Penang - miền cổ tích phong trần giữa đại dương

Thứ Tư, 06/05/2015, 20:09
Penang là một hòn đảo, cũng là một bang của đất nước Malaysia. Tôi cũng không định tìm đến Penang để hít hà sự bình yên ngày càng khiến người ta khao khát kia. Xuất phát từ việc 49 phụ nữ và 3 đàn ông Việt Nam sang Malaysia “xuất khẩu lao động”, bị các đơn vị hữu trách “đem con bỏ chợ”, thế là bị giam cầm thất điên bát đảo. Tòa báo chúng tôi đã lên tiếng tới hơn 40 bài, rồi lại còn cử tôi sang Penang tiếp tục điều tra rất chật vật.

Giữa nước sôi lửa bỏng ấy, cứ dịu dàng mà da diết, Penang vẫn bất chấp tất cả, để rồi ám ảnh tôi bởi một sự bình yên, thư thả hiếm có, một “ốc đảo” mướt xanh, với hoa lá, bướm ong, chim thú sặc sỡ sắc màu.

Ngạc nhiên ở Cù Lao Cau xứ người

Lúc bước chân ra sân bay Nội Bài, thấy bảo vù sang thủ đô Kuala Lumper của Malaysia, rồi lại lên tàu bay chuyến nữa, vượt biển đến Penang điều tra về bà con mình bị nhốt tù, tôi cứ nghĩ đảo ấy là một chốn giam cầm con người, như thể đảo Robin (Cape Town, Nam Phi) huyền thoại với nhà tù của Nelson Mandela - vị cha già “lục địa đen” ấy.

Thế rồi sau 55 phút lướt trên đường trời, cô tiếp viên bảo, đảo Penang kia kìa. Tôi hắt ánh mắt lo toan của mình từ chín tầng mây xuống. Một hòn đảo kỳ lạ, từ vài góc nhìn, nó khá giống một quả cau, chả trách sách tiếng Việt trước thế kỷ 20 vẫn gọi Penang là Cù Lao Cau, Đảo Hòn Cau, rồi tiếng Mã Lai hiện đại cũng chiết tự chữ (Pulau Pinang, Penang) là đảo hình quả cau. Quả cau thiêm thiếp ủ trong mây mù voan trắng, lá trầu không ngăn ngắt xanh là đại dương bao la. 

Từ trên cao nhìn xuống, Penang phủ một màu xanh êm dịu, mơ màng. Ở bất cứ góc máy, góc nhìn nào, người ta cũng có thể thấy “ốc đảo” không to lắm này có rất nhiều cửa sông. Sông chằng chịt, sông đan cài nhau, các góc của đảo đều có hình đầu con mực đang bơi giữa đại dương. Sông tua rua như những mớ xúc tu của một cơ thể sống đang thở nhịp nhàng. Có cảm giác, Penang vẫn đang nhô lên từ mặt biển, đất Penang đang thò ra từng râu từng mũi để lấn biển. Chung quanh tứ bề, đảo Penang đều thò ra những răng lược chải vào đại dương.

Penang, ra đến đảo, thăm bảo tàng, đọc lịch sử, đi phỏng vấn, thì tôi mới hiểu đó là đất cổ, từ thuở sơ khai đã có con người sinh sống. Tuy nhiên, mọi thay đổi lớn bắt đầu từ khi nhà hàng hải phương Tây đầu tiên đặt chân đến Penang vào năm 1592. Ông James Lancaster, người Anh đã giong thuyền buồm vượt đại dương qua công ty Đông Ấn lừng danh, rồi ghé đảo Penang, cướp phá mọi con thuyền mà ông gặp, rồi trở về Anh vào năm 1594.

Penang, nguyên là một bộ phận của vương quốc Kedah của người Mã Lai, vì sợ sự xâm chiếm của các kẻ thù truyền thống là Xiêm La và Miến Điện, nên vị quốc vương xứ Kedah đã phải đem hòn đảo xinh đẹp này cho thực dân thuê. Penang trở thành nơi định cư đầu tiên của thực dân Anh tại khu vực Đông Nam Á. Cai quản Penang bấy giờ là thuyền trưởng nổi tiếng Francis Light, ông này vốn thức thời, lại muốn cạnh tranh “một mất một còn” với các thương cảng lân cận của thực dân Hà Lan, nên ông đã biến Penang “khẩn cấp” trở thành một khu vực tự do, “trải thảm đỏ” cho thuyền bè qua lại. 

Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng.

Những kiến trúc thực dân cổ kính phong trần

Thậm chí, vị thuyền trưởng chí lớn này còn dùng súng thần công bắn cả những đồng tiền bằng bạc khổng lồ vào trong các tán rừng rậm đảo Penang để kích thích dân đói khổ tứ chiếng kéo đến tìm kiếm rồi định cư. Ông cũng không quên cấp đất đảo cho họ nữa. Chỉ tiếc rằng, tham vọng thực dân kia đã tắt phụt vì rừng thiêng nước độc Penang, quá nhiều người tử vong do sốt rét ác tính, trong đó có cả thuyền trưởng Francis Light! Một thời, người ta gọi Penang là “mồ chôn quân da trắng”. Dưới bàn tay của thực dân Anh, Penang đã có kiến trúc và văn hóa mang đậm phong cách “mẫu quốc”.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, hòn đảo xinh đẹp này bị quân đồng minh oanh kích phá hủy nặng nề, xóa sổ toàn bộ các kho tài sản mà người Anh, người Nhật đã ghi chép về lịch sử Penang. Mãi năm 1957, Penang mới trở thành một bộ phận của đất nước Malaysia độc lập rồi trở thành một bang của nước này vào năm 1963. Năm 2008, thủ phủ lịch sử của Penang là Georgers Town chính thức được liệt hạng thành một Di sản thế giới, với “phong cảnh độc đáo về kiến trúc đô thị và văn hóa mà không tương tự như bất cứ nơi nào tại Đông và Đông Nam Á”.

Người Penang hiền hòa ở vùng biển bình yên này đã kỳ công coi sóc và nâng bước cho các giá trị của đảo trở thành kỷ niệm ấm cho bất cứ gót chân lãng du nào. Người Ấn Độ, người Mã Lai, người Hoa, rồi tràn ngập du khách phương Tây bên các khu nhà chọc trời, các bãi biển hiện đại sánh tầm quốc tế, nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy Penang đông đúc hay tân thời. Chỗ nào cũng chầm chậm, dịu dàng. Đường phố lát đá, nhiều chỗ đổ cái gì như gạch nung cả khối lớn nâu trầm vẽ hoa văn cho xe hơi lướt vèo vèo. Rất lạ. Các ngôi đền Hồi giáo chóp nhọn, chóp củ hành, các ngôi chùa Trung Hoa, đền Miến Điện, đền của Đạo Hin Đu Ấn Độ, lại rất nhiều nhà thờ Thiên Chúa Giáo trắng toát, thanh thoát nhô lên từ các triền cây xanh, phố xá sơn trắng luôn rợp trời chim bồ câu. Tất cả, cứ thế đan xen nhau.

Pháo đài, thành quách cổ kính từ thời thực dân vẫn ngóc lên các họng súng thần công đón chào khách. Đoàn tàu leo núi chạy bằng dây và những bánh răng là lạ, đường dốc hun hút, ray phủ trong các tán rừng rậm, cứ thế ngược lên như một loài bò sát hoang dã của rừng nhiệt đới. Những kiến trúc thuộc địa, từ nhà thờ, các tòa thị chính, các ngôi biệt thự sang trọng phong trần, cả những tháp đồng hồ mang tên nữ hoàng Anh… đã trở thành một kho di sản lừng lẫy ở Penang. Đó dường như là lý do chính để Gorger Town trở thành di sản thế giới.

Trời phú cho hòn đảo này đủ thứ thế mạnh để làm du lịch: bốn bề đại dương hiền hòa, rừng, núi đồi cao, các dòng sông thơ mộng, hệ thống bờ biển đã hình thành cả chuỗi “kinh đô resort” nổi tiếng thế giới. Penang bây giờ gồm nhiều khu nhà chọc trời, bên cạnh các kiến trúc cổ kính thời thuộc địa (các pháo đài nhà cửa của Anh) còn có các dãy phố di sản đền chùa, hội quán, nhà cổ Chine Town (phố Tàu), kết hợp kiến trúc Maroc; và khu đền đài Hindu Tiểu Ấn (Little India) vô cùng phong phú mà không bị rối loạn. Bởi nơi đây là khởi đầu “con đường gia vị” của thế giới, là thương cảng quan trọng của trục hàng hải Á - Âu từng tấp nập thương thuyền. Sự kết hợp Á - Âu có thể thấy rõ từ tên gọi Penang theo tiếng Mã Lai, tên gọi Di sản thế giới George Town là theo tên của vị vua George III của Anh.

Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng.

Chỉ một con đường di sản, chỉ một tòa biệt thự xây từ năm 1890, được giải thưởng kiến trúc châu Á Thái Bình Dương cũng đã đủ để bạn mất cả ngày để khám phá. Chúng tôi lạc vào thế giới của di sản khắp năm châu bốn biển, cái nào cũng cổ kính dường như sinh ra để cho riêng Penang (chứ không phải là thứ phục dựng hay trưng bày làm du lịch!). Vài anh chàng gốc Ấn to béo, ở trần, nhò nhọ đen, nụ cười trắng lóa hiền khô đang trùng trục ngồi làm lễ trong một ngôi đền Hindu cổ nhất Malaysia.

Ngoài cửa, theo phong tục người ta bứng về “dựng” hai cây chuối tươi nguây nguẩy cả rễ, một bên hoa chuối đỏ ối, một bên buồng chuối xanh dài thượt. Nóc nhà thờ tạc những vị thần Hindu ở trần, mắt to, sặc sỡ sắc màu, sinh động như là ông bà ấy sắp bước ra bắt tay người chiêm bái. Xa xa là khu phố cao tầng chất ngất của Times Square. Kế bên, là một ngôi chùa cổ của người Myanmar, rồi chùa Thái Wat Chayamang với bức tượng Phật nằm dài nhất thế giới.

Ngợp sắc trong rừng bươm bướm xinh!

Trong mắt các nhà thực dân khai thác thuộc địa xưa, Penang được coi là “hòn ngọc vùng Viễn Đông”. Biển ấm tràn ngập nắng, thiên nhiên hoang dã và quyến rũ. Người Penang, từ năm 1986 đã biết thành lập “Penang butterfly farm”, ngôi nhà bướm đầu tiên của Đông Nam Á, rộng 8ha, với hơn 4.000 con bướm thuộc 120 nhóm bướm Malaysia khác nhau. Rợp trời bươm bướm xinh bay lượn, chà chạt vào du khách, rồi bạn có thể tham quan các tổ bướm, tổ sâu, tổ kiến được làm cầu kỳ đẹp mắt. Bạn có thể bôi mật lên tay để dụ bướm đủ sắc màu đến.

Có cô gái Hàn Quốc bôi mật hoa lên người, bướm đậu kín rồi tung bay, có cảm giác chúng khiêng cô gái lên đỉnh trời được. Bướm sinh sản, bướm con, bướm lớn, bướm phũ phàng thò vòi hút mật hoa, lũ bướm tranh nhau ăn như âm binh quấy quả ông thầy cúng, chứ chả dịu dàng nữ tính chút nào đâu… - bạn sẽ khám phá mọi điều về chúng trước sự nhiệt tình vô tư lự của các hướng dẫn viên người Mã. Đặc biệt thú vị là rừng cây “nắp ấm”.

Từ ngoài ngã ba vào farm (nông trại) bướm, người Penang đã dựng giữa bùng binh một tượng đài cây nắp ấm cao như ngôi nhà. Nó mở sẵn cái bẫy côn trùng khổng lồ, giả dụ có con ngỗng 30kg rơi vào cũng bị “đậy nắp ăn thịt” được. Còn trong nông trại bướm, từng hàng cây nắp ấm há miệng đủ sắc màu chờ côn trùng đến “nộp mạng”.

Người Penang hóm hỉnh treo biển “cup of monkey” ở vườn cây nắp ấm. Họ cho rằng, bọn khỉ hay đi qua rừng cây ăn côn trùng này, nước mưa đọng trong những cái “ấm nước” thiên nhiên mở nắp, khỉ ta hiếu động, mỗi đứa thường cầm một “ấm nước” và cụng ly uống cạn. Ngạc nhiên hơn, giữa Penang lại còn có cả khu rừng rậm nhiệt đới rộng tới 40ha, mang tên Bukit Metajam.

…Từ bấy, mỗi lần đến một hòn đảo nào đó ở Việt Nam hay các quốc gia khác, tôi lại thêm một lần nhớ Penang, “ốc đảo bình yên” với vẻ cổ kính phong trần giữa đại dương bất tận...

Đỗ Doãn Hoàng
.
.