Thế giới 2011 ngày mai có thể tốt hơn hôm qua

Thứ Bảy, 29/01/2011, 14:00
Đối với không ít quốc gia, những ngày đầu năm mới đã hoàn toàn chẳng có chút nào tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi". Những vấn đề tồn đọng từ năm cũ 2010 đã buộc các vị nguyên thủ nhiều nước ngay lập tức phải triển khai các biện pháp cấp bách để không bỏ lỡ những nhịp điệu phát triển ít nhiều tốt đẹp đã đạt được và đẩy nhanh hơn nữa quá trình vượt khỏi những hệ lụy đen tối từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Lĩnh vực an ninh cũng tiếp tục làm nóng không khí nhiều nơi, ngay cả ở những chỗ vốn trước đây yên ả. Đúng như nhận định của bình luận viên Simon Tisdall trên tờ báo Anh The Guardian, nhiều vấn đề cũ vẫn tiếp tục gây nên những nỗi đau đầu mới.

Cũng bình luận viên Simon Tisdall  đã cho rằng, đối với tình hình chính trị thế giới, năm 2010 là 12 tháng "nhọc mình mà chẳng nên công cán gì". Danh sách những "dấu hiệu của tai họa" rất dài. Đã không có tiến triển gì đáng kể trong vấn đề biến đổi khí hậu sau hội nghị quốc tế ở Cancun (Mexico).

Kinh tế nhiều quốc gia vẫn ở trong tình trạng khó khăn. Đồng euro cũng như cả Liên minh châu Âu đang ở trong thế kẹt đến mức đã vang lên những lời ai điếu sớm về tương lai của nó. Iraq vẫn là điểm nóng, còn cuộc chiến tranh tại Afghanistan vẫn tiếp tục đẫm máu và mệt mỏi.

Khu vực Đông Bắc Á rất nhạy cảm đã bị dồn vào thế căng thẳng đến mức có lúc bột phát gần như là đụng độ vũ trang. Tiến trình hòa bình ở Trung Đông đã bị dồn vào ngõ cụt. Đã xuất hiện nỗi thất vọng lớn về đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ ở riêng trong nước Mỹ vì còn quá nhiều việc ông đã hứa nhưng chưa làm được… Danh sách này thậm chí là còn có thể kéo dài hơn nữa…

Cũng chính vì thế nên bình luận viên Simon Tisdall  đã đưa ra những dự đoán bi quan về tình hình quốc tế trong năm 2011. Theo ông, trong số những quốc gia có thể sẽ nhanh chóng phải đối mặt với bất ổn về an ninh có Lebanon và Thái Lan.

Trong năm 2011, tình hình Lebanon có thể sẽ lại trở nên căng thẳng vì những kết quả sẽ được công bố cuối quá trình điều tra về vụ ám sát Thủ tướng Hariri năm 2005 chắc chắn sẽ làm gia tăng những đụng độ sắc tộc và tôn giáo ở đây. Nếu đúng như dự đoán, tội lỗi trong vụ ám sát này sẽ được quy cho lực lượng Hezbollah, được sự hậu thuẫn của Iran, thì hiển nhiên chính phủ liên minh đang cầm quyền sẽ đổ vỡ…

Còn tại Thái Lan cũng có thể sẽ nóng bỏng ngay trước bầu cử Quốc hội vì lực lượng đối lập áo đỏ hiển nhiên sẽ lại lên tiếng trên đường phố và có thể sẽ xảy ra những đụng độ vũ trang và những vụ khủng bố mới.

Trong vấn đề hạt nhân của Iran, theo bình luận viên Simon Tisdall, cũng sẽ ít có gì thay đổi, bất chấp Hội đồng Bảo an LHQ có đưa ra những  biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đến đâu, vì về bản chất, Tehran vẫn giữ nguyên thái độ bác bỏ các cuộc thương lượng. 

Và không ai dám đoan chắc rằng, một khi các hiện pháp ngoại giao và thương mại đã trở nên bất lực thì lại không có người muốn sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề bất đồng…

Bình luận viên Simon Tisdall cũng cho rằng, năm 2011 rất quan trọng đối với Tổng thống Mỹ Obama: đã tới lúc cần phải chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử và cần phải có những thành tựu rõ rệt ở cả trong nội địa lẫn ở hải ngoại. Đảng Cộng hòa đối lập tìm kiếm ngày một gần hơn những ứng cử viên của mình mà trong đó, hiện thu hút sự chú ý hơn cả bà Sarah Palin với khẩu hiệu của bà là: "Chúng ta sẽ làm hồi sinh sự vĩ đại của nước Mỹ!".

Cuộc chạy đua mới vào Nhà Trắng sẽ khiến cho chính trường Mỹ trở nên lệ thuộc vào  cách hành xử mang tính dân túy hơn và điều đó không phải bao giờ cũng tốt cho một đường lối thực sự mang tính bền vững…

Khác với quan điểm trên, bình luận viên Fareed Zakaria trên tờ Time của Mỹ lại có vẻ lạc quan. Theo ông, năm 2010 đã rất nặng nề không chỉ riêng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, không chỉ riêng với Washington mà nhìn chung, với cả phương Tây.

Nếu nhìn vào nước Mỹ  hay Hy Lạp hoặc Ireland, ta sẽ thấy hiện ngay trước mắt những đám đông người thất nghiệp, những vụ biểu tình chính trị và nỗi tuyệt vọng chung. Nền kinh tế thế giới chốc chốc lại bị một cơn sóng thần trùm lên làm chao đảo. Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng rằng, năm mới 2011 sẽ không phải là năm xui xẻo.

Trước hết, có thể thấy, nền kinh tế Mỹ có vẻ như đang được cải thiện. Thật mạo hiểm nếu đưa ra những dự đoán cụ thể nhưng đại đa số các chuyên gia cho rằng, trong năm 2011, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tầu trên thế giới (với giá trị vào khoảng 15 nghìn tỉ USD, tức là cao gấp ba lần nền kinh tế Trung Quốc) sẽ đạt tỉ lệ 2% hoặc thậm chí là 3%, một số chuyên gia còn đưa ra những con số cao hơn.

Nếu đó là sự thật thì sẽ có tác động tích cực tới toàn bộ nền kinh tế chung. Bởi lẽ, một khi có được sự tăng trưởng nhất định thì mọi vấn đề của nền kinh tế Mỹ trong thực tế đều có cơ hội ít nhiều được giải quyết. Gia tăng thêm nguồn thu từ thuế, tình hình ngân sách sẽ được cải thiện và nguy cơ phá sản nhà nước sẽ bị đẩy lùi…

Bình luận viên Fareed Zakaria cho rằng, châu Âu sẽ sống sót, bất chấp  những khốn khó hiện thời. Để đạt được mục đích này, người dân ở "lục địa cũ" sẽ phải tốn khá nhiều thời gian và phải vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng để "ngộ" ra rằng, dù muốn hay không,  họ vẫn phải "lá lành đùm lá rách" đối với những đối tác bất hạnh hay yếu thế hơn trong khu vực đồng euro như Hy Lạp hay Ireland, cũng như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha.

Nước Đức hoàn toàn có thể cho phép mình nới tay trước những món nợ và nói một cách thẳng thắn, bất chấp một số lời làm mình làm mẩy của những đại diện chính thức của Berlin, nước Đức luôn ở thế thủ lợi và thủ lợi không nhỏ từ đồng euro.

Các phương tiện chính để đưa vào vận hành quá trình này rất phức tạp, theo nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, thế nhưng, những tổng kết đã có trong năm 2010 cho thấy, các chính phủ ở "lục địa cũ" rốt cuộc cũng đã hiểu ra rằng, họ có thể cứu sống đồng euro và nói cho cùng, họ cần phải và họ cũng muốn làm như thế. Nhờ vậy, nền kinh tế châu Âu cũng sẽ có được tốc độ tăng trưởng đáng kể như nền kinh tế Nhật Bản. Và thế là nền kinh tế thế giới nhìn chung sẽ được cải thiện.

Cũng theo bình luận viên Fareed Zakaria của tờ Time, trong năm nay, có thể hy vọng thực tế sẽ giúp quốc gia rộng lớn nhất châu Á điều chỉnh cách ứng xử cho được nhân hòa, giúp bầu không khí chính trị ở Đông  Á đỡ căng thẳng hơn. Tại Afghanistan, Taliban sẽ  dần dà đánh mất ảnh hưởng theo kiểu quyết tử.

Hiện nay đã có hàng loạt dấu hiệu chứng tỏ Taliban đang ở thế yếu tại một loạt những địa phương vốn là "căn cứ địa" truyền thống của chúng, thí dụ như ở tỉnh Hermand nằm sát biên giới Pakistan với thành phần dân cư chủ yếu là người Pashtun.

Những thông tin nhận được từ Pakistan chứng tỏ rằng,  mạng lưới khét tiếng của tên đầu lĩnh chiến trường Jalaluddin Haqqani, từng tác oai tác quái ở khu vực này, đã bị phá hủy nặng nề. Quân đội của chính phủ Afghanistan hiện nay đã được "thổi hồn" khá hơn trước và theo đánh giá của các đàn anh quân sự Mỹ, có thể duy trì được trật tự ở mức độ chấp nhận được tại những vùng mà binh lính Mỹ đã dọn khỏi những ảnh hưởng của Taliban.

Thêm vào đó, trong thái độ của phương Tây đối với Taliban sẽ tiếp tục có những thay đổi theo hướng "một điều nhịn, chín điều lành": Trong năm 2010, các đại diện của NATO đã công khai thú nhận rằng, họ bắt đầu tiến hành đàm phán với Taliban về chuyện hòa giải và về một phương án nào đấy có thể cho phép Taliban duy trì quyền lực trong một khuôn khổ hợp lý…

Tình hình tại Iraq cũng sẽ tương đối ổn định, bất chấp những vụ đánh bom liều chết và vì thế, sẽ không có nguy cơ phải đưa lại các đơn vị lính Mỹ vào đây tác chiến. Tuy nhiên, điều đó không phải là sự chứng nhận về việc tồn tại của nền dân chủ ở Iraq. Hệ thống các giáo phái với nhiều lực lượng chống Mỹ khá hùng hậu sẽ vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn, mặc dầu không dẫn tới bất ổn trong khu vực hay trên quy mô thế giới.

Iran như trước kia vẫn tiếp tục phải chịu sức ép từ nhiều cường quốc thế giới và khu vực. Theo những thông tin bị tiết lộ từ Wikileaks, Israel cùng đại đa số các quốc gia Arập Xêút cùng chung quan điểm chống lại việc Tehran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Chiến lược kiềm chế này sẽ trở thành lực cản hữu hiệu đối với Iran vì làm gia tăng đáng kể những chi phí để quốc gia Ba Tư này có thể bộc lộ những biểu hiện ngang ngạnh của mình.

Chính phủ Iran trong năm nay sẽ phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề kinh tế và chính trị nội địa nên sẽ phải mất nhiều công của hơn để đối phó với chúng và vì thế, không thể tiếp tục mạnh tay trên trường quốc tế như trong thời gian qua. Và cũng vì thế nên sẽ không có cớ để Washington hay Tel Aviv đưa ra những biện pháp bao vây kinh tế đối với Tehran

Thực ra, trên đây mới chỉ là những dự đoán nhiều phần chủ quan của các nhà quan sát. Không thể loại trừ những sự việc bất ngờ có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi đang hiện hữu những nhân tố bất ổn mang tính cá nhân trên chính trường một số quốc gia, nếu bột phát có thể dẫn tới những phản ứng domino "lụt, lút cả làng".

Tuy nhiên, dù sao thì cũng nên tin rằng, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay nếu những lực lượng lành mạnh trên thế giới liên kết lại với nhau chặt chẽ và đồng điệu hơn

Nguyễn Hữu Huy
.
.