Tổng thống Honduras, Jose Manuel "Mel" Selaya Rosales:

Thất bại tạm thời, không nản chí

Chủ Nhật, 19/07/2009, 16:07
Đúng vào đêm rạng chủ nhật ngày 28/6/2009, ngày mà Tổng thống Honduras, Jose Manuel "Mel" Selaya Rosales, dự định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để tìm kiếm cho mình quyền tái ứng cử thêm một lần nữa, điều mà Hiến pháp Honduras quy định, giới quân sự nước này, với sự đồng loã của Quốc hội và chính đảng tự do Honduras mà ông Selaya là một trong những thủ lĩnh, đã tiến hành đảo chính.

Các quân nhân Honduras đã tràn vào dinh thự của Tổng thống và buộc ông trong y phục mặc ở nhà lên máy bay bay sang Costa Rica. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, cộng đồng quốc tế vẫn không công nhận chính quyền mới ở Honduras và ông Selaya mặc dù đã phải lưu vong nhưng vẫn chưa ngừng nghỉ những nỗ lực trở lại Tổ quốc.

Lo cho mình rồi lo cho nước

Ông Jose Manuel "Mel" Selaya Rosales sinh ngày 20/9/1952 tại thành phố Katakamas, tỉnh Olancho, miền Đông Honduras. Cha ông, Manuel Selaya Ordonez, từng sở hữu một trang trại nhỏ, xuất thân từ người Basque di cư sang Honduras. Mẹ ông là Rosales Hortensia Sarmiento. Ông Selaya có vợ là Xiomara Castro và hai con trai cùng hai con gái. Ông thích chơi ngựa và chơi ghi ta...

Ông Selaya từng tốt nghiệp trường dòng ở thủ đô Tegucigalpa rồi theo học nghề kỹ sư ở Trường Đại học Tự trị quốc gia Honduras (Universidad Nacional Autonoma de Honduras). Tuy nhiên, tới năm thứ tư, chàng sinh viên trẻ đã bỏ học để về quê giúp cha làm công việc ở trang trại. Trong một khoảng thời gian không dài, Selaya đã trở thành một doanh nhân có tiếng chuyên về nông phẩm và chế biến gỗ. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Selaya đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng kinh tế tư nhân và Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp chế biến gỗ...

Song song với việc kinh doanh, ông cũng rất tích cực hoạt động chính trị. Năm 1970, ông Selaya gia nhập đảng Tự do Honduras (PLH) và đứng đầu chi nhánh của đảng này tại Olancho và các tỉnh miền Đông Honduras. Ông Selaya là người ủng hộ phái Jose Azcona Hoyo; ông này năm 1986 đã được bầu làm Tổng thống Honduras. Năm 1985, bản thân ông Selaya lần đầu được bầu vào Quốc hội và tái đắc cử vào các năm 1990, 1993 và 1997. Năm 1994, ông Selaya đã được cử làm Giám đốc Quỹ Đầu tư Xã hội  Honduras, do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tài trợ.

Năm 1998, ông Selaya đã được cử làm cố vấn cho Ủy ban đặc biệt thanh toán hậu quả của cơn bão Mitch.

Năm 1999, ông Selaya rời khỏi Quốc hội và Quỹ để tập trung vào những công việc nội bộ của PLH, lãnh đạo Ủy ban Tổ chức và Tuyên truyền của Hội đồng Chấp hành trung ương PLH. Ông đã lập ra nhóm riêng của mình và chuẩn bị tham gia tranh cử Tổng thống năm 2001, nhưng đã bị thất bại trong vòng ngoài và kết cục, ghế Tổng thống đã rơi vào tay Ricardo Maduro, ứng cử viên của đảng Dân tộc Honduras cánh hữu.

Sau thất bại đó, ông Selaya trong mấy năm liền lại đi làm doanh nhân và tới năm 2005, đã lại ra ứng cử Tổng thống. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Selaya đã có những khẩu hiệu thiên hữu nhưng dần dà, ông đã chuyển dần sang hướng tả khuynh. Ông đưa ra lời hứa, nếu đắc cử, sẽ chiến đấu không khoan nhượng với nạn tham nhũng và tội phạm, giáo dưỡng lại những phần tử tha hóa và tăng số lượng cảnh sát từ 9 lên tới 18 nghìn người. Ông cũng hứa sẽ giảm tỉ lệ thất nghiệp đang là 40% ở Honduras.

Và ông Selaya đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Honduras tháng 11/2005 với 49,8% số phiếu bầu trong lúc đối thủ của ông, ứng cử viên của đảng Dân tộc, Porifirio Lobo, chỉ nhận được 46,1% số phiếu bầu. Sau chiến thắng này, ông Selaya cũng được bầu vào chức thủ lĩnh của đảng Tự do Honduras và nhậm chức vào tháng 1/2006. Nhiệm kỳ của ông theo đúng luật pháp Honduras sẽ kết thúc vào tháng 1/2010.

Có tâm với dân, mất lòng cự phú

Honduras là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Mỹ Latinh: 70% trong số 7,5 triệu dân của nước này đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Một nhóm những cự phú ít ỏi ở Honduras có xu hướng thân Mỹ và hành xử thích hợp với quyền lợi của các công ty xuyên quốc gia. Khi Tổng thống Selaya đề nghị giới làm ăn ở Honduras, chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế đang điều hành nền kinh tế thế giới ủng hộ các chương trình kiến quốc của ông, ông đã không tìm được sự thấu hiểu nào.

Trên cương vị Tổng thống, ông Selaya đã rất tích cực triển khai các dự án cải cách xã hội và đưa Honduras lại gần hơn với Venezuela và Cuba bằng việc tham gia tổ chức "Phương án Bolivar đối với các dân tộc ở châu Mỹ chúng ta" (Alternativa Bolivariana para los Pueblos de Nuestra America, ALBA), điều khiến cho giới tinh hoa quân sự và chính trị bảo thủ ở Honduras rất khó chịu.

Ông Selaya còn từ chối làm theo những lời chỉ dẫn điều hành kinh tế của IMF và kêu gọi Washington hợp pháp hóa ma túy: theo quan điểm của ông, việc hợp pháp hóa ma tuý có thể giúp làm giảm số lượng những vụ sát nhân chủ ý ở Honduras, đất nước mà thông qua đó đang trung chuyển ma tuý từ châu Mỹ Latinh tới Bắc Mỹ.

Ông Selaya được coi là một trong những người bạn thân thiết nhất của Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez.

Theo Hiến pháp Honduras, Tổng thống không thể ra tái ứng cử hai lần. Đầu năm 2009, ông Selaya đã tuyên bố rằng, ngày 28/6 sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để tạo cho ông quyền được tái cử lần thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Thế nhưng Tòa án tối cao, Quốc hội cũng như lãnh đạo các lực lượng vũ  trang Honduras, ông Romeo Vasquez, đều chống lại việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đó. Để loại trước hậu họa, ông Selaya đã ra quyết định cho ông Vasquez về vườn. Ông cũng cho về vườn một loạt quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng.

Thế là sự cố đã xảy ra: đêm rạng ngày 28/6/2009, trước khi các điểm trưng cầu dân ý được mở ra, các quân nhân Honduras đã tràn vào dinh thự của Tổng thống Selaya. Họ đã không cho ông Selaya thay y phục và buộc ông trong bộ đồ pijama mặc ở nhà ngồi lên máy bay bay sang Costa Rica. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, các quân nhân Honduras còn hành hung cả Đại sứ CubaVenezuela.

Rồi ngay trong ngày, Tòa án tối cao Honduras đã tuyên bố rằng, các quân nhân đã thực hiện mệnh lệnh của họ về việc truất quyền Tổng thống của ông Selaya vì ông đã vi phạm Hiến pháp. Người được cử lên tạm thời thực hiện quyền Tổng thống Honduras là ông Roberto Micheletti, Chủ tịch Quốc hội, thành viên phe đối lập với ông Selaya trong đảng Tự do Honduras.

Dư luận quốc tế nói chung đều gọi vụ việc vừa xảy ra ở Honduras là một cuộc đảo chính. Các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc nhớ rằng, trước năm 1980, Honduras từng bị các tập đoàn quân sự cai trị.

Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, lên tiếng đe dọa chiến tranh với Honduras, nếu có gì xấu xảy ra với đại sứ nước này ở Honduras. Ông Chavez cũng cho rằng, trong cuộc đảo chính ở Honduras kiểu gì cũng có bàn tay của Washington.

Thế nhưng, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên tiếng phê phán giới quân sự ở Honduras trong vụ việc này. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối công nhận ông Micheletti trong tư cách Quyền Tổng thống Honduras. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều phản đối giới quân sự Honduras. Ngày 5/7, Tổ chức các nước châu Mỹ cũng lên án cuộc đảo chính này và khai trừ Honduras ra khỏi hàng ngũ của mình...

Ngày 28/6, Quốc hội Honduras đã ký vào bản tuyên bố từ chức dường như là do chính ông Selaya soạn thảo. Tuy nhiên, bản thân ông Selaya đã tuyên bố ngay rằng, ông không hề đụng bút tới bản tuyên bố đó. Cũng trong ngày hôm đó tại Honduras đã bùng nổ những vụ đụng độ giữa những người ủng hộ ông Selaya với các cơ quan thi hành luật pháp.

Cho tới hôm nay, ông Selaya vẫn nỗ lực tìm đường trở về Tổ quốc để như ông nói, thực hiện nốt thời gian làm Tổng thống dân bầu của mình

Hoàng Long
.
.