Thầy tám ở Mỹ… qua

Thứ Hai, 23/01/2017, 16:49
Nghe tôi tâm sự có một người quen ở thị xã, anh Tư Chiến, Trưởng Công an thị xã cử cán bộ đưa tôi tới ngay đường Trương Vĩnh Ký. Quả là một cuộc hội ngộ không ngờ đối với tôi và cả gia đình thầy Tám...

Thực tình, cho tới nay, mà cụ thể là tới ngày mùng một tết năm Đinh Dậu sắp tới là tròn bốn mươi lăm năm kể từ cái lần đầu tôi được gặp ông ở căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi - Cụm tình báo chiến lược H67 - tại xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre, với nhiều lần gặp gỡ nữa và tới trước khi viết bài này tôi vẫn chưa biết tên thật của ông và nhiều điều đặc biệt về gia đình ông.

Cái sự gặp ông hôm ấy cũng là điều đặc biệt với tôi. Bởi, theo nguyên tắc “cự ly ngăn cách” của ngành thì cán bộ công tác trong căn cứ không được tiếp xúc với khách ở thành về. Vì thế, các cụm tình báo hoạt động ở chiến trường miền Nam thời đó, khi xây dựng căn cứ bám trụ đều “thiết kế” một khu vực có hầm tránh phi pháo và lán nghỉ riêng cho khách, gọi là “khu mật” (khu bí mật). Ai không có nhiệm vụ liên quan không được tới.

Vậy mà, “tiệc” tân niên ở lán hội trường vừa kết thúc, trong lúc tôi đang cùng anh em ngồi tiếp các má, các cô ngoài ấp chiến lược vào ăn tết với đơn vị thì trinh sát Tư Hiệp tới, dúi vào tay tôi một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ - “chú Bảy (Cụm trưởng Bảy Vĩnh) kêu anh sang tiếp khách ở khu mật”.

Khách là một ông già tuổi chừng ngót nghét bảy mươi. Tướng hình dáng bộ thật “hoành tráng”. Giày tây, mũ phớt, com-lê màu gụ sẫm. Cụm trưởng Bảy Vĩnh giới thiệu với tôi: Đây là thầy Tám, ở bên Mỹ qua thăm anh em. Tôi gật đầu chào khách, thoáng chút ngỡ ngàng về “sự kiện” được tiếp khách từ Mỹ về. Sau này mới vỡ lẽ, bà con ở quê dừa Bến Tre hầu hết đều nói vậy. “Ông anh, bà dì, ông cậu... ở Mỹ qua” có nghĩa là ở Mỹ Tho sang, không phải ở Hoa Kỳ.

Cụm trưởng day qua phía khách:

- Giới thiệu với thầy Tám, đây là đồng chí Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường), cán bộ từ miền Bắc tăng cường cho đơn vị chúng tôi. Vô từ thời Mỹ ồ ạt đưa quân. Một nhà báo, nhà văn chiến sĩ, đã có nhiều tác phẩm in trên Văn nghệ Quân giải phóng Văn nghệ Đồ Chiểu.

Khách ngước nhìn tôi, thoáng chút ngỡ ngàng. Ông đứng dậy, chìa tay về phía tôi:

- Xin chào cậu Ba. Thiệt vinh hạnh!

- Dạ! Kính thầy Tám!...

Tôi nắm chặt tay ông bằng cả hai bàn tay của mình và ứng khẩu bằng lời chào tự nhiên như đã từng được gặp một người thầy đã  từng dạy dỗ tôi.

Tác giả cùng bà Võ Thị Thắng (phía trước bên trái) tới thăm đoàn cán bộ giao thông bí mật của J22 tại Trạm 66 Bộ Quốc phòng (5-1997).

Ở đơn vị chúng tôi thời đó, ngoài lãnh đạo cụm, tôi là người duy nhất được Cụm trưởng “đặc cách” cho tiếp xúc với một số khách ở thành về. Chẳng phải là ưu ái gì đâu, vì tôi là dân Bắc chính hiệu sinh ra và trưởng thành từ hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, trong khi khách hầu hết là những người hoạt động bí mật trong sào huyệt của địch nên rất “đói” về tình hình miền Bắc, lại bị tác động bởi hệ thống tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, gặp người thật, việc thật chắc sẽ góp phần củng cố niềm tin cho khách đối với cách mạng. Việc Cụm trưởng bố trí cho tôi tiếp xúc với thầy Tám lần này chắc cũng nằm trong ý định đó.

Dẫu chỉ chừng hai tiếng đồng hồ đàm đạo, ông để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc bởi sự hiểu biết của ông về một số nhân vật cao cấp của chính quyền Sài Gòn mà trong đó có người đã từng là phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa, là bạn học cũ của ông; những áp phe chính trị, những mâu thuẫn giữa các phe phái, đặc biệt là mâu thuẫn giữa hai nhân vật chóp bu - tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và tâm trạng các giai tầng xã hội dưới chính thể “Việt Nam Cộng hòa”, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ...

Về phần tôi, gọi là “có đi có lại”, tôi hầu ông một số chuyện về miền Bắc xung quanh khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì tiền tuyến lớn anh hùng, vì giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”; phong trào nô nức tòng quân với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; về sự chi viện của "Nga Xô - Trung Hoa lục địa” (ngôn ngữ trong câu hỏi của ông) với cuộc chiến tranh Việt Nam. Có một việc, tôi cảm nhận dường như đắn đo, cân nhắc hồi lâu ông mới nêu ra.

- Cậu Ba nè! Tôi nghe nói, quân Giải phóng mình có cả xe tăng và pháo binh cỡ bự, không hiểu thực hư ra sao? Trường Sơn dằng dặc như thế, làm sao đưa mấy thứ đó vô được? mà có đưa vô được thì kiếm đâu ra xăng dầu mà chạy xe tăng?...

Những băn khoăn của ông, nằm trong tầm hiểu biết của tôi, nên tôi vững tâm đáp từ:

- Việc xe tăng, pháo binh của ta xuất hiện ở chiến trường là thực đó thầy ạ. Những năm trước quân ta đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh. Gần đây, con đường mòn ấy đã có hàng vạn thanh niên xung phong từ miền Bắc vào xây dựng thành đường cho ô tô chạy. Mỗi ngày có tới hàng trăm xe tải từ miền Bắc chở vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng vào phục vụ chiến trường. Hầu hết là do Liên Xô và Trung Quốc giúp ta. 

Còn cái khoản xăng xe thầy khỏi lo. Không có cảnh dùng xe đạp thồ xăng dầu vượt Trường Sơn như thời Việt Minh thồ gạo lên Điện Biên đánh Tây đâu, mà bây giờ có cả đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vô tới khu 5, khu 6. Cách hơn trăm cây số lại có một trạm tiếp xăng.

Thầy Tám ngước nhìn tôi ngỡ ngàng rồi khẽ thốt lên:

- Cha! Thiệt không ngờ! Thiệt kỳ diệu!...

Chúng tôi chia tay ông vào đầu giờ chiều hôm ấy. Một buổi chiều xuân mới thanh bình giữa rừng dừa An Phước. Đó là một cái tết ở địa bàn bám trụ của đơn vị chúng tôi, đối phương thực hiện nghiêm túc lệnh “hưu chiến”. Khách đi rồi, Cụm trưởng Bảy Vĩnh cười nói với tôi: “Ông già khen cậu Ba Dương là một nhà chính trị tuyệt vời”.

Tết năm sau, tôi lại được gặp thầy Tám. Kỳ này ông dẫn theo 2 cô con gái “rượu”. Cô em là nữ sinh trung học. Thông qua cô học trò này tôi mới biết họ, tên của 2 người, một cái họ thật ấn tượng - họ Hàng. Cô chị là Hàng Thu Thảo (Tám Thảo), cô em là Hàng Thu Thủy (Mười Thủy). 

Hỏi về anh chị em trong gia đình, Mười Thủy cười hồn nhiên: “Nhà em hiếm hoi lắm, ba má sanh được có hơn mười người con thôi. Sau Thủy, còn những 2 em nữa đó”.

Phải hơn một năm sau, thông qua công tác tổng hợp tin để báo cáo về Trung tâm, tôi mới mang máng nhận ra gia đình thầy Tám là cơ sở bí mật, một “hộp thư sống” vào loại “gạo cội” của đơn vị tại đường Trương Vĩnh Ký, thị xã Mỹ Tho.

Địa chỉ thân thương ấy và 3 cha con thầy Tám góp phần quan trọng giúp đơn vị chúng tôi giữ giao thông liên lạc thông suốt giữa một số lưới điệp báo nội thành với bộ phận chỉ huy ở căn cứ, kể cả những thời điểm đối phương tăng cường càn quét, bao vây phong tỏa căn cứ An Phước. 

Những chuyến giao thông đường dài từ Sài Gòn về thẳng căn cứ bị gián đoạn, đã có “thê đội 2” tiếp ứng. Tám Thảo, vốn am hiểu ngành dược, “thủ vai” thường xuyên lên Sài Gòn chuyển thuốc tây về thị xã Mỹ Tho (cố nhiên trong đó có tài liệu của điệp viên). 

Đoàn H67 tiệc trà đầu năm tại căn cứ An Phước, Châu Thành, Bến Tre (Xuân Quý Sửu 1973).

Mười Thủy, với vai trò giao thông đường ngắn chuyển tài liệu về một “hộp thư sống” tại huyện Châu Thành - Bến Tre. Ngay đêm hôm đó, tổ trinh sát của đơn vị đột kích ra hộp thư nhận tài liệu. Lịch trình đã có trước nên các chuyến giao thông đều “thông luồng bén giọt”. Các phiên liên lạc bằng điện đài giữa căn cứ và trung tâm đều có thông tin báo cáo.

Kết thúc chiến tranh, tôi nhận quyết định chuyển ngành từ Cục II Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Công tác tại Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng (A25). 

Mấy năm đầu ở phòng Tổ chức - Chính trị - Hậu cần. Thời đó biên chế hẻo lắm nên mỗi cán bộ phải kiêm nhiều việc. Một trong cái kiêm của tôi đó là phụ trách mảng tư liệu phục vụ cho việc xây dựng phòng truyền thống của đơn vị. 

Vì vậy, năm 1978 tôi được cử vào chiến trường xưa sưu tầm tư liệu về các liệt sĩ của A25 hy sinh ở Nam Bộ, trong đó có 2 đồng chí anh dũng hy sinh tại địa bàn Mỹ Tho. Thật không ngờ, nơi ấy đã gợi trong tôi bao kỷ niệm về một cơ sở bí mật nội thành - gia đình thầy Tám.

Chuyến đi vô cùng thuận lợi, bởi 2 liệt sĩ của đơn vị đều là nhân vật có chức sắc của lực lượng an ninh thời đó, nên chỉ trong một ngày làm việc với hai cơ quan (Công an tỉnh và Công an thị xã Mỹ Tho) là tôi đã có đủ tư liệu về 2 liệt sĩ. 

Đồng chí Lê Văn Ngân, Phó Trưởng ban An ninh khu 8, hy sinh tại huyện Cai Lậy. Đồng chí Tạ Hồng Sơn, Phó Trưởng ban An ninh thị xã, hy sinh tại địa bàn thị xã Mỹ Tho.

Nghe tôi tâm sự có một người quen ở thị xã, anh Tư Chiến, Trưởng Công an thị xã cử cán bộ đưa tôi tới ngay đường Trương Vĩnh Ký. Quả là một cuộc hội ngộ không ngờ đối với tôi và cả gia đình thầy Tám. Hàn huyên bao chuyện với từng thành viên trong gia đình mới giải tỏa cho tôi bao điều suy đoán. 

Thì ra không phải chỉ có cô Tám, cô Mười là giao thông viên của đơn vị chúng tôi mà tất cả các con ông đều tham gia kháng chiến. Tuyệt nhiên không một ai làm việc cho chính quyền Sài Gòn. Anh con trai thứ ba là bộ đội, liệt sĩ hy sinh trước tết Mậu Thân. 

Người con gái thứ tư, trước ngày giải phóng miền Nam giữ chức vụ hội trưởng hội phụ nữ một huyện của tỉnh Bến Tre. Người con trai thứ năm là Hàng Nhật Tâm tham gia kháng chiến chống Pháp. 

Năm 1954 tập kết ra Bắc, Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội. Được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô nhưng tha thiết xin được về Nam chiến đấu. Công tác tại Ban Dân y khu 8. 

Tháng 1-1968 đã anh dũng hy sinh tại địa bàn huyện Cai Lậy. Địch phát hiện hầm bí mật, Năm Tâm kiên quyết không đầu hàng, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, làm cho địch chết và bị thương nhiều tên. Anh hy sinh khi vừa tròn ba mươi mốt tuổi đời với cương vị Trưởng ty Y tế. 

Người con trai thứ sáu, sức khỏe yếu vì bệnh đau bao tử kinh niên, kiên quyết không sống trong vùng địch tạm chiếm mà bám trụ trong vùng giải phóng, phụ giúp anh em công binh huyện Châu Thành, Bến Tre chế tạo vũ khí phục vụ chiến đấu. Người con trai thứ bảy là bộ đội của tỉnh Bến Tre...

Lược qua chừng đó thôi cũng cho thấy gia đình thầy Tám là một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Còn một điều bí ẩn nữa về gia đình này mà tới những năm gần đây, thậm chí trước ngày hạ bút viết bài này tác giả mới tường tận về gia đình ông.

Ông là Hàng Nhật Nguyên, quê quán ở xã Điều Hòa, Châu Thành, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) tham gia cách mạng từ trước tháng 8-1945 (thuộc diện lão thành cách mạng). 

Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Hai. Phu nhân của ông, bà Đoàn Thị Quối được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Riêng đối với liệt sĩ Hàng Nhật Tâm, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang đang cùng các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc đã ghi dấu son sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng - chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập cho Tổ quốc, thống nhất đất nước. Chiến công vĩ đại ấy phải đổi bằng máu xương, trí tuệ và công sức của toàn Đảng, toàn dân ta mà tiêu biểu trong đó là gia đình thầy Tám Hàng Nhật Nguyên và bà Đoàn Thị Quối, một gia đình thân thiết của tác giả bài viết này.

Khổng Minh Dụ
.
.