Tâm sự của Nguyên soái Dmitri Yazov: Lịch sử là bài học cho tương lai

Thứ Tư, 26/05/2010, 16:32
Nguyên soái Xôviết cuối cùng Dmitri Yazov đã trở thành gương mặt quen thuộc với độc giả chuyên đề ANTG CT và ANTG GT trong thời gian gần đây vì những bài viết thuật lại các cuộc trả lời phỏng vấn của ông với tuần san Itogi của Nga. Những ý kiến của ông mặc dù đôi khi mang nặng tính chủ quan nhưng rất hữu ích cho những ý muốn đánh giá một cách hữu lý những sự kiện phức tạp trong lịch sử Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay.

Trong bối cảnh nước Nga nói riêng và thế giới nói chung, kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít (1945-2010), tâm tư của Nguyên soái Yazov, "người lính già đầu bạc" từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trước đây đánh bại chủ nghĩa phát xít, càng cần được tiếp nhận để suy nghĩ. Ở tuổi 87, Nguyên soái Yazov vẫn giữ được một phong độ nhà binh tỉnh táo và can trường. Không phủ nhận hiện tại, ông vẫn trung kiên cùng quá khứ. Những tâm sự mà ông đã thổ lộ với phóng viên báo Nga Nezavisymaya Gazeta có lẽ cũng sẽ hữu ích với những độc giả của chuyên đề ANTG GT.

- PV: Thưa Nguyên soái, ông là cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Theo ông, chiến thắng đó của chúng ta có ý nghĩa gì với những người Nga chúng ta?

- Nguyên soái Yazov: Điều này đã được các nhà sử học Nga và nước ngoài nói thay tôi rồi.Theo ý kiến rất đồng tâm nhất trí của họ, sự kiện trọng đại nhất thế kỷ XX, đó là chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc chiến tranh đó cũng như trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chúng ta đã chiến thắng.

Đó là điều chính yếu. Dẫu người Mỹ lại tô vẽ mọi sự khác đi. Đối với họ, sự tan rã của Liên bang Xôviết mới là sự kiện chính yếu của thế kỷ vừa qua. Đã không còn một quốc gia hùng hậu như thế nữa. Thế giới trở thành đơn cực. Với họ thế là có lợi.

- Cụ thể là ai có lợi vì như thế?

- Những ai căm thù nước Nga, nhân dân Nga chúng ta. Những ai căm thù Liên Xô. Ngay cả Goebbels cũng đánh giá vai trò của các vị tướng Xôviết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cao hơn một số kẻ gọi là những nhà sử học tự do hiện nay. Và thật đáng tiếc là những kẻ như thế đã được người Mỹ hỗ trợ trong một số việc. Thí dụ, tại Mỹ đã công bố danh sách 100 vị danh tướng của thế giới. Trong đó không có tên Stalin.Vậy mà ở vị trí thứ 14 lại có tên Hitler. Hitler làm sao là danh tướng vĩ đại được nếu y đã bị bại trận? Còn trong số những tướng quân của chúng ta thì chỉ có Koniev ở vị trí 54 và Zhukov ở vị trí 60. Trong danh sách ấy có đủ những tên tuổi của Napoléon, Alexander Macedonia, Thành Cát Tư Hãn, Cezar… Nhưng lại không có tên nhiều vị danh tướng của chúng ta…

Thử hỏi, những danh tướng như Malinovsky có gì kém, rồi những Rokossovsky, Kutuzov nữa? Rồi cả Aleksandr Nievsky nữa… Họ cố tình hạ nhục nước Nga…

- Ông có quen với nguyên soái Đức Paulus không? (Đây là vị nguyên soái của nước Đức phát xít đã bị Hồng quân bắt sống trong trận chiến đấu ở Stalingrad - TG).

- Tôi có thể quen với ông ta ở đâu được?

- Người ta viết rằng ông ấy đã giảng bài cho các sĩ quan của ta?

- Vớ vẩn. Bịa đặt. Đây mới là sự thật. Tại phiên tòa xét xử chủ nghĩa phát xít tại Nuremberg, khi Paulus được hỏi về việc có phải ông ta đã giảng bài cho các sĩ quan Nga trong học viện quân sự hay không, ông ta đã trả lời: "Nếu tôi được tin cậy giao  giảng bài cho các trung sĩ thì tôi cũng không thể làm được như người Nga đã làm". Ai hỏi điều đó, bạn có biết không? Đó là Goring. Đấy là sự thật. Paulus đã phải là tù binh như mọi viên tướng Đức khác ở Suzdal trong một trại giam đặc biệt dành cho các tù binh Đức.

- Nào chúng ta hãy trở về với ký ức chiến tranh. Trận chiến đấu đầu tiên đã có gì khiến ông nhớ mãi?

- Thực ra tôi đã không có trận chiến đấu đầu tiên theo đúng nghĩa của nó. Tháng 6-1942 ở gần Leningrad, chúng tôi đã phải phòng thủ trong các hầm tăngxê. Chúng tôi bắn và bọn chúng cũng bắn. Liệu đấy có phải là trận chiến đấu không?

Thủ tướng hậu sinh Vladimir Putin tôn vinh Nguyên soái tiền bối Dmitri Yazov.

- Hầm của các ông cách quân Đức bao nhiêu mét?

- Khoảng 200m. Bốn bề xung quanh đều là đầm lầy. Chúng tôi đã đóng ở ga Pogostie. Đấy là ở mặt trận Volkhov. Những người lính quê ở Siberi chúng tôi đã được đưa về đấy sau khi tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng quân sự Novosibirk tháng 6-1942. Lúc đó ở vùng Pogostie có một ga xe lửa. Tuyến đường sắt tới Leningrad đã đi qua đấy, nhà ga phải ở trên một điểm cao. Trong khu đầm lầy khi ấy cũng có một số cứ điểm, được ngụy trang bằng các bao tải cao su. Chúng tôi đã ở đó cả trong mùa đông… Tôi đã chỉ huy một đại đội ở đó tới mùa đông năm 1943…

- Khi ấy đại đội có bao nhiêu sĩ quan?

- Thực tế là có 6 sĩ quan. Đại đội trưởng, ba trung đội trưởng, chính trị viên và đại đội phó về điều lệnh. Đại đội của chúng tôi có tính đặc thù. Chúng tôi còn có thể cả một trung đội tấn công xe tăng. Chỉ huy trung đội đó cũng là sĩ quan - bác sĩ thú y. Trong trung đội đó có 6 con chó. Chúng tôi dạy chúng cách tấn công xe tăng. Chúng tôi cho chúng ăn khi động cơ ở mô hình xe tăng Đức khởi động. Chúng tôi đã để đồ ăn ở trong động cơ đó. Và lũ chó rất thích chạy tới đấy…

- Ông vừa nói rằng trong chiến tranh ở đại đội có 6 sĩ quan. Nhưng giờ đây mọi sự đã thay mới. Biên chế sĩ quan đã bị rút gọn. Chức danh chính trị viên đã bị xóa bỏ và các tiểu đội do các trung sĩ chỉ huy…

- Giờ thì ngay cả quân đội theo đúng nghĩa của nó cũng không còn nữa. Đó chỉ là một cái gì na ná như thế. Nhưng tôi không muốn nói thêm về nó nữa.

- Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các trung đội trưởng đã được đào tạo xong trong 8 tháng. Giờ Bộ Quốc phòng dự định đào tạo các trung sĩ trong hai năm…

- Dù có dạy 10 năm nhưng trung sĩ cũng chỉ là trung sĩ thôi, không phải là sĩ quan.

- Vì sao?

- Người ta nghĩ ra các cấp bậc không phải là vô nghĩa. Sĩ quan, đó là một đẳng cấp khác. Xương sống của quân đội là các sĩ quan. Và nhờ họ, cũng như nhờ các đảng viên cộng sản và các đoàn viên thanh niên cộng sản chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chúng ta đã mất 3 triệu đảng viên. Và chính họ cũng như các sĩ quan đã hun đúc nên tinh thần đạo đức của những người lính. Bởi đã có những thời điểm không còn ai để mà thúc giục tấn công nữa.  Nhưng khi những đoàn viên thanh niên, những đảng viên cộng sản tới, nhận lấy lá cờ lệnh: "Tấn công! Vì Tổ quốc! Vì lãnh tụ Stalin!". Và có thể nói thêm một câu đời thường nữa… Thế là họ tấn công…

Có một kẻ gọi là cựu chiến binh mới đây đã phát biểu rằng ông ta không lần nào nghe thấy câu thúc giục  "Tấn công! Vì Tổ quốc! Vì lãnh tụ Stalin!". Thế là ông ta chưa lần nào tham gia các cuộc tấn công cả.

Chúng tôi đã hô lên đúng như thế. Đó đã là một thói quen. Trước đó, trước cách mạng, người lính Nga cũng đã từng hô: "Vì Tổ quốc! Vì đức vua!".

- Thưa Nguyên soái, ngày 19/5/2009, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã ký sắc lệnh" Về Ủy ban trực thuộc Tổng thống Nga chống lại những mưu toan xét lại lịch sử làm hại quyền lợi của nước Nga". Ông với tư cách một cựu chiến binh, một nhà sử học một tướng quân, trước ngưỡng cửa Ngày Chiến thắng vĩ đại,  ông thấy Ủy ban đó có thực hiện tốt nhiệm vụ của mình không? Xã hội của chúng ta, đặc biệt là lớp trẻ, có biết được sự thật về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại không?

- Thật đáng tiếc là khó có thể hài lòng về chuyện này. Khái niệm "xét lại lịch sử", xuyên tạc nó đang còn tồn tại cả ở trong xã hội Nga chúng ta, cả ở trên thế giới. Nước Nga hiện đang phải chịu những yêu sách lãnh thổ vô lý, những lời buộc tội về các hành vi không phải trong quá khứ, một số nhân vật lịch sử bị đánh giá lại vai trò… Hệ lụy của những việc như thế có thể sẽ không sửa chữa được: Tái nổi những mâu thuẫn và xung đột sắc  tộc, lòng hận thù giữa các dân tộc… Theo tôi, cuộc đấu tranh  chống lại những sự xuyên tạc lịch sử quân sự không chỉ là nhiệm vụ của các nhà sử học hay của Nhà nước mà là nhiệm vụ chung của cả một xã hội công dân.

- Liệu kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có thể áp dụng vào tình hình hiện nay được không?

- Cuộc chiến tranh tương lai sẽ không phải là sự lặp lại cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Cần phải sẵn sàng với cả chiến tranh điện tử và chiến tranh thông tin. Hiện không ai muốn đánh nhau nhưng ai cũng muốn có mọi sự.  Và bởi lẽ họ không thể có ở đâu ra mà chúng ta thì lại có Siberi và Viễn Đông, nơi mỗi một cây số vuông chỉ có hai người dân nên họ sẽ cố gắng để chúng ta ly khai nhau ra. Họ đã làm cho Liên bang Xôviết tan rã. Giờ họ lại muốn nước Nga sụp đổ…

Hoàn Phong
.
.