Phim Lều chõng lên đường thi hội

Thứ Bảy, 16/10/2010, 14:52
Ngô Tất Tố, tác giả tiểu thuyết "Lều chõng" sinh năm Giáp Ngọ (1894), sau đúng một hoa giáp đã về trời cũng vào năm Giáp Ngọ (1954). Thuở niên thiếu, Ngô Tất Tố chuyên học chữ Hán, mãi tới năm 14 tuổi mới vỡ lòng học chữ quốc ngữ (do quy định thi Hương sẽ có bài thi bằng quốc ngữ).

Điều lạ kỳ là, giữa lúc chữ Nho thất thế, chữ quốc ngữ còn "mới nhất sơ thành lập", tuy biết chữ quốc ngữ có muộn mằn, nhưng Ngô Tất Tố đã sớm có chủ ý bảo vệ chữ quốc ngữ, rèn luyện bút pháp riêng, ra sức tạo lập và thành thạo làm chủ các thể loại văn chương mới để thể hiện mình nhằm thực hiện ước nguyện cháy bỏng là chia sẻ, gánh vác việc đời, hết lòng chăm lo thân phận con người và khôn nguôi mong muốn gửi tới nhân gian những chiêm nghiệm trên trường đời.

"Lều chõng" là một điển hình về khai phá thể loại tiểu thuyết mới, mới cả về nội dung và nghệ thuật sáng tác độc đáo trong giai đoạn đối đầu một mất một còn giữa cũ mới, cạnh tranh gay gắt và vượt chuyển lịch sử giữa cựu học với tân học của nền văn học nước nhà. "Lều chõng" là sản phẩm văn chương đặc trưng hiếm có đương thời, là mẫu hình thể loại tiểu thuyết khó hy vọng có thể có trong tương lai.

Tầm văn hoá của tiểu thuyết "Lều chõng"

Bàn về "những xiềng xích văn chương cử nghiệp ngày xưa", Ngô Tất Tố khẳng định đó là "cái khôn khéo nhất, đáng sợ nhất" trong "chuyên chế của phương Đông giỏi nhất gầm trời, đã được tổ chức rất mầu nhiệm, lưu truyền hết đời nọ sang đời kia, khiến cho kẻ bị áp chế mất hẳn đầu óc tự do, không biết là chuyên chế nữa". Tác giả tự nhận: "Chính tôi là kẻ đã sống trong vòng xiềng xích ấy từ thuở lên sáu đến khi tuổi ngoài hai mươi, nghĩa là đời tôi đã quen với nó lắm rồi". (Tạp chí Tao đàn - 1939).

Ca ngợi đạo Nho "Trong hơn mười thế kỷ đã đào luyện, kén chọn, đã chế tạo ra các hạng người hữu dụng, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hoá", Ngô Tất Tố tỉnh táo chỉ ra: "Cũng chính đạo Nho lại chế tạo ra các hạng người vô dụng, đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong".

Đó là do "Cái học tu thân của Hán học đã thay hình đổi dạng hoá ra cái học từ chương. Lối văn khoa cử đã là một thứ hư văn vô dụng, đã làm hư nhiều người tập về nghề ấy" (Thời vụ - 1939).

Lều chõng đi thi.

Nội dung đề cập tới chủ đề rất lớn thuộc quá khứ, với bút pháp dễ hiểu, xác chỉ sâu sắc, tả chân đầy hình tượng, cùng với các tác phẩm "Tắt đèn", "Việc làng"…, "Lều chõng" đã đưa Ngô Tất Tố lên hàng tiên phong sáng lập dòng văn học mới, văn học hiện thực trong lịch sử văn học dân tộc.  

"Lều chõng" đã triển khai sâu rộng công việc chẩn đoán và bày tỏ thái độ đối với trọng bệnh quốc gia là nạn cử nghiệp đã hành hạ, giày vò và tàn phá cả "cơ thể xã hội" nước ta trong thời gian rất dài. Là tiểu thuyết lịch, "Lều chõng" chủ yếu đề cập đến nền giáo dục Hán học khi còn đương thịnh vượng hồi giữa thế kỷ XIX, lúc thực dân Pháp chưa xâm chiếm nước ta. Không nên lầm lẫn cho rằng "Lều chõng" viết về khoa cử cuối triều Nguyễn.

"Lều chõng" đầy ắp tư liệu về truyền thống hiếu học, về quá trình "xã hội hoá" dạy và học của nền giáo dục thời xưa diễn ra rộng khắp do quảng đại dân chúng lo liệu, đảm nhiệm với cống hiến và tâm huyết hết mình, vô cùng to lớn của biết bao thế hệ các bậc thầy đồ. "Lều chõng" đã mô tả tỷ mỷ qui trình đánh giá kết quả "xã hội hoá" dạy và học trong cộng đồng và cách tuyển chọn người tài của Nhà nước phong kiến tập quyền đã ra tay cai quản, chính thức áp chế bằng khoa cử: từ khảo hạch tới các kỳ của thi Hương cho đến thi Hội, thi Đình.

"Lều chõng" là nguồn vô tận, liên tục cho ra đời và không ngừng bồi đắp nên tầng tầng lớp lớp kẻ sĩ, giai tầng đứng đầu trong tứ dân - sĩ nông công thương thời phong kiến. Bắt đầu là khảo hạch để chọn lựa người dự thi Hương. Thi Hương (gọi là trung khoa) có bốn kỳ còn gọi là bốn trường, trúng ở kỳ trước mới được vào thi tiếp ở kỳ sau.

Thi Hương lấy Cử nhân là người trúng cả bốn trường, lấy Tú tài là người chỉ trúng ba trường. Tú tài không được làm quan, nhưng được dạy học. Chỉ cử nhân mới được bổ dụng ra làm quan ở cấp phủ huyện. Đỗ cử nhân là bước ngoặt đổi đời vô cùng trọng đại, là cột mốc lớn ghi công được chính thức đứng trong hệ thống triều chính và mở đường được thụ hưởng ơn vua lộc nước.

Cũng chỉ cử nhân mới được dự đại khoa thi Hội, thi Đình. Đỗ đại khoa, sau khi vinh quy bái tổ được cử làm tri phủ, tri huyện, rồi tiến thân đến Tổng đốc (đứng đầu một tỉnh lớn) hoặc Thượng thư (đứng đầu một bộ trong triều đình)...

Là tiểu thuyết phong tục, tâm lý xã hội, "Lều chõng" không chỉ làm sống lại không khí xã hội ngày xưa với những đặc trưng trong các mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã và xã hội, những phong cách sinh hoạt, ngôn ngữ, cử chỉ… của người dân mình thời xưa mà còn lột tả trạng thái tâm lý của cả xã hội bị chìm đắm trong tư tưởng học để làm quan.

Sức hấp dẫn ma quái, những ám ảnh mê hồn của con đường cử nghiệp đã kết đọng thành lẽ sống mãnh liệt không chỉ riêng trong học trò, sĩ tử mà vừa bắt rễ ăn sâu vừa trùm lợp lên cả cộng đồng, đã khống chế, chi phối cả tình yêu nam nữ, hôn nhân gia đình, tâm lý, nếp nghĩ của mọi người dân từ trẻ tới già và điều hành tư tưởng của toàn xã hội.

"Lều chõng" không chỉ là chuyện văn chương, chữ nghĩa, "Lều chõng" còn gắn bó mật thiết đến vận mệnh đại sự của quốc gia, đến sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước. "Lều chõng" đã trở thành chữ nghĩa thông dụng, dễ hiểu, đầy hình tượng khi bàn về thi cử không chỉ thời xưa mà giữa đời thường ngay cả thời hiện đại.

Vai trò định đoạt thành công chuyển thể di sản văn học thành phim và những băn khoăn về kịch bản. Đã hai lần chúng tôi đọc kỹ kịch bản chuyển thể (không phải là phóng tác) làm phim "Lều chõng": Lần thứ nhất, gồm 15 tập do tác giả kịch bản Lê Ngọc Minh trực tiếp chuyển tới (năm 2002); Lần thứ hai (có chỉnh sửa), gồm 30 tập do đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chuyển cho (năm 2009).

Là những người ngưỡng mộ "Lều chõng", từng sưu tầm, đối chiếu với nguyên bản, chú giải chi tiết về thi cử và diễn nghĩa các phần diễn âm chữ Hán khi tái bản "Lều chõng", chúng tôi xiết bao vui mừng khi biết "Lều chõng" được chuyển thể thành phim. Chúng tôi trân trọng sự gắng sức rất nhiều của tác giả kịch bản nhưng có không ít băn khoăn về nội dung chuyển thể.          

Đọc nguyên tác văn học "Lều chõng", độc giả đều thích thú với phần kết, viết về tâm trạng vợ chồng trẻ Vân Hạc. Chàng trai Vân Hạc thực tài, lễ độ, đã mải miết học hành, liên tiếp đi thi, chỉ nhằm thực hiện mơ ước làm "bà Bảng, bà Thám" của vợ, nhưng đều gặp tổn thất oan uổng, thua thiệt đau đớn, khi thì bị triều đình bác bỏ ngôi Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương) vì tuổi còn trẻ, khi thì "hỏng tuột, bị cách cả thủ khoa" suýt bị bỏ tù chỉ vì đã "dùng lầm bốn chữ" khi làm bài thi Đình, kỳ cuối của Đại khoa để bước lên bậc thang vinh quang cao nhất của khoa cử.

Sau những ác mộng về khoa cử, cái thần của Lều chõng là vợ chồng Vân Hạc đã tỉnh ngộ, giũ bỏ tất cả, trở về với đời thường, nhất mực đồng cảm, cùng nhau tâm đắc đọc "Nhàn ngâm" của cụ Nguyễn Công Trứ.

Thế mà kịch bản lại để nhân vật chính Vân Hạc đỗ đạt và thô thiển cho đó "cũng là lúc hết thời, Tây học vào, nên ông nghè ông cử chẳng là gì nữa". Sao lại có thể chuyển thể tuỳ tiện, vụng về như thế được! Điều này khiến người đọc ngờ vực về phông văn hoá và hiểu biết về "Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả" của người viết kịch bản.

Ngạc nhiên hơn nữa kịch bản còn hư cấu trường đoạn Thủ khoa Thừa Thiên gặp Thủ khoa Hà Nội với nội dung đối thoại rẻ tiền, thấp kém về văn hoá khi đưa ra vế đố tục tĩu, gọi là "dân gian" về bộ phận sinh dục khác giới. Càng không ngờ và nhố nhăng khi kịch bản cho xướng danh họ tên, quê quán của chính tác giả kịch bản hiện nay lại trở thành một sĩ tử dự thi Hương giữa thế kỷ XIX (?!).

Trước tình huống kịch bản chuyển thể có những chỗ bộc lộ sự non tay, không theo kịp tầm văn hoá của nguyên tác văn học, tuy đã có góp ý bằng văn bản nhưng vẫn không thấy sửa chữa, đã thôi thúc những người ngưỡng mộ "Lều chõng" nhiều lần trực tiếp gặp gỡ Đoàn dựng phim "Lều chõng" ngay tại trường quay tại làng cổ Đường Lâm, tại Cự Đà, tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn…

Cảm phục trước khối lượng công việc đồ sộ, phong phú và rất đa dạng của Đoàn làm phim, càng trân trọng trước trí tuệ, tầm nhìn văn hoá và những suy nghĩ chín chắn, nhất là nhân cách xử sự của đạo diễn, của nhà quay phim chính và của lãnh đạo Hãng Phim Truyền hình TP HCM thì nỗi bức xúc về những điều không xứng tầm, dễ gây phản cảm và dễ làm hỏng phim trong kịch bản đã dần dần được giải toả.

Phim truyền hình "Lều chõng" đang công chiếu, suy theo cách nghĩ về khoa cử của người xưa, có thể nói đây chính là cuộc lên đường dự thí thi Hội, hy vọng phim "Lều chõng" sẽ xứng tầm văn hoá với nguyên tác văn học và sẽ đoạt giải lớn trong Đại khoa trước Hội đồng giám khảo là công luận, là đông đảo công chúng

(*) Tác giả là con rể và con gái của nhà văn Ngô Tất Tố

Cao Đắc Điểm & Ngô Thị Thanh Lịch
.
.