Bà Margot, góa phụ của cố lãnh đạo CHDC Đức Eric Honecker:

Thất thế, vẫn giữ niềm tin cũ

Thứ Ba, 17/04/2012, 10:15
Trong bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi gần đây nhất, được phát vào đầu tháng 4/2012 trên kênh truyền hình ARD, bà Margot, phu nhân của cố lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, đã gọi việc thống nhất hai nước Đức là “một tấn thảm kịch” và đánh giá cựu Tổng thống Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev là kẻ phản bội.

Dấn thân cách mạng

Cuộc đời của ông bà Erich và Margot Honecker là những trường hợp điển hình của những người cộng sản Đức, trưởng thành cùng cách mạng và cũng phải chịu nhiều truân chuyên sau khi quốc gia mà họ gây dựng nên thất thế.

Bà Margot (họ thời con gái là Feist) sinh ngày 17/4/1927 tại thành phố Halle trong gia đình một người thợ giày. Sau khi học hết trung học, trong những năm từ 1938 tới 1945, bà hoạt động trong hàng ngũ Liên đoàn thanh nữ Đức (BDM). Năm 1940, thân mẫu của bà qua đời…

Năm 1945, bà Margot gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD). Từ năm 1946, bà tham gia Ban Thư ký Liên đoàn thanh niên tự do Đức (CCHM) và từ năm 1948, làm lãnh đạo tổ chức thiếu niên mang tên nhà cách mạng Ernst Thalmann…

Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, bà Margot đã có dịp được làm quen với người chồng tương lai của mình, ông Erich Honecker. Là con trai một người thợ mỏ, ông Erich Honecker đã chịu ảnh hưởng của cha mình và sớm tích cực tham gia hoạt động trong phong trào công đoàn của giai cấp vô sản Đức. Thậm chí mới 10 tuổi (năm 1922), cậu bé Erich đã gia nhập tổ chức Liên đoàn Spartacus  và sau đó, năm 1926, tham gia Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Đức (KJVD).

Ông Honecker gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD) rồi sang Moskva học tại Trường Quốc tế Lênin. Ông trở lại Đức năm 1931 và bị bắt giữ năm 1935, hai năm sau khi  phe phát xít do Hitler đứng đầu lên nắm quyền. Năm 1937, ông bị chính quyền Quốc xã kết án 10 năm tù vì các hoạt động cộng sản và tiếp tục ở tù cho tới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Thoát khỏi trại giam sau chiến tranh, ông Honecker nối lại các hoạt động trong Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Walter Ulbricht. Năm 1946, ông đã trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đức (SED), được hình thành sau sự hợp nhất của KPD và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong vùng lãnh thổ Đức nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Xô viết.

Ở thời điểm bà Margot gặp người chồng tương lai hơn bà 15 tuổi, ông Honecker đã có gia đình và một cô con gái tên là Erika, sinh năm 1950. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được ngọn lửa yêu đương đích thực bùng lên trong lòng họ. Sau khi bà Margot sinh hạ cô con gái Sonja cùng ông Honecker năm 1952, ông đã li dị người vợ đầu và tổ chức đám cưới với bà năm 1953.

Cùng nhau đi lên

Mặc dù không phải là người đầu tiên ngồi ở vị trí lãnh đạo cao nhất ở CHDC Đức nhưng ông Honecker đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử tương đối ngắn ngủi của quốc gia  xã hội chủ nghĩa này.

Năm 1958, những năng lực xuất sắc và tinh thần chiến sĩ đã giúp ông Honecker trở thành Ủy viên Bộ Chính trị SED. Năm 1961, ông với tư cách Bí thư Ủy ban Trung ương về các vấn đề an ninh, đã chịu trách nhiệm xây dựng Bức tường Berlin…

Cũng đi lên như thế cùng chồng trong sự nghiệp là bà Margot Honecker. Năm 1963, bà được giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục CHDC Đức. Ngày 25/2/1965, dưới sự chỉ đạo của bà tại Đông Đức đã thông qua đạo luật về nhất thể hóa hệ thống giáo dục của CHDC Đức. Cũng chính bà Bộ trưởng Margot đã đưa chương trình huấn luyện quân sự vào các trường học. Bà đã trụ lại ở cương vị lãnh đạo Bộ Giáo dục CHDC Đức lâu hơn mọi người đồng nhiệm: 25 năm. Năm 1989, bà đã từ chức cùng với mọi Bộ trưởng khác trong nội các do chồng bà từng lãnh đạo…

Năm 1971, với sự ủng hộ hết mực từ phía Moskva, đặc biệt là của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, ông Honecker đã lên thay thế ông Ulbricht làm Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương SED và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng CHDC Đức. Năm 1976, ông cũng trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và vì thế, trên thực tế là nguyên thủ quốc gia.

Chính ông Honecker đã đưa CHDC Đức tới một đời sống hiện thực khá thịnh vượng, vượt hơn hẳn so với các nước XHCN Đông Âu khác. Ông đã cho tiến hành một chương trình “chủ nghĩa xã hội tiêu dùng”, dẫn tới sự cải thiện đáng kể tiêu chuẩn sống vốn đã được đánh giá là cao ngất ngưởng trong các nước Đông Âu. Phương châm hành động của ông là: Luôn tiến về phía trước, không bao giờ lùi lại…

Ông đặc biệt tin tưởng vào mối quan hệ đoàn kết chiến lược với Moskva. Tuy nhiên, ông đã không đồng tình với đường lối tiến hành perestroika mà nhà lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev đưa ra từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, vì như ông từng nói thẳng với Gorbachev: “Chúng tôi đã tiến hành cải tổ của mình, chúng tôi chẳng có gì phải cơ cấu lại”… 

Can đảm cùng số phận

Tháng 10/1989, do những lực lượng thân Moskva ở Berlin xoay chiều theo cơn gió perestroika, ông Honecker đã bị mất toàn bộ các chức vụ. Và sau khi CHDC Đức bị giải tán tháng 10-1990, bà Margot cùng chồng đã tạm thời tá túc ở nhà của mục sư Lutheran Uwe Holmer. Sau đó, ông  Honecker được đưa vào chăm sóc trong một quân y viện nằm trong khu vực đồn trú của các đơn vị quân đội Xô viết.

Năm 1991, để tránh những phiền nhiễu từ chính quyền mới ở nước Đức thống nhất, bà Margot cùng chồng đã được những người bạn Xô viết đưa rời khỏi Berlin sang Moskva tá túc. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô viết tan rã cuối năm 1991, mặc dù đã vào tị nạn trong trụ sở đại sứ quán Chilê ở Moskva, nhưng chính quyền Nga do Tổng thống Boris Yeltsin đứng đầu đã trục xuất hai ông bà về lại Đức. Ông Honecker bị chính phủ Đức buộc tội liên quan tới những cái chết của 192 người Đông Đức tìm cách bỏ trốn trái phép sang CHLB Đức… Ông đã phải vào trại tạm giam ở Berlin. Tuy nhiên, khi phiên toà chính thức mở ra, ngày 13/1/1993, ông Honecker đã được thả vì sức khoẻ kém.

Cũng trong thời gian này, ông đã hoàn thành tập bản thảo Những ghi chép trong trại Moabit, nơi ông bị giam giữ. Trong cuốn sách này, ông đã chia sẻ những suy tư đắng đót của mình về thời cuộc: “Chủ nghĩa xã hội, một trật tự xã hội công bằng như chúng tôi đã xây dựng ở đường nét cơ bản của nó và vốn muốn tiếp tục được vươn tới, đã biến mất cùng sự ra đi của nước CHDC Đức xã hội chủ nghĩa”.

Ông cho rằng: “Sau khi chủ nghĩa xã hội thất bại ở châu Âu, đã xuất hiện một thế giới hoàn toàn mất phương hướng và rối loạn, ở đó Hoa Kỳ với tư cách là sen đầm quốc tế tự phong tùy hứng, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ kia, vẽ ra “trật tự thế giới mới” bằng bom đạn và tên lửa. Và cho dù còn xuất hiện quá nhiều, bỗng dưng ở mọi nơi, những người tự nhận mình là mácxít và cố gắng “đổi mới” lý thuyết của chủ nghĩa Marx để cướp đi cái cốt lõi của nó hay phản bác nó thì nó vẫn bất di bất dịch: các quy luật phát triển của xã hội loài người là khách quan. Mâu thuẫn chính của xã hội tư bản giữa lao động mang tính xã hội với sở hữu  tư nhân đã tồn tại và sẽ mãi tồn tại, dù cho chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển của mình  cũng vẫn có khả năng biến đổi…”.

Cuối năm 1993, cặp vợ chồng già này đã phải sang cư trú ở Chilê, nơi con gái của ông bà đang sống với chồng là một đảng viên cộng sản sở tại. Người con gái đã mua cho ông bà một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố Santiago de Chilê, khu vực tập trung các gia đình trung lưu như viên chức ngân hàng, các kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân… Tại đây, ông Honecker đã qua đời ngày 29/5/1994 vì bệnh ung thư gan. Những người đồng chí, đồng đội của ông khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng và đã hát vang bài Quốc tế ca. Quan tài của ông đã được phủ quốc kỳ của CHDC Đức…

Trong phim tài liệu chiếu trên kênh ARD, bà Margot nhấn mạnh: “Cộng hòa Dân chủ Đức là cả cuộc đời tôi. Thật là một tấn thảm kịch khi quốc gia này không còn tồn tại nữa”. Theo bà, việc Đông Đức bị thất thế là do những kẻ thù của chế độ gây ra cộng với sự phản bội của những đồng minh biến chất như cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev…

Mặc dù sống ở xa tổ quốc nhưng bà Margot Honecker vẫn thường xuyên thu nhận tin tức về quê hương. Bà tin tưởng rằng, những hạt giống đỏ mà vợ chồng bà cùng các đồng chí của mình từng gieo trên mảnh đất Đức tới một lúc nào đó lại hồi sinh và đâm hoa kết trái…

Tuấn Kiệt
.
.