Phát triển để an dân

Thứ Năm, 15/02/2007, 10:00

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế không bao giờ nên là mục đích cuối cùng của một quốc gia muốn trở nên thực sự hùng cường. Quan trọng hơn cả là phải biết cách mang những hoa thơm trái ngọt của tăng trưởng kinh tế tới tuyệt đại bộ phận các thành viên xã hội.

Nhìn trên bình diện toàn cầu, tình hình thế giới trong năm 2007 sẽ tiếp tục phức tạp với nguy cơ bùng phát khủng hoảng ở nhiều điểm nóng lưu niên. Những mối đe dọa chung như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tình trạng đói nghèo đang còn rất phổ biến, các dịch bệnh, thiên tai... cũng như tâm lý cạnh tranh đến mức đối kháng giữa không chỉ một quốc gia với nhau chưa có dấu hiệu suy giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thế giới năm nay cũng có không ít cơ hội thuận lợi cho sự nghiệp kiến quốc của nhiều dân tộc. Đã có thể nói chắc một điều, những nước nào biết tận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để tìm ra lối đi thích hợp nhất với mình giữa những đối kháng và mất mát, có thể sẽ đạt được những chỉ số phát triển khả quan trong một triển vọng sáng sủa chung của nền kinh tế thế giới.

Xoá dần khủng hoảng

Trong thời điểm hiện nay, đại bộ phận các quốc gia trên thế giới đều đã nhận thức sâu sắc được nhu cầu thiết thân phải bắt tay chặt chẽ với nhau chung sức đối phó với những mối nguy hiểm không chỉ đối với riêng ai.

Không ngẫu  nhiên mà trong diễn văn từ nhiệm, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã nhấn mạnh tới bài học đầu tiên mà ông đúc kết được sau nhiều năm làm việc tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới: "Tất cả chúng ta trong thế giới hiện đại cùng phải chịu trách nhiệm về nền an ninh chung của mình. Không một dân tộc nào có thể bảo đảm an ninh riêng bằng cách cố gắng khẳng định ưu thế của mình trước tất cả mọi người còn lại, trước những mối đe dọa nhỡn tiền như việc phổ biến vũ khí hạt nhân, sự thay đổi khí hậu, các bệnh dịch toàn cầu và các nhóm khủng bố đang tìm ra tổ ấm ở một số quốc gia bất hảo. Chỉ có nỗ lực làm việc vì nền an ninh chung, chúng ta mới có thể đảm bảo sự an ninh lâu dài cho chính bản thân mình".

Đáng tiếc đây lại là bài học chưa được áp dụng một cách thích đáng trong thực tế. Cho tới hôm nay, trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì tình trạng cạnh tranh có lúc trở thành gay gắt ngay cả giữa những quốc gia có vai trò chủ đạo trên bàn cờ quốc tế. Tham vọng trở thành "chủ xị" trong các công chuyện quốc tế đang ám ảnh một số thế lực chính trị và vì thế, chính sách đối ngoại của một số cường quốc vẫn tiếp tục mang khá đậm màu sắc bá quyền.

Điều này tác động tiêu cực đến uy tín của chính những cường quốc đó và rốt cuộc cũng ảnh hưởng tới sự ổn định chung của tình hình thế giới. Theo cuộc điều tra do hãng BBC World Service và công ty GlobeScan tiến hành mới đây tại 25 quốc gia trên thế giới, đã có tới gần nửa số người được hỏi ý kiến cho rằng Washington đóng vai trò tiêu cực trong các công chuyện quốc tế. Tại Đức chẳng hạn, có tới 64% số người được hỏi ý kiến phê phán vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Đáng lo ngại hơn nữa là, mức độ đối kháng trầm trọng hiện nay không phải xảy ra giữa những quốc gia theo những hệ tư tưởng khác nhau như thời chiến tranh lạnh mà chủ yếu lại giữa đường lối cứng rắn gắn bó với các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ với trào lưu tư tưởng mang đậm màu sắc cực đoan, chủ yếu nảy sinh tại một số quốc gia Hồi giáo. Và như thực tế cho thấy, chỉ thuần tuý dựa vào bạo lực hay các biện pháp trừng phạt kinh tế thì sẽ rất khó làm yên thiên hạ.

Thế giới đang có nguy cơ trở nên hỗn loạn cả vì các hoạt động khủng bố lẫn vì sự thiếu thống nhất trong việc xây dựng một mặt trận chung chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chính vì thế nên danh sách những điểm nóng cận kề mức báo động đỏ trên thế giới hôm nay vẫn còn không ngắn, đặc biệt cần phải lưu ý là những quốc gia như Iraq, Iran, Afghanistan, Lebanon, Somalia, Sudan, thậm chí cả Pakistan hay khu vực miền Nam Thái Lan.

Bởi thế nên ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng Thư ký LHQ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ky-moon cũng đã phải nhấn mạnh rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của chương trình hành động quốc tế trong tương lai sẽ là phối hợp chặt chẽ hơn trong giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Hoa không nở trên súng

Oái oăm là ở chỗ, lực bất tòng tâm, tại một số điểm nóng, những cuộc hành binh liên tục và quyết liệt đã không diệt trừ tận gốc được chủ nghĩa khủng bố mà lại càng như dầu đổ thêm vào ngọn lửa hận thù. Một thí dụ rất điển hình là vụ hành quyết cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào những ngày cuối cùng của năm 2006.

Đến ngay Tổng thống Mỹ George Bush về sau cũng đã buộc phải lên tiếng phê phán hành vi không mang lại hòa giải dân tộc mà chỉ gây nên hận thù nội bộ trong cộng đồng các dòng đạo và các sắc tộc sống trên lãnh thổ Iraq. Và như một hệ lụy nhỡn tiền, suốt cả tháng 1/2007, bạo lực ở Iraq đã liên tục được duy trì ở mức độ đẫm máu. Tính từ khi bùng nổ cuộc chiến tranh Iraq tới cuối tháng 1 này đã có hơn 3 nghìn lính Mỹ bị giết ở Iraq. Số lượng các cư dân sở tại bị thiệt mạng tại đây còn lớn gấp vài chục lần. Điều này không thể không khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Mọi sự đang có vẻ trở nên tồi tệ hơn khi tại Trung Đông vẫn sẽ tiếp tục xu hướng đối đầu thay đối thoại. Đang tồn tại quá nhiều khác biệt và mâu thuẫn giữa Israel với Palestine nói riêng và cộng đồng Arab nói chung, giữa các tín đồ Hồi giáo với Hoa Kỳ nói riêng và với cả phương Tây nói chung. Đặc biệt, quan hệ giữa Iran với Mỹ đang ngày càng trở nên khó hoà giải, thậm chí đã có những dự báo rằng, trong tương lai rất không xa, có thể Mỹ và Israel sẽ ra đòn tấn công phủ đầu nhằm vào Iran.

Theo tinh thần của chiến lược mới mà Tổng thống Mỹ George Bush mới đưa ra gần đây, những đối tượng thủ ác chính của Washington tại Trung Đông vẫn là Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Chính phủ Syria và lực lượng Hezbolah. Lý do sẽ được viện dẫn cho việc tấn công Iran có thể sẽ lại được ngụy tạo theo cách đã làm với chế độ Saddam Hussein ở Iraq. Tuy nhiên, nếu Mỹ tấn công Iran thì tình hình ở Trung Đông có thể sẽ càng trở nên tồi tệ hơn vì khi đấy, quân đội Mỹ sẽ không chỉ bị sa lầy ở Iraq mà cả ở Iran nữa.

Tình thế Nhà Trắng đang trở nên khó khăn trong con mắt nhìn của thiên hạ và của chính nhân dân Mỹ. Không ngẫu nhiên mà theo những cuộc thăm dò dư luận mới được tiến hành tại Mỹ hồi đầu tháng này, đa số các cư dân ở đây đều cho rằng, đất nước của họ đang đi sai đường, không chỉ trong các vấn đề đối nội mà cả trên mặt trận đối ngoại. Đang có tới 54% số dân trên toàn cầu cho rằng, sự có mặt của các đơn vị quân đội Mỹ tại Trung Đông sẽ làm nảy sinh thêm nhiều vụ khủng bố và đụng độ quân sự mới.

Hạt giống dân chủ không thể được gieo cấy trên đầu nòng súng bởi bạo lực luôn luôn chỉ gây thêm bạo lực đối kháng và vì thế, những nơi có mặt binh lính Mỹ đều dễ bị biến thành khu vực bất ổn định. Xưa nay, một xã hội thiếu ổn định không bao giờ là nơi hay ho đối với việc xây dựng các thể chế dân chủ. Iraq hay Afghanistan cũng là những thí dụ nhỡn tiền về chuyện này.

Các chính phủ đương nhiệm ở hai nước, được lập ra thông qua bầu cử (tất nhiên, có sự hậu thuẫn tối đa của liên quân quốc tế đứng đầu là Mỹ) cho tới hôm nay vẫn không thể làm giảm bạo lực và khủng bố. Trái lại, mâu thuẫn sinh tử giữa nhiều bộ phận cư dân sở tại ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đến mức có thể sẽ sớm muộn rơi vào tình trạng nội chiến.

Một thí dụ khác là tình hình ở một số nước cộng hòa thuộc không gian SNG: sau các cuộc cách mạng màu sắc theo bài bản dễ bị quy chụp là có bàn tay phương Tây dính líu, tình hình hoàn toàn không có gì khả quan hơn trước. Thậm chí tại một số nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ, nơi mà các nhà lãnh đạo mới có xu hướng muốn ngả về phương Tây hơn là tiếp tục duy trì đường lối hữu nghị truyền thống với Moskva, rốt cục đã bị lâm vào những khó khăn và rối loạn trầm trọng hơn so với khi chưa tiến hành các cuộc cách mạng màu sắc. Xưa nay, nước xa không bao giờ cứu được lửa gần.

Khéo lo thì khá

Nền kinh tế thế giới trong năm qua đã có sự phát triển khá rõ nét, tốc độ tăng trưởng được các chuyên gia ước tính là vào khoảng 5%. Tuy nhiên, năm nay không dễ lập lại thành tích cũ vì hiện đang tồn tại không ít những yếu tố có thể dẫn tới các rủi ro trong phát triển.

Tiến trình toàn cầu hóa có thể mang lại những cơ hội mới cho không ít quốc gia đang phát triển nhưng để tận dụng được những hoa thơm trái ngọt đó rất không dễ vì muốn nói gì thì nói, trật tự kinh tế thế giới hiện nay vẫn được duy trì theo nguyên tắc "nước chảy chỗ trũng". Đạt được những lợi ích lớn nhất vẫn sẽ chỉ là các cường quốc phương Tây, còn những nước "bé bát gạo, chậm quan tiền" nếu không có sách lược khôn ngoan và mềm dẻo rất dễ bị gạt ra ngoài lề sân chơi thịnh vượng chung.

Thế giới nhìn chung luôn luôn tồn tại trên những mâu thuẫn. Vấn đề là ở chỗ, cần phải biết cách không đẩy những mâu thuẫn đó trở thành những đối kháng không có lợi cho công cuộc kiến thiết quốc gia mình. Suy cho cùng, mọi khúc mắc đều có thể giải quyết theo hướng cùng có lợi trên cơ sở cùng phải chung sống một cách hoà bình. Tư duy cực đoan một mất một còn sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp.

Khi đã có được những cơ hội phát triển thuận lợi rồi, cũng cần phải hiểu rằng, các chỉ số tăng trưởng kinh tế không bao giờ nên là mục đích cuối cùng của một quốc gia muốn trở nên thực sự hùng cường. Quan trọng hơn cả là phải biết cách mang những hoa thơm trái ngọt của tăng trưởng kinh tế tới tuyệt đại bộ phận các thành viên xã hội.

Phát triển phải giúp an dân. Khác đi, sẽ có thể xảy ra tình trạng mất lòng tin vào thể chế. Lấy thí dụ nước Mỹ, năm qua mặc dù rất ăn nên làm ra về kinh tế, nhưng do đại bộ phận cư dân không được hưởng lợi từ sự phát triển đó nên rốt cuộc, trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, các cử tri Mỹ đã bỏ phiếu nhiều hơn cho đảng Dân chủ, đối thủ của Tổng thống Bush chứ không cho đảng Cộng hòa của ông

Phan Quốc Cường
.
.