Sự ngớ ngẩn của bậc thức giả

Thứ Ba, 12/01/2010, 16:08
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, cả nước Mỹ đã nhiều lần lên cơn sốt với những cuốn sách "Nhìn lại và sám hối" về chiến tranh Việt Nam. Không ít bạn đọc Việt Nam cũng bị "nhiễm", tỏ ra vồ vập không kém đối với những cuốn sách ngoái lại cuộc chiến của những tác giả đã từng một thời là người ở bên kia chiến tuyến.

Trong số đó, "Sự lừa dối hào nhoáng" (A bright shining lie) của Neil Sheehan được xem như một trong những cuốn sách thành công nhất, được xếp hàng đầu trong số những cuốn best-seller, được trao giải Pulitzer ở xứ Hoa Kỳ

Dựa trên những tư liệu có thật, sách kể về cuộc đời lính chiến và sự thay đổi quan niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam của Trung tá John Paul Van - từ một người hùng của nước Mỹ, chống Cộng bằng tất cả ý chí và niềm tin trở thành một người vỡ mộng và tích cực phản chiến. Thông qua nhân vật, Neil Sheehan đã giáng một đòn đả kích mạnh mẽ vào hệ thống thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Được bạn đọc Việt Nam quan tâm, có ít nhất 2 nhà xuất bản trong nước đã dịch và phát hành cuốn sách này. Với bản ấn hành năm 2003 của một nhà xuất bản có tên tuổi, nó còn được gắn thêm cái tít phụ "Một người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam", như thể muốn nhấn mạnh thêm tính chất "thân phận" của nhân vật. Công bằng mà nói, nghiên cứu công phu và cái nhìn cố tỏ ra trung lập của tác giả khi mô tả cuộc chiến và nhân vật đã tạo cho cuốn sách một sức hấp dẫn đặc biệt, lôi kéo được đông đảo bạn đọc.

Nhiều người đã có cảm giác rằng, điều gì thể hiện trong sách cũng là sự thật, rằng tác giả đúng là người am hiểu và kỹ lưỡng. Thế nhưng, nếu một bác nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có lỡ đọc phải cuốn sách này, tôi tin rằng bác nông dân ấy sẽ rộng lượng với tác giả nên phá lên mà cười. Bởi lẽ, Neil Sheehan chẳng mấy hiểu biết về miền đồng bằng mà ông ta mô tả. Không ít đoạn càng cố đi sâu vào tập tục văn hoá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tác giả càng tỏ ra... dại dột và thiếu chính xác, thậm chí đến mức ngô nghê.

Sách viết: Ở đồng bằng sông Cửu Long "những người nông dân nghèo không có ruộng thường làm nghề chăn vịt".(...) "Đến mùa, người nông dân phải cắt cụt bớt lông cánh của vịt để chúng khỏi bay" (...) Trong bữa ăn của người nông dân bao giờ cũng có chén nước mắm. Đó là nguồn bổ sung đạm quan trọng"(?!)

Thật khó tin là một tác giả uy tín như Neil Sheehan lại phạm một loạt sai lầm như thế trong chỉ một đoạn mô tả ngắn. Thứ nhất, nuôi vịt bầy lấy trứng là một nghề hoàn toàn không phải của nông dân nghèo. So với mức thu nhập của nông dân thì người sở hữu đàn vịt hàng trăm, hàng ngàn con không thể xem là người nghèo được. Người nuôi vịt bầy phải có ruộng để chăn thả vịt thường xuyên. Đa phần, người nuôi vịt phải có tiền để liên tục thuê mướn những thửa ruộng vừa gặt xong và lùa bầy vịt của mình đến đó ăn. Ruộng chăn thả luôn thay đổi sau chỉ vài ba ngày đến một tuần, người chăn vịt cứ thế lùa đàn vịt của mình đi hết cánh đồng này qua cánh đồng khác, cho nên mới có cụm từ "nghề nuôi vịt chạy đồng". Thậm chí, những người nuôi nhiều phải chuyển đồng cho vịt từ tỉnh này sang tỉnh khác, không chỉ lùa vịt đi mà phải dùng xe tải chuyên dụng để di chuyển bầy vịt. Vậy là rõ, nuôi vịt là nghề của tầng lớp trung nông, một nghề chăn nuôi chuyên biệt, chẳng liên quan gì đến việc "nghèo, không có ruộng" như ông nhà văn kiêm nhà báo Mỹ mô tả.

Thứ hai, theo kinh nghiệm dân gian, vào mùa, người nông dân thường nhổ tỉa bớt lông cánh của vịt, mục đích là để kích thích chúng đẻ nhiều trứng. Neil Sheehan không có kinh  nghiệm chăn vịt, không ngần ngại cho rằng người ta cắt cụt bớt cánh vịt để chúng khỏi bay. Lầm to, vịt đồng bằng sông Cửu Long là vịt nhà, vịt nuôi, có phải đám vịt trời miền Đông nước Mỹ như ông hoặc đồng bào của ông thường đi săn đâu mà biết bay?

Lại nữa, đúng là bữa ăn nào của người Việt cũng có chén nước mắm, song đó chỉ là thứ nước chấm đặc trưng trong thói quen ẩm thực của người Việt. Không biết ông nhà văn Mỹ nhầm lẫn giữa độ đạm của nước mắm với lượng đạm cần cho cơ thể hay coi thường nhu cầu bổ sung đạm của người Việt nhỏ bé mà phán rằng "đó (nước mắm) là nguồn bổ sung đạm quan trọng của họ(?!)".

Cuốn sách này sau đó đã được Hollywood dựng thành bộ phim cùng tên và cũng được công chúng đặc biệt quan tâm. Lạ một điều, những chi tiết nhỏ nhặt, đời thường nhất thì đạo diễn hết sức chăm chút, nhưng từ đầu chí cuối, một cái lỗi to như dãy núi (theo nghĩa đen) thì ông ta lại chẳng nhận ra. Trong phim, cảnh căn cứ Sư đoàn 7 Mỹ ở Mỹ Tho rồi cảnh cánh đồng Ấp Bắc xuất hiện nhiều lần, trực thăng lên xuống liên tục khiến những ruộng lúa ngã rạp. Thế nhưng, hậu cảnh của nó vẫn là những dãy núi chạy dài. Để tăng cảm giác chân thực, phim không quay ở phim trường tại Mỹ mà cả đoàn phải kéo nhau sang Philippines để chọn bối cảnh. Đáng tiếc, cuối cùng thì xem phim, khán giả phải thốt lên rằng đúng là "sự lừa dối hào nhoáng". Vùng Mỹ Tho lẫn cả tỉnh Tiền Giang, tìm đỏ mắt cũng làm gì có ngọn núi nào. Lỗi là ở chỗ không am hiểu địa lý, văn hoá, nếu không thì với trình độ kỹ thuật của Hollywood, chẳng núi nào ở hậu cảnh lại không thể xoá!

"Lầm to như núi" còn lặp lại ở Oliver Stone, một đạo diễn lừng danh với những cuốn phim về chiến tranh Việt Nam như, từng đoạt 2 giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất cho 2 phim "Trung đội" và "Sinh ngày 4 tháng 7". Cuốn thứ ba trong loạt phim làm nên tên tuổi Oliver Stone có đầu đề là "Trời và đất" (Heaven and Erth), dựa theo  cuốn tự truyện nổi tiếng của "Đảo lộn đất trời" (When heaven and erth changed places) của bà Phùng Lệ Lý được ông chọn cảnh quay tại Đông Bắc Thái Lan. Và thế là cảnh trên phim lại là một sự lắp ghép đầu Ngô mình Sở. Sau lưng những ruộng lúa nhỏ hẹp là những dãy núi đá vôi ngắn, cao và nhọn trùng trùng điệp điệp. Trong khi đó, khung cảnh mà phim muốn đề cập lại là làng quê của bà Phùng Lệ Lý ở miền Trung Việt Nam, chính xác là ở Hoà Vang, Đà Nẵng, nơi chỉ có dãy Trường Sơn với dáng núi trải dài chứ tuyệt nhiên không còn cảnh núi đá vôi nhấp nhô. Khung cảnh đó chỉ có thể tìm thấy từ Quảng Bình trở ngược ra Bắc. Đáng tiếc, dàn cố vấn, trợ lý cực giỏi của Oliver Stone chẳng có ai am tường địa lý Việt Nam để phổ cập cho ông đạo diễn lừng danh này chút kiến thức cơ bản ấy cả.

Gần đây hơn, cuốn sách nổi tiếng "Điệp viên hoàn hảo" viết về nhà tình báo, anh hùng LLVTND Phạm Xuân Ẩn khá nổi tiếng của học giả Larry Berman cũng chứa đựng những nhầm lẫn đáng tiếc. Tác giả này viết rằng "đại tá nhà báo Bùi Tín là người tiếp nhận sự đầu hàng từ nội các Dương Văn Minh". Thực tế, người tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn trưa 30-4-1975 là Trung tá Chính ủy Bùi Tùng, người cắm cờ giải phóng lên cột cờ nóc dinh Độc Lập là Bùi Quang Thận. Bùi Tín thì mãi đến buổi chiều mới có mặt tại dinh Độc Lập và rất nhiều điều mà con người mang tâm thế phản thùng bẩm sinh này tự viết về mình chỉ là những điều "giầu trí tưởng bở" hoặc cố tình bịa đặt để mưu lợi cá nhân…

Larry Berman còn thuật lại rằng: "Bùi Tín hỏi Minh "lớn", vì sao ông để tóc dài trong khi đã từng thề là sẽ để tóc ngắn chừng nào Nguyễn Văn Thiệu còn làm Tổng thống...". Nhà báo Bùi Thanh, Báo Tuổi trẻ đã nhận xét: "Sai sót này xem ra rất hài hước. Bởi làm gì có chuyện ông Minh để tóc dài hay ngắn. Larry Berman đã nhầm lẫn sang... Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, người cạo đầu vào năm 1963 để bày tỏ thái độ với anh em ông Diệm - Nhu và lần thứ hai vào cuối năm 1973 để phản đối Tổng thống Thiệu".

Bậc thức giả cũng có khi sai trầm trọng, huống hồ những tác giả chưa... thức giả là mấy. Bắt đầu từ những bài báo, nhiều năm gần đây, người ta hay nói đến những chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang), chợ tình Sa Pa (Lào Cai) như những "đặc sản" của du lịch Tây Bắc. Sự đặc sắc được giới thiệu, mô tả nhiệt tình không kém gì món thắng cố hay rượu Sán Lùng. Đa phần bạn đọc đều tin là có "chợ tình" thật. Người ta cứ đinh ninh rằng, chợ tình Sa Pa là nơi đêm đến trai gái tự do yêu nhau, du khách tò mò cứ việc... kéo đến xem. Ở Khâu Vai, không ít bài báo mô tả rằng, đó là nơi người yêu cũ gặp nhau tha hồ kéo nhau đi, muốn làm gì thì làm. Thậm chí, có quan chức của tỉnh Hà Giang còn phát biểu với báo chí rằng "chợ tình" Khâu Vai sẽ được xem như một điểm nhấn đặc sắc của ngành Du lịch tỉnh nhà! Có cả một truyền thuyết tình yêu éo le giữa một chàng trai người Mông với một cô gái Giáy "do người già kể lại" được dựng lên để tạo "lý lịch" ra đời cho cái gọi là "Chợ tình Khâu Vai"!

Ông Cư Hoà Vần, một người Mông lớn lên từ một làng vùng núi cao Tây Bắc, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã hơn một lần tỏ ra bức xúc: "Điều đó hoàn toàn là bịa đặt. Giá trị văn hoá độc đáo của những phiên chợ như thế đã bị hiểu sai lệch hoàn toàn". Sự thật thì chỉ có chợ phiên chứ làm gì có cái gọi là "chợ tình". Chợ Khâu Vai mỗi năm chỉ họp một lần vào 27-3 âm lịch nên càng đặc biệt, càng đông người đến. Người vùng cao, do điều kiện đường sá, đi lại khó khăn, thường xem các phiên chợ như chỗ diễn ra giao lưu văn hoá - thông tin - tình cảm. Chợ phiên là nơi người già đến đó để tâm tình, người trẻ chưa có vợ có chồng thì coi đó là nơi, là dịp để tìm hiểu nhau. Những người từng yêu nhau nhưng không lấy được nhau, tìm phiên chợ để có cơ hội gặp lại nhau tâm sự, hỏi thăm. Biết người cũ hạnh phúc thì chúc mừng, nếu éo le thì họ an ủi. Người chồng, người vợ của họ biết cũng thông cảm, không ghen tuông. Đó là một nét tập quán văn hoá đặc sắc của người miền núi Tây Bắc. Nhưng dưới cái nhìn "lãng mạn hoá" và "bi kịch hoá" đối với văn hoá dân tộc ít người, một số người lại cường điệu thêm, thêu dệt... để cuối cùng thành ra cái gọi là... chợ tình, nơi tự do cho và nhận theo nghĩa phồn thực.

Phát biểu tại Hội thảo báo chí viết về người dân tộc thiểu số tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 11/2009, ông Cư Hoà Vần đã cực lực phản đối cách nhìn này. Ông gay gắt: "Đã gọi là chợ thì phải có người bán, người mua. Chữ "tình" ai bán mà mua? Bảo là đến xem thì xem cái gì,  "điểm nhấn"  là nhấn cái gì?". Theo ông, mô tả, đề cập như vậy là hết sức lệch lạc, sai lầm, thô thiển, "tạo ra một hình ảnh méo mó về văn hoá các dân tộc ít người trong con mắt bạn đọc, đồng thời tạo nên sự khó chịu, gây tổn thương đối với những người dân tộc được đề cập".

Những sai sót mà chúng tôi đề cập đều xuất phát từ sự chủ quan, thiếu cẩn trọng của các tác giả. Với Larry Berman, đó có thể là do sự tự tin thái quá, không thèm kiểm tra đối chiếu. Với những Neil Sheehan hay Oliver Stone, đó là sự không am tường, hiểu biết thiếu đầy đủ về văn hoá, địa lý của một vùng đất khác. Trong cái nhìn của Neil Sheehan chẳng hạn, nhưng thật sự, người đọc có cảm giác, tàn dư thực dân vẫn còn rơi rớt đâu đó trong cách  nghĩ, cách hiểu của tác giả nổi tiếng này. Trong cái nhìn so sánh xuất phát từ nền văn minh cao óc của Mỹ, Nam Việt Nam vẫn là xứ nghèo nàn lạc hậu, vịt nuôi ngoài đồng ở Việt Nam cũng đang ở giai đoạn tiến hoá của vịt trời xứ Mỹ. Tóm lại, nếu không phải "khai hoá" thì cũng cần phải "giúp đỡ", theo kiểu "người khôn quan tâm đến kẻ dại". Phần nào, cái nhìn của cuốn sách đã bị chính tác giả của nó vây lại trong một sự hạn chế khi tìm cách giải mã sự thật.

Với những ví dụ kiểu "chợ tình", có lẽ sai sót không xuất phát từ sự cố ý mà xuất phát từ thói quen tiếp cận văn hoá một cách không đầy đủ, chưa chịu thừa nhận tính đa dạng như là một đặc điểm phổ quát của văn hoá. Văn hoá, xét cho cùng không có sự cao thấp, chỉ có sự khác biệt. Không thể đem văn minh, trình độ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp ở miền xuôi lên áp dụng ở miền ngược, để từ đó phê phán lối canh tác "phát, đốt, cốt, trỉa" là lạc hậu, kém văn minh. Ở những nơi như miền đá Hà Giang chẳng hạn, cơ giới hoá là chuyện không thể áp dụng, chỉ "phát, đốt, cốt, trỉa" mới đem lại cái ăn cái mặc cho cư dân bản địa.

Lại càng tai hại hơn, nếu cố lắp ghép, moi móc để biến những hình ảnh chưa văn minh, sự thiếu thốn, lạc hậu thành những "đặc sản" núp dưới các mỹ từ "thô mộc" "nguyên bản"... Hầu hết, đó chỉ là sự tưởng tượng tô vẽ, không chừng còn dẫn tới sự bóp méo và bịa đặt

Nguyễn Hồng Lam
.
.