washington sẽ rất có thể “thanh toán” cả Iran bằng một kịch bản tương tự. Tiếp theo có thể là Syria và một số quốc gia khác nữa, nếu họ không tự rút cho mình những điều mà Nhà Trắng muốn truyền đạt. Lý do để khởi binh chống lại những quốc gia Arab này chắc sẽ được tìm ra không khó khăn lắm vì như bà Condoleezza Rice thẳng thừng tuyên bố trong phiên điều trần tại Ủy ban Thượng viện về đối ngoại ngày 19/1/2005 để chuẩn bị cho việc trở thành Ngoại trưởng mới của Mỹ, chính quyền hiện nay ở Washington vẫn tiếp tục gieo giống “tự do và dân chủ” ra khắp thế giới.

Thế là tự do và dân chủ theo cách hiểu của Mỹ, thiết nghĩ không cần giải thích chi tiết thì tất cả cũng đều hiểu ra khi nhìn vào danh sách những quốc gia mà bà Rice cũng trong phiên điều trần trên liệt vào “danh sách đen” mà hiện nay và sắp tới, Washington cho mình cái quyền cần đặc biệt lưu tâm (Belarus, Zimbabwe, Iran, CHDCND Triều Tiên, Cuba và Myanmar).

Nói một cách ngắn gọn, chính quyền Mỹ đương nhiệm sẽ triển khai các chiến dịch cứng rắn chống lại các chính thể hiện hữu tại những quốc gia trên để tìm kiếm những phương án hành chính hợp khẩu vị của Washington hơn. Và như thực tế cho thấy, nơi đâu được chú Sam chọn lựa như vậy thì khó mà có thể yên, không phải chịu cảnh tên bay đạn bắn thì cũng rất có thể phải oằn mình trải qua những cuộc đảo lộn chính thể dù “da cam” hay “hoa hồng” cũng đều nhiều vị chua chát và lắm gai góc.

Thêm vào đó, cũng như thực tế cho thấy, đang ngày càng hiện hình rõ hơn những mâu thuẫn không chỉ mang tính chiến thuật mà chủ yếu là chiến lược giữa Mỹ và các phần còn lại của thế giới.  Mặc dù Mỹ và các nước Tây Âu vẫn nằm chung trong một tấm chăn mang tên là NATO, nhưng khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương đang gia tăng tới mức rất khó có thể trở lại gần như trước được nữa.

Tây Âu và Mỹ hiện nay không chỉ trở thành đối thủ của nhau trong những cuộc chiến tranh kinh tế với các vụ kiện tụng triền miên mà còn bộc lộ ngày một rõ những khác biệt cả trong quan điểm chính trị xã hội. Nếu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, những sai khác đó giữa hai bên dù vẫn tồn tại nhưng đã bị tạm nén đi cho những nhu cầu nhất thời thì nay, chúng lại trở thành những vật cản chính khiến hai bờ Đại Tây Dương liên tục tranh cãi hay đấu đá lẫn nhau, bất chấp những nụ cười rất tươi trước ống kính báo chí của Tổng thống Mỹ trong những lần gặp gỡ trực tiếp với nguyên thủ các quốc gia ở “lục địa cũ”... --PageBreak--

Theo nhận định của giáo sư môn Kinh tế chính trị học quốc tế Francis Fukuyama ở Trường đại học Tổng hợp Johns Hopkins, tác giả cuốn sách lừng danh Sự kết thúc của lịch sử, quá trình chia lìa này giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ diễn tiến khó có gì đảo ngược được trong tương lai.

Washington hiện nay cũng đang cố gắng lợi dụng những bó buộc nhất thời của đối thủ chính yếu từ thời Chiến tranh lạnh là LB Nga để bủa vây Moskva từ tứ phía, tạo bàn đạp cho những cuộc chơi mới có lợi hơn cho mình. Với danh nghĩa chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Mỹ đã đặt  các căn cứ quân sự ở nhiều quốc gia trong vùng Trung Á, từng là những nước cộng hòa cũ trong thành phần Liên bang Xôviết trước đây. Với sự trợ giúp vật chất không nhỏ từ Washington, tại Gruzia đã hình thành một chính quyền với những vị trí chủ đạo thuộc về lớp chính khách mới thân phương Tây  và Mỹ rõ rệt... Gần đây nhất, những gì diễn ra tại Ucraina hiển nhiên là làm đẹp lòng Washington cũng như Tây Âu hơn là điện Kremli...

Bị dồn tới tình cảnh này, rất dễ hiểu là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải có những phản ứng không hề êm dịu chút nào đối với phương Tây. Nguyên thủ một nước lớn như LB Nga không thể nào bình thản chứng kiến cảnh Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong một bản dự đoán tình hình thế giới sau 15 nữa, vừa được công bố vào trung tuần tháng 1/2005, đã loại Moskva khỏi danh sách các cường quốc. CIA trong lúc vẫn cho rằng vào năm 2020, Mỹ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên trường quốc tế,  chỉ liệt vào nhóm G tương lai những địa danh (ngoài Mỹ) như Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Để tương lai u ám này không tới, chắc chắn nước Nga sẽ phải dồn lực trụ giữ không để mất đi những vùng ảnh hưởng truyền thống của mình. Sự va đập giữa Moskva với phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng tại những vùng nhạy cảm ở xung quanh biên giới Nga chắc chắn sẽ gia tăng và hiển nhiên không làm quan hệ ngoại giao giữa họ trở nên nhẹ nhàng dễ chịu...

Trong khi đó, trước xu thế bành trướng rõ rệt của Washington, những lực lượng không chia sẻ những giá trị chính trị xã hội của Mỹ sẽ không ngồi thúc thủ để chờ ngày bị xóa sổ. Cuộc chiến này sẽ cam go, dài lâu và như chính Tổng thống Mỹ Goerge Bush đã có lần phải thú nhận, sẽ rất khó phân thắng bại trong nhiều năm nữa.

Không ít người Mỹ đang nghĩ rằng đất nước họ đang theo đuổi một chính sách làm mất lòng nhân loại. Theo kết quả một cuộc điều tra xã hội do Hãng Ipres-Reid vừa được công bố ngày 19/1/2005, có tới 67% số người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng, chính sách đối ngoại mà Tổng thống George Bush tiến hành đã làm cho các quốc gia khác trở nên ít tôn trọng nước Mỹ hơn.

Với bối cảnh như vậy, thế giới liệu có thể bình yên? Trước ngày quân đội Mỹ tấn công Iraq tháng 3/2003, Bộ trưởng Ngoại giao CHLB Đức Joschka Fischer đặt ra câu hỏi: “Chúng ta cần một trật tự thế giới nào?”. Câu hỏi này tới hôm nay có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ biết rằng, nhân loại không thể chấp nhận được một trật tự thế giới nghiêng về bất cứ thiểu số “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” chỉ thích bày đặt nên những biến động theo kiểu “dễ mình, khó người” trên trường quốc tế.

Phân tích cán cân lực lượng hiện nay, có thể đoán được rằng, trật tự thế giới đơn cực là điều không thể tới được trong tương lai. Thậm chí ngay trong năm Ất Dậu này, mặc dầu tiềm lực của Washington rất mạnh, nhưng người Mỹ cũng không thể tùy nghi hành sự ở mọi nơi. Đối diện với Washington không chỉ là những đối thủ hữu hình mà cả những lực lượng rất khó “nắm tận tay, day tận trán”. Để chống lại những mối nguy hiểm chết người đó, nước Mỹ vẫn cần những đồng minh và các đối tác. Muốn có những đồng minh và các đối tác này, Washington không thể mãi giữ thái độ “ông kễnh” trên trường quốc tế.

Và nếu thế giới hợp lực lại trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng như những mối đe dọa chung khác một cách thực lòng và hữu lý hơn, năm 2005 vẫn còn cơ hội trở thành một năm không hề tồi tệ chút nào. Một năm Con Gà OK và... không đen đủi

Đỗ Công Minh
.
.