Serbia bầu chính trị gia theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Tomislav Nikolic làm Tổng thống: Có công mài sắt

Thứ Sáu, 01/06/2012, 16:20
Ngày 20/5, thủ lĩnh đảng Tiến bộ Serbia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Tomislav Nikolic, phe đối lập tại Serbia, đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai diễn ra trước đó cùng ngày. Đây được đánh giá là một biến động bất ngờ vì trước đó, các thăm dò xã hội lại chỉ cho thấy ưu thế của đương kim tổng thống Boris Tadic trước các đối thủ.

Ông Nikolic đã cam kết rằng, trong vai trò nguyên thủ quốc gia, ông sẽ tiếp tục đưa quốc gia Balkan này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chính trị gia bất đắc dĩ

Ông Nikolic sinh ngày 15/2/1952  tại thành phố Kragujevac của nước Cộng hòa Serbia thuộc Liên bang Nam Tư cũ. Cũng tại đó ông đã tốt nghiệp Khoa Xây dựng thuộc Trường Trung cấp Kỹ thuật địa phương và có được bằng kỹ sư xây dựng, rồi sau đó vào học luật nhưng đã bỏ dở dang năm 1971 để quay về với nghề cũ. Những người từng cùng ông hành nghề xây dựng đường xá và cầu cống cho tới nay vẫn nhớ về ông như một thanh niên năng nổ, tinh nghịch và rất vui tính. Trong những năm 1978-1990, vị Tổng thống tương lai đã trở thành người đứng đầu một đơn vị trong Công ty “22 tháng 12” ở thành phố quê hương Kragujevac. Trong những năm 1990-1992, ông đã làm giám đốc kỹ thuật của công ty dịch vụ hữu ích ở thành phố này.

Nếu không có những rối loạn xảy ra ở Liên bang Nam Tư cũ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có lẽ ông Nikolic đã không nghĩ tới chuyện bỏ nghề kỹ thuật đi làm chính trị. Thế nhưng, trong bối cảnh đất nước trở nên rối loạn bởi các xung đột chính trị và sắc tộc, vào đầu năm 1991, ông đã tham gia vào đảng Nhân dân Cấp tiến của Serbia do ông Vojislav Seselj đứng đầu. Và chỉ sau tám tháng, ông đã trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất của đảng này. Cho tới bây giờ, ông Nikolic vẫn luôn đánh giá ông Seselj như một trí thức thượng thặng mà ông có hạnh ngộ được gặp gỡ trong đời. Chính Chủ tịch đảng Seselj đã lập cho người phó của mình một danh sách những cuốn sách cần đọc trước tiên để trau dồi tri thức và trở thành một chính trị gia đích thực.

Gian truân lên xuống

Năm 1992, ông Nikolic lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội Serbia và giữ vị trí trưởng nhóm nghị sĩ của SRP. Ở giai đoạn đó, mặc dù là một lực lượng chính trị còn khá non trẻ nhưng những đảng viên cấp tiến Serbia đã giành được thắng lợi không ngờ: họ đứng thứ hai trong bầu cử quốc hội và chỉ chịu về sau đảng Xã hội chủ nghĩa của ông Slobodan Milosevic….

Năm 1998, khi thủ lĩnh SRP Seselj bắt tay liên minh với ông Milosevic, ông Nikolic đã được đưa vào chức Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Serbia và tới năm 1999, trở thành Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư.

Năm 2000, ông Nikolic đã tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn của nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Tháng 7/2000, vị Tổng thống đương nhiệm của nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư Milosevic với hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của người dân sau những chiến dịch không kích phá hoại tàn bạo của NATO trên lãnh thổ Nam Tư, đã quyết định tổ chức bầu cử Tổng thống mới trước thời hạn vào tháng 9/2000. Thủ lĩnh SRP Seselj, khi đó đang là đồng minh của ông Milosevic và đang giữ chức Phó Thủ tướng Serbia, đã đưa ông Nikolic ra làm ứng cử viên Tổng thống.

Theo nhận xét của các chuyên gia, SRP đã dự kiến rằng, ông Nikolic sẽ  đóng vai “hình nhân thế mạng” và hút về phía mình một phần số phiếu để làm giảm cơ hội thắng cử của Chủ tịch đảng Dân chủ Serbia, Vojislav Costunica, ứng cử viên của phe đối lập dân chủ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước lúc diễn ra bầu cử, SRP đã phá bỏ liên minh với đảng Xã hội chủ nghĩa của ông Milosevic.

Tomislav Nikolic.

Trong cuộc bầu cử đó, diễn ra ngày 24/9/2000, ông Nikolic, theo số liệu chính thức, chỉ nhận được 5,79 % số phiếu bầu và bị xếp ở vị trí thứ ba, sau ông Milosevic (38,62%) và ông Costunica (48,96%). Trong tình hình đó, ông Milosevic đã đề nghị tổ chức vòng hai bầu cử. Thế nhưng, ngày 5/10/2000 tại Belgrad đã xảy ra cái gọi là “cuộc cách mạng đường phố” vì phe đối lập không công nhận các con số thống kê chính thức, buộc ông Milosevic phải nhường ghế Tổng thống cho ông Costunica.

Cũng từ thời điểm đó, SRP đã trở thành lực lượng đối lập chính yếu trên chính trường Serbia.  Ông Nikolic vẫn tiếp tục là Phó Chủ tịch SRP nhưng tới tháng 2-2003, ông trong thực tế đã trở thành người lãnh đạo đảng này sau khi ông Seselj tự nguyện ra trước vành móng ngựa trong phiên tòa tại La Hay và đã bị kết án tù vì bị buộc tội đã gây nên những tội ác chiến tranh trong chuỗi dài những đụng độ nồi da xáo thịt ở Balkan trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngày 16/11/2003, ông Nikolic đã thay ông Seselj trở thành ứng cử viên trong vòng ba cuộc bầu cử Tổng thống Serbia (hai vòng bầu cử trước đó đều thất bại vì không đủ tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu). Khi đó, ông Nikolic đã giành được thế thượng phong với gần 46% số phiếu bầu. Tuy nhiên, vòng bầu cử này lại bị coi là không hợp pháp vì tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ ở mức 38,5% chứ chưa đạt ngưỡng 50% cộng thêm một phiếu như Hiến pháp nước này quy định.

Ngày 28/12/2003, trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào Quốc hội Serbia, SRP dưới sự chèo lái của ông Nikolic đã lại giành được ưu thế và đứng đầu với 82 trong số 250 ghế nghị sĩ. Tuy nhiên, khi đó, không có lực lượng chính trị nào, kể cả đảng Xã hội chủ nghĩa Serbia (22 ghế nghị sĩ) muốn liên minh với các đảng viên cấp tiến. Rốt cuộc là, sau những thương thảo dai dẳng, lên nắm quyền là liên minh giữa đảng Dân chủ Serbia của ông Costunica (53  ghế nghị sĩ) với đảng Dân chủ của ông Boris Tadic (37 ghế), nhóm 17+ (34 ghế) và liên minh Phong trào Kháng chiến Serbia với lực lượng Serbia mới (22 ghế).

Mùa hè năm 2004, ông Nikolic lại thêm một lần tham gia tranh cử Tổng thống Serbia. Đó là cuộc bầu cử trước thời hạn, được tổ chức theo những quy tắc mới: ngay từ ngày 26/2/2004, Quốc hội Serbia đã bãi bỏ quy định về tỉ lệ cần thiết phải có 50% số lượng cử tri đi bỏ phiếu. Trong vòng một của cuộc bầu cử này, diễn ra ngày 13/6/2004, ông Nikolic đã dẫn đầu với 30,7% số phiếu bầu nhưng tới ngày 27/6/2004, ông lại chỉ nhận được 45,4% số phiếu bầu trong vòng hai và phải chịu lấm lưng trước đối thủ là ông Tadic với 53,5% số phiếu bầu.

Ngày 21/1/2007, SRP cùng ông Nikolic trong cuộc bầu cử Quốc hội lại thêm một lần về nhất như ba năm trước đó và thậm chí ngay tại thủ đô Belgrad cũng giành được chiến thắng. 81 đảng viên SRP đã được trở thành nghị sĩ, trong khi đảng Dân chủ của Tổng thống lúc đó là ông Tadic chỉ có 64 ghế nghị sĩ, còn đảng Dân chủ Serbia của ông Costunica được 47 ghế.

Những nước cờ phức tạp giữa ba chính đảng này đã dẫn tới việc ông Nikolic được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Serbia ngày 8/5/2007. Và ông cũng là vị Chủ tịch Quốc hội được bầu đầu tiên của nước Serbia độc lập (cho tới trước ngày 5/6/2006, nước cộng hòa này nằm trong thành phần liên hợp quốc gia giữa Serbia với Mongtenegro). Tuy nhiên, ông chỉ ngồi ở vị trí này cho tới ngày 13/5/2007 vì những biến đổi cũng rất phức tạp trên chính trường Serbia.

Mặc dầu lận đận thế nhưng ông Nikolic vẫn không nản chí. Ngày 20/1/2008, ông lại dẫn đầu trong vòng một bầu cử Tổng thống Serbia với 39,99% số phiếu bầu. Trong lúc đó, đối thủ chính yếu của ông là ông Tadic chỉ nhận được 35,39 % số phiếu bầu. Vòng hai bầu cử được tổ chức ngày 3/2/2008 và họa vô đơn chí, ông Nikolic lại phải lấm lưng  trước ông Tadic…

Quá tam ba bận

Cũng trong năm 2008, ông Nikolic đã rời khỏi SRP vì những bất đồng với ông Seselj trong đánh giá về mối quan hệ giữa Serbia với Liên minh châu Âu. Và ông đã tự đứng ra lập đảng Tiến bộ Serbia, chính đảng đã đưa ông tới chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Sau hai lần luôn phải về sau ông Tadic trong các cuộc bầu cử Tổng thống, đến lần thứ ba, ông đã vượt được lên trên với 50,21%  số phiếu bầu ở vòng hai, trong khi ông Tadic chỉ nhận được 46,77% phiếu.

Sau khi hay tin mình đắc cử, phát biểu trước đông đảo người ủng hộ, ông Nikolic khẳng định sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm là đưa Serbia gia nhập EU. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố rằng, Belgrad “muốn bảo vệ người dân nước này ở Kosovo” - tỉnh đã tuyên bố li khai khỏi Liên bang Serbia vào đầu năm 2008…

Ông Nikolic là tác giả của một số cuốn sách, chủ yếu viết về chính trị. Ông rất yêu văn học và tác phẩm mà ông thích nhất là bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của văn hào Xô viết Mikhail Sholokhov.

Ông Nicolic có vợ và hai con trai. Khác với các con mình, ngoại ngữ mà ông thông thạo là tiếng Nga chứ không phải tiếng Anh. Thời trẻ, ông từng rất thích các ban nhạc The Beatles và The Rolling Stones. Ông cũng từng thích hát theo nhạc đệm guitar và cũng đã viết nhiều thơ

Tùng Linh
.
.