Sự nâng đỡ diệu kỳ

Thứ Hai, 07/01/2008, 10:30

Hai người phụ nữ không cùng thế hệ. Một đã kinh qua đời sống quân ngũ, một là "dân buôn bán". Song họ có điểm chung: Trao yêu thương và giúp đỡ tân sinh viên con nhà nghèo học giỏi. Tôi, một người cũng không cùng thế hệ với các chị song do cơ duyên đã trở thành nhà báo, đóng vai trò trung gian.

Trung gian để người phụ nữ thứ nhất trở thành mẹ của thủ khoa Trường Đại học Bách Khoa, Nguyễn Đăng Chuẩn. Cầu nối để người mẹ thứ hai thực hiện ước mong được chăm sóc, đỡ đầu việc đèn sách cho "tể tướng lưng gù" Hoàng Văn Danh, tân sinh viên Học viện Tài chính Kế toán suốt 4 năm học.

Đứa trẻ bị trừ 1/2 suất ruộng khoán

Một ngày cuối tháng 8, tôi đang công tác trên Lạng Sơn thì nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ xưng là độc giả của Báo CAND. Chị cho biết sau khi đọc bài "Thủ khoa con nhà nghèo" của tôi, chị muốn đỡ đầu một trong hai nhân vật trong bài viết.

Chị nói ngay, nhà mình ở phố Phan Đình Giót, chỉ cách Trường Đại học Bách Khoa khoảng 2km, rất tiện cho cậu thủ khoa Nguyễn Đăng Chuẩn. Không chỉ đài thọ ăn, ở, chi phí học tập, nếu Chuẩn có thể đi du học, gia đình chị sẽ chu cấp. "Anh chị sẽ coi Chuẩn như một thành viên trong gia đình", chị nói.

Tôi hỏi lại: "Chị và chồng đã bàn bạc kỹ việc này chưa?". Được lời như cởi tấm lòng, chị hồ hởi cho biết chồng mình thường xuyên mua Báo CAND. Tờ báo mà chị mới đọc được anh mua cách đấy nửa tháng. Trong lúc rảnh rỗi khi bán hàng, chị giở báo cũ ra đọc.

Câu chuyện về các thủ khoa con nhà nghèo khiến chị vô cùng xúc động và ngưỡng mộ. Các em ở nông thôn, điều kiện sinh hoạt, học tập vô cùng thiếu thốn. Vậy mà, trong kỳ thi đại học vừa qua, các em đã giành điểm cao nhất. Đọc xong bài báo, chị định gọi điện ngay cho chồng nói ý định của mình song lại sợ anh bảo bị "hâm".

Chị nén đợi chồng đi công tác về đưa bài báo cho anh đọc. Đọc xong, anh bảo: "Mình học ngày học đêm, thi đại học năm thứ hai mới đậu. Mấy cậu này con nhà nghèo mà học siêu thật". Được sự đồng ý của chồng, chị liền gọi điện cho tôi xin địa chỉ của thủ khoa Nguyễn Đăng Chuẩn.

Một tháng sau, cô bạn đồng nghiệp của tôi bên Báo Quân đội nhân dân gọi điện bảo mới gặp Chuẩn ở nhà chị Nguyễn Thị Linh. Thì ra, cô bạn khi biết tin có người đỡ đầu chàng thủ khoa nghèo đã tìm đến viết bài.

Qua câu chuyện của chị, cô mới biết chính từ bài viết trên Báo CAND, vợ chồng chị Linh đã tìm đến gia đình Chuẩn. Sự nhiệt tình và thành tâm của vợ chồng chị khiến bố mẹ Chuẩn tin tưởng và gửi gắm em cho họ. Tôi vui lắm khi biết tin này.

Bài báo nhỏ của mình đã giúp cậu thủ khoa khi nhận được giấy báo đỗ đại học phải đứng trước câu hỏi sẽ đến trường bằng cách nào đây, nay có chỗ dựa. Hoàn cảnh gia đình Chuẩn thật khó khăn. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, bố lại ốm kinh niên.

Bố Chuẩn từng không dám đi khám chữa bệnh. Chuẩn phải ra điều kiện "bố không đi khám bệnh, con không đi thi đại học nữa". Sợ con trai dọa rồi làm thật, ông đã đi khám. Bác sỹ Bệnh viện huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, ông bị tràn dịch màng phổi.

Cái tin Chuẩn đạt 29,5 điểm trong kỳ thi đại học, thủ khoa Đại học Bách Khoa khiến cả nhà mừng, cả làng, cả xã vui. Mừng rồi lại rớt nước mắt. Rồi đây, Chuẩn sẽ đến trường bằng cách nào khi chi phí học tập mỗi tháng gần một triệu đồng. Ở quê Chuẩn, mỗi khẩu chỉ được 1 sào ruộng khoán.

Riêng trường hợp của em chỉ được nửa sào vì là con thứ 3. Số ruộng đất ít ỏi canh tác không đủ ăn nói gì có tiền cho con đi học đại học. Trong bài viết nhỏ của mình, tôi cầu mong có ông Bụt sẽ xuất hiện nâng bước giấc mơ học đại học của em. Và rồi, mong ước của tôi đã toại nguyện.

Tôi tìm đến nhà chị Linh vào chiều thứ bảy. Căn nhà rộng, khang trang với đầy đủ tiện nghi song không làm người mới đến ngại ngùng bởi sự kiểu cách. Nó thật gần gũi và ấm cúng.

Nguyễn Đăng Chuẩn (đầu tiên bên phải) cùng các thành biên gia đình chị Linh.

Chồng chị Linh, cán bộ Tổng Công ty Than đang trông hàng hộ vợ. Tôi gặp cháu Nam, cháu Hiếu con trai chị và thấy dễ chịu vì 2 cậu bé rất ngoan. Nam đang học lớp 8, Hiếu mới 3 tuổi. Nhìn ba anh em quấn quýt nhau, tôi biết Chuẩn đã hòa nhập với gia đình.

Chị Linh cho biết, tuy có phòng riêng nhưng Nam thường ngủ chung phòng với Chuẩn. Nam rất khâm phục anh Chuẩn, chỉ riêng việc suốt các năm học THCS, Chuẩn đến trường với chiếc cặp làm từ túi "cám cò" (bao dứa đựng thức ăn gia súc) trong bài báo của tôi không chỉ ám ảnh chị Linh, chồng chị mà còn gợi sự tò mò với Nam.

Bây giờ cháu đã hình dung ra chiếc "cặp" mà anh Chuẩn dùng để đến trường suốt mấy năm liền. Cháu không cười cái sự "nhà quê" của Chuẩn mà còn coi đó như một tấm gương. Ngay sau khi Chuẩn nhập học, chị Linh tặng em chiếc cặp có quai xách, dây đeo rất hợp thời trang.

Song hiện tại Chuẩn vẫn mang chiếc cặp anh trai cậu mua tặng hồi học lớp 12 khi thấy chiếc cặp cũ rách quá. Chiếc cặp cũ là phần quà của huyện thưởng cho học sinh giỏi hồi Chuẩn học lớp 9. Nó thay thế chiếc cặp "cám cò".

Nhưng sau 4 năm học, nó lại cũ rích và rách nát. Anh trai thương cậu em suốt ngày đến trường bằng chiếc cặp rách đã mua cái mới tặng em. --PageBreak--

Tôi hỏi sao em không mang cặp mới, Chuẩn bảo vì cặp cũ vẫn còn dùng được.

Tôi cầm chiếc cặp, nhìn thấy có chỗ đã sờn mép. Về mặt hình thức, chiếc cặp không còn mới, lành lặn, song về bản chất nó vẫn làm tốt chức năng vốn dĩ của mình là đựng sách vở. Chiếc cặp chị Linh tặng vì thế vẫn để nguyên trong tủ.

Với chiếc cặp rất... quê, "quê" cả về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vậy mà khi có cái khác để thay, Chuẩn vẫn "dùng đến lúc rách mới thôi". Một sự gìn giữ rất đáng học tập. Với Chuẩn, không chỉ chiếc cặp mà từng quyển sách giáo khoa em giữ như báu vật.

Nhìn vào em, tôi ngậm ngùi khi thấy người ta thay sách giáo khoa xoành xoạch. Lớp sau không học lại sách của lớp trước. Những quyển sách giáo khoa được bọc bìa cẩn thận, sau một năm sử dụng vẫn còn dùng tốt lại trở thành giấy loại. Một sự lãng phí xót xa.

Có một số gia đình ở Hà Nội muốn đỡ đầu Chuẩn, song em và gia đình lại chọn vợ chồng chị Linh. Nguyên do ư? Có thể đó là cơ duyên. Ngay từ lần gặp đầu tiên khi vợ chồng chị Linh đến nhà Chuẩn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, giữa họ đã có tình cảm khác lạ.

Một sự thân thiện như đã quen biết và hiểu nhau từ rất lâu rồi. Tiếp xúc với chị Linh, với hai con trai của chị, tôi cũng cảm nhận được sự gần gũi của họ. Anh chị là người Quảng Ninh, lên Hà Nội sinh sống và lập nghiệp. Cuộc sống dạy cho anh chị biết nâng niu và trân trọng những giá trị đích thực. Học giỏi cũng là một trong những giá trị đó.

Đỡ đầu Chuẩn không chỉ giúp em trong con đường khoa cử mà còn là cách anh chị giáo dục 2 con trai của mình. Bản thân hành động nghĩa hiệp của anh chị cũng là bài học vô giá đối với các cháu.

"Tể tướng lưng gù" chăn bò Hoàng Văn Danh

 Rời nhà chị Linh, tôi tìm đến phòng 105, ký túc xá Học viện Tài chính Kế toán tìm gặp "tể tướng lưng gù" Hoàng Văn Danh. Tôi đến gặp Danh vì sự gửi gắm của chị Nguyễn Thị Tít, ở Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội.

Đầu tháng 8, chị Tít gọi điện đến đường dây nóng của Báo CAND. Chị muốn nhờ Báo giới thiệu để được đỡ đầu cho một cháu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào đó. Chị nói qua gia cảnh, mục đích của mình. "Tôi giúp được một cháu. Sau này cháu lại giúp được hai người. Cứ thế, sẽ nhiều người được giúp đỡ".

Mục đích của chị thật cao đẹp và bền vững. Từ việc làm của chị, sẽ có nhiều người được giúp đỡ. Từ lòng tốt của chị, sẽ có nhiều người làm việc tốt. Tôi trân trọng và lưu tâm đề nghị của chị.

Khi biết em Hoàng Văn Danh, 19 tuổi, quê ở Đô Lương, Nghệ An, bị khuyết tật từ nhỏ (gù lưng, người gầy, nhỏ, nặng 23kg), con nhà nghèo thi đậu Học viện Tài chính Kế toán, tôi nghĩ có thể giới thiệu cho chị Tít.

Gặp Danh, tôi hơi giật mình. Em bé nhỏ như một cậu bé học trò lớp 6. Cái biệt danh "tể tướng lưng gù" mà bạn bè gán cho em quả không sai. Cái bướu nhô cao ở một bên lưng trông rất vướng víu song khiến người ta liên hệ đến nhân vật Lưu Dung trong phim "Tể tướng Lưu gù".

Chắc hẳn, cái tên "tể tướng lưng gù" gắn cho Danh còn có ý nghĩa là cậu rất thông minh. Năm nào cũng nhận giấy khen là thành tích học tập đáng nể của Danh. Tốt nghiệp THPT, Danh đạt 44,5 điểm.

Nhìn đôi tay nhỏ, với những ngón tay gầy, dài của em, tôi chợt hỏi ở nhà em thường làm những việc gì giúp bố mẹ. Danh nhỏ nhẹ bảo thi thoảng em đi chăn bò. Gia đình em có 8 sào ruộng, nuôi một con bò lấy sức kéo.

Anh trai Danh hiện đang là sinh viên Trường Sư phạm kỹ thuật Vinh. Để có tiền chu cấp cho em, người chị cả trong gia đình Danh phải bỏ học vào miền Nam làm thuê. Thế nhưng, số tiền người chị phải bỏ quê hương đi làm thuê vẫn không đủ, bố mẹ phải vay thêm. Một đứa con học đại học, gia đình đã phải vay mượn, nay thêm Danh, gia cảnh càng khó khăn.

Tôi nói với Danh có người muốn giúp đỡ em mọi chi phí ăn, học suốt 4 năm học đại học. Em ngập ngừng không dám nhận lời. Tôi phải liên hệ với chú ruột của em ở Nghệ An tên Niên. Chú Niên cho biết hoàn gia đình Danh rất khó khăn, có người giúp đỡ thì tốt quá.

Cũng trong buổi tối 13-10, chị Nguyễn Thị Tít đến gặp Danh tại phòng ở trong ký túc xá. Chị hồ hởi nói cho Danh biết mục đích của mình và tha thiết mong được chăm sóc, giúp đỡ em. Do nhà chị cách trường 6km, nếu Danh đồng ý, chị sẽ mua một chiếc xe đạp điện cho em đi học.

Trước khi Danh đưa ra quyết định, chị muốn Danh đến thăm nhà mình. Chứng kiến cuộc trò chuyện của họ, tôi và các bạn sinh viên trong phòng đều cảm nhận được nhiệt huyết của chị Tít. Quê ở Hà Nam, chị tham gia quân ngũ khi mới 18 tuổi.

Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 3 người con. Con trai cả năm nay 26 tuổi, đang công tác tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Con gái thứ hai của chị đang công tác ở Nhật. Con trai thứ ba đang học lớp 7. Hiện tại, chị đã rời quân ngũ về mở cửa hàng buôn bán.

Cuộc sống tuy không phải giàu sang nhưng có đủ điều kiện vật chất đảm bảo cho Danh có cuộc sống tốt. Chị hứa sẽ tạo cho cậu môi trường học tập thật tốt ngay trong mái nhà của mình.

Chia tay Danh, tôi theo chị Tít về nhà mặc dù trời đã tối mịt, mưa to. Đến thăm ngôi nhà của chị, tôi cảm nhận được sự dân dã, ấm áp nơi đây. Đúng như chị nói, "mình là người ở quê, bản chất thế nào sống thế ấy. Chị không quen kiểu cách". Giúp được Danh, rồi sau này Danh lại giúp người khác. Đó là mục đích về việc làm của chị.

Rời nhà chị Tít lúc 21h, khi cơn mưa tối 13/10 tuôn xối xả, tôi cứ ngẫm đến những lời chị nói với Danh: "Cô muốn giúp cháu vì khâm phục ý chí, nghị lực và tài năng của cháu. Người ta chỉ thương hại khi cho những người ăn xin mấy đồng bạc lẻ. Còn với cháu, người ta kính nể".

Đúng thế, những cậu học trò như Danh, Chuẩn rất đáng để chúng ta trân trọng. Chị Linh, chị Tít, những phụ nữ đang và sẽ thực hiện ước vọng nâng bước các em trên con đường đến trường đại học là hai trong số những người kính phục các em. Tôi cũng tin rằng các em cũng cảm nhận được tình cảm của họ, những người phụ nữ, những người mẹ rất Việt Nam

Cao Hồng
.
.