Quá mù ra mưa

Thứ Sáu, 12/04/2013, 17:34
Mặc dù đại bộ phận các nhà quan sát trên thế giới đều cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không thể nào khai hỏa chống lại Seoul vì làm thế sẽ là rút dây động rừng, có thể gây bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới, nhưng những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế.

Không ai dám loại trừ là những khiêu khích bằng lời nói trong một bối cảnh tình hình nào đấy lại không thể dẫn tới những động thái quá mù ra mưa bằng vũ lực… Mọi sự càng trở nên nguy hiểm hơn khi bán đảo Triều Tiên không là địa danh duy nhất có thể bùng nổ chiến sự.

Không phải trò đùa

Ngày 2/4, Bình Nhưỡng đã chính thức tuyên bố sẽ khôi phục lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon để sản xuất plutoni phục vụ cho việc chế tạo bom hạt nhân. Lò phản ứng này đã bị đóng cửa từ năm 2007 và tháp làm mát cho nó cũng đã bị phá hủy vào năm 2008. Theo các chuyên gia, để phục hồi hoạt động của nó cần tới thời gian chuẩn bị không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn…

Trước đó, vào tháng 3, nước này cũng lên tiếng đe dọa tấn công hạt nhân “phủ đầu” nhằm ào Mỹ và thậm chí đã đặt các đơn vị tên lửa chiến lược vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm vào lãnh thổ cũng như các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam và Hawaii… Mới đây nhất, ngày 4/4, quân đội CHDCND Triều Tiên cũng tuyên bố rằng họ đã thông qua lần cuối cùng việc phát động các cuộc tấn công quân sự không thương tiếc nhằm vào nước Mỹ với khả năng có thể sử dụng các loại vũ khí hạt nhân “tối tân”… Cùng ngày, theo các nguồn tin từ Hàn Quốc và Nhật Bản, có vẻ như Bình Nhưỡng đã triển khai tới bờ biển phía đông một tên lửa tầm trung Masudan có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở hai quốc gia láng giềng Đông Á này… Loại tên lửa này từng được phô diễn trong cuộc duyệt binh ở CHDCND Triều Tiên năm 2010… Tầm hoạt động của nó ước tính vào khoảng 3-4 nghìn km…

Những động thái trên của Bình Nhưỡng khiến tất cả các bên hữu quan xa và gần không phải lo ngại. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những động thái tương ứng để phòng ngừa tình huống xấu xảy ra. Đến như Moskva và Bắc Kinh cũng bắt buộc phải tỏ thái độ không đồng tình với Bình Nhưỡng trong những cố gắng tham dự vào cuộc chơi hạt nhân… Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng “bình tĩnh và kiềm chế”… Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 4/3 trong cuộc họp báo tại Madrid sau cuộc gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã kêu gọi lãnh đạo CHDCND Triều Tiên kiềm chế và  cảnh báo rằng bất cứ sự tính toán nhầm nào cũng có thể dẫn tới hậu quả cực kỳ nghiêm trọng…

Chiến tranh không bao giờ là trò đùa cả. Bán đảo Triều Tiên từng nếm mùi nồi da nấu thịt cách đây trên dưới sáu mươi năm và đó có lẽ vẫn là những ký ức đang còn rỉ máu trong lòng những người dân sống ở đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy bất trắc hiện nay, bất cứ một sơ sảy nào  trong ứng xử cũng như kỹ thuật cũng có thể dẫn tới  mất kiểm soát đối với tình hình ở bán đảo Triều Tiên, làm bùng lên những đụng độ bất ngờ. Thậm chí Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 3/4 trong bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình còn tuyên bố rằng, Paris không loại trừ việc nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân (trong con mắt của người cầm lái ở Bình Nhưỡng, vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe đối với những kẻ gây hấn và là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước)…

Theo tính toán của các chuyên gia phương Tây, hiện nay lực lượng vũ trang ở CHDCND Triều Tiên  có tới  1,2 triệu người và khoảng hơn 6 triệu quân dự bị, 3.500 xe tăng, 20 nghìn khẩu pháo, hàng chục tàu ngầm loại nhỏ, 600 máy bay chiến đấu và rất nhiều tên lửa đất đối đất tầm trung… Hàn Quốc cũng đang có tới 650 nghìn quân chính quy và hơn 4 triệu quân dự bị, 2.500 xe tăng, 10 nghìn khẩu pháo, một hạm đội lớn và hơn 500 máy bay chiến đấu… Trên lãnh thổ Hàn Quốc  hiện có tới 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú…

Binh sĩ Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Nơi nào cũng nóng

Nếu chiến tranh mới chỉ là viễn cảnh ghê rợn trên bán đảo Triều Tiên thì ở nhiều nơi khác trên thế giới, những cảnh đầu rơi máu chảy đang là chuyện thường ngày. Tại Syria chẳng hạn, cuộc nội chiến đang ngày một trở nên ác liệt hơn. Hơn 70 nghìn người đã bị chết và hàng triệu người trở thành vô gia cư tại đây…  Trong tháng 3 vừa qua, được coi là đẫm máu nhất trong cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm qua, đã có tới 6 nghìn người thiệt mạng. Lực lượng đối lập được sự hỗ trợ công khai và bí mật của phương Tây đang không ngừng gây sức ép với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Những nỗ lực ngoại giao xem ra đều như dã tràng xe cát vì không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Tuy nhiên, thế lực hai bên vẫn sêm sêm nhau nên chắc chắn chiến sự ở đây sẽ còn kéo dài và gây thêm nhiều hy sinh mất mát cho chính người Syria. Thậm chí không loại trừ khi bị dồn vào đường cùng, Damascus có thể sẽ sử dụng tới những vũ khí có sức hủy diệt lớn…

Cũng cần phải nói thêm rằng, chiến sự ở Syria đã làm gia tăng làn sóng tị nạn từ nước này sang các quốc gia láng giềng, gây bất ổn định cho khắp cả khu vực… Thậm chí nó còn có thể làm trỗi dậy xung đột trên cao nguyên Golan… Điều nguy hiểm hơn nữa là, trong lúc tìm mọi cách để lật đổ chính thể của Tổng thống al-Assad, phương Tây theo đúng bản chất của họ đã không ngần ngại bắt tay với cả “quỷ dữ”. Một số nguồn tin cho rằng, CIA đã tận dụng cả nguồn lực của các phần tử cực đoan để chống lại Damascus…

Cuộc nội chiến ở Syria.

Tại Iraq và Afghanistan, những chiến trường chính của phương Tây trong các nỗ lực chống khủng bố, hòa bình vẫn là một mỹ từ xa xôi. Thời gian gần đây đã vang lên những nhận định thẳng thắn về việc cuộc chiến tranh do Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung phát động ở Iraq là “vô đạo đức và bất công nhất” trong hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI. Sự bất nhẫn này làm nảy sinh nhiều sự bất nhẫn khác. Như thực tế cho thấy, các hoạt động khủng bố vẫn đang tiếp diễn hàng ngày. Những hạt mầm thù hận mà liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã gieo tại các quốc gia này trong hơn một thập niên qua sẽ không thể bị loại trừ ngày một ngày hai. Trái lại, đó sẽ là những quả bom nổ chậm có thể ám sát tương lai bình ổn ở đó…  Mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo đã bị kích thích lên tới độ lúc nào cũng có thể bùng nổ thành xung đột vũ trang…

Trong tháng ba vừa qua, tại Iraq đã có tới 274 người bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố, biến đây thành tháng đẫm máu nhất kể từ tháng 8/2012 tới nay…  Cuộc sống của người dân Iraq hiện gặp rất nhiều khó khăn. Số người thiếu việc làm hoặc thất nghiệp ở đây chiếm từ 27 tới 60% số người đang ở trong độ tuổi lao động… Afghanistan có thể sẽ rơi vào hỗn loạn sau khi lực lượng NATO rút hết khỏi đây vào cuối năm 2014.

Cũng ở trong tình trạng bất ổn và mất an ninh nghiêm trọng là Libya. Như thực tế cho thấy, chính quyền mới càng ngày càng tỏ ra bất lực trước xu thế hỗn quân hỗn quan đầy bất trắc ở đây. Những vụ khủng bố và bắt cóc liên tục diễn ra. Thậm chí ngày 31/3 vừa qua, cố vấn cấp cao của thủ tướng Libya cũng đã bị bắt cóc… Rõ ràng là thực tại và cả tương lai của nhân dân Libya đều tồi tệ hơn quá khứ của họ, khi nhà lãnh đạo Muamar Gaddafi còn nắm quyền lực…

Trong khi đó, những quốc gia đã thay đổi chính phủ do những hỗn loạn đường phố theo kiểu “mùa xuân Arab”. Tại Ai Cập chẳng hạn, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vẫn đang tiếp diễn ngày một rối rắm hơn. Tình trạng thâm hụt ngân sách đang ở mức báo động. Các lực lượng cực đoan đang công khai gia tăng ảnh hưởng của chúng. Và thói quen xuống đường “làm chính sự” vẫn tiếp tục phát triển trong nhiều tầng lớp nhân dân ở đây. Một phần ba lãnh thổ nước này hiện nay nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ.

Tháng ba vừa qua, Ai Cập vẫn là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình nhiều nhất trên thế giới (1.354 người tham gia), thậm chí cao hơn cả đỉnh điểm của giai đoạn hỗn độn chống lại chính thể của cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Có những dấu hiệu cho thấy, có thể quân đội Ai Cập sẽ lại thêm một lần nữa can thiệp vào chính trường và điều này sẽ không hứa hẹn bất cứ một triển vọng hay ho nào…

Phạm Huy Dũng
.
.