Tài không sợ tuổi

Thứ Ba, 18/09/2012, 09:10
Theo hãng tin Nga INTERFAX ngày 4/9/2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình Duma Quốc gia dự luật nâng độ tuổi tối đa phục vụ trong bộ máy nhà nước đối với các công chức cấp cao Nga là từ 65 lên 70. Hai năm trước, khi vị Thủ tướng Nga đương nhiệm Dmitri Medvedev đang làm chủ Điện Kremli, độ tuổi tối đa của các công chức Nga đã bị hạn chế ở mức 65 tuổi.

Quan trọng là năng lực

Mặc dù ông Putin và ông Medvedev vẫn tiếp tục được đánh giá là “cặp bài trùng lý tưởng” trên chính trường Nga (một vị Tổng thống năng nổ và “đầu tàu gương mẫu” như ông Putin có lẽ khó tìm được ở đâu một “Thủ tướng kỹ thuật” ăn ý và nhiều phần nhất trí với mình như ông Medvedev!) nhưng như câu tục ngữ Nga đã nói, “chổi mới quét theo kiểu mới”. Chính vì thế nên Tổng thống Putin đã không ngại “hiệu đính” lại độ tuổi tối đa đối với các công chức cao cấp Nga để giữ lại được cho mình thêm những cộng sự mà ông đánh giá cao dù họ đã ngấp nghé “kịch trần” về tuổi tác.

Trong văn bản lý giải dự luật vừa trình lên Duma Quốc gia về việc nâng độ tuổi phục vụ tối đa đối với các công chức cấp cao có ghi rõ: “Để duy trì đội ngũ cán bộ lãnh đạo chất lượng cao cho công việc nhà nước, dự luật cho phép công chức nhà nước cấp liên bang nếu ở trong bậc “lãnh đạo” được xếp vào đội ngũ những vị trí cán bộ cao cấp có thể thêm thời hạn làm việc lên tới tuổi 70 tùy theo quyết định của Tổng thống LB Nga”.

Năm 2010, khi còn ngồi ở vị trí nguyên thủ quốc gia, ông Medvedev đã hạn chế độ tuổi tối đa của các công chức là 65 với mục đích đẩy nhanh tiến độ trẻ hóa bộ máy hành chính. Sắc lệnh tương ứng đã được Duma Quốc gia thông qua ngày 17/11/2012 và được Thượng viện chuẩn y ngày 24/11/2010, rồi được Tổng thống ký ngày 3/12/2010. Theo đó, độ tuổi phục vụ tối đa của các công chức là 60. Trong những trường hợp cần thiết, công chức khi đạt độ tuổi tối đa này có thể được tiếp tục làm việc thêm theo nhu cầu của lãnh đạo cấp cao hơn nhưng cũng không được vượt quá trần tuổi là 65.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, trong nhóm các cố vấn của Tổng thống Putin (11 người) đang có 5 người ở tuổi trên lục thập, thậm chí có người còn ở sát độ tuổi “cổ lai hy”. Chính vì thế nên ông Putin đã phải đệ trình dự luật mới với mục đích giữ lại cho mình những cố vấn mà ông đánh giá là còn rất hữu dụng. Ngay bản thân đương kim Tổng thống Nga, sau khi chính thức nhậm chức nhiệm kỳ 3, cũng đã chuẩn bị bước qua ngưỡng tuổi lục thập (ông sinh ngày 7/10/1952).

Tất nhiên, theo Hiến pháp Nga hiện hành, không có hạn chế nào đối với tuổi của người đang ngồi trên ghế nguyên thủ. Và cũng phải nói rằng, nhìn chung, độ tuổi trung bình của các thành viên nội các Nga đương nhiệm cũng như các thành viên của bộ máy trực thuộc Tổng thống Nga không phải là quá cao. Trong chính phủ Nga hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Dmitri Livanov mới 45 tuổi. Bộ trưởng Bộ Thông tin Nikolai Nikiforov thậm chí mới 30 tuổi…

Vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xôviết, Boris Yeltsin, đã tự nguyện rời khỏi vị trí của mình ngày 31/12/1999 ở độ tuổi 68 (sinh năm 1931) sau 8 năm đầy sóng gió trụ ở cương vị này. Đó cũng là giai đoạn mà nước Nga đã bị đoạn trường hơn bao giờ hết mà hệ lụy đến nay vẫn còn ám ảnh chưa nguôi. Ông Yeltsin qua đời ngày 23/4/2007, thọ 76 tuổi… Nhiều nhà quan sát cho rằng, sở dĩ ông Yeltsin đã có thể êm thấm sống đến lúc sang thế giới bên kia là nhờ ông biết cách “rút dù” sớm để người kế nhiệm là ông Putin lên thay và kịp thời ra sắc lệnh miễn trừ hình sự cho mọi việc làm dù sai lầm đến mấy của ông trong quá khứ.

Tới năm 2016, năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của nước Nga, ông Medvedev, người vừa rời khỏi Điện Kremli để nhậm chức Thủ tướng, sẽ bước vào tuổi 51. Hiển nhiên là ông sẽ có cơ hội thêm một lần ra ứng cử Tổng thống nếu ông coi đấy là tiện lợi cho mình và cho nước Nga. Khi được ông Putin chọn làm người kế vị trên ghế Tổng thống Nga năm 2008, ông Medvedev mới  ở độ tuổi 43. Ông đã giành được chiến thắng trong bầu cử nhưng ai cũng hiểu rằng, trong thành công đó có sự hỗ trợ quyết định của ông Putin… trong một bài trả lời phỏng vấn hồi đầu năm nay, ông Medvedev cũng đã nói rằng, tới năm 2016 ông vẫn còn quá trẻ để nói lời từ biệt với những mơ ước quay trở lại Điện Kremli… Tuy nhiên, tới năm 2016, ông Putin mới chỉ ở tuổi 64, tức là hoàn toàn chưa già theo cách nhìn ở Moskva!

Leonid Brezhnex.       Dmitri Medvedev.        Ronald Reagan.        Barack Obama.

Dưới thời Xôviết, tuổi tác chưa bao giờ là cản trở đối với những chính trị gia giữ cương vị hàng đầu trong bộ máy quản lý đất nước. Lênin cũng như Stalin chỉ rời vị trí lãnh đạo tối cao sau khi trút hơi thở cuối cùng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev khi ngồi vào vị trí lãnh đạo tối cao của nhà nước Xôviết đã ở tuổi 58 và trụ ở đó tới khi qua đời ngày 10/11/1982.

Trong những năm cuối đời, ông Brezhnev đã gây nên những ấn tượng không dễ có thiện cảm vì tuổi quá cao mà công việc phải đảm nhận quá nặng nề. Và giai đoạn đó về sau đã bị gọi là thời kỳ trì trệ nhất trong lịch sử xây dựng và phát triển của chế độ Xôviết. Cựu Chủ tịch KGB Yuri Andropov lên kế vị ông khi đã ở tuổi 68 và cũng chỉ rời ghế khi đã qua đời ngày 8/2/1984. Người kế vị ông, Konstantin Chernenko, sinh tháng 10/1911 nên lúc nhậm chức cũng đã ở trong tình trạng sức khỏe không tốt. Bởi thế, ông Chernenko chỉ trụ được ở chức vụ Tổng Bí thư tới ngày 10/3/1982 thì mất…

Khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev đang ở tuổi 54, tức là còn rất trẻ so với những người tiền nhiệm. Thế nhưng, chính Gorbachev đã là người góp tay vào làm tan vỡ Liên bang Xôviết. Năm nay đang ở tuổi 82, ông Gorbachev dù không được đa số người Nga ưa vì tội đã chiêu hồi rẽ lối nhưng vẫn cố gắng thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước Nga. Những điều ông phát biểu chủ yếu đều nhằm mục tiêu “thanh minh thanh nga” cho những sai lầm của mình trong quá khứ…

Mỹ không nệ tuổi

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, bất cứ một công dân Mỹ nào ở độ tuổi lớn hơn 35 và đã sống trên lãnh thổ nước này không dưới 14 năm đều có thể ra tranh cử vào ghế Tổng thống. Trong suốt lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ, chính trị gia cao tuổi nhất ở thời điểm ra tranh cử Tổng thống là cựu minh tinh Hollywood, Ronald Reagan, sinh tháng 12/1911. Khi bước vào Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu tiên (1981), ông Reagan đã ở tuổi 69. Bắt đầu nhiệm kỳ hai (1985), vị Tổng thống Mỹ thứ 40 này đã bước sang tuổi 73! Hai nhiệm kỳ của ông Reagan chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn…

Vị Tổng thống Mỹ đắc cử khi đang ở tuổi trẻ nhất John Kennedy, sinh tháng 5/1917. Ông Kennedy bước vào Nhà Trắng tháng 1/1961. Tuy nhiên, vị Tổng thống thứ 35 này của nước Mỹ đã không mấy may mắn và bị ám sát ngày 22/11/1963.

Thực ra, người trở thành chủ nhân ông Nhà Trắng trẻ hơn cả là vị Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt, sinh tháng 10-1858. Khi trở thành nguyên thủ quốc gia của nước Mỹ (ngày 14/9/1901), ông đang ở độ tuổi 42 năm 10 tháng. Tuy nhiên, ông không phải là người được bầu làm Tổng thống mà chỉ đơn giản từ vị trí Phó Tổng thống lên kế vị người tiền nhiệm là vị Tổng thống thứ 25 William McKinley bị ám sát chiều ngày 6/9/1901…

Nhìn chung, các Tổng thống Mỹ gần đây khi nhậm chức đều ở tuổi trên dưới 50. Ông Bill Clinton sinh tháng 8/1946 và lần đầu bước vào Nhà Trắng tháng 1/1993. Ông George Bush (con) sinh tháng 7/1946 và lần đầu bước vào Nhà Trắng tháng 1/2000. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama sinh tháng 8-1961 và đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất (cũng có thể là duy nhất nếu tháng 11 tới ông không vượt qua được đối thủ Mitt Romney của đảng Cộng hòa) tháng 1/2008… Nhìn chung, độ tuổi trung bình của các đời Tổng thống Mỹ khi họ lần đầu nhậm chức là 55.

Theo một công trình nghiên cứu mới được công bố cách đây không lâu ở Mỹ, dù bận trăm công nghìn việc nhưng các vị Tổng thống Mỹ không phải vì thế mà đoản thọ. Trái lại, phần đông các cựu Tổng thống Mỹ đều sống tới lứa tuổi khá cao và lâu hơn so với tuổi thọ trung bình của các công dân Mỹ. 8 vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đều thọ ở tuổi trên dưới 70, thậm chí gần 80, trong khi tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ trong giai đoạn đó chỉ là 40! Các Tổng thống Mỹ trong thế kỷ XX phần nhiều đều chỉ mất khi đã cao tuổi, thí dụ như Reagan (1911-2004); Gerald Ford (1913-2006); Richard Nixon (1913-1994)…

Cũng theo nhận xét của tác giả công trình nghiên cứu trên, đương kim Tổng thống Mỹ Obama hiện nay cũng có ngoại hình trẻ hơn so với đa phần những công dân Mỹ đồng niên với ông. Mặc dù trong gần 4 năm qua, ông Obama đã bạc thêm nhiều sợi tóc nhưng phong độ hành xử của ông vẫn rất năng nổ và nhanh nhẹn

Phạm Huy Dũng
.
.