Sự thật về tổ chức dân tộc cực hữu Sói xám

Thứ Tư, 06/01/2016, 03:57
Sau sự kiện chiếc máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ và Alparslan Celik, thành viên tổ chức Sói xám, thủ lĩnh nhóm các chiến binh được cho là những người Turkmen ở Syria tự nhận đã bắn chết viên phi công Nga, Sói xám - cánh quân sự của đảng Phong trào Dân tộc (MHP) Thổ Nhĩ Kỳ lại được nhắc tới với sự cảnh giác cao độ.

Công cụ của các cơ quan đặc biệt

Sói xám xuất hiện vào những năm cuối của thập niên 1960, khi đảng MHP cực hữu Thổ Nhĩ Kỳ và Đại tá Alparslan Tyurkesh, người sùng bái Hitler cần có một cánh quân sự cho tổ chức của mình. Nền tảng tư tưởng của tổ chức này là chủ nghĩa phát xít mới, chống cộng sản và Pan-Turkism - giấc mơ về một nước Thổ Nhĩ Kỳ thế tục vĩ đại, một đế quốc, mà ở đó tập hợp được tất cả các tộc người Turan trên cơ sở huyết thống, không phải là đức tin Hồi giáo. 

Tư tưởng này biến Sói xám thành kẻ thù của các nước có các dân tộc thiểu số nói tiếng Turkic sinh sống gồm Iran, Trung Quốc và Liên Xô. Tổ chức này còn tuyên bố đấu tranh cho lý tưởng của Mustafa Kemal Atatürk, Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sói xám tuyển chọn thành viên chủ yếu từ những thanh niên chưa có việc làm, học sinh, sinh viên. Sau đó, họ được đưa đi huấn luyện ở các trại được thành lập trên khắp đất nước. Tổ chức này có hàng chục nghìn người, họ gắn kết với nhau bằng kỷ luật nghiêm ngặt và tuân theo sự chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối của Alparslan Tyurkesh.

Sói xám đã được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) quan tâm ngay từ đầu. Để chống lại một cuộc chiến tranh có thể có của Liên Xô với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), CIA và các cơ quan đặc biệt của các nước NATO đã triển khai Chiến dịch Gladio - xây dựng hệ thống các tổ chức bí mật chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích ở hậu phương địch. Và, các cơ quan đặc biệt của phương Tây dĩ nhiên đặt hy vọng vào các tổ chức cực hữu có tính đến sự thù hận với chủ nghĩa cộng sản. 

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, Sói xám cũng đã trở thành một phần của Gladio do các cơ quan đặc biệt Mỹ tài trợ và giám sát thông qua các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Sói xám hữu ích, nhưng là đồng minh khó bảo, nhiều thành viên của tổ chức này còn ghét phương Tây không kém Liên Xô. Đối với những người cực hữu, dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ là trên hết và họ có nghĩa vụ phải đấu tranh chống lại âm mưu của người Do Thái, Hội Tam Điểm và Cộng sản, họ thường sử dụng kiến thức, vũ khí và tiền bạc nhận được để tiến hành cuộc chiến trong nước.

Đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Sói xám là một công cụ có thể được sử dụng để đối phó với phe đối lập cánh tả mà không cần sự tham gia của quân đội và cảnh sát. Ngoài ra, Sói xám còn được dùng để tạo sự bất ổn trong xã hội bởi trong điều kiện như vậy, người dân sẽ ủng hộ chính quyền đương nhiệm. Sói xám được cho là đã hành động dưới sự kiểm soát và vì lợi ích của chế độ. 

Mehmet Ali Agca, kẻ mưu sát Giáo hoàng bị cảnh sát Ý bắt giữ.

Họ đã giết các nhà hoạt động cánh tả và tự do, trí thức, lãnh đạo công đoàn, người Kurd, nhà báo và quan chức. Họ từng giết chết hơn một trăm người Hồi giáo Alawite trong vụ thảm sát tại Marash và bắn vào cuộc biểu tình ngày Quốc tế lao động trên Quảng trường Taksim vào năm 1977, làm chết 42 người.

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa cực đoan. Và, tổ chức Sói xám với khoảng 200 nghìn người đã bị ly tán, nhiều thành viên bị bắt. Tại tòa, Sói xám bị buộc tội đã thực hiện 694 vụ giết người, nhiều tài liệu về mối quan hệ với CIA được công bố. Tổ chức này bị cấm hoạt động, hầu hết các thủ lĩnh phải ngồi tù và họ cáo buộc chính quyền Ankara đã phản bội.

Mưu sát Giáo hoàng

Tuy nhiên, tổ chức này không biến mất, Sói xám đã rút vào hoạt động bí mật và tiến hành các hoạt động khủng bố quy mô lớn chống lại các kẻ thù của họ. Hoạt động khủng bố khét tiếng nhất của Sói xám là vụ mưu sát Đức Giáo hoàng John Paul II. Ngày 13-5-1981, Mehmet Ali Agca, một thành viên của tổ chức này, kẻ vừa trốn thoát khỏi nhà tù, đã bắn trực diện vào Giáo hoàng, ông bị thương nặng ở bụng. Agca đã bị cảnh sát Ý bắt, bị kết án tù chung thân, sau đó bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ mưu sát này chỉ là phần đỉnh của tảng băng trôi. Ở các nước khác trên thế giới - chủ yếu là ở châu Âu - các phần tử khủng bố cánh hữu Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc chiến thực sự với những kẻ khủng bố người Armenia thuộc tổ chức Quân đội bí mật giải phóng Armenia, lực lượng từng giết hại các công dân và nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. 

Một trong những người hùng của cuộc chiến này là Abdullah Dzhatli, kẻ đã sắp xếp cho Agca trốn khỏi nhà tù và cung cấp cho hắn các giấy tờ tùy thân giả. Tổ chức Sói xám vẫn duy trì và củng cố mối quan hệ với các cơ quan đặc biệt của các nước NATO và tổ chức các cuộc tiếp xúc với các tổ chức mafia ma túy quốc tế. Tại Trung Đông, Sói xám tiến hành hoạt động buôn lậu vũ khí và chuyển heroin vào Mỹ thông qua mafia Ý.

Vào đầu những năm 1990, hầu hết các thành viên của Sói xám đã mãn hạn tù hoặc được trả tự do theo lệnh ân xá. Tổng thống Turgut Ozal muốn biến Thổ Nhĩ Kỳ thành thủ lĩnh khu vực nhằm lấp khoảng trống ở Kavkaz sau sự sụp đổ của Liên Xô và thế là, Sói xám của A. Tyurkesh lại một lần nữa được Ankara cần đến, tổ chức này ra hoạt động công khai.

Các thành viên tổ chức Sói Xám tham gia tưởng niệm các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chết trận.

Vào năm 1992, A. Tyurkesh đến Azerbaijan và đã được chào đón nhiệt liệt. Trong cuộc chiến tranh Nagorno - Karabakh, đã có hàng trăm thành viên của Sói xám được gửi đến trợ giúp những người Azerbaijan. Sau đó, các tay súng của Sói xám tổ chức chuyển vũ khí và tham gia vào các trận chiến ở Chechnya, Nga trong hàng ngũ của lực lượng ly khai.

Nhà nước Đông Turkestan

Tổ chức Sói xám cũng hoạt động mạnh ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Tại đây, họ ủng hộ phong trào ly khai nhằm thành lập nhà nước Đông Turkestan, quốc gia mà những người theo chủ nghĩa Pan-Turkism coi là phên giậu phía Đông của nước Turan vĩ đại. Đặt hy vọng vào “cuộc đấu tranh giành trái tim và khối óc”, Sói xám luôn cố gắng gây thiện cảm với giới trí thức - các giáo viên phổ thông và đại học, sinh viên và các nhà báo ở Tân Cương.

Cuộc chiến giành tự do cho Tân Cương còn lan ra nhiều nơi, trong đó có vụ đánh bom khủng bố ở Bangkok, Thái Lan vào tháng 8-2015 làm 19 người thiệt mạng và 123 người bị thương. Adem Karadag, công dân Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của tổ chức Sói xám bị nghi ngờ là thủ phạm tổ chức vụ khủng bố này. 

Tháng 7-2015, Sói xám cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối lệnh cấm hoạt động tập trung đông người ở Tân Cương của nhà chức trách Trung Quốc trong tháng lễ Ramadan. Họ đốt cờ Trung Quốc và đập phá cửa hàng của người Hoa, treo băng rôn với khẩu hiệu “Chúng ta khát máu Trung Quốc”, đánh đập một số khách du lịch Hàn Quốc vì bị tưởng nhầm là người Trung Quốc…

Căn cứ chính ở nước ngoài của Sói xám là châu Âu, chủ yếu là Đức, Hà Lan và Bỉ. Ở những nơi đó, họ hoạt động dưới trướng của nhiều tổ chức văn hóa quan tâm đến việc bảo tồn “bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên ở châu Âu, Sói xám hoạt động ít cực đoan hơn, hiếm khi họ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố và giết hại người Kurd. Họ chủ yếu tổ chức tuần hành phản đối và đập phá các tượng đài tưởng niệm nạn diệt chủng người Armenia, đánh đập các du khách Trung Quốc, ẩu đả với các thành viên của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quan điểm của các nhà hoạt động cánh tả và công đoàn.

Tuy nhiên, theo số liệu của các báo Neues Deutschland và Der Spiegel, ở Đức, Sói xám có hơn mười nghìn người và là tổ chức cánh hữu lớn nhất trong cả nước, tổ chức này thường tuyển thành viên mới trong cộng đồng những kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ thế hệ thứ ba, những người còn quan tâm tới bản sắc dân tộc. Cảnh sát Đức thường tổ chức các đợt truy quét các phần tử cánh hữu Thổ Nhĩ Kỳ, thu giữ vũ khí, đạn dược, súng điện và cả kiếm samurai…

Nếu ở châu Âu, Sói xám đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, thì ở quê nhà, họ lại đang ra sức ngăn chặn sự hình thành cộng đồng người Syria. Vào tháng 7-2014, trong cuộc biểu tình phản đối người tị nạn Syria với hàng nghìn người tham gia, nhiều người  hét lên những khẩu hiệu và nắm chặt tay với dấu hiệu đặc trưng của Sói xám. Họ phong tỏa các con đường, đập phá bảng hiệu của các cửa hàng bằng tiếng Ảrập.

Các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ chọn giải pháp “không làm trầm trọng thêm quan hệ với lực lượng cánh hữu”. Sự mềm dẻo này cũng dễ hiểu, chính quyền nước này cần có đồng minh trong cuộc chiến chống  tổ chức đảng Công nhân người Kurd, đặc biệt, cần nhiều thành viên tích cực của Sói xám tham gia cuộc chiến ở Syria như Burak Mishindzhi, một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu nổi tiếng. Burak Mishindzhi đã bị binh sĩ Syria bắn chết ở Latakia vào tháng 7-2015.

Hoàng Tuất
.
.