Thế giới hậu khủng hoảng - dự báo của cơ quan an ninh CHLB Đức

Thứ Ba, 07/07/2009, 08:47

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang diễn ra hiện nay trên quy mô toàn cầu sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc trong trật tự thế giới mới ở tương lai. Đó đang là ý kiến của nhiều nhà chính trị và kinh tế phát biểu tại các cuộc họp và hội nghị ở khắp nơi. Chủ đề này cũng đang được các cơ quan an ninh nhiều quốc gia rất quan tâm. Theo quan điểm của cơ quan an ninh CHLB Đức BND, thế giới chỉ có hai phương án chống lại sự hỗn loạn toàn cầu.

Trong số ra tháng 6/2009 của tạp chí Internationale Politik (IP), xuất bản ở Berlin do Hội Đối ngoại Đức chủ trì, đã trình bày kết quả nghiên cứu của BND tiến hành với nhan đề "Thước đo mới của thế giới". Các tác giả của công trình nghiên cứu này đã cố gắng thử xây dựng những kịch bản có thể diễn ra trong việc hình thành một trật tự thế giới mới trong trường hợp, nếu những biện pháp mà chính phủ các nước đưa ra để loại trừ cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay không mang lại những kết quả mong muốn. Kết luận là có ba kịch bản: tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp với vai trò chủ đạo của Washington; kỷ nguyên mới của châu Á với sự trỗi dậy của Bắc Kinh và sự trôi dần vào một thế giới bất ổn triền miên...

Nhìn từ một góc độ nào đó, cả ba phương án trên đều không hẳn đã là điều tốt cho tất cả. Tuy nhiên, nếu kịch bản thứ nhất trở thành hiện thực, thế giới ít nhiều sẽ có một triển vọng đỡ bi quan hơn, mặc dù vai trò chủ đạo mà nước Mỹ sẽ giữ được cho mình, hoàn toàn  không phải là điều mà mọi quốc gia đều đồng thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp đầu, các nhà phân tích của BND cho rằng, tình hình trên các thị trường sẽ trở nên bình tĩnh hơn và niềm tin sẽ trở lại với nền kinh tế thế giới. Sẽ không có những bước nhảy vọt mới nhưng thế giới sẽ chậm rãi và bền bỉ tăng trưởng. Và trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, Washington sẽ tiếp tục duy trì được vai trò siêu cường của mình như trước khi xảy ra khủng hoảng.

Cũng trong kịch bản thứ nhất, theo các chuyên gia của BND, Trung Quốc sẽ không phải chịu ảnh hưởng gì đáng kể về tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh vẫn tiếp tục đi được theo con đường phát triển của mình. Cơ sở đảm bảo cho quá trình này là ba yếu tố cực kỳ quan trọng: tình hình phát triển dân số thuận lợi ở chính Trung Quốc; sự ưu tiên dành cho phát triển công nghệ mới và sự phụ thuộc tài chính ngày một lớn hơn của Mỹ vào hải ngoại. Cũng ba yếu tố này là nguyên nhân dẫn tới việc cán cân trong ba khối chính trị kinh tế lớn là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, sẽ có hướng dịch chuyển về phía Đông.

Thế nhưng, các chuyên gia của BND cũng cho rằng, không phụ thuộc vào ba "trung tâm quyền lực" này, các chính trị gia trong trường hợp kịch bản thứ nhất trở thành hiện thực có thể tiếp tục tư duy bằng những tiêu chí cũ như trước đây. Bởi lẽ, khi nền kinh tế toàn cầu từ từ tăng trưởng, giá các nguồn nhiên liệu sẽ lại tăng lên  - sản xuất càng phát triển thì nhu cầu về nhiên liệu càng lớn. hệ lụy của việc này sẽ là, những quốc gia xuất khẩu nguyên liệu như Nga, các nước Arab hay Venezuela sẽ lại có cơ hội để tích luỹ nguồn tư bản mới với tất cả những cái hay và những cái dở của hiện tượng đó. Chính Venezuela và Nga trong những năm gần đây đã sử dụng nguồn tài chính dồi dào thu được nhờ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt để tạo ra thế lực chính trị lớn hơn của mình trên trường quốc tế. Tại Nga, những thu nhập gia tăng có thể trở thành động lực chủ đạo để thực hiện công cuộc hiện đại hóa đang trở nên cấp bách đối với nền kinh tế và bằng cách đó, tạo ra sự ổn định lớn hơn nữa trong xã hội...

Theo nhận định của các chuyên gia BND, kịch bản thứ hai đối với phương Tây sẽ kém phần thú vị hơn so với kịch bản thứ nhất, nhưng dẫu sao cũng vẫn là một kịch bản có tính tích cực. Kịch bản này sẽ trở thành hiện thực nếu những chương trình quốc gia chống khủng hoảng ở nhiều nước trên thế giới sẽ không hoàn toàn có hiệu quả.

Trong con mắt của cơ quan an ninh Đức, nếu tính tới sự khác nhau trong cách tiếp cận với nội dung của các chương trình đó từ phía một số chính phủ, một triển vọng như thế không phải là không có tính hiện thực. "Có thể xảy ra trường hợp, chương trình chống khủng hoảng khổng lồ của Mỹ sẽ thất bại vì quy mô khủng hoảng quá trầm trọng, một phần nữa vì nền công nghiệp đã mất sức cạnh tranh và vì những món nợ không thể nào thanh toán được, - bản báo cáo của BND nhận xét.

Ngoài ra, các chuyên gia tài chính cũng cho rằng có thể sẽ xảy ra sự vỡ bong bóng xà phòng với bất động sản sẽ chẳng chóng thì chầy bắt đầu vỡ các bong bóng khác nữa. Một yếu tố cũng chưa xác định được nữa là những món nợ cá nhân khổng lồ của người Mỹ trong tín dụng. Thêm vào đó, hiện nay người ta vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc Washington không thể cho phép mình thực hiện những chương trình chống khủng hoảng bằng cách cho vay lớn". Nước Mỹ hiện nay, theo các nhà tình báo Đức, đang bị phụ thuộc quá nhiều vào sự hào phóng của Bắc Kinh - chính Washington đang buộc phải vay với quy mô lớn tiền của Trung Quốc...--PageBreak--

Tuy thế, bản thân chương trình chống khủng hoảng ở chính Trung Quốc, ngược lại, sẽ dẫn tới việc đẩy nhanh hơn nữa khát vọng cách tân công nghệ của quốc gia khổng lồ  đông dân này. Rốt cuộc là cán cân lực lượng sẽ hình thành như sau: Trung Quốc sẽ vươn lên thành một cường quốc chủ đạo ở châu Á và Mỹ sẽ buộc phải, ít ra là vì lý do tài chính, rút ngắn lại cự ly hành sự của mình trên thế giới.

Theo quan điểm của các nhà tình báo Đức, rốt cuộc thế giới, trong kịch bản thứ hai, sẽ trở thành song cực - sẽ có hai siêu cường đối đầu với nhau chủ yếu. Và bằng tiềm năng kinh tế của mình, Bắc Kinh có thể sẽ giành lấy từ đồng USD và đồng euro vai trò đơn vị tiền tệ chủ đạo cho đồng nhân dân tệ. Trong chính sách đối ngoại, cái gọi là "kỷ nguyên Trung Hoa" sẽ đồng nghĩa với việc xác lập vai trò chủ đạo của châu Á và chấm dứt sự bá chủ của phương Tây trong các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thậm chí cả trên bàn cờ chính trị thế giới...

Đối với phần thế giới còn lại, theo các chuyên gia phân tích của BND,  đó không hẳn là một kịch bản hay. Thí dụ, với Liên minh châu Âu (EU) chẳng hạn, nó sẽ trở nên yếu ớt hơn vì các nền kinh tế ở các nước thành viên EU vốn được xây dựng chủ yếu theo định hướng vào thị trường Mỹ và những người tiêu dùng ở đó. Trung Quốc càng mạnh khiến nước Mỹ càng yếu thì các thành viên khác càng phải xây dựng những ưu tiên chính trị của mình theo định hướng phương Đông nhiều hơn. "Và cả các nguồn tài nguyên nguyên liệu cũng thế - cơ quan an ninh Đức cảnh báo, - sẽ chảy vào châu Á nhiều hơn vì nhu cầu đối với chúng ở Trung Quốc sẽ gia tăng, còn ở Mỹ và châu Âu, ngược lại, sẽ suy giảm".

Thế nhưng, các nước xuất khẩu nguyên liệu có lẽ vẫn còn sớm để bắt đầu xây dựng những kế hoạch lớn theo hướng này. Tương lai của họ, trong con mắt của BND, hiện vẫn còn chưa rõ ràng: "Bởi vì những giá cả tương đối thấp hiện nay sẽ không tăng lên nếu tại các nước thuộc hai khối kinh tế lớn là Mỹ và EU không tăng nhu cầu đối với nguyên liệu". Nhìn từ góc độ đó, cơ quan an ninh Đức cho rằng, nước Nga có lẽ sẽ hướng về phương Tây nhiều hơn là đồng ý đóng vai trò phụ trợ cho Trung Quốc. Đấy là chưa kể tới trường hợp, Moskva có thể sẽ lại tiến hành chính sách tôn vinh dân tộc của mình và giữ vị trí chủ động trong quan hệ với Bắc Kinh...

Hai kịch bản trên đều có thể tạo nên những lợi thế cho các quốc gia biết tận dụng các điều kiện khách quan thích hợp với mình để biến khó khăn thành thuận lợi. Tuy nhiên, trong trường hợp kịch bản thứ ba trở thành hiện thực do các chương trình chống khủng hoảng đều không mang lại hiệu quả mong đợi, khó có nước nào đắc lợi. Khi đó, mạnh ai nấy chạy,  tình trạng biệt lập của các nền kinh tế quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ sẽ dẫn tới việc phi toàn cầu hóa nền kinh tế, đảo ngược các xu thế quan trọng trong nền kinh tế của những thập niên gần đây.

Các chuyên gia của BND chưa sẵn sàng để dự đoán trước những hệ lụy thực sự của một diễn tiến tình hình như thế. Tuy nhiên, nếu kịch bản thứ ba trở thành hiện thực, tình trạng thất nghiệp gia tăng, sự suy sụp của các hệ thống an sinh xã hội và tình trạng chính trị căng thẳng nảy sinh vì thế ở Mỹ và châu Âu, dẫn tới hỗn loạn xã hội, theo nhận định của cơ quan an ninh Đức, sẽ mới chỉ là những vấn đề nhỏ nhất. "Nỗi lo lắng lớn nhất sẽ là tình hình ở các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân"- các chuyên gia BND nhấn mạnh....

Lụt, lút cả làng, nếu kịch bản thứ ba trở thành hiện thực...

Khương Duy
.
.