Tai nương nước giọt mái nhà

Thứ Năm, 07/05/2015, 15:12
Thử hỏi, còn gì vui hơn? Và còn gì oải hơn khi một ngày trong tuần của y đã lập trình, đã theo thời khóa biểu, đã giờ nào việc nấy? Cứ răm rắp như cái máy. Như con tàu chuyển động trên đường ray.

Đêm qua mưa sầm sập trên mái nhà. Như thác lũ. Giật mình. Mở tung các cửa sổ đón mưa. Trời sẫm tối. Nhìn thấy từng hạt va đập vào nhau. Ồn ào. Náo nhiệt. Lúc ấy nghĩ gì? Nếu là cụ Đồ Chiểu, cụ đã viết một câu thơ thật hay: “Một trận mưa nhuần rửa núi sông”. Tài năng lớn, nhân cách lớn, tấm lòng ái quốc của cụ nghĩ đến vạn đời vạn kiếp của chúng sinh nên mới viết như thế. Nếu Huy Cận, sẽ là nỗi buồn mang mang vạn cổ sầu của Buồn đêm mưa:

Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...

Bài thơ này đề tặng Khái Hưng. Thời mới ngoài hai mươi, Huy Cận đã thâm trầm, sâu sắc, đau đời tựa lau trắng bơ vơ giữa một triền sông vắng, một bãi bờ hắt hiu tiếng gọi đò vì thế những câu thơ như tiếng gọi vang vọng từ tiền kiếp. Từ muôn kiếp trước. Về già, Huy Cận trẻ lại, lại trẻ và câu thơ không mở ra một cõi đời, một kiếp người bao la, man mác như thủa thắp ngọn Lửa thiêng. Đến một độ tuổi nào đó, đọc thơ Huy Cận càng thấy ý vị, càng thấm thía cõi nhân sinh đi xa hun hút và cõi về vô vọng.

Tai nương nước giọt mái nhà

Đêm qua sực nhớ và mỉm cười trong bóng tối với câu thơ ấy. Nghe mưa. Nghe chính lòng mình chia sẻ từng nhịp thơ lục bát. Lúc ấy, y nghĩ đến những lần đứng ngoài một lan can của một chung cư tầng 16, ở đó có hoa ngọc lan vừa chớm nụ. Đứng với nàng và cùng nhìn về phía sông Sài Gòn. Đưa bàn tay ra ngoài mưa, cảm nhận từng hạt rơi đều. Vuốt nhẹ lên mặt. Môi lạnh tê. Từng giọt mưa, từng giọt rượu rót lan man, rót xuống môi ngập đầy bóng đêm. Mưa của sự hoan lạc bởi nửa đêm tỉnh giấc ngóng chờ một điều gì chẳng rõ.

Chỉ biết lúc ấy, một cảm giác ngầy ngật chống chếnh buốt qua từng hơi thở. Môi chạm vào môi. Nghe tiếng mưa reo vui giữa khuya một tình cảm khiến ngày sau nghĩ lại vẫn còn cảm động. Lúc ấy, cứ đứng yên, lặng lẽ nhìn mưa. Ngoảnh vào trong nhà, những ngọn nến lập lòe cháy sáng và tỏa ra một mùi hương thơm dịu của chăn gối mỏng. Váy mỏng. Mưa mỏng. Hạt mưa do mỏng nên rơi nghiêng trong không gian tĩnh mịch. Đêm ấy là mưa.

Đêm mưa làm nhớ không gian

Đêm qua có mưa. Y đứng nhìn ra sân. Một mình. Bóng tối. Gió lùa một hơi thở mát. Quay lại vào giường. Chẳng thể ngủ. Cái nỗi niềm của dục vọng đã khiến y mở mắt, bèn đặt cái nhìn vào trang sách. Trang sách đã đọc dở dang. Đọc lại những lá thư giữa thi sĩ Quách Tấn và nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Những bức thơ đầm ấm. Tình bạn thật đẹp. Một chữ “Kính anh”. Một chữ “Thưa ông”. Trang nhã, lịch thiệp mà không khách sáo. Rất cảm động. Bốn năm học khoa Ngữ văn với biết bao nhiêu là môn, bao nhiêu lần thi cử, dám nghĩ rằng chưa chắc đã tiếp thu được cái đẹp, cái hay của văn chương cổ điển bằng cách đọc hết tập sách này. Sách dày trên 550 trang, in trên 200 bức thư từ năm 1966 đến năm 1984 giữa Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê. Đã đọc đi đọc lại mấy lần đoạn văn này, đoạn văn của Nguyễn Hiến Lê mà Quách Tấn khen hay.

Viết về cái gì mà hay? Thưa, chuyện đàn ông thời xưa ghen. Chuyện kể về đôi vợ chồng sống ở Đồng Tháp Mười. Cụ Nguyễn Hiến Lê viết:

“Họ sống như vậy trên một năm. Một lần nọ, chồng vào trong đồng phát cỏ luôn bảy ngày. Khi chàng về, vai vác phảng, lưng đeo nóp thì trời đã sẩm tối. Mặt trăng vàng vàng lơ lửng trên ngọn so đũa. Tới cách nhà độ hai trăm thước, anh ngừng lại, cau mày, lắng tai nghe: có tiếng hai người hò mà y như là giọng của… Phải, đúng cái giọng lanh lảnh ấy. Anh cố lắng tai nghe. Trong ngọn gió anh nhận được vài tiếng của người kia: ngân nga và giéo giắt.

Anh ta tự nghĩ:

- Miền này có ai mà hò hay như vậy?

Anh lặng lẽ bước tới, vẫn lắng tai nghe.

Khi đến nơi thì thấy một đám đông: từ người trong xóm đến các người trong ghe xuồng dưới kinh đều tụ lại nghe hò. Không ai để ý tới chàng, chàng lựa một chỗ để nhìn rõ nét mặt hai người đương hò: người đàn ông đẹp trai, trán cao, mắt sáng, miệng rất tươi; còn vợ chàng thì sao hôm nay bận chiếc quần hàng Tân Châu thường ngày cất trong giỏ?

Hai bên đối đáp nhau: giọng bên nam mỗi lúc một quyến rũ, giọng bên nữ dần dần có vẻ say sưa. Chàng yên lặng nghe, mơ màng: khi hai người mới ở chung với nhau, nàng thường có giọng ấy; đã ba năm rồi, giọng có phần kém, và tối nay…

Bên nam cất tiếng, lời có chút gay gắt quyết liệt gắn bó:

- Hò ơ ơ ớ ớ… Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng,
Ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng,
Ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ…
Hò ơ ơ ớ ớ… Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương…
Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao…

Chàng hồi hộp đợi vợ đáp…

Suy nghĩ một chút, bên nữ cũng cất tiếng:

- Hò ơ ơ ớ ớ…
… Lửng da trời, bay lượn con chim hồng,
Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa.
Đêm nằm em luống những thở ra,
Đôi ta chẳng…

Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng nàng hơi lơi lả. Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không, đầu thiếu phụ đã lăn trên đất, một dòng máu đen vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn.

Đêm hôm ấy một chòi lá cháy rực trong xóm mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp hiện lên ngay chỗ thiếu phụ chết. Còn người chồng từ đó biệt tăm, không ai biết là đi đâu.

Khi nghe giọng hò bất chính của vợ, anh nổi cơn ghen và chém vợ bằng cái phảng ở trong tay.

Nhà thơ Quách Tấn nhận xét: “Ghen vì hò”. Tình tiết tế nhị. Kết thúc đột ngột. Rõ là một thiên tình sử vừa ly kỳ vừa bi đát. Tuyệt. Tuyệt” (Thư ngày 28.10.1971). Nhận được thư của tri kỷ, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết: “Những đoạn ông khen cũng chính là những đoạn tôi thích, mà một số bạn nữa thích” (Thư ngày 6.11.1971). Càng đọc các bức thư này càng lôi cuốn, hấp dẫn và cũng học được bao nhiêu điều lý thú từ tri thức của hai văn nhân nước nhà.

Đọc đoạn văn trên, người ta sẽ lưu ý chi tiết nào? Nếu lưu ý chi tiết câu hò là người hoài cổ; nếu quan tâm chi tiết “có cái gì loang loáng...” là người của xã hội phức tạp... Đại khái thế. Vậy thử hỏi, y quan tâm chi tiết nào? Thưa, y quan tâm chi tiết “phảng”.

Thử hỏi, “phảng” là gì? Khoan giải thích. Chỉ quan tâm nói dấu “hỏi” hay dấu “ngã”. Hai “ông già” của chúng ta tranh luận mãi. Trong thư, cụ Quách Tấn viết: “Còn món dụng cụ mà anh chàng dùng lúc nổi cơn ghen đó, ở Bình Định gọi là cái phãng (với dấu ngã) và lưỡi ngắn bằng lưỡi rựa, nhưng cán dài hơn rựa, dùng để phát bờ. Lưỡi không mỏng và bén bằng rựa, song khi chị vợ trẻ toan phản thì cũng dễ “bay tóc” lắm”.

Nhận xét: Giải thích của cụ Quách Tấn là đúng, vì cụ là người Trung nên có điều kiện để hiểu “phãng” và giải thích tường tận, phát âm đúng. Cụ Nguyễn Hiến Lê người Bắc, đồng hương với nhà thơ Quang Dũng “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” nên có thể chưa hiểu tường tận về “phãng”. Cụ Lê trả lời thư như sau: “Đúng trong Nam này gọi là “phãng” (theo Từ điển chính tả của Lê Ngọc Trụ), nhưng cách phát âm khác nhau? nên tôi cứ theo giọng mà ghi bậy ra là “phảng”.

Chỉ một lá thư, đã học được bao điều. Vì thế đọc luôn một mạch đến gần sáng. Sáng dậy sớm, nhưng trong đầu vẫn nghĩ ngợi mãi cái phãng (phảng) hỏi hay ngã đây hở trời? Cái tính y nó thế, đã muốn hiểu thì phải ngọn ngành mới vừa bụng.

Bèn lật lại tạp chí Nhân Loại (số 4 phát hành ngày 15/10/1958) có in bài Cái phãng và thế phát của nhà văn Sơn Nam, ông viết rõ ràng dấu ngã. À, tờ báo này do nhà văn Ngọc Linh làm thư ký tòa soạn, nổi tiếng với tiểu thuyết Đôi mắt người xưa, sau này ông là “cầm chịch” tờ Sân Khấu, cơ quan nằm tại 5B Võ Văn Tần. Ấy là chuyện sau này.

Bài của nhà văn Sơn Nam có giải thích về ích lợi của việc sử dụng “một nông cụ chiến lược” như sau: “Nếu không cày bừa thì làm cách nào để dọn đất cho sạch sẽ cỏ để cấy lúa? Cầm dao chặt cỏ ư? Mỗi lát dao chỉ cắt chừng vài mươi ngọn cỏ, biết bao giờ mới đủ đất cấy? Nếu chặt bằng dao thì phải ngồi chồm hỗm, đằng này đất ngập nước, nếu giết cỏ hồi cỏ còn khô thì cỏ sẽ mọc lại như cũ. Dùng cuốc cũng bất tiện vì quá chậm chạp. Hơn nữa cỏ ở đất mới mọc rất mạnh, rất dày. Nhiều đám cỏ tây (cỏ ngựa) hoặc cỏ mồm (cỏ tim bấc, tim bức) nằm la liệt theo chiều gió nhưng chất vun lên cao ngang ngực người lớn, rắn rít tha hồ hoạt động. Phải tạo một cây dao thật dài để có thể chặt nhiều cỏ một lần”.

Con dao này ta hiểu là cái phãng, tất nhiên nó đã được cải tiến nhằm có thể đứng mà chặt cỏ ngay dưới mặt nước.

Vừa đinh ninh cái phãng dấu ngã, nhưng tiện tay lật qua tập Văn hóa dân gian người Việt Nam Bộ (NXB Tổng Hợp TP HCM) của nhóm biên soạn Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Lê Quang Vinh lại thấy ghi dấu hỏi: “Chiếc phảng, chiếc nóp, cái cà ràng vốn của người Khơme đã được người Việt cải tiến thành những dụng cụ quen thuộc và thích ứng hơn cho người làm nông ở đồng bằng sông Cửu Long” (tr.62).

Vậy dấu hỏi hay dấu ngã hở trời? Đem theo câu hỏi đó lúc đi làm. Trời vẫn mưa. Vào cơ quan, mở Facebook thấy bạn bè đều báo tin đêm qua có mưa.

Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...

Lê Minh Quốc
.
.