Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới

Răn đe những ai muốn phá luật

Thứ Năm, 01/10/2015, 11:15
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ đối lập và cử tri, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh mới nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài. Đây được coi là một trong những thắng lợi vô cùng quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh cầm quyền trong bối cảnh uy tín của ông đang bị sụt giảm nghiêm trọng do những thay đổi về Hiến pháp. 

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Abe khẳng định dự luật này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ tính mạng của các công dân Nhật Bản và ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng xấu đi.

Mỹ và Anh hoan nghênh động thái trên của Nhật Bản khi cho rằng dự luật này sẽ giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn, củng cố vững chắc quan hệ quân sự và chính trị hiện nay. Trái lại, phía Hàn Quốc lại thúc giục Nhật Bản duy trì tinh thần của bản Hiến pháp chủ trương hòa bình khi Tokyo thực thi các chính sách quốc phòng mới theo dự luật an ninh. Tương tự, Trung Quốc kêu gọi Tokyo “hành động thận trọng trong các vấn đề quân sự và an ninh”.

Thay đổi quyết đoán

Việc Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi đã chính thức chấm dứt 70 năm trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng thủ được quy định trong Hiến pháp. 

Theo đó, quân đội Nhật Bản sẽ được phép tham chiến ở nước ngoài trong những tình huống đặc biệt (trái với trước đây khi binh sĩ Nhật chỉ được phép tham gia các sứ mệnh nhân đạo ở nước ngoài). Một khi dự luật có hiệu lực trong vòng 6 tháng tới, Lực lượng SDF có thể bảo vệ các quốc gia thân thiện, đồng minh hoặc bạn bè bị tấn công trong các cuộc xung đột. Động thái này đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Như vậy, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến gần hơn tới “đích ngắm” là thực thi quyền phòng vệ tập thể dựa trên việc sửa đổi Hiến pháp. Là người hỗ trợ lớn nhất dự luật này, Thủ tướng Nhật Bản cùng đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) đã phải nỗ lực rất nhiều, “kiên trì” thuyết phục các Thượng nghị sĩ và đưa ra những giải thích cụ thể về các thắc mắc mà các đảng đối lập đưa ra.

Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản cũng đề ra một số điều kiện ràng buộc kèm theo nhằm trấn an dư luận trong nước về việc triển khai quân đội ở nước ngoài như: chỉ điều quân khi không còn có giải pháp nào khác, triển khai sức mạnh ở mức tối thiểu nhất, cuộc xung đột đó phải đe dọa tới sự tồn vong của Nhật Bản và quyền sống, quyền tự do của người dân. Hiện nay, với tiềm lực quân sự lớn mạnh và vị thế cũng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, Nhật Bản không còn muốn bị “trói tay” bởi bản Hiến pháp cũ. 

Trong bối cảnh đó, để có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn và để cho quân đội tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình chứ không dừng lại ở việc đóng góp tài chính, Thủ tướng Abe xác định, mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản là một vấn đề then chốt. Trên thực tế, việc mở rộng hoạt động cho Lực lượng Phòng vệ là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của ông Abe kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012.

Theo ông Abe, sự thay đổi này là vô cùng cần thiết khi tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động. Nhật Bản rất lo ngại về các nguy cơ an ninh đến từ Triều Tiên, tổ chức IS, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng như Hàn Quốc. Ông cũng nhấn mạnh dự luật an ninh mới là bước tiến giúp Nhật Bản trưởng thành hơn và vượt ra bên ngoài khuôn khổ những khái niệm hòa bình, dân chủ mơ hồ và không còn thực tế trong bối cảnh địa - chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Chia rẽ nội bộ

Có thể nói, việc thông qua dự luật an ninh được coi là thành công lớn của Thủ tướng Shinzo Abe trong quá trình thực hiện một kế hoạch bài bản nhằm tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia trong suốt hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, kết quả này lại gây phản đối mạnh mẽ từ phía người dân và sự chia rẽ trong chính giới nước này. Thậm chí, nó còn đẩy liên minh cầm quyền của ông Abe vào thế đối mặt với sự giảm sút uy tín đáng kể. 

Theo đó, phiên bỏ phiếu tại Hạ viện chỉ có sự góp mặt của đại diện liên minh cầm quyền của đảng LDP và đảng Công minh mới (NKP), còn các đảng đối lập đều rời phòng họp để thể hiện sự phản đối. Trên thực tế, mỗi khi các đảng phái cầm quyền đưa ra một chính sách hay dự luật mới, phe đối lập phản đối và tận dụng yếu tố này để công kích nhằm làm giảm vị thế của đối thủ cũng là chuyện thường tình trên chính trường. 

Tuy nhiên, xung quanh dự luật an ninh của Nhật Bản lần này, sự phản đối của phe đối lập lại mang màu sắc khác, thể hiện quan ngại thật sự trước bước đi có phần mạo hiểm của ông Abe. Các nghị sỹ đối lập và các học giả hiến pháp cho rằng việc Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ vi phạm Hiến pháp hoà bình.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã bác bỏ những lập luận trên và bảo lưu quyết định quan trọng của nội các Nhật Bản ban hành hồi tháng 7/2014 nhằm diễn giải lại Hiến pháp, cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quyết tâm kích hoạt dự luật mở rộng vai trò của SDF ở nước ngoài, như một phần của nỗ lực “đem đến khả năng ứng phó liền mạch đối với tất cả các cấp độ của khủng hoảng”. 

Hàng ngàn người biểu tình tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng, kêu gọi ông Abe suy nghĩ lại và tẩy chay những nghị sĩ ủng hộ đạo luật an ninh mới.

Theo ông, dự luật an ninh mới của Nhật Bản không chỉ là thay đổi “sánh ngang cải cách Minh Trị”, mà còn là chấn động mạnh về địa - chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện sự trở lại đầy quyết đoán về mặt quân sự của Nhật Bản.

Không chỉ chia rẽ nội bộ chính quyền, dự luật an ninh còn dẫn đến làn sóng biểu tình trong nước. Những người chống đối cho rằng mấy chục năm theo chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản bị chính Thủ tướng Abe “vứt bỏ” mà không có lấy một cuộc trưng cầu ý dân nào. 

Người dân Nhật Bản là những người quá hiểu sự đau thương mà Thế chiến II mang lại cho họ và đất nước. Vì vậy, họ không dễ dàng chấp nhận một dự luật có thể khiến xứ sở hoa anh đào đi vào “vết xe đổ” trong quá khứ. 

Bên cạnh đó, 70 năm qua, người dân Nhật Bản chỉ chăm lo phát triển kinh tế và cảm thấy an toàn dưới cái ô an ninh của Mỹ, họ chưa quen với “nền hòa bình chủ động” như quan điểm của Thủ tướng Abe. Hàng ngàn người biểu tình tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng, kêu gọi ông Abe suy nghĩ lại và tẩy chay những nghị sĩ ủng hộ đạo luật an ninh mới trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Vì mục tiêu hòa bình

Trong 20 năm trước hay 10 năm trước, Nhật Bản đã có thể tạm thời yên ổn mà không phải thay đổi chính sách an ninh quân sự. Nhưng trong tình hình hiện nay, khi có một nước nổi lên muốn thay đổi luật chơi, thay đổi hiện trạng, thay đổi chủ quyền đất đai biển đảo thì Tokyo cũng cần phải có các biện pháp mạnh mẽ để cân bằng lại. 

Việc mở rộng quyền cho Lực lượng Phòng vệ không chỉ mang lại ý nghĩa răn đe chiến lược to lớn. Chính Thủ tướng Shinzo Abe đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ cho những ai đó muốn phá luật, phá hoại an ninh trong khu vực rằng Tokyo đã sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ một cách hợp pháp và cứng rắn khi cần thiết.

Bước cải cách mới này của Nhật Bản nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ phía Mỹ vì nó sẽ chia bớt gánh nặng về an ninh khu vực cho Washington. Mỹ cần đồng minh có khả năng làm việc chặt chẽ cùng các lực lượng quân sự để duy trì hòa bình khu vực và ngăn ngừa xung đột. 

Trong khi đó, Nhật Bản cần đảm bảo khả năng của chính mình để chống lại các mối nguy hiểm mới. Đó là lý do tại sao Mỹ có lợi ích hấp dẫn khi Thủ tướng Shinzo Abe thành công trong việc thúc đẩy dự luật an ninh mới, cho phép Nhật Bản bảo vệ bản thân tốt hơn và hợp tác chặt chẽ với Mỹ để đảm bảo hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, động thái đầy mạo hiểm của ông Abe ít nhiều vấp phải sự phản đối từ các nước láng giềng có tranh chấp. 

Dự luật an ninh mới có thể khiến cho một số nước vốn không “mặn mà” với Tokyo sẽ gia tăng cảnh giác, thậm chí lấy đây là cái cớ để đẩy mạnh những hành động quân sự mới. Bắc Kinh từng nhấn mạnh, dự luật mở rộng ảnh hưởng của SDF là “một động thái chưa từng có của Nhật Bản kể từ thời hậu chiến trong lĩnh vực an ninh và quân sự”.

Theo đó, việc tăng cường sức mạnh quân sự cùng sự thay đổi lớn về các chính sách quân sự và an ninh của Nhật Bản đã khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi rằng Tokyo sẽ từ bỏ chính sách phòng thủ và đi chệch hướng khỏi lộ trình hòa bình mà nước này theo đuổi sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Đáp trả lại Bắc Kinh, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản muốn sửa đổi chế độ quân sự sau chiến tranh đã làm suy yếu an ninh bấy lâu nay trước các mối đe dọa mới. Điều này không có nghĩa là Nhật Bản sẽ trở thành cường quốc quân sự với tên lửa đạn đạo tua tủa, vũ khí hạt nhân ăm ắp như Bắc Kinh tuyên truyền. 

Ông cũng tuyên bố rằng cải cách quốc phòng của Nhật Bản hậu sửa đổi Hiến pháp sẽ tăng cường năng lực cho Lực lượng Phòng vệ và cho phép họ tương tác tốt hơn với lực lượng quân sự Mỹ, mang lại thịnh vượng cho châu Á thông qua bảo vệ an ninh và tự do hàng không hàng hải trên tuyến đường huyết mạch ở châu Á. 

Bên cạnh đó, dự luật mới cũng sẽ tạo thuận lợi cho sự hợp tác của Nhật Bản với các nước bạn bè trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á muốn bảo vệ nguyên trạng bình yên của khu vực. Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã có đóng góp quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Để duy trì vai trò này, Nhật Bản cần một chiến lược tích cực hơn trong việc hình thành môi trường an ninh khu vực. Đó chính là những gì mà Thủ tướng Shinzo Abe nói là đóng góp tích cực cho hòa bình…

Việt Dũng
.
.