Singapore những hôm tháng 6

Thứ Ba, 29/07/2014, 08:00

Giữa tháng 6, tiết trời nồm. Singapore đang vào đầu mùa mưa thứ hai trong năm, mùa mưa Tây Nam. Tôi vẫn luôn yêu thích những mùa mưa ở Singapore. Chẳng những vì nó sẽ làm dịu đi tiết trời lúc nào cũng oi bức, mà còn vì nắng tắt sớm, và tôi sẽ được dịp ngắm vạn vật trong sắc màu u buồn, bàng bạc do bầu trời nhiều mây.

Màu sắc này cho tôi nhiều cảm hứng, nên thường vào cuối tuần, lúc thì tôi ngồi đọc sách trên một bàn đá ngoài công viên với tách cà phê, khi thì tôi chạy bộ qua những rặng cây xanh rì rào gần nơi tôi ở, hoặc thường sẽ đi đâu đó với bạn bè, nhưng rất ít khi tôi ở nhà khi trời mù. Nó cũng làm cho tôi nhớ đến cái không khí trầm lặng, yên tĩnh đến tịch mịch mỗi khi cuối tuần về ở kí túc xá Công viên Hoàng tử George (Prince George Park’s Residence) thời còn học đại học. Ngót nghét, cũng đã gần bảy năm.

Tôi ở trọ trong một gia đình người đàn ông Sing gốc Hoa, có vợ là người Quảng Tây, Trung Quốc. Người Hoa chiếm đến gần 80% dân số của thành phố. Nhà tôi trọ là một căn hộ HDB, loại nhà công cộng mà hơn 80% dân số Singapore sinh sống. Xung quanh khu nhà là công viên bờ Tây (West Coast Park), công viên Clementi Woods (Clementi Woods Park), và hồ chứa nước Pandan (Pandan Reservoir) cung cấp nước cho các khu công nghiệp quanh đó. Mọi địa điểm này đều nằm trong phạm vi có thể đi bộ tới được. Đó là chưa kể đến những hàng cây cao lẫn thấp, hoa trái rực rỡ nằm ở bệ phân chia lằn đường, và nằm dọc suốt hai bên đường đi. Tôi nghĩ, đó là một điểm nổi bật ở Singapore mà hẳn ai đã từng đến hoặc sinh sống ở đây đều sẽ thích. Một màu xanh mướt khắp nơi. Me tây trải dài khắp các đại lộ. Xương rồng, cọ, dừa, dương xỉ, và hàng loạt loài hoa ở sân bay, cầu vượt, ban công những căn chung cư cao cấp, và bất cứ nơi đâu có những tòa nhà HDB, nơi đó, chắc chắn sẽ có nhiều công viên và vườn tược xung quanh. Singapore có đến hơn 350 công viên, một con số rất lớn đối với một thành phố có diện tích còn nhỏ hơn cả Đà Nẵng, vì chính phủ luôn muốn thế giới biết tới nơi đây là một thành phố xanh, một thành phố vườn (garden city). Màu xanh làm dịu đi sự khô cứng và tẻ nhạt của những tòa nhà cao tầng. Màu xanh làm mát mắt, làm cho không khí ngột ngạt của một thành phố bận rộn, đông người trở nên dễ thở. Màu xanh nhuộm thắm và hào hứng reo lên những giai điệu mặn mà của thành phố mỗi khi trời mưa như trút nước.

Tôi thích chạy dọc ở công viên bờ Tây để được nghe tiếng biển rì rào. Không chỉ vì nó làm tôi nhớ đến tiếng biển ở Đà Nẵng, quê hương tôi, mà vì ở đó, tàu thuyền ở ngay trước mắt tôi, tựa như tôi có thể đưa tay ra với được. Tôi vẫn thấy những chiếc tàu lớn từ từ rời bến. Ở bờ Tây có bến đỗ công cộng West Coast Pier nên tàu thuyền rất hay lui tới. Nó cũng là nơi có rất nhiều xưởng đóng tàu nên tôi cũng được nhìn thấy đủ các loại tàu dầu, tàu hỗ trợ ngoài khơi, giàn khoan dầu… được xây dựng. Tôi thích nhìn những xe tải cực lớn chở các bộ phận giàn khoan, hai bên có cảnh sát chạy xe máy theo để hộ tống. Hình ảnh đó, cộng với sự nhộn nhịp ở bến tàu và những giàn khoan đồ sộ, những kỹ sư lấm lem trong bộ đồng phục an toàn toàn thân, và ý nghĩ non nớt rằng họ đang mang năng lượng đến cho cả thế giới, đã gợi lên trong tôi niềm say mê đối với ngành công nghiệp dầu khí.

Cảng Singapore đã luôn là một trong những cảng nhộn nhịp nhất thế giới trong nhiều năm liền. Nhưng chỉ đến những năm 70, những tàu vận tải lớn cần cảng nước sâu mới bắt đầu cập bến. Còn trước đó, mọi hoạt động thông thương diễn ra dọc sông Singapore, chủ yếu ở các bến Clarke (Clarke Quay), bến Boat (Boat Quay) và bến Robertson (Robertson Quay). Cũng giống như Hội An, thuyền của các thương nhân trên khắp thế giới cập ở những bến này, chuyển giao hàng hóa, để từ đó hàng hóa được phân phối đi khắp nơi trong làng. Clarke Quay là nơi yêu thích của tôi, bởi ở đó luôn sôi động. Mặt nước luôn sóng sánh đủ màu sắc do phản chiếu ánh đèn của những tòa nhà thương mại xung quanh. Những kho chứa hàng bên bờ sông nay đã được sơn lại nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc và nhiều màu sắc sặc sỡ, để giữ lại những dấu tích văn hóa của ngày xưa. Và ngày nay, chúng đã là những quầy bar, những nhà hàng san sát. Khác với một Hội An đèn lồng yên tĩnh, đi dọc Clarke Quay, tôi có thể nghe đủ loại nhạc phát ra từ những quán rượu bên sông đó, nhạc jazz, rock, nhạc đồng quê, thậm chí nhạc sống ngoài trời của ca sĩ, cho đến cả tiếng đàn và hát của những người hát rong. Clarke Quay không bao giờ ngủ, và vô cùng đông đúc, đặc biệt vào những đêm thứ tư và thứ bảy, khi phụ nữ được uống rượu hay vào club miễn phí.

Tôi muốn không khí đó, và tôi cũng muốn ngắm nhìn Singapore khi lên đèn. Nó hoàn toàn khác với không khí ở Việt Nam. Không giống với một Hội An yên bình nhưng thân thương và gần gũi, cũng không phải là Sài Gòn lúc nào cũng lộn xộn và bát nháo còi xe. Phố phường vẫn trật tự nhưng lạnh lùng, đèn điện rực sáng và đủ màu sắc. Đèn đường, đèn từ trong những cao ốc nơi mọi người vẫn đang cắm cúi làm việc thêm ngoài giờ, đèn từ trong các quán ăn và hiệu sách. Những ánh đèn đó luôn khiến tôi cô đơn, nhưng lạ thay, tôi lại thích cảm giác cô đơn đó. Tôi đã nhiều lần đi bộ vài cây số dọc bờ biển từ Sentosa về Labrado Park, và ánh đèn vàng ấm cúng, lãng mạn từ những quán rượu dọc bờ biển hay từ những căn chung cư cao cấp (condominium), những khu biệt thự dọc đường đi, luôn khiến cho tôi thích thú lạ kì.

Đương nhiên, cảm xúc một mình đứng ngoài nhìn vào những khung cửa kính một cách đắm say đó, tôi chỉ có được ở những nơi có những tòa nhà chọc trời, hàng quán sang trọng, những ngôi biệt thự mà mọi thứ bên trong thật xinh xắn và hoàn hảo. Còn ở những khu Tiểu Ấn (Little India), phố Tàu (Chinatown), mọi thứ lại rất khác. Hai khu đó ồn ào và có phần kém sạch sẽ. Là một quốc gia đa chủng tộc, người Hoa, Mã,  Ấn, và Á- Âu ở đây sống ôn hòa, và từng dân tộc vẫn nói được tiếng mẹ đẻ và vẫn giữ được văn hóa riêng của mình. Khu Tiểu  Ấn rất đặc biệt. Nó thật sự là một  Ấn Độ thu nhỏ giữa lòng thành phố. Hàng quán san sát với các mặt hàng saris, gia vị, cà-ri, tràng hoa, màu sắc sặc sỡ... Có cả nhà thờ  Ấn Độ Giáo và tiếng nhạc  Ấn Độ văng vẳng. Đa số người gốc Ấn sống ở đây, đồng thời có cả những công nhân xây dựng từ Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka. Họ đến và làm những công việc nặng nhọc, xây những công trình chọc trời, ở trong những khu ký túc xá xây dựng chật chội, hằng ngày được chở bằng xe tải mui trần đi đến công trường. Chủ nhật, đường sá ở khu Tiểu Ấn sẽ tràn ngập người Ấn Độ và những công nhân Nam Á, đôi khi lên đến hơn 30.000 người, vì đó là ngày duy nhất trong tuần họ được ngơi nghỉ. Họ đến để gặp bạn bè, ăn uống, trò chuyện, để vơi đi nỗi nhớ nhà. Tại đây, họ có thể ăn thức ăn  Ấn Độ, ngửi thấy mùi của  Ấn Độ, nhìn thấy đồng hương người  Ấn Độ. “Ở đây có  Ấn Độ, ở đây là nhà”, một công nhân  Ấn đã nói như thế. 

Người  Ấn tìm về khu Tiểu  Ấn, người Việt thường đến Joo Chiat, một khu phố ở phía Đông Singapore. Nhắc đến Joo Chiat, tôi không muốn bàn về những thân phận buồn của những cô gái Việt Nam mà có lẽ ai cũng đã biết, tôi muốn nói đến một khía cạnh tươi sáng hơn của cộng đồng người Việt. Đó là nơi mà ẩm thực Việt Nam được rất nhiều người biết đến, là nơi có bảng hiệu bằng tiếng Việt, phục vụ là người Việt, đi đâu cũng thấy người Việt, có bia 333, có cà phê phin đen đá. Nổi bật ở đây phải kể đến nhà hàng Long Phụng, khách lúc nào cũng xếp hàng dài nườm nượp bất kể ngày nào trong tuần, và được coi là nhà hàng Việt Nam nổi tiếng nhất trên đảo quốc.

Tôi có may mắn dạy tiếng Việt cho kha khá người bản xứ. Họ học tiếng Việt với nhiều lý do khác nhau: đàn ông địa phương lấy vợ Việt Nam, người Singapore muốn mở rộng cơ hội làm ăn ở Việt Nam, người Singapore muốn sau này nghỉ hưu sẽ về Việt Nam sinh sống. Họ than phiền rằng nhịp sống quá nhanh, đời sống quá đắt đỏ, mọi người tối ngày làm việc. Người già vẫn làm việc ở McDonald, lau dọn ở các quầy ăn uống, phục vụ ở các hiệu tạp hóa. Tôi cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Có lẽ tuổi còn trẻ, tôi dễ quen và yêu thích cuộc sống đơn giản này. Nó cũng tránh cho tôi cái tật ngồi nghĩ quẩn và kéo dài những nỗi buồn vẩn vơ.

Cũng như Sài Gòn với những mảnh đời tối sáng, đảo quốc này đón nhận những thân phận với nhiều quốc tịch khác nhau, người nước nào cũng có, và làm ở ngành nghề, vị trí gì cũng có. Đất lành chim đậu. Người ta đến để tìm và hy vọng cho mình một tương lai ở một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Đi hay ở, cũng còn tùy duyên, và cũng còn tùy con tạo xoay vần. Riêng với tôi, sau những năm qua, với những mối thân tình đã tạo dựng, những bằng hữu đã cùng tôi đi qua thời sinh viên đầy mộng mơ và hoài bão, tôi đã thật sự coi nơi này là nhà. Con người và cảnh vật nơi đây đã trở nên quen thuộc. Phát triển hay đang phát triển, ở đâu cũng vậy thôi, phải có hơi ấm tình người, phải có kí ức và những sợi dây tình cảm sâu sắc, ta mới có cảm giác thuộc về nơi ấy. Và tôi bất chợt nhớ đến hai câu thơ mà tôi đã đọc được của thầy Thái Bá Tân: Ở đâu ta sống tốt/ Ở đấy là quê hương

Huyền Vân
.
.