Suy thoái chính trị

Thứ Tư, 26/10/2016, 18:28
Suy thoái chính trị là vấn đề đã nói từ lâu, lần này Trung ương dành hẳn chuyên đề riêng để bàn về suy thoái chính trị, về “tự chuyển biến, tự chuyển hoá”.


Điểm mới lần này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII): “Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.

Khi bước vào thời kỳ đổi mới, vấn đề suy thoái chính trị mới chỉ là một lời cảnh báo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI: “Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của nhà nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền”. 

5 năm sau, tại Hội nghị lần thứ ba, BCH Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. 

Nghị quyết đã nhận định: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. 

Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài”. Đến Đại hội VIII, Đảng nêu rõ: “Điều đáng lo ngại là không ít cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất đạo đức”. 

Tiếp đó, Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đều nhấn mạnh tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. 

Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. 

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN; dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu... 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, giải đáp vấn đề suy thoái chính trị trong bộ phận cán bộ, đảng viên mà Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) đặt ra. Ảnh: Vnn.

Như vậy, vấn đề Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) vừa đưa ra bàn luận về tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, về “tự chuyển biến, tự chuyển hoá” là sự tiếp nối những thách thức đã đặt ra từ rất nhiều đại hội, hội nghị trước. 

Điều này cũng cho thấy, đây là nguy cơ đeo đẳng suốt tiến trình xây dựng, phát triển của Đảng, là vấn đề sống còn, buộc Đảng phải thường xuyên tu sửa, chỉnh đốn. Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. 

Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. 

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Bác Hồ đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng, mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. 

Nhìn thẳng sự thật, nhìn thẳng tồn tại, thách thức đã là sự dũng cảm nhưng quan trọng hơn là phải dũng cảm chiến đấu bài trừ sự thật, tồn tại đó. Nhiều cán bộ, đảng viên hư hỏng dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa lúc nào không biết, chỉ trong gang tấc. 

Từ chỗ hư hỏng về tư tưởng chính trị, tức là không còn tin Đảng, Mác - Lênin, Bác Hồ, rồi tiếp tay, móc nối với bên ngoài, đồng lõa với phần tử xấu chống chế độ. Không ít đảng viên có quá trình lâu năm nhưng lại nói ngược quan điểm của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ, chỉ thấy mặt trái rồi thổi phồng lên.

Ai là người suy thoái? Câu hỏi ấy tưởng dễ nhưng không giản đơn để trả lời. Người ta thường nói, cái mình không nhìn được là gáy của chính mình. Mình nhìn thấy sự thật, thấy cái sai, cái xấu của người khác bằng mắt thường nhưng lại không thể nhìn thấy cái xấu của mình, cũng như không thấy được gáy mình vậy. Đấy là đặc điểm tâm lý, thích soi mói cái dở của người nhưng lại chúa ghét ai đó nói thói hư tật xấu của mình, chỉ ưa điều hay ý đẹp. 

Đặc điểm tâm lý ấy là rào cản vô hình ngăn chúng ta khó thu được hiệu quả trong những cuộc phê bình và tự phê bình, vốn là vũ khí đấu tranh của Đảng. Trong khi đó, chúng ta nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ huy và trao nhiều quyền lực cho họ. 

Trao quyền lực nhưng lại không kiểm soát được quyền lực dẫn đến người lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, sa đọa, trác táng khiến cán bộ, đảng viên bức xúc nhưng không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập. Có quyền lực trong tay, mà không chịu sự kiểm soát của dân, của Đảng sẽ dẫn đến hư hỏng. 

Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu nhưng nếu tự tung tự tác, quyết định tất, quyết dự án, quyết cán bộ, đề bạt, tranh thủ đưa con cháu mình lên, hư hỏng như vậy sẽ mất niềm tin. 

“Ngày xưa, cán bộ nói thì dân nể trọng lắm, từ trong tình cảm, còn bây giờ nói chẳng ai nghe là vì không gương mẫu, vì hư hỏng tiêu cực, nói thế mà lại làm khác thì ai tin” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 18-10-2016.

Điều đáng lo  ngại là ngày nay, người suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống vẫn có thể dễ dàng giấu mình trong những dáng mạo sang trọng và được bao bọc bởi êkíp quyền lực, từ đó liên tiếp tiến thân bất chấp sự bức xúc của cán bộ, đảng viên dưới quyền. Nhà nước có thanh tra, kiểm tra nhưng khi mà đây đó vai trò cơ quan này cũng bị đồng tiền mua nốt thì người dân còn biết tìm công lý, sự thật ở đâu? 

Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Dương Chí Dũng còn là bài học thời sự và người ta không biết, trong cuộc sống hôm nay, còn bao nhiêu ông Thanh, ông Danh còn được che bọc bởi những quyền lực? 

Ông Nguyễn Đức Hà - Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết TW4 cho biết, trong đợt tự phê bình và phê bình năm 2012 theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), chúng ta đã xử lý kỷ luật gần 16 nghìn đảng viên, tăng 16% so với năm 2011. 

Đến năm 2013, kỷ luật hơn 21 nghìn đảng viên (năm 2013 có một số gối từ năm 2012 chuyển sang). Năm 2014 có hơn 17 nghìn đảng viên bị xử lý, kỷ luật ở các mức độ khác nhau. 

Như vậy, trong 3 năm triển khai Nghị quyết TW4, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 50 nghìn đảng viên. Đây là một con số khá lớn. Số đảng viên bị xử lý kỷ luật này có cả diện Ban Bí thư quyết định, có cả diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định, có cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định… Điều này cho thấy rõ ràng rằng, nhận định của Ban chấp hành TW về “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” là hoàn toàn có cơ sở.

Những ngày này, người dân cả nước đang chung sức hướng về đồng bào miền Trung chìm trong mưa lũ. Những tấm lòng thơm thảo được sẻ chia, dù ít nhiều cũng đều đáng quý. Nhưng có sự thật là hàng triệu sự đóng góp của nhân dân cả nước sẽ được mấy chục tỷ, mấy trăm tỷ đồng, về nghĩa tình thì lớn lắm nhưng nếu đem so với hơn 12 nghìn tỷ mà 2 ông Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh làm thất thoát thì chỉ đáng một, hai phần trăm.

Tại sao cá nhân lại đổ sông đổ bể tiền của nhân dân, đất nước ghê gớm như vậy, trong khi hàng triệu người còn phải gom sức hỗ trợ nhau cũng chỉ bằng phần nhỏ lẻ số tiền biến mất đó. Nghĩ mà xót xa. Nhưng điều quan trọng lúc này không phải vì thế mà bất mãn, mất niềm tin. Khi mà Đảng luôn nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm phê phán chính mình và dũng cảm cắt bỏ ung nhọt, có nghĩa chúng ta nhận ra ở đó sự tiến bộ và đấu tranh để đi lên.

An Nhi
.
.