Sự phẫn nộ mang tên Kailash Satyarthi

Thứ Bảy, 21/11/2015, 15:52
Kailash Satyarthi sinh ra tại một đất nước Phật giáo, từ nhỏ đã được dạy cách chấp nhận và an tâm với cuộc sống. Đó là cách khôn ngoan nhất để sống, nhưng ông không chịu chấp nhận như vậy. 

Ông luôn thấy trăn trở, phẫn nộ, nhất là trước thực trạng nô lệ trẻ em. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Kailash đã tạo ra động lực mạnh mẽ thay đổi xã hội, tạo ra sự cộng hưởng, chia sẻ với cộng đồng, làm giảm bớt sự đau khổ cho con người và để có một xã hội tốt đẹp hơn.

Cùng với hoạt động Pakistan Malala Yousafzai, đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2014 “Vì cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp trẻ em và cho các quyền của tất cả trẻ em được học hành”, Satyarthi là người Ấn Độ thứ hai đoạt giải Nobel Hòa bình sau Mẹ Teresa vào năm 1979.

Hào phóng, vị tha và chu đáo

“Khai thác lao động trẻ em là bất hợp pháp và vô đạo đức. Nếu không phải bây giờ, thì là khi nào? Nếu không phải chúng ta, thì là ai? Nếu chúng ta có thể trả lời những câu hỏi cơ bản này, thì có lẽ chúng ta mới có thể xóa đi những vết nhơ của chế độ nô lệ”. Đây là những gì Kailash Satyarthi, người đi đầu trong phong trào chống chế độ nô lệ trẻ em, cho biết.

Kailash Satyarthi sinh ngày 11/1/1954 tại Vidisha, Ấn Độ. Ông đã tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em ở 144 quốc gia. Hoàn thành bằng kỹ sư điện tại Viện Công nghệ Ashock, và tham gia giảng dạy ở Trường Cao đẳng Bhopal. Ông là Tổng thư ký Mặt trận giải phóng lao động nô lệ và là Chủ tịch của Chiến dịch toàn cầu vì giáo dục. Những tác phẩm của ông nhận được các danh hiệu và giải thưởng quốc gia và quốc tế, giải Nobel Hòa bình năm 2014.

Được coi như người dẫn đường cho việc bãi bỏ lao động trẻ em ở Ấn Độ, Kailash Satyarthi đã giải cứu được hàng ngàn trẻ em khỏi các hình thức nô lệ. 

Cho đến nay, tổ chức của ông, Bachpan Bachao Andolan, đã giải phóng hơn 80 nghìn trẻ em và giúp đỡ các em tái hội nhập, phục hồi chức năng và giáo dục thành công. Kailash Satyarthi giải cứu trẻ em và phụ nữ lao động nô lệ trong các nhà máy đông đúc bẩn thỉu, những nơi có điều kiện lao động thiếu thốn và nguy hiểm luôn rình rập. Để đạt được một thế giới hòa bình, điều quan trọng là các quyền của trẻ em và những người trẻ tuổi được tôn trọng. 

Theo truyền thống của Mahatma Gandhi, Kailash Satyarthi đã tiến hành một cuộc đấu tranh hòa bình để ngăn chặn sự bóc lột lao động trẻ em. Ông cũng đã góp phần vào sự phát triển của các công ước quốc tế về quyền của trẻ em.

Khi Kailash Satyarthi đi học, ông thấy hai cha con cậu bé nhỏ tuổi hơn mình làm công việc sửa chữa trong trường học và đánh giày. Thay vì được đến lớp, cậu bé đánh giày cả ngày với cha mình. Cảm thấy xấu hổ và phẫn nộ vì việc này, Kailash Satyarthi vận động các bạn quyên góp sách giáo khoa và tiền cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 26 tuổi, ông từ bỏ công việc là kỹ sư điện tham gia đấu tranh chống lại chế độ nô lệ trẻ em ở Ấn Độ. Ông đã tổ chức các đội đột nhập và giải cứu trẻ em khỏi các nhà máy nơi họ bị bóc lột sức lao động.

Có tới 650 triệu trẻ em bị buộc phải làm việc trên thế giới, và đóng góp lớn nhất của Kailash Satyarthi là ông đã thay đổi cách suy nghĩ của mọi người về nạn nô lệ và đưa nó thành một vấn đề quốc tế. Kailash mạo hiểm cuộc sống của mình mỗi ngày để cố gắng giải phóng những đứa trẻ. Một trong những mục tiêu của ông Kailash trong cuộc sống là để tạo ra sự khác biệt, ngăn chặn đói nghèo và quan tâm đến quyền con người.

Đối mặt với hiểm nguy

Lao động trả nợ là một hình thức nô lệ thời hiện đại, những người lao động mất đi quyền tự do lựa chọn. Họ buộc phải làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt. Hàng triệu trẻ em đang ở trong hoàn cảnh như vậy, gia đình các em có thể đã vay một khoản tiền từ một chủ sử dụng lao động và các em bị buộc phải lao động để trả nợ. Thậm chí có những gia đình có nhiều thế hệ cùng làm việc cho một chủ. Các điều kiện lao động trả nợ là hoàn toàn vô nhân đạo. Có những đứa trẻ chỉ 6, 7 tuổi và làm việc 14 giờ một ngày, bị đánh đập, bị ngược đãi. Những chủ sử dụng lao động thường chỉ cho ăn nửa khẩu phần vì cho rằng nếu được ăn đầy đủ, đứa trẻ sẽ trở nên buồn ngủ và chậm chạp. Đó thực sự là chế độ nô lệ thời trung cổ.

Satyarthi và đồng nghiệp của ông đã nhiều lần bị tấn công khi giải cứu nô lệ trẻ em ở các xưởng thợ may tại Delhi. Năm 2004 khi cố gắng giải cứu những lao động trẻ em khỏi sự kiểm soát của mafia địa phương, Satyarthi và đồng nghiệp đã bị đánh đập dã man, văn phòng bị lục soát. Trong một cuốn phim tài liệu được sản xuất bởi Guardian Films, Satyarthi đã chỉ huy một cuộc đột kích để giải cứu một cô gái bị bắt làm nô lệ. Ông kể lại: “Hai đồng nghiệp của tôi đã bị bắn và bị đánh tới chết. Đây không phải là một cuộc chiến dễ dàng”.

Kailash Satyarthi và tổ chức của ông tin rằng đây là sự vi phạm nhân quyền tồi tệ: “Chúng tôi cố gắng xác định những khu vực mà tệ nạn sử dụng lao động trẻ em diễn ra phổ biến. Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc đột kích bí mật để giải thoát trẻ em, trả lại cho gia đình”. Họ vận động các tổ chức xã hội, các nhóm tôn giáo, những người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội nhằm mục đích thay đổi tình hình. Những cuộc tuần hành do Kailash Satyarthi tổ chức có tới hơn một nửa là trẻ em, những người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ tham gia. Họ là những minh chứng rõ ràng của ách nô lệ và giúp truyền thông điệp tới mọi người dân.

Thế giới đã công nhận những đóng góp của Kailash Satyarthi trong việc bãi bỏ lao động trẻ em. Ông đã tổ chức và lãnh đạo hai cuộc tuần hành lớp trên khắp Ấn Độ để nâng cao nhận thức về lao động trẻ em. Được trao giải thưởng Robert F. Kennedy Nhân quyền năm 1995 và các giải thưởng Nhân quyền Raoul Wallenberg năm 2002, 2007. Ngày 10/12/2015, Kailash Satyarthi đã được trao giải Nobel Hòa bình vì cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp trẻ em và thanh thiếu niên.

Thay đổi nhận thức

Thành lập Tổ chức Bachpan Bachao Andolan (BBA), Kailash Satyarthi đã mang lại hy vọng cho hàng triệu trái tim, giấc mơ và nụ cười cho những người lao động nô lệ. Ông cũng là Chủ tịch của Trung tâm quốc tế về lao động trẻ em và giáo dục (ICCLE) ở Washington, Hoa Kỳ. Ngày toàn cầu chống lao động trẻ em là một phong trào nhằm huy động các nỗ lực toàn cầu để bảo vệ và thúc đẩy quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền được nhận một nền giáo dục tự do và không bị bóc lột về kinh tế.

Được dẫn dắt bởi Kailash Satyarthi, cuộc diễu hành trên toàn thế giới với hàng ngàn người tuần hành đã đưa ra thông điệp chống lao động trẻ em. Nó đã vươn tới nhiều nơi trên thế giới, và đỉnh điểm là tại Hội nghị ILO tại Geneva. Tiếng nói của những người biểu tình đã được nghe và phản ánh trong dự thảo Công ước ILO chống các hình thức lao động trẻ em. Sau đó, nó đã được 172 quốc gia phê chuẩn, trở thành bản quy ước được thông qua nhanh nhất trong lịch sử.

Tập đoàn quốc tế độc lập Goodweave, đứa con tinh thần của ông Kailash Satyarthi đưa ra sáng kiến dán nhãn xã hội tự nguyện để đảm bảo rằng các tấm thảm được sản xuất không sử dụng lao động trẻ em. Sáng kiến này mang lại cho doanh nghiệp sự lựa chọn thay thế tích cực và đạo đức cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Để kiếm được các nhãn GoodWeave, xuất khẩu thảm và nhập khẩu phải được cấp phép theo chương trình chứng nhận GoodWeave và ký một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý. Mỗi nhãn được đánh số và nguồn gốc sản xuất có thể được kiểm tra. Tiêu chuẩn chứng nhận GoodWeave bao gồm cả tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, nhằm tiếp tục sứ mệnh chấm dứt lao động trẻ em bằng cách giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Trên con đường đấu tranh vì quyền lợi trẻ em, Satyarthi không hề bị nản lòng bởi sự thờ ơ của những người có trách nhiệm, điều mà ông đã thấy ở rất nhiều nơi. Về chủ nghĩa cực đoan, ông cho rằng: Nếu trẻ em được giáo dục, chúng có thể đã tìm kiếm được các cơ hội tốt hơn trong cuộc sống chứ không phải trở thành món hời cho các nhóm cực đoan. 

Với Kailash Satyarthi, chế độ nô lệ là không thể chấp nhận và là một tội ác chống lại loài người. Cuộc chiến đấu để xóa bỏ chế độ nô lệ sẽ còn kéo dài và luôn là một thách thức. Thái độ phẫn nộ của Kailash Satyarthi trước sự mất tự do của những số phận trên đất nước của ông đã trở thành động lực thúc đẩy ông đấu tranh không ngừng nghỉ cho lý tưởng của mình.

Phạm Hoàng
.
.